VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO
VÕ THUẬT trong ĐỜI SỐNG

Võ Sư Nguyễn Tiến Hóa


Môn phái VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO là một môn phái Võ Đạo, do người Việt Nam sáng tạo; mặc dù mới trên 60 năm hoạt động, môn phái VOVINAM đã có hằng triệu môn đồ trên khắp năm châu. Rất xứng đáng cho mọi người Việt khắp mọi nơi tự hào và hãnh diện.
Nói đến Võ Thuật người ta hay nói đến công phu thượng thừa, cử đảnh ngàn cân, múa kiếm kinh hồn, lấy mạng người trong nháy mắt. Thật ra, đó chỉ là những ý tưởng xuyên suốt cả mấy trăm năm ,ngàn năm về trước; võ thuật lúc đó như một sức mạnh, một yếu tố không thể thiếu trong xã hội thời đó để có thể dành lấy sự tất thắng cho con người.
Ngày nay, Võ Thuật không còn là một yếu tính tất thắng đó nữa. Ta hãy xem 2 quả bom nổ ở Nagasaki và Hisrosima thì thấy sức mạnh của võ thuật nào có thể sánh bằng ?
Võ thuật thời xa xưa là phải đi lên rừng, xa rời quần chúng, ngày đêm luyện tập : Từ luyện công, luyện Khí, luyện Kiếm, luyện chưởng..v..v…

Từ năm , mười năm, hai chục năm để khi xuống núi thì võ công đã xuất chúng.
Người có tinh thần hào hiệp thì đi hành hiệp giang hồ, phò nguy, cứu chúa, giải thoát những bất công của xã hội .

Người không muốn giang hồ hành hiệp thì tham gia vào các tổ chức chánh quyền, thi cử võ thuật để làm quan Võ, làm quan tể tướng đi dẹp giặc, đánh Đông dẹp Bắc giúp nước trấn an bờ cõi.

Có những người, khi có Võ Thuật cao cường thì muốn tung hoành giang sơn một cõi, tạo ra những luật lệ riêng biệt, như truyện 108 anh hùng Lương Sơn Bạc..v…v…. Chính khởi điểm từ Võ Thuật, mà con người ngày nay đã sáng chế ra súng đạn, và súng đạn đã thay thế cho những chiêu thức kinh hồn, đường kiếm tuyệt luân, và cũng chẳng cần phải vào rừng, lên núi luyện tập mấy chục năm. Nếu cần hạ địch thủ chỉ cần chĩa thẳng mũi súng vào đối phương, bóp cò….Và đường kiếm này khó có cao thủ nào đỡ nổi ! ?

Những ngày vừa qua, những ai có theo dõi báo chí hay tin tức trên các màn ảnh , chắc có nghe tin một chú bé đã lấy súng của ông bà nội, bắn chết cả hai ông bà, rồi vào trường bắn chết cô giáo, một số các bạn bè, và cuối cùng bắn vào chính mình ! Một thảm họa của thế kỷ khoa học tân tiến !

Quan niệm học võ trong thời đại mới ra sao ?

Người xưa học võ như một thứ võ khí sống còn. Võ khí càng tinh vi, kỹ thuật càng tinh xảo thì địa vị xã hội càng thăng tiến. Ngày nay Võ Thuật đã thay đổi theo thời gian. Võ Thuật ngày nay là một môn Thể Dục mang tính kỹ thuật cao. Ngoài sự luyện tập cho thân thể được cường tráng, sức khỏe dẻo dai, và còn giúp cho người tập luyện có được óc phán đoán mau lẹ, phản ứng kịp thời những bất trắc xảy ra trong cuộc sống.

Võ Thuật ngày nay, nếu các võ phái biết nâng lên hàng Võ Đạo, thì Võ Thuật là một bộ môn giáo dục, dùng Võ Thuật như một phương tiện luyện tập , tu Tâm luyện Thể : Người luyện Võ chú tâm để luyện một cú đá , một cú đấm cho đúng; sau đó luyện tung quyền, phóng cước liên hoàn theo chiêu thức của mỗi bài bản tùy theo môn phái. Sự luyện tập đòi hỏi sự chịu đựng, kiên nhẫn, quyết tâm và tài khéo léo; chính lúc luyện tập này khiến cho các môn sinh học hỏi cũng như sửa đổi tính tình. Và cũng chính trong sự luyện tập đó tạo cho các cơ bắp có dịp vận chuyển, tăng dần sức khỏe; gân cốt trở nên dẻo dai.
Người luyện võ càng cao thâm thì tâm hồn càng lắng đọng, trở nên trầm tĩnh, không bị khuấy động dễ dàng.

