CUỘC TRƯỜNG CHINH VĨ ĐẠI
CỦA DÂN TỘC VIỆT

Võ Sư Nguyễn Tiến Hóa


Theo truyền thuyết, năm 2879 TCN Thủy Tổ của dân Việt đã thấy xuất hiện tại sông Dương Tử nước Tàu, và theo tiếng chim Hồng, chim Hộc, tổ tiên ta đã xuôi dần xuống phương Nam khi đến ải Nam Quan thì dừng bước ngó về phương Bắc mà phát lên rằng: Bản Dốc này chính là ranh giới của phương Nam và phương Bắc... Kể từ đây con cháu truyền đời sẽ giữ gìn làm gia tài cho dòng giống.

Lạc Long Quân kết nghĩa cùng Bà Âu Cơ sinh hạ được một bọc 100 trứng, nở ra 100 người con, rồi cửù người con cả làm vua nước Văn Lang, xưng là Hùng Vương và nối tiếp 18 đời, từ 2879 TCN đến 258 TCN. Tổng cộng kéo dài 2621 năm của dòng họ Hùng để bước qua thời đại của An Dương Vương với nỏ Thần Kim Quy và kết thúc bằng chuyện tình lâm ly Trọng Thủy - Mỵ Châu trong 50 năm.

Thời đại của Triệu Đà với lịch sử ghi dấu huyền thoại tình báo và kỹ thuật mỹ nhân kế đầu tiên trong chiến tranh (198 TCN). Để rồi ròng rã 1000 năm sau đất nước bị xâm lăng và đô hộ của người Tàu... Những tưởng rằng dòng Việt tộc đã chấm dứt do sự cai trị hà khắc, và đồng hóa tinh vi của người phương Bắc.! Nhưng năm 39 sau Công Nguyên, Bà Trưng Trắc đã cùng em là Trưng Nhị nổi lên đánh đuổi người Tàu, giết Tô Định, thâu hồi 65 thành dành lại nền độc lập sau 150 bị thống trị, nói lên tinh thần yêu nước nồng nàn, cũng như tạo tên tuổi và niềm tự hào là vị nữ anh hùng đầu tiên trong lịch sử đấu tranh của dòng họ Việt. Hai vị Anh Thư nước Việt này rất xứng đáng để con cháu chúng ta đời đời noi gương, đặc biệt là những đấng nam nhi, phải luôn chuẩn bị sẵn sàng tuốt gươm, vung kiếm đứng lên bảo vệ quê hương, giúp dân chúng thoát khỏi những lầm than, cơ cực do bọn ngoại bang... Tuy chỉ vỏn vẹn được 3 năm, sau đó Mã Viện đã đem quân tấn công, vì quân lực yếu kém hai Bà đã thua trận và gieo mình xuống giòng sông Hát cho vẹn tiết với chồng, trung thành với núi sông !

Giòng sử Việt lại chịu tăm tối dưới sự đô hộ của người phương Bắc, để mãi đến năm 245 SCN lại xuất hiện một bậc nữ nhi : Ta muốn cỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng kình biển Đông, quét sạch bờ cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối, chớ không thèm bắt chước người đời cúi đầu cong lưng đi làm tì thiếp cho người ta. Triệu Trinh Nương. Năm đó Bà mới có 20 tuổi, đã cùng anh là Ông Triệu Quốc Đạt đứng dậy, khởi binh chống lại quân Tàu đô hộ.

Hợp chúng rừng xanh, oai nao nức
Cưỡi đầu voi trắng, tiếng vang lừng
Mác dài trỏ vẫy, tan đàn giặc
Oanh liệt ngàn năm, giống họ Trưng...

Sau trên 3 năm sông pha trong gươm giáo, trước thế cùng lực tận bà đã phải tự sát năm 248, lúc xuân xanh vừa chớm 23 tuổi. Đáng tiếc thay và cũng oan ức thay !!! Trong suốt thời gian này, chúng ta còn thấy những vị anh thư như: 

  • Thánh Thiên Công Chúa, người tỉnh Hải Dương, Bắc Việt.  

