ƯỚC MƠ:
BA MƯƠI NĂM HỘI TỤ
NÚI NGŨ HÀNH 

Võ Sư Nguyễn Tiến Hóa





“ Đạt đến mức hư không tuyệt cùng
Giữ sự yên tĩnh hoàn toàn
Vạn vật cùng sinh ra
Ta lại thấy chúng trở về nguồn gốc
Vạn vật trùng trùng vô số
Nhưng đều quay về cội rễ của chúng
Quay về với cội rễ, gọi là Tĩnh
Như thế gọi là trở về Định Mệnh…
Trở về Định Mệnh là luật bất biến của Tạo Hóa
...

Biết được luật bất biến của Tạo Hóa thì khoan dung
Khoan dung đưa đến công bình
Công bình thì sẽ lãnh đạo được thiên hạ
Lãnh đạo thiên hạ thì giống như Trời
Giống như Trời là đồng nhất với Đạo
Đạo thì Vĩnh Cửu
Ai mà đồng nhất với Đạo thì suốt đời không nguy.”

Đạo Đức Kinh.

Tháng 4 năm 1960 (âm lịch), người sáng tạo môn phái VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO từ giã tất cả các môn sinh đệ tử để đi vào miền Miên Viễn. Một hạt giống được kết tụ từ khí thiêng sông núi Việt Nam, thừa kế di sản của nòi giống Lạc Long Quân và Mẹ Âu Cơ sẽ tan loãng vào mạch sông, nước nguồn mà vun bồi cho nhiều hạt giống sẽ được kế thừa do Người vun trồng trong gian nan, vất vả … Ra đi có nghĩa là Trở Về với Gốc với Nguồn.

Từ năm 1960 đến cuối năm 1963, các hạt giống Võ Đạo Việt Nam như được ươm trồng trong yên lặng để lãnh nhận nguyên tố Âm Dương của Trời Đất mà kết thành.

Mùa Xuân năm 1964, các mầm giống Võ Đạo đã khai mở : Hương sắc Việt Võ Đạo lan tỏa khắp các trường trung học công lập chính ở Sài gòn: Võ Trường Toản, Petrusky, Gia Long, Trưng Vương, Hưng Đạo,Saint Thomas… Và nhiều trường trung học tư thục. Sau đó đến nghành Cảnh Sát Quốc Gia do tướng Nguyễn Ngọc Loan làm chỉ huy trưởng, tiếp đó là trường Cao Học Hành Chánh, Đại Học Sư Phạm, Đại Học Xá Minh Mạng…

Cũng từ đây, hương hoa VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO đã vươn tỏa khắp nơi muôn màu tươi vui, đẹp mắt như những ánh sáng pháo bông. Từ thủ đô Sài Gòn tới các quận hạt của thành đô đến tận xóm làng xa xăm, đồng quê hẻo lánh. Màu áo xanh đại dương đem kỹ thuật võ học để xây dựng các thế hệ trẻ có một thân thể khỏe mạnh, một kỹ thuật chiến đấu hữu hiệu, tạo niềm tin tinh thần vững chắc , bước chân vào đời hiến thân phục vụ quê hương và dân tộc Việt.

“ Việt Võ Sĩ như thân tùng…. Trong gió sương vươn chí cao quyết lòng.”

Vâng, đúng như vậy…  Việt Võ Sĩ đã và sẽ là những cây tùng, cây bách; đứng vươn vai thách đố mọi gian nguy, dấn thân trong mọi nguy khó để thực hiện những hoài bão thăng tiến cho chính mình và cho đồng loại.

VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO rất xứng đáng là niềm tự hào và hãnh diện cho người Việt Nam trên khắp Năm Châu.

Tháng 4 năm 1975, sau mười lăm năm tính từ ngày vị Sáng Tổ ra đi. Hạt giống Việt Võ Đạo lại một lần theo bước chân người tị nạn đi khắp bốn phương trời. Khắp nơi : Âu Châu, Mỹ Châu, Úc Châu, Phi Châu, Á châu…. Nơi nào có bóng người Việt định cư là nơi đó có phong trào VOVINAM. 

