NỤ CƯỜI và NƯỚC MẮT
Võ Sư Nguyễn Tiến Hóa


“ Đời lang bạt của một người lính thú
Sáng hôm qua tôi là người thiếp ngủ
Đi một mình xuống phố mù sương
Phố núi kia ơi ! Phố có con đường
Lên xuống dốc tìm không ra bạn hữu
Không có bạn tôi làm sao uống rượu
Tôi làm sao sống nổi một ngày đây ?
Phố núi kia ơi ! Kẻ lạ đông đầy
Nhìn gã lính không khác gì gã lính.”

Nguyễn Xuân Thiệp

Trong không khí của những ngày lễ Hiền Phụ, toàn thể môn sinh khắp nơi trên thế giới xin chân thành gửi về những người Cha, người Thầy đã tận tụy cả một đời hy sinh cho lớp con cháu và môn sinh đệ tử được nên người, giúp ích cho xã hội và nhân loại, được luôn luôn khang an, mạnh khỏe; dù đang ở trong bất cứ tình huống nào cũng luôn là gốc rễ, cột trụ, bóng mát cho chúng con mãi hướng về như một cội nguồn trong sâu thẳm tâm can .

Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con.

Con đường tiến lên của Võ Thuật đã thật chông gai; nhưng con đường Hành Đạo còn vô vàn khó khăn cả trăm, ngàn lần hơn !

CƯỜI TRONG NƯỚC MẮT - KHÓC VÌ HÃNH DIỆN.

Thật vậy, VOVINAM là một môn phái được sinh trưởng trong hoàn cảnh đất nước tang thương, quê hương đau khổ vì bị đô hộ bởi thực dân Pháp. Chính vì thế, những môn đồ tiên khởi đã gia nhập VOVINAM vì tình yêu Tổ Quốc dâng tràn :
- Học Võ để cứu nước - Học Võ để phục vụ đất nước.
Thanh niên, sinh viên Hà Nội hầu như đã tham gia các lớp VOVINAM 100%; rồi chính họ đã tự động kẻ những biểu ngữ, phát những truyền đơn cổ động cho phong trào học Võ lúc bấy giờ :

- NGƯỜI VIỆT NAM HỌC VÕ VOVINAM
- HỌC VOVINAM LÀ YÊU NƯỚC

Và sau đó, những lớp Võ với con số cả ngàn người làm thực dân Pháp phải chú ý. Chính phủ toàn quyền lúc đó đã có thâm ý, nên mời Võ Sư Sáng Tổ hợp tác như một hình thức nắm kẻ có tóc, và chiêu dụ.
Hôm ra mắt và biểu diễn tại sân vận động Hà Nội, Ông Võ Sư Nguyễn Lộc đã âm thầm đặt bàn thờ Tổ Quốc phía sau khán đài, ông đã đốt nhang và bái lạy Tổ Quốc trước khi điều khiển buổi biểu diễn đã làm cho phủ toàn quyền Pháp bỉ mặt và bất mãn; nhưng người dân hiện diện và các môn sinh thì hãnh diện và nức lòng, có những người đã rơi lệ.
Có nhiều người đã phê bình hai câu trên, và cho rằng : Quá khích, không có tinh thần cầu tiến, cục bộ….v..v…. Nhưng họ có hiểu được trong những trái tim hướng về Tổ Quốc, và đang mong mỏi tìm một con đường cứu dân tộc ra khỏi vũng bùn Nô Lệ !
Và trong cuộc chiến dành độc lập cho dân tộc, đã có biết bao nhiêu môn đồ VOVINAM dấn thân xương máu với tinh thần yêu nước cao độ đó.

