BÀN TAY THÉP
ĐẶT LÊN
TRÁI TIM TỪ ÁI

Võ Sư Nguyễn Tiến Hóa


“ Bàn tay thép đặt lên trái tim từ ái.” Là ý nghĩa của lối chào “ Nghiêm Lễ.” trong môn phái VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO.
Nói đến lối chào trong cuộc sống hằng ngày, trong mọi dân tộc, mọi quốc gia; từ dân sự đến quân sự. Chúng ta đã thấy có rất nhiều lối chào khác nhau, mang nhiều ý nghĩa tùy theo dân tộc hay đoàn thể muốn đặt vào……..
Môn phái VOVINAM được khai sinh vào năm 1938, khi mà đang có nhiều luồng tư tưởng, văn hóa khắp nơi trên thế giới tràn vào; đặc biệt là đất nước còn đang trong cảnh cam go, khổ nhục của bọn thực dân Pháp đô hộ. Chính vì thế, vị Sáng Tổ môn phái đã phải dày công chiêm niệm và suy tư để đặt cho môn phái một lối chào phải mang ý nghĩa của một dân tộc tự cường, hầu nhắc nhở người môn sinh mỗi khi đặt bàn tay lên tim phải nhớ mình là ai, từ đâu tới và phải làm gì ?
Để hiểu rõ hơn về lối chào của môn phái VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO, chúng ta thử lần lượt xem qua một vài lối chào của các môn phái lớn tiêu biểu :
Môn phái Thiếu Lâm : Người môn sinh trước khi tập luyện, giao đấu, thì bàn tay trái xòe ra, đứng thẳng; tay phải nắm lại như trái đấm, đặt vào lòng bàn tay trái. Mang ý nghĩa Âm Dương tương giao. Tứ hải giai huynh đệ, chúng ta hết thảy đều là anh em, tương kính lẫn nhau trong cuộc sống.
Môn phái Judo có lối chào thật khiêm nhường, qua triết lý : “ Dĩ Nhu thắng Cương.” Hai chân đứng khép lại, hai tay xuôi theo thân người, nghiêng mình cúi đầu khi đảnh lễ.
Môn phái Teakowndo với triết lý : “ Dĩ Cương thắng Nhu.” Nên khi chào, người môn sinh luôn tạo cho mình một tinh thần tự tin, dũng mãnh. Hai chân khép lại, hai tay nắm lại thành thế đâm, và gặc mạnh xuống như ý nghĩa đã sẵn sàng chiến đấu.
Riêng môn phái VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO với triết thuyết nhân Bản hơn, nên khi chào thì trang nghiêm từ tốn như môn phái Judo của 
Nhật : Hai chân đứng theo thế nghiêm chỉnh, hai đầu bàn chân xoạc ra thành hình chữ V, như nhắc nhở người môn sinh biết rằng môn võ đang theo học là VOVINAM , phát xuất từ Việt Nam. Bàn tay phải xòe ra thành thế chém ( cương đao phạt mộc) đặt lên ngực phía trái, nơi có trái tim đang ngự trị và cùng đang đập theo nhịp sống của nhân loại.
- Bàn tay tượng trưng cho sắt thép, cương cứng, cho sức mạnh, cho đức dũng và cho Võ Thuật.
- Trái tim tượng trưng cho sự mềm dịu, cho sức sống, cho tình yêu, lòng vị tha, tức lòng nhân và cho Võ Đạo.
Nhưng trên đây chỉ là cách giải thích ngắn gọn khi cần cho những người chưa biết gì về VOVINAM. Người môn sinh VIỆT VÕ ĐẠO khi được học hỏi sâu sắc về tinh thần Võ Đạo của bản phái, thì lối chào Nghiêm Lễ chính là khởi điểm của triết lý sống cho các môn đồ tu luyện :
- SỐNG
- SỐNG CHO NGƯỜI
- ĐỂ CHO NGƯỜI SỐNG
Môn phái VOVINAM được sinh ra trong hoàn cảnh đất nước bị đô hộ, cảnh lầm than, tang tóc, đói khổ phủ đầy quê hương. Người thanh niên của thời loạn không thể khoanh tay nhìn cảnh dâu bể của đất nước mà anh nhiên tự tại được. Nhưng muốn cứu khốn phò nguy thì phải làm sao ? Một con én chẳng thể làm nên mùa Xuân !
Vị Sáng Tổ môn phái VOVINAM với rất nhiều suy tư, trăn trở và thao thức; rồi như một phép nhiệm mầu, ông đã phát kiến ra một tư tưởng :
- Phải trao cho lớp thanh niên của quê nhà một lý tưởng sống, một ý thức hệ dẫn dắt thật Nhân Bản. Ngoài ra cũng cần trang bị cho họ một thanh gươm báu dân tộc : Kỹ thuật Võ Học Việt Nam.
Đã là môt dân tộc, có một Tổ Quốc để giữ gìn, thì dân tộc đó phải có một niềm tự hào, hãnh diện về quê hương xứ sở của mình; và tất cả gia sản Văn Hóa phải là Đặc Thù Việt Nam, chứ không đi vay mượn thiên hạ.
VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO là môn phái võ thuật của người Việt Nam, một nét văn hóa đặc thù của dân tộc; được khai nguồn từ thời Quốc Tổ Hùng Vương : 
- Từ trời Bắc, ông cha ta theo đàn chim xuống Nam dựng nước. Vượt Trường Sơn, dăt dìu nhau đứng hát vang VIỆT NAM. Từ lòng đất lớn theo ngày mới, bao người đã phất cao ngọn cờ. Giống Lạc Hồng, Việt Nam ơi, Việt Nam ơi ta yêu đời đời.

