THỂ DỤC DƯỠNG SINH
Võ Sư Nguyễn Tiến Hóa


Nếu đem bốn chữ THỂ DỤC DƯỠNG SINH cắt ra làm hai, thì nguyên chữ THỂ DỤC là cách vận dụng cơ bắp, gân cốt cho nẩy nở, dẻo dai mà người phương Tây thường áp dụng trong đời sống hằng ngày, từ học đường đến ngoài xã hội, như một môn khoa học thường thức.

DƯỠNG SINH là cách bảo tồn, dinh dưỡng sự sống luôn được khỏe mạnh, vui vẻ, hạnh phúc, trường thọ ; nói như thế : Bàn đến dưỡng sinh là phải nghĩ ngay đến phần tinh thần, hay nói chính xác hơn là phần tâm linh.

Dưỡng Sinh là Tìm Về, Tìm Vào, Tìm Lại bản thể của chính mình.. Con người chúng ta luôn phải tất bật để tìm kế sinh nhai cho chính mình và gia đình, nhưng thực thể lại chẳng lo gì cho chính mình; mà lại dùng chính sức khỏe của thể xác để phục vụ cho đồng tiền và những hào nhoáng vật chất hơn là tinh thần, làm cho sức khỏe đã không tăng tiến mà còn tàn tụi mau chóng hơn so với thời gian gặm mòn sức sống con người.

Ngày nay khoa học tiến bộ, hầu như những máy móc đã làm thay thế con người lao động bằng chân tay. Con người đã nghĩ rằng được nhàn hạ hơn; qủa thật vậy, con người có nhàn hạ hơn về tay chân nhưng lại rất mệt nhọc về tinh thần : Một người nông dân cầm chiếc cày theo con trâu, xem ra khá cực nhọc`về thể xác, nhưng sự lao tác giữa cánh đồng với không khí trong lành, tâm hồn thảnh thơi và vui tươi nghĩ đến nhưng bông lúa vàng nặng trĩu trong vụ gặt hái sắp tới, và sự làm việc của người nông phu được tính từ khi mặt trời vừa mọc đến lúc hoàng hôn rồi lững thững cho trâu lên bờ, vác chiếc cày trở về thôn làng, mơ màng thấy làn khói lam chiều của vợ hiền trong bếp lửa thôn dã , trong tình tự thương yêu : “ Đầu tôm nấu với ruột bầu. chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon.” Như thế, trong sự lao tác của người nông dân đã có đủ : Thiên, Địa, Nhân hay : Khí, Ý, Lực trong phép DƯỠNG SINH. Sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc.

Tôi may mắn có quen một ông bà bác sĩ nọ ở thành phố đông đúc người Việt định cư. Ông bà đã có thể làm cả tiền trăm ngàn hằng tháng, nhà ông bà rất đồ sộ, nguy nga. Nhưng hằng ngày ông bà phải ăn cơm tháng, mà ăn không đúng giờ giấc vì phải tùy theo khách hàng; ngày nào cũng ra về vào khoảng 10 giờ đêm, người mệt lả, rã rời, tắm rửa xong chỉ còn biết vật xác xuống chiếc giường vì qúa mỏi mệt, nhưng đâu đã được ngủ…Những chương trình, kế hoạch đang chờ đợi, cần giải quyết gấp; thế là ông bà lại phải bàn tính phải làm như thế nào cho chu tất, nhẩy vào máy computer, tay gõ lóc cóc, mà đầu óc thì căng thẳng vì lo toan,có khi đến 2 hay 3 giờ sáng vẫn chưa được ngủ ! 
Chiếc máy dù có tốt đến đâu,cũng cần được nghỉ ngơi, thế mà con người thì cứ phải vật lộn vì tiếng tăm, danh vọng, tiền tài, quên việc thân xác đang đòi hỏi được xả hơi !!!! 

Như thế, từ tinh thần đến thể xác đều rã rượi, tuổi đã vốn chẳng thọ, lại luôn phải ráng sức, nếu chẳng may phải lăn quay ra, thì tiền bạc đó sẽ để làm gì ? Căn nhà to đẹp kia phải chăng chỉ có những người khách lạ trầm trồ, khen ngợi là nhà đẹp của ông bà bác sĩ nọ, chứ còn chính ông bà nào có khi nào được thưởng thức, chưa nói đế tiền thuế và tu sửa hằng năm !