  • Bà Lê Chân cũng người Hải Dương, Bắc Việt. 

  • Hoàng Thiếu Hoa người tỉnh Sơn Tây, đặc biệt vị nữ anh hùng này đã từng xuống tóc làm ni cô; nhưng khi quốc gia nguy biến, Bà đã không quản ngại bỏ áo nâu sòng, cầm gươm ra trận giữ gìn bờ cõi.

  • Bát Nàn Công Chúa, người tỉnh Thái Bình , Bắc Việt. Tất cả những vị nữ lưu này sau khi thất trận đã trầm mình, hay tự sát để kết liễu đời mình trước khi lọt vào tay giặc. Cao quí và kính phục thay !

Bước đường dài 446 năm, gần 5 thế kỷ của lịch sử nước nhà bị đô hộ, chỉ có hai lần nổi lên chống trả quân thù phương Bắc.. Mà cả 2 lần lại đều là bậc nữ nhi... Chúng ta đã có ai tự hỏi những đấng mày râu lúc này ở đâu ? 

Thật ra, trong thời đại của Bà Trưng, Bà Triệu. Dân tộc Việt còn sống trong thời đại Mẫu Hệ (Matrinily) cho mãi đến đời Ngô Quyền chế độ Mẫu Hệ mới được chuyển sang Phụ Hệ. 
Cũng theo truyềnø thuyết, thì Lạc long Quân đã chia tay cùng bà Âu Cơ để đem 50 con xuống đồng bằng, lập nên chế độ Phụ Hệ, còn Bà Âu Cơ đem 50 lên núi và vẫn giữ chế độ mẫu hệ cho đến ngày nay ở các buôn bản Thượng. 

Sau những cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng, Bà Triệu bị thất bại. Năm 541 đất nước ta có người anh hùng họ Lý. Đó là Lý Bôn người tỉnh Sơn Tây, Bắc Việt, đã kết nạp nghĩa dũng, đứng lên phất cờ đánh đuổi quân Tàu về nước và xưng là Lý Nam Đế, đặt tên nước là Vạn Xuân.

Vừa khôi phục được 4 năm, thì người Tàu lại đem quân sang đánh phá, Lý Nam Đế đã chống cự không nổi, rồi lâm bệnh mà chết, binh quyền trao lại cho tướng quân Triệu Quang Phục.

Để bảo toàn lực lượng vì quân ít, lương cạn. Triệu Quang Phục đã đem quân trú đóng trong Đầm Dạ Trạch là nơi đầm lầy hiểm trở. Ông đã biết áp dụng chiến thuật du kích chiến (dĩ nhu thắng cương) tạo nên tên tuổi Dạ Trạch Vương và là ông Tổ của nghành du kích Việt Nam cũng có thể của cả thế giới.

Đất nước ta đã dành được nền tự chủ được 61 năm. Tiếc thay Lý Phật Tử đã lợi dụng là con cháu của Lý Nam Đế làm mưu phản, rồi đem dâng đất nước cho người Tàu, để quê hương thêm một lần bị đô hộ !!!

Năm 722, một ngôi sao sáng trong dòng họ Việt lại xuất hiện. Mai thúc Loan quê quán tại Hà Tĩnh, Trung Việt. Tương truyền ông có bộ mặt xấu xí, đen sì; nhưng trái tim yêu quê hương tổ quốc thì trung trinh trong sáng hơn cả kim cương sáng ngời ø. Ông đã đứng lên triệu tâp binh mã, phất cờ khởi nghĩa đánh đuổi bọn cướp nước ra khỏi bờ cõi, rồi xưng đế, tục gọi là Mai Hắc Đế. 

Sự nghiệp của người anh hùng Mai thúc Loan tuy ngắn ngủi, nhưng nhìn vào bối cảnh lịch sử nước nhà lúc bấy giờ, suốt gần 200 năm , sau cuộc khởi nghĩa của người anh hùng Lý Bôn, thì cuộc nổi dậy của ông quả là anh dũng, vì sự tương quan lực lượng chẳng có, nếu không vì yêu quê hương, tổ quốc, không vì sinh mệnh của dòng Việt tộc !?