Để rồi như một giọt nước hòa vào muôn ngàn giọt nước, đã tạo nên những cơn sóng thần,ngày đêm ầm ầm bên trời Biển Đông, mang tên Thái Bình Dương, lớn rộng nhất trong Ngũ Đại Dương; sóng vỗ miên man như câu hò , giọng hát vang vọng khắp Năm Châu : 

- Ta như giống dân đi tràn trên lò lửa hồng….Mặt lạnh như đồng…cùng nhìn về một xa xăm….Da chan mồ hôi nhễ nhại cuộn vòng gân tươi….Ôm vết thương rỉ máu, ta cười dưới ánh mặt trời. Ta khuyên cháu con ta còn tiếp tục làm người…Làm người huy hoàng phải chọn làm người dân Nam……

Ngoài ra, môn phái còn có cả một triết lý sống Nhân Bản : 
SỐNG VÌ - SỐNG BỞI - SỐNG CHO.

Cả 3 yếu tố căn bản trên, bắt buộc người thanh niên phải kiện toàn cho chính mình một sức sống mãnh liệt, tiềm tàng từ trong tâm hồn đến ngoài thể xác mới mong cải tạo được xã hội.

Trong bài này, chúng ta chỉ xét hai đức tính rất cần thiết trong cuộc sống đầy tha hóa, bon chen, ích kỷ đã tạo nên một xã hội với những mâu thuẫn từ nội tại đến ngoại tại : Đó là ĐỨC DŨNG phải đi đôi với LÒNG NHÂN trong lối chào Nghiêm Lễ của môn phái VOVINAM.
Trong cuộc sống hằng ngày với rất nhiều những đụng chạm do bởi mưu sinh; vì thế cung cách ứng xử của mỗi một người sẽ thể hiện về Đức Dũng của mình.
Người có địa vị, nếu chỉ biết xử dụng uy quyền sẵn có để áp chế kẻ dưới quyền, đôi khi đưa ra những lý luận vô lý; như thế không thể gọi là Dũng…..Nhưng là người thừa hành, khi bị áp chế quá mức, sẽ phản ứng lại bằng cách không thi hành lệnh, mà thưa trình lại những sự không phải của cấp chỉ huy, dù biết rằng có thể bị đuổi việc; thì đây là một cách thể hiện Đức Dũng.
Người cha, người mẹ, hay con cái vì thương yêu lẫn nhau, đã cố gắng vượt mọi nguy khó trong cuộc sống để lo cho nhau trong điều kiện tối đa có thể có được, thì cũng là cách thể hiện Đức Dũng.
Người cán bộ, môn đồ VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO trên đường xiển dương môn phái đã và đang gặp rất nhiều những khó khăn, trở ngại từ vật chất đến tinh thần; nhưng luôn bền gan tranh đấu tháo vát hành động.