Vào miền Nam, Cố Võ Sư Nguyễn Lộc lại đem tất cả tâm huyết ra để huấn luyện; sự làm việc không có sự hỗ trợ của chính quyền đương thời, và còn bị nghi ngờ, cấm đoán !!!!! Năm 1960, ngày 4 tháng 4 âm lịch nhằm ngày 30 tháng 4 dương lịch, vị Sáng Tổ môn phái VOVINAM ra đi vào cõi vĩnh hằng, để lại căn nhà VIỆT VÕ ĐẠO dang dở.

Từ năm 1960 đến năm 1964 môn phái âm thầm hoạt động trong các trường trung học Công Giáo để tránh sự dòm ngó của cảnh sát, dưới sự điều động của Cố Võ Sư Trần Huy Phong và Cố võ Sư Mạnh Hoàng.
Năm 1964, môn phái đã phát triển vào hầu hết các trường trung học công lập tại Sài gòn và một số các trường tư thục, rồi sang ngành cảnh sát, các trường đại học, cao học hành chánh, xây dựng nông thôn, đi vào quân đội, xuống đến tận các làng xã hẻo lánh…….

Người môn đồ VIỆT VÕ ĐẠO sau những ngày 30 tháng 4 năm 75 ở Hải Ngoại có khác gì anh lính thú bao năm trấn thủ lưu đồn của thuở xa xưa !
Từ không gian đến thời gian đều xa lạ, với hai bàn tay trắng như tất cả mọi người di tản, và cũng có quá nhiều mất mát từ vật chất đến tinh thần; ngoài ra, còn không có người chỉ đạo ! Vị chưởng môn, môn phái quyết định ở lại như một cây đại thụ của môn phái, không thể vì tính mạng riêng tư mà bứng gốc; vị phó chưởng môn, Cố Võ Sư Trần Huy Phong cũng nhất quyết ở lại như một chứng nhân của thời cuộc, và cả hai vị đã ra tù vào khám với số tuổi 13, 14 năm. 

Võ Sư Trần Huy Phong sau khi ra tù vài năm thì bị lâm trọng bệnh do ảnh hưởng của những ngày lao lý, rồi qua đời năm 1997. 

Nơi hải ngoại, chỉ riêng tại quốc gia Hoa kỳ, người môn đồ VIỆT VÕ ĐẠO chưa kịp có chỗ ăn chỗ ở, đã nghĩ đến trách nhiệm và bổn phận đối với môn phái; ngay tại các trại tạm cư Indian Towngap , Fort Smith : Các lớp tập dành cho các thanh thiếu niên đã có mặt trong các sinh hoạt của trại, một phần cũng để qui tụ những môn sinh đang lưu lạc tìm về với nhau. Trong thời gian này cũng đã có những Võ Sư hồng đai trên những chuyến tàu di tản, trong các trại tị nạn; nhưng có lẽ dòng máu VOVINAM ngừng lưu thông trong huyết quản, nên chỉ có các Hoàng Đai tung hoành ngang dọc !

Rồi lần lượt mọi người đều được đi định cư……Nơi nào có bóng dáng người cán bộ VOVINAM thì mỗi buổi chiều hoặc là trong garage, ngoài sân sau, sân trước, nơi công viên…..Người ta thấy thanh thiếu niên Việt Nam phóng cước, tung quyền, quăng quật ình ịch, côn kiếm loang loáng, vù vù…Mới đầu, người dân bản xứ thấy lạ, nhưng sau thì họ gọi cảnh sát đến giải tỏa vì thấy sao mà nguy hiểm quá, sợ liên lụy hay sợ bị bồi thường qua hệ thống bảo hiểm…..

Người cán bộ Việt Võ Đạo như người điếc không sợ súng, vì tiếng Anh chưa thông nên chẳng thấy gì là nguy hiểm cả ! Cứ đuổi chỗ này, ta dàn quân chỗ khác; đâu đã hết, đêm về còn ráng moi óc để ghi lại những lý thuyết Võ Đạo để có thể trao lại cho các môn sinh mới nhập môn….Có những ông thầy, sau khi dậy cho đám đệ tử, thì đói lả vì ăn bánh mì, thịt nguội chưa quen, phần vì nhớ nước mắm Việt Nam.