Quê hương Vịêt Nam với địa linh nhân kiệt, dù biết rằng đứng lên phất cờ khởi nghĩa thì đã như đi tìm cái chết trong gang tấc ! Nhưng dòng máu anh hùng phải đổ ra để tô thắm giang sơn, như hạt lúa được gieo mầm phải mục rữa để sẽ có trăm ngàn hạt lúa kế tiếp. 
Tại quận Đường Lâm, tỉnh Sơn Tây, Bắc Việt. Một người anh hùng áo vải mang tên Phùng Hưng lại một lần đem cái uy vũ của dòng họ Việt, đứng lên triệu tập binh mã, quyết chống lại bọn thống trị. Chuyện kể khi Phùng Hưng dấy binh bao vây Đô Hộ Phủ, quan cai trị của Tàu là Cao Chính Bình khiếp sợ quá, lâm bệnh mà chết. Thế mới biết cái uy dũng của bậc đại anh hùng. Đây là một cái uy hiếm thấy, nhưng không phải là không có trong lịch sử Việt Nam. Đáng buồn là người mình thường ít thông thuộc dòng sử Việt , nên khi phải nói đến võ dõng thì hay kể về Trương Phi, Quan Vân Trường vào thời Tam Quốc bên Tàu ???? !!!

Phùng Hưng người anh hùng có tài có đức, nhưng mệnh yểu, nên chẳng bao lâu ông bị bệnh mà chết. Người đời thương tiếc đặt cho ông tước hiệu là Bố Cái Đại Vương, nghĩa là coi ông như bậc cha mẹ của dân.

Năm 937 SCN, cũng tại Đường Lâm, tỉnh Sơn Tây Bắc Việt. Người chiến sĩ Hải Quân đầu tiên đã biết lợi dụng giòng thủy triều, kết hợp thiên nhiên vào chiến tranh. Chỉ một trận thủy chiến đã phá tan mộng xâm lăng của nhà Hán và Bạch Đằng giang đã mãi mãi là giòng sông có tên trong chiến đấu sử. Đó là NGÔ QUYỀN.

Nói đến Ngô Quyền, chúng ta không chỉ đơn thuần coi Ông như một người anh hùng nước Việt. Mà Ông còn là người có công chấm dứt nền thống trị của ngoại bang sau hơn 1000 năm. Ông đã áp dụng câu : Uy vũ bất năng khuất. bằng cách xưng vương, để nói lên nền tự chủ của nước Việt, mở ra một thời đại mới từ đây.

Sơ lược một vài nét đại cương trong bước trường chinh của dòng Việt tộc từ ngày lập quốc và ròng rã hơn một ngàn năm sống dưới sự thống trị của người phương Bắc, như để khơi lại sự tự hào, giòng máu bất khuất của con Rồng cháu Lạc.

Bước trường chinh của con cháu Tiên Rồng không chỉ dừng bước nơi đây, mà vẫn tiếp nối từ thời Ngô Vương Quyền kéo dài cho tới tận hôm nay, cha ông chúng ta đã phải trả một giá không rẻ để có thể giữ gìn bờ cõi từ Bản Dốc, Ải Nam Quan cho đến Mũi Cà Mau. Đó chính là truyền thống bất khuất và độc lập của dân tộc Việt Nam.

Dân tộc Việt Nam là một dân tộc hiếu hòa, nhưng lại rất cang cường , bất khuất như triết lý CÂY TRE trong tinh thần Việt tộc, sẵn sàng uốn cong để chờ sức bật. Đó cũng chính là triết lý CƯƠNG NHU phối triển trong võ học Việt Nam, mà môn phái VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO đang được thừa hưởng.  Những bước trường chinh của Tiền Nhân cũng chính là những những bước khai phá của VIỆT VÕ ĐẠO. 

Nói đến quê hương Việt Nam là nói đến sự trường kỳ đấu tranh gian khổ. Đất nước đau khổ này được nưôi dưỡng và bao dung bởi Việt tộc luôn luôn bị đe dọa vì nghèo đói, bệnh tật và ngoại xâm. Chúng ta, VIỆT VÕ ĐẠO Sinh phải luôn kiên trì, đứng ra góp phần vào công cuộc hồi sinh ý chí bất khuất, sức chiến đấu kiêu dũng, bất diệt của dòng giống Việt oai hùng.