Sự chịu đựng bền gan trước mọi gian nan thử thách : Tình, tiền là hai kẻ thù nguy hiểm nhất, chỉ cần xao lãng trong gang tấc là tất cả những quá trình xây dựng môn phái trở thành mây nước. Người cán bộ, môn đồ ngoài việc chuyên luyện Võ Thuật đã vô cùng khó khăn; nhưng phần tu luyện về Tâm Linh còn đòi hỏi những cao đồ phải luôn luôn tỉnh thức; vì người xưa có câu : 

- Thắng địch ngoài biên ải còn dễ hơn thắng chính bản thân mình.

Một trang anh tuấn, một bóng hồng sẽ rất dễ làm ta siêu lòng ! Ngoài ra, những người phối ngẫu cũng là những động cơ dễ dàng cho ta bỏ cuộc, nếu họ không thể hiểu, hay cùng chung lý tưởng mà ta theo đuổi ; thế nên mỗi giây phút trong cuộc sống, là mỗi phút giây phải chiêm nghiệm về định luật CƯƠNG NHU PHỐI TRIỂN để áp dụng vào chính cuộc sống hiện tại của từng cán bộ môn đồ. Câu : Trong ấm, ngoài êm quả đã là mục tiêu khó nuốt của những người môn đồ chân chính ! Và đây cũng chính là ĐỨC DŨNG mà mọi môn đồ cần theo đuổi.

ĐỨC DŨNG cũng chia làm hai : THƯỜNG DŨNG và ĐẠI DŨNG.

THƯỜNG DŨNG là cách phản ứng cấp thời, như một võ sĩ khi bị tấn công thì phản đòn, nhưng phản đòn một cách gượng ép, vụng về thì chỉ là THƯỜNG DŨNG.

ĐẠI DŨNG là cách phản ứng một cách ngoạn mục, đánh trúng vào những trọng huyệt của địch thủ, mà trước khi chết địch thủ phải toát mồ hôi hột, không những vì quá sợ hãi và còn phải nể phục. Trong cuộc sống, ai cũng thích được vợ đẹp, con khôn; ai cũng muốn có nhà cao, cửa rộng, giaù có. Chính vì thế, những ai có thể thoát ra những đam mê thường tình đó, mới thực sự đạt được hai chữ ĐẠI DŨNG vậy. Chữ ĐẠI DŨNG đôi khi phải kiên trì đến tận cuối đời, người ta mới nhìn thấy, như Đức Bồ Tát THỊ KÍNH, Đức Phật THÍCH CA hay như Đức Chúa GIÊSU KYTÔ…v..v.. 

Trong lịch sử dân tộc Việt cũng không thiếu những trường hợp ĐẠI DŨNG như việc Đức Trần Hưng Đạo tổ chức Hội Nghị Diên Hồng, họp bàn kế đánh giặc Mông Cổ lần thứ hai, khi quân Mông Cổ đem hơn 300.000 quân sang đánh nước Việt, mọi người từ vua đến đa số các quan đều lo ngại, Đức Thánh Trần đã dõng dạc thưa trước đại hội : 

- Lần này ta đánh giặc dễ hơn lần trước.

Với kỹ thuật CƯƠNG NHU PHỐI TRIỂN được xử dụng trong binh pháp : Nhà hoang, vườn trống khi giặc ào ạt tiến vào, tạo cho địch mang tinh thần khinh địch, chểnh mảng canh phòng, và luyện tập. Quân ta đã thừa cơ đánh vào yếu huyệt của giặc Mông; và mỗi lần ra quân là một lần chiến thắng, khiến giặc không còn cơ hội phản công; càng đánh càng thua.

Vua Quang Trung, vua Lê Lợi cả hai đều xử dụng chữ ĐẠI DŨNG khác nhau, nhưng đều đạt được cái hùng khí của nó. 

Chữ DŨNG xem ra dễ hiểu, nhưng rất khó áp dụng. Là một con nhà Võ mà không dám, hay không biết xử dụng chữ DŨNG thì chỉ là võ giun, võ dế mà thôi ! Nhưng chỉ biết xử dụng chữ DŨNG, mà không biết tỏ lộ lòng NHÂN thì cũng chưa thể gọi là môn đồ VIỆT VÕ ĐẠO !

