VÕ ĐẠO LÀ GÌ ?

 

Võ Sư Nguyễn Anh Dũng

 

I.                   KHÁI QUÁT:

 

Bất cứ ngành học thuật nào đạt tới mức nghệ thuật và dẫn dắt đời sống tinh thần của con người thêm phong phú, thanh cao, hướng thiện, đều xứng đáng tôn vinh là “Đạo”.

 Nhớ có tư duy, trí tuệ, khả năng phân biệt đúng sai, phải quấy, tốt xấu, thiện ác, óc suy luận, sáng tạo, và nhất là tính cần cù lao động; con người khởi thủy từ ăn long ở lỗ, nhưng đã vượt lên thành chúa tể muôn loài.

 Song song với đời sống vật chất, con người cũng nâng cao đời sống tinh thần qua các ngành  văn hoá nghệ thuật, trong đó có một số lãnh vực được thăng hoa vi dịệu thành ĐẠO như:  Hoa đạo, Trà đạo, Thư đạo, Kiếm đạo, Võ Đạo v.v… sản sinh ra bao tư tưởng triết lý thâm sâu, không kém phần thú vị và ích lợi cho nhân sinh. Nhưng đó không phải là tôn giáo, người ta tôn sùng vì phù hợp với sở thích, với quan điểm cá nhân, đến vì cơ duyên, bằng sự tự nguyện chứ không khiên cưỡng hay ép buộc.

 II.                DIỄN TRÌNH TIẾN HOÁ

Từ khi có loài người xuất hiện trên trái đất, võ cũng đã có mặt để giúp con người sinh tồn trước thiên nhiên, thú dữ và … đồng loại; lúc ấy võ chỉ đơn thuần là sức lực bản năng của con người, mạnh sống yếu chết, dung sức cơ bắp để chiến đấu là chính – VÕ LỰC.

Sau đó trải qua bao nhiêu thế hệ đúc kết, VÕ THUẬT xuất hiện.  Võ thuật là phương pháp dùng sức sao cho đạt hiệu quả cao nhất trong chiến đấu.  Sự vận động khéo léo làm thay đổi tình huống từ bất lợi sang có lợi, từ bị động sang chủ động để thoát hiểm hiệu quả và khống chế đối phương dễ dàng.

Võ thuật giúp sức người tăng lên nhiều lần qua các thế miếng hiểm hóc, chỉ một cử động gọn nhẹ vẫn có thể làm đối phương ngã lăn quay, nhờ thể hiện thuần thục, nhanh nhẹn, vững vàng cộng với óc phán đoán chuẩn xác đầy trí tuệ.

 Tính tìm tòi sáng tạo của con người không chịu dừng lại.  Đến một thời điểm thích hợp và môi trường thuận lợi, xuất hiện những nhân vật kiệt xuất, thiên tài, biết quan sát trong hoạt động sinh tồn, đã tìm ra những qui luật vận động, các nguyên tắc vật lý, khai thác tối đa ưu điểm bản thân và biết che dấu hoặc xoá đi nhược điểm, để rồi đúc kết thành bản lĩnh cá nhân; sau đó truyền thụ cho hậu sinh.  Võ Thuật được nâng lên tầm cao mới  - VÕ THUYẾT -  tức cơ sở lý luận, phân tích lý giải và tổng hợp được những qui luật vận động, hệ thống được các phương pháp luyện tập cũng như truyền đạt.  Đây là thời kỳ các võ phái xuất hiện, dù còn phôi thai nhưng cũng ích lợi đáng kể, đáp ứng được nhu cầu rèn luyện của người.

III.             VÕ ĐẠO LÀ GÌ ?

Đạo mang ý nghĩa conđường, suy rộng ra là hệ thống triết lý.  Võ Đạo tức hệ thống triết lý về võ, vạch ra khuynh hướng và đường hướng tu dưỡng, rèn luyện cho người tập võ , để thể chất và tinh thần được nâng lên đỉnh cao, hình thành tính chịu khó, kiên nhẩn, không ngại gian khổ, vượt thắng chính mình, tính kỷ luật trong sinh hoạt tập thể, sự điều độ trong đời sống hàng ngày, kiểm soát được hành vi trong xử kỷ tiếp vật, giàu trí tưởng tượng và phát triển óc sáng tạo.  Hơn nữa, võ đạo tạo được sự liên kết, tương thông, mối đồng cảm giữa các cá thể, dù thân hay sơ, xa hay gần.  Đó là kết quả của nền võ đạo chân chính.

IV.              CHẤT LIỆU XÂY NỀN VÕ ĐẠO:

Nói đến võ ai cũng nghĩ rằng đó là những động thái mang tính cơ bắp, mạnh bạo, sát phạt để tranh thắng.  Con nhà võ hay có tính kiêu căng ngạo mạn, hiếu thắng, thơ lỗ. Những hình ảnh này thường thấy trong cuộc sống, trênvõ đài, truyền hình, báo chí … CÁc võ sĩ tuyên bố khích bác lẫn nhau, không ai chịu thua dù chỉ nữa lời, để rồi đấm đá nhau chí chết trên sàn đấu. thẳng thắn mà nói họ thô bạo và tàn nhẫn chẳng qua vì kiếm tiền, vì lấy tiếng…Kiểu cách này không thể dung làm chất liệu xây nền võ đạo.