Sự suy nhược đến hấp hối tinh thần tự cường, tự lập truyền lại từ TRƯNG, TRIỆU, ĐINH, LÝ, TRẦN , LÊ.... trong quảng đại quần chúng Việt trước sự hủ hóa thanh thiếu niên của các trào lưu đồi trụy ngoại lai đã làm lung lay nền tảng đạo đức cổ truyền. Lợi dụng sức hấp dẫn của các nhu cầu xa sỉ, phù phiếm hòng đánh lạc hướng tiềm lực trường tồn mãnh liệt của Việt tộc. Các ngoại lực đã vàø đang âm mưu hủy diệt mầm mống ý chí tự chủ trong thâm tâm mỗi người công dân Việt. Nhờ những phương pháp sung mãn, đại qui mô, các ngoại lực manh nha, áp đảo, thao túng nhằm bóp nghẹt sinh lực đề kháng kiêu hùng của Việt tộc.

Để vùng lên, những người con yêu của nước Việt phải biết khơi lại tinh thần tự hào trong dòng máu Việt mà trên 4000 năm cha ông chúng ta đã chứng minh, để luôn luôn tự kiểm mà hoàn thành sứ mạng đối với quê hương và dân tộc.

Quê hương Việt Nam suốt từ Ải Nam Quan với dãy Trường Sơn vươn cao, kéo dài xuống phía Nam, rồi lan tỏa thành chín dòng sông mang tên Cửu Long giang và chấm dứt ở mũi Cà Mau. 

Việt Nam ta, một nước duy nhất có danh xưng ĐỒNG BÀO. Nói lên cùng chung một bọc do Mẹ Âu Cơ sinh hạ. Và huyền thoại 50 con lên rừng, 50 con xuống biển là đặc tính cộng sinh hài hòa của người Việt, mà bất cứ người từ phương nào tới cũng được ngưới Việt yêu quí, để rồi sau đó chính những người du nhập này đã tự nhận là người Việt, và sẵn sàng cùng đứng lên để bảo vệ quê hương tổ quốc khi đất nước bị lâm nguy.

Việt Nam ta cũng là nước duy nhất biết nhận thủy tổ là RỒNG và TIÊN. Vì thế đã có người nói : Con người Việt Nam luôn luôn hướng thượng, vươn cao và thoát tục... Mỗi người Việt Nam đều mang một tâm hồn THƠ và một SỨ MẠNG ?

Người Môn Đồ VIỆT VÕ ĐẠO là người Việt Nam sẽ phải là những người đi tiên phong trong cuộc TRƯỜNG CHINH VĨ ĐẠI CỦA DÂN TỘC. Muốn được vậy, chúng ta phải chiến thắng 3 kẻ thù chính: 

1. KẺ THÙ NỘI TẠI : Cuộc Trường Chinh Vĩ Đại bắt đầu từ sự chinh phục bản thân. TỰ THẮNG ĐỂ CHIẾN THẮNG. 

Trong mỗi con người chúng ta có biết bao chướng ngại ( Nhà Phật gọi là Nghiệp Chướng). Ba chướng ngại đầu tiên đó là sự NGU DỐT, HÈN YẾU, BỆNH TẬT. Ba kẻ nội thù này làm chúng ta quẩn bách trong sự nghèo đói, suy nhược; khiến chúng ta dẽ dàng bán thân làm nô lệ cho ngoại lực. Vì lẽ trên, cuộc trường cinh vĩ đại của chúng ta phải khởi đầu bằng : TỰ THẮNG ĐỂ CHIẾN THẮNG.