NHÂN là NGƯỜI theo danh từ Hán học. LÒNG NHÂN là lòng thương người :
- Thương ngưòi như thể thương thân.

Đó là triết lý BÁC ÁI của đạo Kytô; nhưng Đức Phật cũng dạy : 
- Từ Bi Hỷ Xả.

Thế giới loài người chỉ vì thiếu Lòng Nhân mà chiến tranh đã tràn lan khắp mọi nơi : Từ Đại Chiến Thế Giới đế chiến tranh quốc gia với quốc gia, nội chiến, chiến tranh tôn giáo với tôn giáo, đoàn thể với hội đoàn, chiến tranh gia đình, vợ chồng, con cái; chiến tranh với chính nội tâm của mỗi người.

Lòng Nhân được thể hiện không phải do lòng thương hại, mà phải phát xuất từ lòng thương yêu tha nhân như chính mình vậy.

Xã hội loài người ngày nay đã có biết bao là triết nhân, biết bao là triết thuyết. Các tôn giáo cũng thi nhau mọc ra như nấm; nhưng con người dù có đi theo bất cứ một tôn giáo nào, mà không thực hiện được lòng thương yêu, thì chưa phải là tín đồ của các tôn giáo đó.

Chính vì thế, vị Sáng Tổ môn phái khi sáng tạo ra lối chào cho môn phái đã muốn nhắc nhở , gởi gấm đến các môn đồ của ông những trách vụ mà một con nhà Võ cần thấu đáo và áp dụng trong suốt hành trình của cuộc sống. Đó cũng chính là những nét độc đáo có một không hai trong thế giới của Võ Thuật.

VOVINAM không chủ trương dùng Võ để sát phạt, mà chỉ là phương tiện để tu tâm luyện tánh mỗi ngày một tốt đẹp : Dấn thân, nhưng không tham quyền cố vị. Luôn nhắc nhở mình chỉ là một trong những hạt nước trong biển cả mênh mông của vũ trụ, mà hạt nước phải được hòa cùng để đồng tiến, phát triển, ngõ hầu đưa nhân loại đến an bình thịnh vuợng chung.

Lòng Nhân cũng chính là lòng độ lượng, từ bi mà Đức Phật đã răn dạy chúng sinh; muốn có lòng độ lượng không phải tự nhiên mà có được, mà phải biết học hỏi, chiêm nghiệm hằng năm, nhiều năm. Giữa lòng độ lượng và tính tự ái sẽ mãi luôn là kẻ thù của nhau; khi tự ái bị va chạm, thì lòng độ lượng sẽ dễ dàng biến thái; như ngồi để nghe người khác xỉ vả mình, rồi chịu đựng sự khinh miệt trong cả cuộc đời, để khi gần chết mới thố lộ cho đứa con nuôi như Đức Bồ Tát Thị Kính, thì quả thật trên đời này khó có người nào qua mặt nổi.

Tiếp nối hoài bão của vị Sáng Tổ môn phái, các môn đệ khắp năm châu của Người luôn ghi khắc và như một triết lý : Công là thủ, người môn đồ khắp nơi lấy việc gieo trồng, phát huy như một nghĩa vụ, và cũng là cách để hun đúc cho chính mình. Vì : 
- Chiếc áo chẳng làm nên thầy tu; nhưng thầy tu thì phải mặc áo.

Chính chiếc áo VÕ Y sẽ là những niềng Kim Cô mà Phật Bà đã gắn trên đầu Tề Thiên Đại Thánh, hầu nhắc nhớ cho ông mỗi lần sai phạm. Người xưa cũng có câu :
- Nhất quỉ, nhì ma, thứ ba tu xuất.

VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO đang sánh vai cùng các võ phái khác trên khắp thế giới, cố gắng phát huy và bảo tồn võ thuật Việt Nam như là những nét văn hóa đặc thù của dân tộc.

Là ngưòi VIỆT NAM, nên hãnh diện và tự hào về dân tộc mình đang có một môn phái Võ Đạo sánh vai trên khắp nẻo đường quốc tế.

Võ Sư Nguyễn Tiến Hóa (817) 521-8002