Vì thế, Võ Thuật ngày nay không thể thiếu trong mọi gia đình, từ già đến trẻ : Nếu muốn khỏe mạnh thì không gì hơn là tập Võ Thuật.
- Người gìa thì tập luyện VÕ DƯỠNG SINH.
- Người trẻ thì luyện VÕ THUẬT CĂN BẢN.

VÕ DƯỠNG SINH (THỂ DỤC DƯỠNG SINH) giúp cho người già có dịp làm quen với những thao tác nhẹ nhàng, dễ dàng, hít thở theo nguyên tắn căn bản, tìm về nguyên vị, hòa nhịp cùng thiên nhiên để tìm lại những phong độ tuổi thanh xuân, giúp ngăn ngừa những chứng bệnh hiểm nghèo mà dù ngaỳ nay khoa học cũng khó có thể giải quyết được: Bệnh Trầm Cảm, bệnh Cao Áp Huyết, Cholesterol, đau lưng cấp tính, sơ cứng động mạch tim..v..v..

Khi tập Võ Dưỡng Sinh, người tập nên chú trọng vào hơi thở, tập trung tư tưởng, vận khí di chuyển máu huyết lưu thông trong cơ thể, đem máu lên não bộ; vì tuổi càng gìa thì tim sẽ yếu đi, nên đem máu nuôi óc càng ít đi. Vì thiếu máu, thiếu Oxygen nên tạo cho mắt mờ, trí nhớ trở nên lú lẫn; và khi máu không cung cấp đủ cho não bộ, chính là lúc căn bệnh Tai Biến Mạch Máu Não phát tác.

Tập Võ Dưỡng Sinh giúp cho Hoành Cách Mô mở rộng, các phế nang đã từ lâu bị bỏ quên, nay làm việc lại, giúp cho người tập hít thở đuợc nhiều dưỡng khí hơn (Có thể gấp đôi những lúc bình thường)

Võ Dưỡng Sinh chính là môn KHÍ CÔNG bậc một của các võ phái lớn trên thế giới. Khi tập Võ Dưỡng Sinh cũng là lúc người học viên học cách tập trung Ý -Lực để chuyển Khí, khai thông các huyệt đạo, giúp tăng cường sinh lực, bồi bổ trí não để có thể sống vui, sống khỏe, sống trường thọ.

Tập Võ Dưỡng Sinh là cách hay nhất trong việc cân bằng Âm – Dương; ăn ngon - ngủ yên.

Tập Võ Dưỡng Sinh để phòng bệnh, chứ không phải để chữa bệnh ! Cũng như việc đi khám bác sĩ về tổng quát hằng năm để bác sĩ dể khám phá ra những căn bệnh khi vừa mới phát tác, hoặc để biết những bộ phận nào yếu để có thời gian chuẩn bị phòng chữa, chứ để đến lúc bệnh phát tác thì đã quá muộn ! Chữa chỉ là cách đắp vá chiếc thuyền rò rỉ mà thôi.

Muốn tập VÕ DƯỠNG SINH đạt kết qủa cao, điều tiên quyết là trở về với bản thể của mình, tìm về TÂM gốc mà mình vốn đã đánh mất trong cuộc sống dâu bể. Có ai trong chúng ta hiểu được câu Kinh Thánh :

“ Hãy trở nên như trẻ thơ để được vào nước Thiên Đàng.” Hay :
“ Nhân tri sơ, tính bản thiện.” Bể khổ trần gian đã theo năm tháng tuổi đời để bôi bẩn cái Tâm Gốc, cái Tâm Thánh Thiện, cái Tâm Trong Trắng mà ngày đầu tiên chúng ta sinh ra trong thế giới này.

Thế giới khoa học ngày nay rất lấy làm ngạc nhiên khi thấy trên đảo Okinawa của Nhật con số người gìa trên 100 tuổi khá nhiều ? Những người gìa trên 70 đến 80 tuổi vẫn làm việc rất khỏe. Sau khi làm cuộc điều tra, người ta nhận thấy rất hiếm người gìa ngồi ở nhà, hầu như họ làm việc ngoài đồng áng, ăn uống những trái cây tươi, được trồng tỉa theo thiên nhiên, và tổ chức thành những hội cao niên, tập luyện Võ Dưỡng Sinh, giúp đỡ lẫn nhau cho đến ngày nhắm mắt, chứ không chịu ngồi trong nhà chỉ để coi Tivi. Chính sự làm việc ngoài đồng áng và luyện tập dưỡng sinh thường ngày đã ảnh hưởng đến tuổi tác và sự sống trường thọ của người dân bản xứ.

