.

 PHẦN III
TÁC PHONG CỦA HUẤN LUYỆN VIÊN



Câu hỏi 41: Tác phong của huấn luyện viên đối với võ sinh ra sao ?
Huấn luyện viên phải biết hòa mình với võ sinh trong lớp, không phải lúc nào cũng quá nghiêm, cần phải linh động trong lúc khen, chê sự luyện tập của võ sinh, biết săn sóc võ sinh và gây thiện cảm với võ sinh. Ngoài ra là một người phổ biến võ thuật và phát huy võ đạo, huấn luyện viên phải tự mình giữ vững tác phong của một huấn luyện viên: Trang phục chỉnh tề, tóc tai đàng hoàng, không uống rượu, không hút thuốc trong võ đường, phải lịch thiệp, nhã nhặn và xử sự đứng đắn với mọi người.

Câu hỏi 42: Đối với nữ võ sinh, huấn luyện viên cần giữ tác phong như thế nào ?
Riêng đối với nữ võ sinh Huấn luyện viên cần phải giữ tác phong hơn nữa. Huấn luyện viên cần phải nghĩ đến thanh danh môn phái, của chính bản thân mình và nhất là nữ võ sinh (cha mẹ của nữ võ sinh cho con học võ mặc nhiên giao trọn thanh danh của nữ võ sinh cho người dạy). Huấn luyện viên tuyệt đối tránh vấn đề nam nữ giữa huấn luyện viên và nữ võ sinh.

Câu hỏi 43: Muốn thực hiện một lớp võ, huấn luyện viên phải làm những gì ? hãy giải thích đại cương.
Tổ chức một lớp võ gồm nhiều thành phần, huấn luyện viên ngay từ đầu phải:
a. Sắp xếp võ sinh: Xem võ sinh thuộc những thành phần nào để xưng hô đúng cách, đối xử hợp tình. Huấn luyện viên có thể sắp xếp vị trí cho võ sinh tùy theo trình độ học vấn, tuổi tác, vóc dáng, nam nữ...
b. Tìm hiểu khả năng của võ sinh: Huấn luyện viên phải biết khả năng luyện tập, sức chịu đựng của võ sinh để huấn luyện đúng mức.
c. Tìm hiểu phần tử phá hoại trong lớp: quan sát những kẻ nào có ý phá hoại gây rối, chọc phá, muốn thử võ... để có biện pháp ngăn chận hữu hiệu hầu giữ lớp học có kỹ luật.

Câu hỏi 44: Ích lợi của sự biểu diễn võ thuật ra sao ? khi nào chúng ta không chấp nhận cuộc biểu diễn ?
Cuộc biểu diễn Vovinam là một cơ hội tốt để giới thiệu Vovinam cho quần chúng hiểu và có mỹ cảm đối với Việt Võ Đạo hay có thể gia nhập Vovinam Việt Võ Đạo.

*. Việt Võ Đạo sinh từ chối những cuộc biểu diễn trong những truờng hợp:
- Có tính kỳ thị võ phái, gây chia rẽ
- Có sự lủng củng nội bộ của đoàn thể, tôn giáo mời biểu diễn
- Không gây được sự phá thuy Việt Võ Đạo
- Khung cảnh, môi trường, khán giả không thích hợp với cuộc biểu diễn Việt Võ Đạo (biểu diễn cho thực khách xem hay biểu diễn để mọi người giải trí, chè chén)

Câu hỏi 45: Nếu ban tổ chức có nhã ý điều khiển cuộc biểu diễn Vovinam Việt Võ Đạo sinh phải có thái độ như thế nào ? Muốn cuộc biểu diễn thành công Việt Võ Đạo sinh phải ghi nhớ những gì ?
a. Rất sẵn lòng để ban tổ chức giới thiệu về Vovinam (nhưng phải giúp tài liệu cho ban tổ chức). Riêng về phần điều khiển biểu diễn võ thuật, người trong đoàn biểu diễn sẽ đảm trách phần kỹ thuật này.
b. Người biểu diễn chú tâm vào tinh thần và cách thể hiện đồng thời người điều khiển chương trình phải biết ứng biến lanh lẹ và hiểu tâm lý người xem.

Câu hỏi 46: Thế nào là dân ca lời mới ? Thế nào là đạo ca ?
a. Dân ca lời mới là những khúc ca mang âm hưởng độc đáo của dân tộc trong một nước hay trong một vùng được sửa đổi lời ca cho thích hợp với tâm hồn của Việt Võ Đạo sinh hiện tại.
b. Đạo ca là những bản nhạc, những bài hát mang âm hưởng thanh cao, hùng mạnh, nội dung biểu tượng được tinh thần Việt Võ Đạo.