A._ CHIẾN THẮNG GIẶC NGU DỐT :
Dốt là chưa được học biết nên hành động sai lầm tác hại. Ngu là đã biết mà vẫn còn hành động sai trái gây tác hại không ít. Muốn tránh khỏi ngu dốt chúng ta cần học hỏi (Open Mind). Học ăn, học nói, học gói mang về. Học từ trong gia đình, học nơi trường học, học ở bạn bè, học nơi sách báo, học trên truyền hình, học với mọi người xung quanh (Tam nhân đồng ngã hữu tất sư). Muốn khỏi ngu dốt, không những phải học biết, mà còn phải luôn tâm niệm, kinh qua những kiến thức mà mình đã lãnh hội được làm những dấu mốc để không ta sai lầm lạc lối. Người chiến sĩ diệt giặc ngu dốt phải biết ôn điều cũ, học điều mới, cẩn trọng suy đoán trước khi hành động. Người chiến sĩ diệt giặc ngu dốt luôn sáng suốt theo sát bước tiến của sự việc, phải kiểm điểm để tránh lỗi lầm, vượt trở ngại, hoàn tất mau lẹ.

B._ CHIẾN THẮNG GIẶC HÈN YẾU : 
Hèn yếu là trạng thái suy kém về thân chất, và bạc nhược trong tâm hồn. Người yếu kém về thân chất thì dễ bị đau ốm, bệnh hoạn; nếu không thì cũng dễ mệt nhọc khi phải lao tác, khó đạt kết quả tốt. Người đời có câu : Trói gà không chặt, hay: Dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm. Vì thế, con người hèn yếu sẽ luôn ngại khó sợ khổ, sống luôn lệ thuộc vào người khác, không dám dấn thân.

Muốn chiến thắng giặc hèn yếu : Trước hết phải năng luyện tập thể dục, giữ gìn vệ sinh, ăn uống điều độ. Tập luyện võ thuật là một phương pháp thể dục hữu hiệu và đạt năng xuất cao. Tập luyện võ thuật chẳng những làm cho thân thể được cường tráng, mà còn có khả năng tự vệ và chiến đấu khi cần thiết.

Tập luyện võ thuật là phương pháp chiến thắng giặc hèn yếu hữu hiệu nhất. Võ thuật chính là chiếc thuyền chắc chắn cho ta vượt sóng; ngọn gió cho ta căng buồm. Đó chính là nguồn gốc của đại hùng, đại lực. Ngoài ra, võ thuật còn cho ta một lý tưởng để vươn lên. Lý tưởng là như một sứ mạng ( Mission); khi một người đã có một sứ mạng để theo đuổi, thì tự họ phải vạch ra một con đường để noi theo đạt cho bằng được lý tưởng mà mình mong muốn; và từ đó giặc hèn yếu, lười biếng, nhút nhát sẽ là những chông gai cần đốn bỏ trên con đường tiến tới lý tưởng.

Diệt giặc hèn yếu là phải kiên quyết thắng vượt mọi trở ngại bất cứ từ đâu tới, do đâu mà ra, bằng mọi phương tiện khả hữu. Để được như vậy, người chiến sĩ diệt giặc hèn yếu còn phải dọn cho mình trong mọi lãnh vực hoạt động từ trong gia đình đến ngoài xã hội: Việc nhỏ không coi thường, việc lớn cố gắng hoàn tất. 

Điều tâm niệm số 8, số 9, và số 10 : Việt Võ Đạo Sinh kiện toàn một ý chí đanh thép để thắng phục cường quyền và bạo lực - Sáng suốt nhận định, bền gan tranh đấu, tháo vát hành động - Phải tự tín, tự thắng, khiêm cung độ lượng, luôn luôn kiểm điểm để tiến bộ.
Văn ôn, võ luyện. Người xưa cho rằng: Ba ngày không đọc sách, mở miệng nói khó nghe. Người chiến sĩ diệt giặc hèn yếu một ngày không luyện tập thể xác, hàm dưỡng chí khí là đã bước một bước dài trong việc hủy thân, hại việc lớn vậy.

Nói như thế, ta hiểu rằng có tận diệt được giặc hèn yếu, chúng ta mới có đủ điều kiện để chiến thắng giặc bệnh tật là một trong những thủ phạm gây nên tình trạng chậm tiến của xã hội Việt chúng ta.