Vậy nên ý nghĩa của Sinh Nhai đã không còn nữa, mà là ăn cho có sức phục vụ cho danh vọng, tiền tài, chứ đâu có phục vụ cho sức khỏe ! ?

Thuật dưỡng sinh đã có từ rất lâu đời, lâu đến nỗi không ai có thể khảo cứu được để biết nó đã có từ bao giờ, và từ đâu ? Vì dưỡng sinh đã phát xuất từ nỗi ao ước của con người từ Đông sang Tây về thuật trường sinh bất tử, cải lão hoàn đồng ; và từ những ước muốn này, con người theo thời gian đã nghiên cứu qua rất nhiều kinh nghiệm để sáng lập ra bộ môn dưỡng sinh ngày nay. Điều này, chúng ta thấy thấp thoáng trong các chuyện cổ Hy Lạp cổ đại, và còn có tính cách huyền bí, trong triết học cổ Ấn Độ; tiêu biểu là những tư tưởng trong kinh Phệ Đà, ngay từ trước cả thời Đức Phật đản sanh, người ta đã thấy nhắc đến những vấn đề mang màu sắc của thuật dưỡng sinh. Từ khi Phật Giáo được hình thành tại Ấn Độ, thì môn dưỡng sinh cũng trở nên cụ thể hơn với việc xây dựng nếp sống căn bản cho các tăng đoàn Phật giáo dựa trên nhiều nguyên tắc dưỡng sinh, mà ngày nay hầu như vẫn còn được áp dụng; chính nguyên tắc của ăn chay trường đã là khởi điểm của tư tưởng dưỡng sinh, nhưng ngày nay đã bị biến chất ? Tại Trung Hoa, người ta thấy những tư tưởng về dưỡng sinh ẩn hiện trong Kinh Dịch, hoặc Đạo Đức Kinh của Lão Tử, mà người ta hay liên tưởng có tính cách tôn giáo, cho đến khi giáo sư Ohsawa Nhật Bản sáng lập ra nguyên tắc dưỡng sinh của ông, và đặt là Tân Dưỡng Sinh Ohsawa. 

Vậy Dưỡng Sinh là gì ? Nói nôm na : Dưỡng Sinh là phương pháp giúp chúng ta nuôi dưỡng sự sống. Với những phương pháp này, nếu chuyên cần sẽ giúp cho sự sống chúng ta được phát triển theo hướng tối ưu nhất.

Sự sống ở đây được hiểu theo nghĩa bao gồm cả tinh thần và thể chất. Bởi vì, thật không có ý nghĩa gì, nếu như duy trì thân thể cường tráng, mà tinh thần lại luôn phiền muộn, lo âu; hay ngược lại, một thân thể bệnh hoạn , ốm đau thì chắc chắn tinh thần không thể lạc quan, yêu đời được.

Thế nên, THỂ DỤC DƯỠNG SINH là cách Tìm Về, Tìm Lại, Tìm Vào chính bản thể của mình; như trong cách tìm phương hướng, thì điều đầu tiên người đi tìm phải xác định được điểm đứng của mình, rồi mới phát xuất đi tìm mục tiêu; mình chưa biết mình là ai, thì sẽ không vận dụng phương cách luyện tập cho chính xác được.

THỂ DỤC DƯỠNG SINH xem ra rất đơn giản, nhưng lại không giản đơn. THỂ DỤC DƯỠNG SINH không phải để chữa bệnh, mà tập để ngăn ngừa bệnh phát tác, vì bệnh tật là do các vi trùng, siêu vi trùng tấn công vào cơ thể, dù chúng có dùng những tuyệt chiêu của những thanh bảo kiếm thì cũng vô dụng, vì toàn cơ thể đã được tôi luyện bởi THỂ DỤC DƯỠNG SINH, như có thành đồng, vách sắt che chở. Người bình thường nên tập THỂ DỤC DƯỠNG SINH để cơ thể luôn được khỏe mạnh, chứ không chờ đến khi có bệnh mới đi tập. Lẽ dĩ nhiên, người đã bị bệnh cũng có thể tập THỂ DỤC DƯỠNG SINH, vì khi tập dưỡng sinh sẽ giúp cho con người thay đổi khí huyết, chấn chỉnh lại kinh
mạch , khai thông các huyệt đạo, đem máu huyết đến tận cùng những nơi xa, nơi sâu của cơ thể; đặc biệt là vùng não bộ luôn có được đầy đủ Oxygen cung cấp, mà vùng não bộ chính là trung khu của thần kinh, liên đới chặt chẽ với các nội tạng trong cơ thể, ta đã biết có những người khi não bộ bị chết (coma), mà cơ thể có thể sống cả mười mấy năm; nhưng sống mà như đã chết và tốn kém về vật chất cũng như cần biết bao nhiêu sự phục dịch, như trường hợp của một bệnh nhân mà các cơ quan truyền thông đã nói đến trong những tháng ngày vừa qua.
THỂ DỤC DƯỠNG SINH đem lại cho con người sự sống vui, sống khỏe, sống trường thọ; nghĩa là giải trừ được vô số những bệnh tật từ thông thường đến nguy kịch, để chúng ta không phải làm phiền đế qúi vị bác sĩ hằng tuần, hằng tháng, hay bệnh viện.