Câu hỏi 47: Nội dung những bài ca môn phái ra sao ? Cần gạt bỏ loại nào ?
Bài ca của môn phái phải có tính chất: Hào hùng, sống động, hướng thượng đượm tình thân yêu dân tộc, giống nòi, tạo sự phấn đấu mảnh liệt thúc đẩy hăng hái alm việc trong tình thần tập thể. Vì vậy, những bài ca môn phải thiên về những bài đạo ca, dân ca lời mới, hùng ca hay những bài ca tình cảm thanh cao cùng những bài ca vui tươi, cởi mở, ý nhị.
Trái lại, cần gạt bỏ những bài ca ủy my, yếu hèn, hạ cấp hay những bài ca thác loạn, kích động, lố lăng trong các buổi sinh hoạt.

Câu hỏi 48: Tại sao Việt Võ Đạo sinh không được trình diễn những bài ca ủy mỵ, yếu hèn hay kích động, lố lăng trong những buổi sinh hoạt môn phái ?
Do những nguyên nhân sau:
- Không thích hợp với tinh thần Việt Võ Đạo sinh
- Việt Võ Đạo sinh không phải là những ca sĩ chuyên môn để trình diễn những bài ca đó.
- Việt Võ Đạo sinh ca hát dễ nung cao chí khí và sự nỗ lực làm việc chớ không để tiêm nhiễm sự yếu hèn, suy nhược, chán nản.

Câu hỏi 49: Tại sao Việt Võ Đạo sinh phải hát những bài đạo ca trong buổi sinh hoạt môn phái.
Luôn luôn trong những buổi sinh hoạt môn phái, Việt Võ Đạo sinh hát những bài đạo cao vì:
- Đạo ca đã được chọn lựa nên có tính chất Việt Võ Đạo.
- Việt Võ Đạo sinh hát để mọi người hiểu được tình cảm, tinh thần của người môn sinh Việt Võ Đạo.
- Thính giả thường ít được thưởng thức văn nghệ Việt Võ Đạo nên họ sẽ thích thú được nghe những bài ca Việt võ Đạo hơn là những bài ca của các tập thể khác.

Câu hỏi 50: Muốn cuộc biểu diễn thành công, Việt Võ Đạo sinh phải ghi nhớ những gì ?
Người biểu diễn phải chú tâm vào tinh thần và cách thể hiện, đồng thời người điều khiển chương trình phải ứng biến mau lẹ, và hiểu rõ tâm lý người xem.

Câu hỏi 51: Thống nhất chỉ huy là gì ? Hãy giải thích đại cương ?
- Thống nhất: tạo thành một mối duy nhất
- Chỉ huy: Ra hiệu lệïnh để sai bảo thuộc cấp
- Thống nhất chỉ huy: Ra lệnh cho thuộc cấp thi hành theo một đường lối duy nhất, một hệ thống chỉ huy đã định.
Làm thế nào để thống nhất chỉ huy ? - Muốn thống nhất chỉ huy người chỉ huy phải lưu ý đến những điểm sau:
a. Cơ quan ra lệnh phải thống nhất (đừng ra lệnh khi này, khi khác)
b. Giải thích lệnh và giới hạn lệnh
c. Kiểm soát sự thi hành lệnh
d. Phải có một hệ thống chỉ huy hữu hiệu
e. Cách thi hành phải thống nhất.

Câu hỏi 52: Thế nào là ủy quyền ? Sự cần thiết của ủy quyền ?
Ủy quyền là giao một số quyền hành cho một người hay một cơ quan để họ giải quyết nhưng vấn đề trong khuôn khổ nhiệm vụ của họ.
Thí dụ: Ủy quyền cho huấn luyện viên A quyền huấn luyện, quyền thưởng phạt một lớp võ để người này thi hành trọn vẹn nhiệm vụ huấn luyện của họ (nếu không người này chỉ là phụ tá)
Sự ủy quyền rất cần thiết vì những lý do sau đây:
- Làm thăng tiến thuộc viên (cho họ quyền hạn để họ thực hiện những gì đã biết, hay giải quyết những việc khó khăn trong khi thi hành nhiệm vụ).
- Người chỉ huy không thể tự mình làm hết mọi việc,vì vậy phải giao lại cho cộng sự viên có khả năng đó.