Người già có thể ví như những chiếc thuyền đã sang Thu : Nó đã qúa tải sau mấy chục năm lăn lộn trong cuộc dâu bể; nó đau chỗ này, nó nhức chỗ kia… Hết rò rỉ đằng đầu, thì lại đến khúc giữa, khúc đuôi. Đắp chỗ naỳ, nó chảy chỗ khác ! Nếu chỉ có uống thuốc, thì thuốc chỉ là những chỗ chắp vá như vừa nói. VÕ DƯỠNG SINH là cách tìm về nguyên gốc, bồi bổ sức khỏe ngay trong nội tạng.

VÕ DƯỠNG SINH là cách thanh lọc những máu dơ hằng ngày để thay bằng máu huyết thật tốt đi nuôi lục phủ ngũ tạng, và một khi nội tạng có khỏe mạnh thì mới hấp thụ được những thứ thuốc cần thiết cho cơ thể, khi các cơ phận trong cơ thể đã qúa yếu đuối thì có khác chi chiếc xe đã qúa cũ, dù có đổ xăng super (loại tốt nhất) cũng không giúp ích gì !

VÕ THUẬT CĂN BẢN giúp cho người trẻ tăng cường sinh lực, thân thể cường tráng, sức khỏe dẻo dai, sống vui để cho khối óc luôn được minh mẫn, học hành tấn tới, đạt được kết quả cao trong mọi lần thi cử.

Người có Võ thuật luôn luôn tự tin, thách đố mọi nguy hiểm. Chính những điểm cao qúi trên sẽ giúp cho người trẻ sẵn sàng tiến lên chấp nhận những thử thách để làm những người lãnh đạo tốt.

Người tuổi trẻ rất cần năng động, nên VÕ THUẬT CĂN BẢN là bộ môn sẽ giúp cho tuổi trẻ vươn lên bằng sức sống tiềm tàng.

Tập VÕ THUẬT CĂN BẢN để người tuổi trẻ luyện tập tài khéo léo: Một cái uốn mình để tránh một cú đấm, một cú đá xem ra rất đơn giản; nhưng nếu không tập sẽ chẳng bao giờ có thể làm nổi. Không một ai có thể có đôi chân vững chắc và dẻo dai để có thể búng mình nhảy lên cao, phóng ra cú đá ngoạn mục, rồi đứng xuống đất an toàn? Sức lực của một người bình thường chỉ có thể nhấc nổi 100 đến 150 Lbs; nhưng nhờ luyện tập VÕ THUẬT CĂN BẢN, con người đó có thể dùng kỹ thuật hất tung một gã 300 Lbs dễ dàng. 
Sự tập luyện VÕ THUẬT CĂN BẢN sẽ giúp cho người tuổi trẻ có một khối óc minh mẫn trong một thân thể cường tráng.

MÔN PHÁI VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO là một môn Võ Thuật và Võ Đạo rất xứng đáng cho mọi lứa tuổi.

Môn phái VOVINAM đã trưởng thành trong giai đọan đấu tranh dành độc lập cho dân tộc Việt, và kinh qua tất cả các môn võ thuật lớn trên thế giới, nên VOVINAM có đầy đủ yếu tính giúp cho mọi thế hệ có được những kỹ năng ắt có và đủ để trưởng thành và một sức khỏe vươn lên trong tinh thần phấn khởi.

KỸ THUẬT VIỆT VÕ ĐẠO.

Về Kỹ Thuật , VIỆT VÕ ĐẠO lựa chọn những thế thích hợp với thể chất và tầm vóc của người Việt Nam ta , thon nhỏ nhưng lanh lẹ, bền bỉ, ra đòn phải nhanh gọn và chính xác, chiến thuật tấn công và thoái thủ phải nhịp nhàng, linh hoạt và biến hóa. Lúc địch sơ hở thì tấn công liên tục như vũ bão, lúc gặp nguy hiểm thì tự ngã xuống, nhào lộn để né tránh và thoát hiểm.