Ngoài ra, THỂ DỤC DƯỠNG SINH còn nhắm đến việc mang lại cả những chất liệu để nuôi duỡng tinh thần, giúp chúng ta có một cuộc sống ý nghĩa hơn, cao thượng hơn. Bởi vì, từ rất xa xưa các bậc hiền triết của nhân loại đã nhận ra một điều là chỉ những con người có nếp sống cao thượng mới có thể thực sự nếm trải được hạnh phúc trong cuộc sống.
MỘT VÀI NGUYÊN TẮC TRONG THỂ DỤC DƯỠNG SINH.

Trải qua một lộ trình thời gian khá dài để phát triển, môn khoa học dưỡng sinh đã có thể tóm gọn một vài nguyên tắc cơ bản dựa trên sự đúc kết kinh nghiệm thực tiễn. 

1 - THUẬN THEO TỰ NHIÊN ( THIÊN NHIÊN)
2 - CHẾ PHỤC LÒNG HAM MUỐN
3 - SỰ SỐNG LÀ SÁNG TẠO

1 - THUẬN THEO TỰ NHIÊN :
Thiên nhiên là một kho tàng vô hạn, còn con người thì hữu hạn. Dù là bất cứ một sự vật gì trên hành tinh này đều đã được an bài theo định luật thiên nhiên, và con người chỉ là một.

Ngaỳ nay chúng ta đã có dịp quan sát về không gian với tỷ tỷ những hành tinh, luôn luôn xoay quanh một định tinh nào đó trong nhiều dãy ngân hà khác nhau, và nếu bất cứ một hành tinh nào đi ra ngoài quỹ đạo của nó, thì đều bị huỷ diệt. 

Khoa học ngày nay cũng đã cho phép chúng ta nhìn vào sự cấu trúc của con người do bởi tỷ tỷ phân tử xoay quanh nguyên tử. Thế nên con người chúng ta không thể đi ngược lại với thiên nhiên, hay chống lại được thiên nhiên, mà phải biết vận dụng sự hiểu biết của mình, đi theo chiều thuận với thiên nhiên, như người dùng buồm, mượn sức gió, lái theo chiều gió. Đó là THỂ DỤC DƯỠNG SINH.

Trong triết học Đông phương, người đầu tiên cổ súy cho nguyên tắc này là Lão Tử. Trong Đạo Đức Kinh của ông đã đưa ra khá nhiều lập luận để cho thấy rằng sự phát triển của vạn vật theo tự nhiên là tốt nhất. Từ đó, ông phản bác sự can thiệp cố ý của con người vào các tiến trình phát triển tự nhiên, và đi đế kết luận có tính cách tiêu biểu cho học thuyết của ông : “ Vô vi nhi vô bất vi : Không làm gì cả, mà không có gì là không làm.”

Tuy nhiên, đó là chuyện của Lão Tử. Chúng ta lý luận dựa theo nguyên tắc khoa học : Thuận theo thiên nhiên ( tự nhiên) chính là qui luật tồn tại và phát triển của vạn vật. Sự sống mà thuận theo thiên nhiên thì không phát sinh ra rối loạn, bất trắc. Thiên nhiên vốn đã có một sự chọn lọc tiến hóa lâu đời để có được những gì chúng ta nhận biết ngày nay. Vì vậy, tất cả những sự can thiệp ngăn cản tiến trình phát triển tự nhiên đều là dại dột và tất yêú sẽ dẫn đến những phản ứng bất lợi.


2 - CHẾ PHỤC LÒNG HAM MUỐN.