C. _CHIẾN THẮNG GIẶC BỆNH TẬT :
Bệnh tật là trạng thái sinh lý bất thường của cơ thể con người do sự tác hại của ngoại lực như vi trùng, thời khí, ẩm thực v..v... Khiến sinh mệnh bị đe dọa và năng lực hoạt động bị giảm thiểu.

Tật là những yếu kém, khiếm khuyết, bất bình thường của cơ thể cũng như tinh thần. Què là một tật. Gian dối cũng là một tật. Nghiện ngập cũng là một tật. Muốn chiến thắng giặc bệnh tật trước hết nhờ sự chuyên luyện thể xác làm gốc, cố gắng giữ gìn vệ sinh, xa lánh mọi cơ hội có thể bị truyền niễm, sống điều độ, tránh phung phí sức lực một cách bừa bãi, vô bổ hay giải trí một cách quá độ đến thành trác táng, trụy lạc.

Muốn diệt giặc bệnh tật phải kiên quyết làm cuộc CÁCH MẠNG TÂM THÂN. Tâm phải chính, hòa, thành , cẩn. Chính để xua đuổi tà ngụy nơi mình, nơi người. Hòa để cố gắng xóa bớt những bất đồng, dị biệt với những người xung quanh để tạo sự cảm thông, yêu thướng, cảm mến. Thành là luôn hết lòng với mình, với người, với công việc để trọn tình, đạt lý. Cẩn để tránh sơ suất, cẩu thả có thể gây mâu thuẫn, tạo thù nghịch.

2. CHINH PHỤC NGOẠI GIỚI : KIÊN DŨNG VÀ TỪ ÁI ĐỂ THẮNG PHỤC CÁC NGOẠI LỰC ĐỐI NGHỊCH.

Kiên dũng và tự ái là những đức tính căn bản để trở nên một nhân tố tốt cho cuộc chinh phục ngoại giới. Ngoại giới đây như một tổng hợp các ngoại lực có tính cách đối nghịch, cản trở, phá hoại bước trường chinh vĩ đại của chúng ta. 

Đứng trên quan điểm Việt tộc, đấu tranh cho sự trường tồn của nòi giống, sự độc lập của quốc gia, chúng ta coi tất cả các xung lực nào bách hại Việt tộc, ngăn trở bước tiến của dòng giống Việt thì đều là ngoại lực đối nghịch.

NGOẠI LỰC ĐỐI NGHỊCH.
Giữa bối cảnh lịch sử hiện tại : Một bên là bọn thực dân trắng và tay sai. Một bên là đế quốc đỏ và bè lũ bán nước. Trải qua hơn 4000 ngàn năm lịch sử đã cho chúng ta nhận rõ những bộ mặt của kẻ thù phương Bắc và bọn Thực Dân từng đến để đặt ách thống trị trên quê hương Việt Nam (1000 năm cai trị của Tàu, gần 100 năm đô hộ của Tây và trên 20 năm nội chiến...) 

Đau khổ với 80 năm nô lệ đã thấm sâu vào xương tủy Việt tộc. Biết bao chiến sĩ vô danh và anh hùng dân tộc đã sinh ra và lớn lên rồi chết đi còn mang theo bao nỗi căm hờn mất nước về bên kia thế giới ?

Hết giặc Pháp đến giặc Nhật, chỉ trong vòng có mấy năm mà dân Việt đã bị chết đói lên đến cả triệu người, trong khi miền Nam lúa đem đốt làm than cho xe lửa !

Ngoài ra, chúng ta còn có những loại giặc không kém phần nguy hiểm, vì chúng là con ong trong tay áo chúng ta : Giặc PHONG KIẾN, GIẶC TÀI PHIỆT, GIẶC HOẠT ĐẦU.

KIÊN DŨNG VÀ TỪ ÁI ĐỂ THẮNG PHỤC CÁC NGOẠI LỰC ĐỐI NGHỊCH.
Để đối phó với các ngoại lực đối nghịch chúng ta phải được trang bị bằng kiên dũng và từ ái.
Kiên dũng là kiên cường, dũng mãnh, bền bỉ, trì chí, quyết thắng. Tâm thân kiên dũng thì thắng không kiêu, bại chẳng nản. Khi chí đã quyết thì vượt mọi chông gai, trở lực mà tiến bước, đạt thành công.