Câu hỏi 53: Sự ủy quyền đòi hỏi những điều kiện nào ?
1. Quyền hạn tương xứng với nhiệm vụ: Để cho thuộc viên có đủ tinh thần vật chất để tăng hiệu năng làm việc.
2. Phải chọn đúng người để ủy quyền: Chọn người có khả năng và thích hợp với việc được giao phó cần thực hiện.
3. Giải thích và giới hạn quyền: Cho người được ủy quyền biết quyền hạn của mình gồm những quyền nào, được hành sử những quyền hạn đó đến mức hạn định nào !
4. Kiểm soát quyền: Để cho họ được tự do giải quyết nhiệm vụ của họ, nhưng phải kiểm soát luôn luôn hầu tránh sự sử dụng quyền không đúng mức hoặc lạm quyền. Nên nhớ người ủy quyền hoàn toàn chịu trách nhiệm về kết quả công việc đã giao phó cho người thụ ủy.

Câu hỏi 54: Sự cần thiết của thưởng phạt ra sao? Nguyên tắc của thưởng phạt như thế nào ?
Đoàn thể nào cũng có kỷ luật để trật tự hóa hoạt động của mình. Có công thì thưởng, có tội thì phạt, sự thưởng phạt nhằm ý hướng khích lệ và răn trị đoàn viên trong việc góp công xây dựng đoàn thể và duy trì kỷ luật đoàn thể.
Nguyên tắc của thưởng phạt bao gồm chữ: Phạt nghiêm, thưởng xứng với điều kiện sau: 
- Phải căn cứ vào bằng cớ xác tín của người được thưởng hay bị phạt.
- Ấn định trừng phạt đồng đều.

Câu hỏi 55: Sự thưởng phạt có hiệu quả ra sao ? Giải thích đại cương sự lợi hại của thưởng phạt:
Sự thưởng phạt mang lại cho thuộc viên những tâm lý sau:
1. Thưởng: Ước ao, mong muốn cố gắng hoạt động hăng say.
2. Phạt: Sợ, cố tránh, làm việc phải nghĩ đến kỷ luật.
Thưởng phạt có những lợi hại như sau:
a. Lợi: Thưởng hợp tình, hợp lý, thuộc viên hăng say làm việc hơn, có sự thông cảm hợp tác giữa cấp chỉ huy và thuộc viên.
b. Hại: Gây bất mãn, hiềm khích và có thể tan vỡ hoạt động của đoàn thể nếu:
- Phạt không nghiêm, thưởng không xứng
- Thưởng phạt bất công, thiên vị.

Câu hỏi 56: Quan niệm thưởng phạt của Việt Võ Đạo sinh ra sao ?
Muốn thưởng phạt nghiêm xứng, Việt Võ Đạo sinh phải hằng quan tâm đến thuộc viên của mình, khi phạt phải nhìn rõ hành động của thuộc viên để nhắc nhở hay cảnh cáo tùy theo lỗi nặng nhẹ. Người chỉ huy phải lưu ý đến từng sơ xuất lỗi lầm nhỏ của thuộc viên để cho thuộc viên kiện toàn con người của mình (vì lỗi nặng là lỗi nhỏ tạo thành nếu không sửa từ đầu).

Gặp trường hợp nhắc nhở nhiều lần những thuộc viên không sửa lỗi, người chỉ huy có thể áp dụng hình phạt nặng theo qui lệ của môn phái. Hình phạt chỉ được ân giảm khi thuộc viên thực tâm sửa lỗi bằng sự làm việc, bằng kết quả hoạt động của mình đối với đoàn thể. Người chỉ huy có khi cần phải để đoái công chuộc tội nếu kẻ phạm lỗi có nhiều công lao với đoàn thể.

Đối với kẻ có công lao, tinh thần và nhiều cố gắng, người chỉ huy pahỉ biết tưởng htưởng họ. Muốn thưởng, Việt Võ Đạo sinh phải xem người được thưởng muốn gì? Vì vậy phải luôn luôn quan tâm đến hoàn cảnh, gia đình, hoài bảo, lý tưởng, chí hướng và sở thích của thuộc viên.

Tóm lại, sự thưởng phạt của Việt Võ Đạo sinh nhằm ý hướng kiện tòan con người luôn luôn phải quan tâm đến thuộc viên, đồng thời sự thưởng phạt phải tùy theo hoàn cảnh và phương tiện sẵn có cùng những hình thức theo qui luật của môn phái. Việt Võ Đạo sinh phải dùng lý trí để phân định mức tưởng thưởng, phạt đối với thuộc viên, những sự thưởng phạt bao giờ cũng dùng tình cảm chân thật để đối xử với người.

 

Xem tiếp trang kế

 


 

..