Nguyên tắc thứ hai của dưỡng sinh là phải chế phục lòng ham muốn. Nguyên tắc này cũng không kém phần quan trọng. Ta cũng có thể tóm gọn phần này trong mấy chữ cũa nhà Phật : Tham, Sân, Si ( thất tình lục dục)
- Con người nếu lạm dụng sắc dục qúa độ thì dù có thuốc tiên cũng 
chẳng giúp ích được gì.( Lê Ngọa Triều )
- Con người mà rượu chè qúa độ cũng dễ làm cháy gan, thần kinh mê
muội, các động mạch dòn cứng, dễ đứt hay vỡ tung
- Con người không chủ động được việc ăn uống, sẽ đem đến 
những căn bệnh hiểm nghèo về đường tiêu hóa, bệnh mập phì,
tiểu đường, cao máu cholesterol, kích ngất tim mạch.. v…v….

Nguyên tắc thứ hai, bổ sung cho nguyên tắc thứ nhất, vì muốn thuận theo thiên nhiên thì điều tất yếu là phải chế ngự sự ham muốn qúa độ. Hãy xem cỏ đến mùa Xuân thì đơm hoa kết nụ, mùa Hè cho nhân qủa để mùa Thu lá vàng rơi rụng, mùa Đông gốc rễ phát triển chuẩn bị cho mùa Xuân kế tiếp. Cây cối cho qủa trái mùa thì chất dinh dưỡng cũng thiếu kém, đôi khi còn phản tác dụng. Người thiếu phụ mang thai, cần thêm những chất bổ dưỡng cho thai nhi là thuận theo tự nhiên, người bình thường cứ ăn thả dàn, ăn theo thị hiếu ( mắt thèm) hay vị giác (lưỡi thèm) thì qủa là thiếu tự nhiên.

Người tập THỂ DỤC DƯỠNG SINH là người biết điều khiển lấy chính mình từ lời nói đến việc làm, cách ăn, cách thở, biết theo dõi hơi thở từ đâu đến, và đến chỗ nào; như người lái buồm, tuy là theo chiêù gíó, nhưng biết lái đến mục đích mình mong muốn; đó là thuận với thiên nhiên.

Người tập luyện THỂ DỤC DƯỠNG SINH không chỉ biết thuộc bài bản, múa may dẻo dai là đã đạt kết qủa tốt; mà phải biết phối hợp từ cả trong các ăn uống hằng ngày.

A - Thức ăn cho Thể Dục Dưỡng Sinh được nghiên cứu kỹ càng là thức ăn phải bổ dưỡng, không tác hại đến bất cứ bộ phận nào trong cơ thể.

Đứng từ góc độ khoa học dưỡng sinh, thì việc ăn thịt động vật là hoàn toàn trái ngược với thiên nhiên. Cấu trúc hàm răng và hệ thống tiêu hóa của con ngưòi chỉ được tiếp thu các loại ngũ cốc, rau quả; nhưng vì khẩu vị, khứu giác, thị giác và do thói quen lâu đời làm cho con người lầm tưởng thịt, cá là các thức ăn bổ dưỡng.

Hàm răng của những loài ăn thịt luôn có những chiếc răng nanh bén nhọn có thể xé thịt dễ dàng, còn của loài người thì không : Con voi, con khỉ, con hươu, con trâu, con bò chẳng ăn thịt, nhưng cũng đầy đủ protein,và to lớn biết chừng nào ?

B - Cách ăn theo THỂ DỤC DƯỠNG SINH.

Ngoài ra, cách ăn của Thể Dục Dưỡng Sinh cũng quan trọng không kém : Khi ăn phải từ tốn, nhai thật kỹ, biến thức ăn thành cháo trước khi nuốt, để cho các dịch vị trong miệng tiết ra, hòa trộn với thức ăn, dễ tiêu hóa trong bao tử. Ăn vừa phải, không bao giờ ăn qúa no( ALL YOU CAN EAT ) không thể là cách ăn Thể Dục Dưỡng Sinh, ăn có giờ giấc nhất định, vì các bộ phận sinh học như một chiếc đồng hồ báo thức, đến giờ nào thì các dịch vị sẽ tiết ra; ăn làm nhiều lần, nhưng không ăn qúa khuya và gần lúc đi ngủ, vì khi nằm bao tử rất khó làm việc.

Khoa học ngày nay đã chế biến đầy đủ các dinh dưỡng bằng cách chiết ra từ những thức ăn các chất bổ dưỡng ( các loại Vitamine ), và con ngưòi nghĩ rằng : Cứ việc uống những viên thuốc có chất bổ dưỡng. thí dụ : Vitamine C, B, A,D v..v… là xong ? Nhưng thực tế không phải vậy : tinh chất Vitamine C được chiết ra không thể là Vitamine của cam, bưởi, chanh mà con người được ăn vào…..