Từ ái là bao dung, độ lượng, khoan hòa . Đem cái chính nghĩa để thắng bạo tàn. Qua dòng lịch sử dân tộc Việt đã cho chúng ta biết bao những gương anh dũng của các bậc tiền nhân, mà hằng ngày chúng ta phải biết ôn cố tri tân, tập luyện để mỗi người biết hướng về nguồn gốc, đem sự hiểu biết của mình phục vụ cho quốc gia dân tộc. Hãy nhìn dân tộc Do Thái để xem những con dân của họ dù trong bất cứ một quốc gia nào, dù ở hoàn cảnh nào , họ cũng không quên quê hương của họ. Sống và chết cho quê hương Việt Nam chẳng lẽ chúng ta không dám làm ? 

Tóm lại, với các ngoại lực đối nghịch, chúng ta vận dụng kiên dũng để chiến thắng và từ ái để thu phục. Uyển chuyển tùy hoàn cảnh để thêm bạn bớt thù .

3. CHINH PHỤC THIÊN NHIÊN.
Trong việc chinh phục thiên nhiên chúng ta cần biết lao tác, vận dụng óc sáng tạo để xử dụng kho tàng thiên nhiên hầu phục vụ cho con người Việt nói riêng và nhân loại nói chung.

Như sức gió làm nên máy quạt nước, đem nước tưới cho ruộng đồng. Nước chảy có thể tạo nên nguồn điện năng xử dụng trong cuộc sống hằng ngày. Lao tác khống chế thiên nhiên là điều kiện cần cho cuộc sinh tồn của loài người nói chung. Nhờ lao tác, con người tìm ra nguyên tử năng để phụng sự hòa bình, đem thanh bình no ấm cho nhân loại.

Để có được giải non sông gấm vóc Việt Nam, từ hơn 4000 ngàn năm, người con dân của nước Việt đã đổ biết bao xương máu để tô th?m sơn hà. Ngày nay , chúng ta là con dân há chăng chúng ta quên gốc, quên nguồn ? Thân phận tha hương quên tổ quốc, sống vinh thân phì da, chết đi đem theo di hài con người vong bản sẽ tốt đẹp lắm sao ?

Người Việt thì phải biết nói tiếng Việt, không biết nói được tiếng Việt thì làm sao hiểu được văn hóa Việt ? 

Xin cho em những cơn mưa mùa hạ
Cho ruộng đồng tươi mát lúa trổ bông
Cho chiều quê ca hát trẻ mục đồng
Cho mẹ già mong mau mùa lúa chín
Xin cho em một chiều Thu thanh tịnh
Tiếng sáo diều vi vút tận trời cao
Trên bờ đê em nghe gió rì rào
Bên đồng cỏ trâu đang nằm bóng mát
Xin cho em khi Đông về ấm áp
Cho dân nghèo đủ áo ấm cơm no
Chiều thôn quê vẳng tiếng hát câu hò
Đêm giã gạo vui chơi mùa trăng sáng
Xin cho em mùa Xuân vừa ló rạng
Bên mai vàng cô thiếu nữ mộng mơ
Người chiến binh gác súng mượn vần thơ
Chúc em gái : Tình Xuân vừa hé nụ
Xin cho em ngày về thăm quê cũ
Trăng thanh bình, làng cũ lúa đơm bông
Quê hương ơi ! Dân tộc Việt mãi chờ mong
Tự do và no ấm, nước Nam ngàn đời.
( Ngọc Trân)

VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO khắp nơi luôn chủ trương khơi lại nguồn gốc dân tộc Việt cho các thế hệ trẻ tại địa phương, cũng như cố gắng phát huy truyền thống dân tộc đến mọi tầng lớp người bản xứ như một hình thức vinh danh dân tộc Việt Nam, để làm hành trang cho tuổi trẻ Việt, gây niềm tự hào và hãnh diện cho lớp thanh thiếu niên Việt Nam.

Võ Sư Nguyễn Tiến Hóa 
( 817 ) 521 - 8002