Để bổ túc cho thể tạng có phần bé nhỏ của người Việt Nam, toàn bộ các phương pháp luyện thể lực và nội công được khai thác triệt để : Thân pháp, Thủ pháp, Bộ pháp, Chiến pháp và Nội công tâm pháp. Tất cả các kỹ thuật cơ bản nhất về : Quyền, Cước, Gối, Chỏ, Quăng, Quật,Khóa, Bẻ, Đè, Xô, Giật, Chém,Xỉa, Vồ, Đập, Quạt, Móc.v..v…đều tuỳ nghi xử dụng, không câu nệ chuyên biệt một thứ nào.

VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO còn chủ trương hiện đại hóa bằng cách thái dụng và đồng hóa hay Việt hóa các tinh hoa võ học thế giới.

TIÊU HƯỚNG CHỦ ĐẠO

Để đạt được kết qủa tốt trong công tác học tập và nghiên cứu, VIỆT VÕ ĐẠO đề ra các phương chân sau đây dùng làm tiêu hướng chủ 
đạo : Nhanh hơn – Cao hơn - Mạnh hơn - Bền dẻo hơn – Chính xác và Đúng lúc hơn.

NHANH HƠN

Bản chất của Võ là Nhanh, càng nhanh càng dễ chiến thắng. Một người yếu nhưng nhanh có thể chiến thắng rất dễ dàng một đối thủ mạnh nhưng chậm. Nhanh lợi cho cả công lẫn thủ. Hơn nữa, vận tốc ảnh hưởng trực tiếp đế sức mạnh của đòn đánh ra. Theo nguyên lý công lực học thì khối lượng ( sức nặng) tỉ lệ với bình phuơng vận tốc theo công thức sau :

M = 1/2 m . V²
M : Lực đánh ra
m : Trọng lượng của nắm đấm
V : vận tốc

Cho nên điều quan trọng của người tập võ là phải cố gắng nâng cao vận tốc trong tất cả mọi cử động. Một võ sĩ luyện đến mức cao độ có thể đánh ra 8 cái đấm trong 1 giây đồng hồ.

CAO HƠN

Về phương diện kỹ thuật, người tập võ càng nhảy cao càng tốt, càng đá cao càng hay. Bởi cao hơn mới dễ dàng chiến thắng được các đối tượng cao lớn hơn mình, có sử dụng được những đòn cao thì mới dễ áp đảo đối phương và mở rộng được tầm chiến đấu trong những lúc phải đánh với nhiều người một lúc.

Sự nhảy cao tỷ lệ thuận với sức bật cơ bắp cặp chân, nhưng lại tỷ lệ nghịch với trọng lượng cơ thể, vì vậy đạt được sự bay cao hơn là một công phu đáng kể.
Về phuơng diện tinh thần : Cao hơn nghĩa là vượt lên trên chính mình. Nâng cao tinh thần, ý chí và quyết tâm, làm sao để ngày hôm nay phải tiến bộ hơn ngày hôm qua và ngày mai phải vượt lên hơn ngày hôm nay.

MẠNH HƠN

Sức mạnh là cái vốn cơ bản của người tập võ. Sức mạnh cũng là một yêu cầu quan trọng trong đời sống con người : Một tâm hồn lành mạnh trong một thân thể khỏe mạnh. 
Y học đã chứng minh là Sinh Lý và Tâm Lý có ảnh hưởng hỗ tương với nhau. Vì vậy tất cả mọi bộ môn vận động đều hướng tới một mục đích duy nhất là làm cho cơ thể khỏe mạnh hơn. Vậy tập Võ, trước hết phải tập luyện như thế nào để gia tăng sức mạnh.

BỀN DẺO HƠN

Mạnh mà không bền bỉ dẻo dai là cái mạnh ngoài vỏ . Bền bỉ là thước đo hiệu năng của sức khỏe và yếu tố tất thắng trong các cuộc tranh tài thể thao. Trong lao động, bền bỉ làm gia tăng năng suất. Nói chung, bền bỉ và dẻo dai giúp con người đạt được những thành qủa tốt đẹp trong mọi ngành hoạt động của đời sống. Võ học có những phương pháp giúp cho con người ta tập luyện để có mức bền bỉ dẻo dqai. Đó là phương pháp luyện Công trong Nội Công Tâm Pháp của VIỆT VÕ ĐẠO .