Còn một yếu tố rất ư là quan trọng, nó quyết định thành qủa của việc tập luyện dưỡng sinh là : QUYẾT TÂM, BỀN GAN, NHẪN NẠI.
Bất cứ một phương pháp nào, dù hay tới đâu mà không có quyết tâm, thì chẳng khác chi có bửu bối trong túi, mà không thi triển được.

3 - SỰ SÁNG TẠO ( TIẾN HÓA)

Sự sáng tạo bao giờ cũng là biểu hiện của cuộc sống, khi sự sống diễn ra, những cái mới liên tục được hình thành. Chính sự hình thành những cái mới là yếu tố quyết định sự tiến hóa của muôn loài. Khi mùa Xuân đến, ta thấy cây nhú lên những mầm non, chứng tỏ sự sống đang bừng lên mỗi giờ, mỗi ngày, đem xanh tươi vào cuộc sống.

Trong từng giai đoạn của cuộc sống, chúng ta có thể thấy những biểu hiện của sáng tạo khác nhau, phản ảnh sự sức sống của từng giai đoạn đó. Thí dụ : Một em bé đang trong tuổi trưởng thành thì luôn luôn tìm tòi,khám phá những điều mới lạ; trong khi những em bé bệnh hoạn, phát triển thiếu bình thường, thì sự buồn thảm, thiếu bén nhạy. Người trung niên, trưởng thành, những người lớn tuổi; mỗi loại có sự sáng tạo và phát triển khác nhau.

Sự sáng tạo chính là sức sống của nhân loại, không có sáng tạo, đời sống chắc chắn sẽ nhàm chán và sẽ không có động lực để tồn tại và phát triển.
Bộ môn Thể Dục Dưỡng Sinh ( VIỆT TÀI CHI ) của môn phái VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO đã được hình thành do các võ sư tiền bối dầy công nghiên cứu và khổ luyện, các vị đã lấy chính sự sống của mình làm thể nghiệm đến khi đạt kết quả mới đem ra phổ biến.

THỂ DỤC DƯỠNG SINH không phải chỉ là bộ môn thể thao bình thường. Mỗi động tác di chuyển, mỗi cách vươn tay, co chân là những chià khóa khai mở ra các huyệt đạo, mà chỉ những người dày công luyện tập mới có thể hiểu và chiêm nghiệm ra được.

Có những người cho rằng : Thể Dục Dưỡng Sinh cũng là bộ môn THIỂN trong cử điệu cũng không sai; vì khi tập những học viên phải tập trung tư tưởng để theo dõi, điều khiển hơi thở, gột sạch tâm hồn trong trống rỗng để dễ hòa nhịp cùng thiên nhiên.

Nếu được nhìn các học viên trong lớp THỂ DỤC DƯỠNG SINH dù chỉ với những động tác rất nhẹ nhàng, yểu điệu, nhịp nhàng; nhưng sau khi tập, ai nấy đếu toát mồ hôi hột, mà trong lòng thì nhẹ nhõm, lâng lâng như đang bay bổng trên các tầng mây; và đó cũng chính là cách thể hiện đúng cách của THỂ DỤC DƯỠNG SINH.

Thế giới loài người đang đắm chìm trong đam mê danh vọng vật chất, khoa học tiến triển đã đè bẹp hệ thống tâm linh hụp lặn trong vũng bùn đặc quánh khó có cơ vượt thoát.

THỂ DỤC DƯỠNG SINH chính là chiếc chìa khóa thần sẽ giúp con người thoát ra những mê hoặc nguy hiểm, giết chết hằng vạn sinh linh mỗi ngày mà khoa học thì sẽ miệt mài tìm kiếm trong vô vọng.
Môn phái VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO là những bông hoa NHÂN BẢN hiến ích cho đời. VÕ THUẬT là PHƯƠNG TIỆN - VÕ ĐẠO là CỨU CÁNH sẽ là đóng góp tích cực nhất, hướng dẫn mọi ngưòi từ TRẺ đến GÌA trong các bộ môn thích hợp nhất. Giúp con người sống VUI, sống KHỎE, sống TRƯỜNG THỌ. Ngoài ra, VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO cũng giúp cho mọi người thăng hoa trong cuộc sống, thuận theo thiên nhiên.

Võ Sư Nguyễn Tiến Hóa 
( 817 ) 521 – 8002