Vâng ! Đó chính là những nụ cười trong nước mắt….Thầy ơi ! Các thầy ở đâu ! ? Một người cán bộ Việt Võ Đạo đi làm lương chỉ có $ 5.50 một giờ đã dành hết ¾ số tiền lương để lo việc VOVINAM, trên xe của họ là những võ đường lưu động : Côn, kiếm, dao, mã tấu, đại đao, biểu ngữ, tài liệu, sách vở VIỆT VÕ ĐẠO . Họ nghe nói nơi đâu có người VOVINAM thì họ tìm đủ mọi cách để có thể liên lạc, và khi gặp nhau họ đã trân qúi nhau còn hơn cả anh em ruột.

- Việt Võ Đạo đoàn thanh niên tâm tư man mác như trùng khơi, đem tin yêu đến hiến dâng cho cuộc đời, trong cơn phong ba, sóng gió ta coi thường, say men hào khí đầy vơi….

Các phòng tập tuy chưa khang trang lắm, nhưng hầu như khắp các tiểu bang, phong trào VOVINAM đã được dân chúng tị nạn biết đến như một món ăn tinh thần, báo chí cũng thỉnh thoảng đăng tin VIỆT VÕ ĐẠO, và một số các thầy hồng đai xuất hiện để lãnh đạo. Đại Hội Thế Giới VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO năm 1990 được tổ chức long trọng tại California, sau khi Võ Sư Chưởng Môn và Võ Sư Trần Huy Phong vừa được ra tù. 

Ban chấp hành của VOVINAM thế giới được hình thành và làm việc được trên một năm thì tan vỡ vì nhiều lý do; nhưng lý do chính là do các Võ Sư Lớn !!!!!! Một sự thiệt thòi quá lớn : chia rẽ, bè phái ! 

Nước mắt VIỆT VÕ ĐẠO tuôn rơi : NỤ CƯỜI TRONG NƯỚC MẮT !

Ngày nay, sau 30 năm trưởng thành trên xứ người, ngưòi cán bộ trẻ 30 năm trước nay đã đủ khôn lớn…..Văn Võ đã tạm đủ để thi thố với đời; những bài học của Đại Hội Thế Giới năm 1990 sẽ luôn là dấu ấn trên suốt con đường hành Võ của những môn đồ VOVINAM chân chính.

- Chim thì có tổ, nước thì có nguồn; cây nào không gốc thì sẽ chết khô. 

Đó là định luật bất biến trong trời đất. Người KyTô Giáo mà không giữ luật của Chúa thì chưa phải là KyTô hữu. Người Phật Tử không biết áp dụng Từ Bi Hỷ Xả, còn tham sân si thì không thể gọi là Phật Tử. Người môn đồ VOVINAM mà không làm cuộc CÁCH MẠNG TÂM THÂN thì dủ là đai trắng, đai đỏ, đai vàng cũng không thể là VIỆT VÕ ĐẠO. 

“ Từ thuở tha hương vắng bóng đò
Thuyền đời trôi nổi gió mưa to
Quê nhà thăm thẳm mù sương khói
Mong ước mọi người được ấm no
Tôi nhớ đường mương cảnh ruộng đồng
Chim chiều bay lượn khắp trên sông
Đẹp thay cô lái đò đưa khách
Lòng nhẹ như mây nước bềnh bồng
Ao giếng tình quê thật dễ thương
Chùa làng tĩnh lặng đẹp trong sương
Khói hương bay tỏa hào quang chiếu
Lặng lẽ tìm về cõi tự hương

Ta về nương tựa chính TÂM ta
Thắp đuốc mà đi khắp mọi nhà
An bình chẳng phải cầu mà được
Lòng êm sóng lặng gió mây qua

Tánh Thiện

Võ Sư Nguyễn Tiến Hóa (817) 521 – 8002