Người cán bộ VOVINAM đôi khi trình độ còn rất hạn chế, nhưng với một hoài bão mà vị Sáng tổ đã trao truyền, họ đã cố gắng hết sức trong khả năng để khơi lên những đốm lửa Việt Võ Đạo trong điều kiện có thể được, rồi liên hệ, nối kết với các đồng môn, đồng đạo khắp nơi….Thế rồi, từ những đốm lửa, họ đã vươn lên thành những ngọn đuốc, gây niềm tin yêu đến những đồng hương tha phương; những hạt giống Việt Võ Đạo đã lầm lũi làm việc trong những điều kiện khó khăn từ vật chất đến tinh thần : Có những người đã bắt đầu bằng chính những nhân tố trong gia đình, giòng tộc, bạn bè đồng hương trong những garages chật hẹp đến những sân cỏ sau nhà… Có những người đã rủ nhau ra những công viên để trau dồi, tập luyện… Nhưng rồi từng ngày họ xuất hiện bên những con mắt dòm ngó, nên đã bị cảnh sát đến giải tán vì sợ nguy hiểm và công viên sẽ bị thưa kiện… Mặc dầu khó khăn đến thế nào, người cán bộ Việt Võ Đạo vẫn kiên trì, họ đã làm việc như với một sức mạnh vô hình, một lý tưởng cao vợi : Đó là danh dự của một công dân nước nhược tiểu muốn vươn lên…  Họ muốn nói cho thế giới : Chúng tôi dù là một nước nhược tiểu, nhưng nền văn hóa của chúng tôi không thua kém bất cứ một quốc gia nào và VOVINAM là một trong những nét văn hóa đặc thù đó. 

Một Huấn Luyện Viên nọ, buổi sáng vẫn đi làm như mọi người, chiều về qui tụ anh em, con cháu của bạn bè ra công viên ôn luyện, tối về ghi ghi chép chép, soạn lại những chương trình giáo án mà qua những cơn sóng nhồi trên biển Đông đã làm họ quên mất, cuối tuần lợi dụng tiền điện thoại rẻ hơn, đã vội vã liên lạc với mọi anh em khắp nơi để nối vòng tay lớn, kết vòng hoa Võ Đạo hầu yểm trợ lẫn nhau… Những ngày tháng khởi đầu thật vất vả, cái khó nó bó cái khôn, đường xá chưa quen, lái xe còn chập choạng, tiếng Anh, tiếng Mỹ chữ được chữ không, miệng nói mà tay chân cứ phải múa lộn cài cào, thế nên chưa hiểu luật lệ ra sao để có thể xin được giấy phép mở phòng tập…

Ngày tháng trôi qua, những cái hamburger và French frie đã thấm lần vào lưỡi, nên khi nói tiếng Mỹ đã biết lên giọng, xuống xề… Người Mỹ đã hiểu họ hơn, có những người Mỹ tốt bụng cũng đã ra tay giúp đỡ, hướng dẫn làm những thủ tục, giấy phép hoạt động; nhờ đó ngày nay hầu hết các nơi trên thế giới đã có những cơ sở hoạt động, những Võ Đạo Đường đang phát triển khá khả quan… Một số khá nhiều những người bản xứ đã ghi danh theo tập VOVINAM… Đặc biệt tại các vùng Âu Châu, vì VOVINAM đã có những người đi định cư trước năm 1975, nên sự hoạt động được dễ dàng hơn; điển hình như tại Pháp VOVINAM đã có một Tổng Đoàn riêng, tương đương với các Tổng Đoàn KARATE hay JUDO, TEAKOWNDO…V…V.. họ có giấy phép của Bộ Thanh Niên, các cán bộ Việt Võ Đạo sẽ được trả lương bổng như những nhân viên của Bộ thanh Niên nếu hoạt động toàn thời gian…Sự sinh hoạt đã đóng góp rất nhiều trong các tổ chức xã hội, giúp ngăn ngừa và ổn định an ninh địa phương, nên hầu hết chánh phủ Pháp rất ưu tiên cho việc phát triển VIỆT VÕ ĐẠO. Chánh quyền Pháp còn giới thiệu vào các trường trung học và đại học như những bộ môn giáo dục để tuỳ theo các trường muốn đem chương trình vào huấn luyện.