Để có nền tẳng vững chắc, một môn phái võ đạo phải khẳng định mình qua những điều kiện tối thiểu như sau:

  1. HỆ THỐNG VÕ THUẬT:

Phải hội đủ năm yếu tố cơ bản để phục vụ tốt cho con người:

  1. Phải có những bài tập hiệu quả trong việc phát triển các tố chất thể lực, nâng cao sức khoẻ con người, phòng chống được bệnh tật và thoái hoá của cơ thể.
  2. Có được một hệ thống kỷ thuật linh diệu trong tự vệ, hiệu quả trong chiến đấu.
  3. Các bải võ mẫu kinh điển đầy ngoạn mục, hấp dẫn người tập cũng như người xem, gây hứng thú và ham thích trong luyện tập.
  4. Hệ thống lý luận về võ học phải có sơ sở vững vàng, sự uyên thâm được chứng minh qua trãi nghiệm chứ không áp đặt một cách duy ý chí.
  5. Chương trình huấn luyện và phương pháp giảng dạy phải khoa học, phù hợp với giới tính, hạn tuổi; đạt kết quả nhanh, không gây tai nạn hay tác dụng phụ hoặc di chứng cho người tập.
  1. TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC:

Tư tưởng triết học võ đạo phải được sản sinh từ các hoạt động sống của võ, từ những người đã thấmnhuần, tinh thông võ thuật chứ không thể lượm lặt qua các lảnh vực triết học khác.  Mẫu số chung của các ngành triết học là phục vụ loài người, nhưng từng nét riêng không thể nhầm lẫn gán ghép với nhau; cũng không thể lấy khuôn vàng thước ngọc của tôn giáo lồng vào hệ tư tưởng của võ và cho đó là võ đạo.  Tư tưởng võ đạo phải đầy tính nhân bản, không được xa rời thực tế; nếu không, chẳng thể nào xâm nhập vào tâm hồn người, nói chi đến việc được số đông ủng hộ.

Ngoài ra, một số mặt khác cũng không kém phần quan trọng, thuộc hệ tổ chức bộ máy.  Các bộ phận hành chính, huấn luyện, thông tin, nghi thức, nghiên cứu, tài chính, lễ hội… phải được bố trí vận hành nhịp nhàng, hiệu quả.

Điều cốt lõi nhất vẫn là xây dựng được mối quan hệ thật tốt đẹp giữa người và người, trong cũng như ngoài môn phái.  Chính những tình cảm tốt đẹp ấy chứng minh hùng hồn tinh thần võ đạo thật sự hữu ích chứ không nói suông theo sách vở giáo điều.

V.                 VÕ ĐẠO VỚI XÃ HỘI HIỆN ĐẠI:

Ngày nay con người rât văn minh, sống có luật pháp, có công cụ tối tân trong các ngành sản xuất, vật chất xã hội đầy đủ, các phương tiện phục vụ đời sống ngày càng tinh vi và tiện nghi.  Ngược lại, con người luôn căng thẳng và tất bật với cảnh đời  đất chật người đông, quay cuồng tranh sống, nghèo tranh theo nghèo, giàu tranh theo giàu.  Trong mỗi con người dễ xảy ra hiện tượng mất quân bình, hoặc ở thể chất hoặc tinh thần.   Cơ thể suy nhược, thoái hoá,thần kinh căng thẳng, nội tiết rối loạn, tạng phủ suy yếu, làm nảy sinh bao nhiêu bệnh chứng.  Lao động tạo ra của cải để huởng thụ, nhưng khi bệnh tật hành hạ xác thân, mọi thứ sung sướng trên đời đều vô nghĩa.

Giai đoạn Võ là chất liệu kiến tạo lịch sử đã qua rồi, chiến tranh ngày nay có thể giết người hàng loạt chỉ cần một ngón tay bấm nút.  Nhưng Võ Đạo vẫn luôn đồng hành với con người.. Các bài vận động có phương pháp giúp ta hồi phục nhanh chóng những hao tổn của cơ thể sau quá trình làm việc; bầu khí chan hoà tình cảm của lớp tập cộng với sự chiêm nghiệm cái hay, cái đẹp của võ làm xã giản bao ưu tư bực bội, căng thẳng của óc não.  Nói chung sinh hoạt võ đạo mang lại quân bình cho người tập, sức khoẻ tăng tiến, phòng chống bệnh tật, biết đủ với sinh hoạt vật chất, biết bình hoà trong đời sống tinh thần, tình cảm, biết yêu thiên nhiên, yêu đồng loại, yêu cuộc sống.  Võ Đạo sẽ mang lại hạnh phúc cho những ai biết vận dụng.

VI.              Thay lời kết: VÕ ĐẠO VỚI NỘI TÂM:

Phải xuất phát từ lòng ham thích, đam mê, mới thấy được từng góc cạnh thú vị của Võ.  Phải tư duy sâu lắng mới nghiệm ra được chiều thâm viễn tàn ẩn của võ đạo. Một nét phát đơn sơ, nhưng chính là phức hợp của nhiểu chuyển động; câu nói tưởng chừng vô nghĩa nhưng bao hàm một triết lý cao xa.  Mỗi lần hít vào  thở ra, cảm thấy luồng chân khí luân lưu rần rần trong huyết quản, ánh mắt như loé hào quang, quyền cước như sao sa chớp giật, bước chân thoăn thoắt như phiêu hốt, thân pháp xoay lướt tựa giao long uốn khúc giữa ba đào.

Mặc ai đua chen tranh sống, ta chỉ cố chiến thắng bản thân mình.  Vượt được một thử thách, trong lòng chất thêm một niềm vui, đạt được một công phu, tinh thần càng thêm sảng khoái.  Trong khó khăn nghịch cảnh, chính võ đạo là người bạn trung thành nhất, người thầy tận tâm nhất, nguồn năng lượng vô tận cung cấp cho tâm thân luôn sung mãn an nhiên.

VÕ SƯ NGUYỄN ANH DŨNG