CHÍNH XÁC VÀ ĐÚNG LÚC HƠN

Mạnh nhanh cũng chưa đủ.
Mạnh mà không điều hòa được nội lực, phí sức vô ích, quần thảo một lúc cũng sẽ suy nhược đi. Nhanh mà vụng, không làm chủ được vận tốc mất tiêu hướng thì cũng khó đạt được mục đích. Điều cốt yếu là phải chính xác. Mắt thật tinh, hướng về mục tiêu, khi Tâm Ý tương thông thì buông đòn Chính Xác và Đúng Lúc. Đó là nghệ thuật để thủ thắng.
Ngoài các tiêu hướng kể trên, trong nghệ thuật chiến đấu còn có hai khiá cạnh cần phải tập luyện, đó là:

- Sự Biến Hóa Linh Hoạt.
- Sự trấn áp tâm lý.

Biến hóa, di động linh hoạt, hư hư, ảo ảo, làm cho đối phương không nhận rõ được chiêu thức của mình, do đó dễ bị hoang mang, lúng túng.
Sự áp đảo tâm lý là phương pháp làm cho đối phương khiếp sợ, tinh thần hỗn loạn. Nhờ đó ta có thể làm chủ được trận đấu.

SỰ NÉ TRÁNH VÀ CÁC CỬ ĐỘNG.

CHIẾN PHÁP

Các thế võ tức là các cử động bằng tay, bằng chân hay bằng thân…. Các cử động ấy phải được sử dụng một cách hợp lý như thế nào để đỡ hao tốn nội lực mà đạt kết qủa tốt. Các cử động ấy rất nhiều, nhưng tựu trung đều hội về các qui tắc sau :

  • Lực ly tâm : Áp dụng cho các thế xoay vòng tròn, vòng cung, gạt tay, xoay mình.

  • Lực xoáy : Áp dụng cho các thế đấm thẳng.

  • Lực đòn bâỷ : Áp dụng cho các đòn bẻ, khóa, gài, móc.

  • Lực co gấp và sức bật : Áp dụng cho các đòn quăng, quật,nhảy cao.

  • Ngẫu lực bởi phản hồi : Làm gia tăng hiệu năng của các đòn đánh ra.

Trên đây mới chỉ nói về các thế tấn công. Trong võ học còn phải nói đến thế thủ. Vì thế thủ hết sức quan trọng. Công địch 10 lần mà chưa thủ thắng, đôi khi vì sơ hở bị địch công lại 1 lần là thất bại ngay. Muốn thủ thắng, cần biết cách tránh né, đỡ gạt, nhưng các tốt nhất là áp dụng một chiến pháp khoa học.

  • Chiến pháp thứ nhất : Luôn luôn di động và biến hóa, khiến đối phương không xác định được mục tiêu tấn công và cũng không biết được hướng tấn công của ta để chống đỡ.

  • Chiến pháp thứ hai : Lấy công làm thủ, đây là lối đánh liên tục, để dồn đối phương vào thế thụ động, khiến họ không còn khả năng tấn công lại.

  • Chiến pháp thứ ba : Hư hư, thực thực. Đánh mà làm như không đánh. Không đánh mà làm như đánh. Đã đánh thì không do dự, tập trung Ý Lực

ĐIỀU HÒA NỘI LỰC

Xét vế mặt xử dụng thì nội lực trong cơ thể ví như điện trong một bình Accu (bình chứa điện), nó phát ra, nhưng đồng thời cũng phải được nạp vào để giữ mức quân bình. Nếu phát ra nhiều qúa mà không nạp vào kịp thì sẽ mau hết điện. Thí dụ : Khi vận động mạnh và liên tục như chạy nước rút chẳng hạn, trong một thời gian ngắn, nội lực sẽ cạn đi mau chóng. Muốn hồi lực thì cách thông thường là nghỉ ngơi an dưỡng. Nhưng muốn hồi lực mau chóng hơn, người ta phát minh ra phương pháp điều hòa hơi thở để kiểm soát nhịp tim và sự vận hành của mạch máu. Phương pháp ấy võ học gọi là Điều Hòa Khí Lực. Nhưng không phải chỉ có điều hòa khí lực trong lúc nghỉ ngơi mà ngay cả trong lúc đang vận động, nguời ta cũngvẫn có khả năng điều hòa nó. Điều hòa khí lực còn goị là phương cách tiết kiệm nội lực, không để phí sức bằng những cử động vô ích.

Trong cơ thể, trái tim giữ chức phân điều hòa máu huyết , nhưng trung tâm phát lực lại là Đan Điền. Thế nên, những đòn đánh ra càng gần đan điền thì càng mạnh.

Đó là những nét chủ yếu trong bức tranh phác họa chân dung của thế giới kỹ thuật VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO.

Võ Sư Nguyễn Tiến Hóa 
( 817 ) 521 – 8002