Trước những ngày tháng 4 năm 1975, môn phái VIỆT VÕ ĐẠO chỉ hoạt động trong nước, từ vĩ tuyến 17 trở vào cũng đã có số ít quảng bá trên đất Pháp và Đức…. Nhưng ngày nay, tại Việt Nam VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO đã hoạt động khắp nước, từ Bắc vào Nam, phong trào đã được chính quyền chú ý, tuy bị sinh hoạt trong chủ truơng của nhà nước, nhưng phong trào đang phát triển khá mạnh…Tại Hải Ngoại, con số các môn sinh ngày một đông đảo…. Vì thế, không gian và thời gian đã tạo nên một cơn sốt tạm gọi là VỠ DA. 
Năm 2000 cố Võ Sư Trần Huy Phong đã cố gắng triệu tập một đại hội tại Paris để thành lập một tổ chức quốc tế, được gọi là TỔNG LIÊN ĐOÀN VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO QUỐC TẾ. Nhưng cái dư âm của ngày 30 tháng 4 năm 1975 vẫn còn âm ỷ, nên cho đến nay các giềng mối vẫn chưa hoàn toàn qui tụ lại ! ? Nói như thế, không có nghĩa là VOVINAM đang phân tán. VOVINAM vẫn chỉ là MỘT , nhưng vì không gian và thời gian nên chưa có sự đồng thuận mà thôi. Vì những ai còn tin vào truyền thống dân tộc Việt, thì ba chữ VOVINAM là môn võ của người Việt Nam, phát xuất từ Việt Nam do Cố Võ Sư Nguyễn Lộc, ngưòi đã sáng lập và là Sáng Tổ thì ắt sẽ quay về với Nguồn Gốc dưới sự lãnh đạo của Võ Sư Lê Sáng, vị Chưởng Môn đời thứ Hai.

Việt Nam có dãy Trường Sơn với năm ngọn núi mang tên Ngũ Hành đã nói lên sự tương sinh, tương khắc. Chính sự tương sinh, tương khắc này đang thôi thúc tạo nên sự VỠ DA mà mùa giỗ Tổ năm nay phải là ngày ghi dấu BA MƯƠI NĂM HỘI TỤ, các môn đồ trên khắp thế giới sẽ cùng quay về HỘI TỤ TRÊN NGŨ HÀNH SƠN, vị chưởng Môn sẽ triệu tập một đại hội để những người mang dòng máu VIỆT VÕ ĐẠO, ngồi lại với nhau, vai chen vai sát cánh trong việc phát huy và bảo tồn nét văn hóa đặc thù của dân tộc Việt.

PHI TRƯỜNG ĐÀ NẴNG
Chuyến phi cơ dân sự đặc biệt mang số VN 848 vừa đáp xuống, người ta nghe tiếng hú còi inh ỏi của một đoàn xe chính phủ, một toán dàn chào nghiêm chỉnh, tiếp theo là một chiếc xe Bus sơn màu xanh đại dương phóng từ cổng chính phi trường, đến đậu sát bên chiếc phi cơ, và một tấm băng rôn được kéo ra : 
CHÀO ĐÓN PHÁI ĐOÀN VOVINAM KHẮP THẾ GIỚI 
HỘI TỤ NGŨ HÀNH SƠN

Từ trên phi cơ, cửa máy bay được mở ra, một cô gái trong bộ âu phục màu xanh đen, với cặp kính mát bước ra, giơ tay vẫy chào. Đó chính là Họa Mi, võ sư VOVINAM tại Hoa Kỳ là người hướng dẫn phái đoàn các võ sư từ khắp nơi trên thế giới về hội tụ núi Ngũ Hành Sơn.

Trên danh sách những võ sư thế giới có các nước : Pháp, Đức, Ý, Anh, Mỹ, Úc, Bỉ, Hòa Lan, Ba Lan, Canada,Tiệp Khắc, Hungary, Nga, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Romani, Đan Mạch, Na Uy, Phi Châu …. con số về tham dự đại hội lên đến cả trăm võ sư.

Trong phi trường, người ta thấy màu áo xanh đại dương nhộn nhịp, cờ quạt, biểu ngữ giăng mắc khắp nơi. Hình như dân chúng hôm nay cũng vui mừng vì họ hãnh diện cho dân tộc Việt có được nét văn hóa mà cả thế giới cùng biết đến, mặc dù khác màu da, tiếng nói; nhưng họ có cùng chung một lý tưởng phục vụ cho nhân loại trong cuộc CÁCH MẠNG TÂM THÂN mà môn phái VOVINAM đã đề ra để tiến tới đích tối hậu là NHÂN VÕ ĐẠO.
Tất cả mọi môn sinh VIỆT VÕ ĐẠO trên khắp thế giới sẽ đứng dưới ngọn cờ VIỆT VÕ ĐẠO và công nhận Đức Quốc Tổ Hùng Vương là vị vua đầu tiên của đất nước Việt Nam và Võ Sư Nguyễn Lộc là Sáng tổ của môn phái Võ Đạo Việt Nam.