Đề Nghị Một Số Ý Kiến
Để Góp Phần Canh Tân Môn Phái

Võ Sư Diệp Khôi



Nhân được đọc bài viết 'Tìm Hiểu Số Một' của võ sư Lương Thuận Vui ( một võ sư có võ đường chuyên nghiệp và hiện đang trực tiếp giãng dạy toàn thời tại Florida) trên trang Đặc san Việt võ Đạo , đề cập đến sự thành công tài chính của một cơ sở võ thuật Taekwondo tại NewYork. Xét về truyền thống, môn phái Vovinam chúng ta, phần nhiều, đặt trọng tâm trên vấn đề tinh thần nhưng theo thiển ý, đây cũng là một điều đáng quan tâm trong bối cảnh của môn phái hiện nay. Sau nhiều năm sống ở nước ngoài, có cơ hội tìm hiểu, học hỏi về tinh thần thực nghiệm cũng như các yếu tố về cung cầu trong xã hội của người tây phương, thiết nghĩ, phần nào chúng ta cũng có thể hiểu được tại sao cơ sở võ thuật này lại có sự thành công đáng ngạc nhiên về tài chính đến như vậy.

Trước tiên, trong tinh thần khiêm tốn hết mực của một môn sinh Vovinam, tôi xin được phép hoàn toàn đồng ý với võ sư Vui trong nhận định tổng quát rằng, chương trình huấn luyện kỹ thuật của Vovinam không hề thua kém, nếu không muốn nói có phần phong phú hơn Taekwondo và các môn phái khác, nhưng mãi đến nay, sự phát triển của chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế; chưa thể sánh vai cùng các danh phái võ thuật khác trên thế giới; do đó, để tồn tại và phát triển một cách mạnh mẽ trong tương lai, chúng ta, những môn sinh Vovinam trên toàn thế giới cần hiểu biết thật rõ ràng, sâu sắc các nguyên nhân và cùng nhau tìm ra những giải pháp thích ứng cho vấn đề này.

Nhờ sự hy sinh lớn lao và sáng tạo không ngừng của võ sư sáng tổ, võ sư chưởng môn và các võ sư tiền bối mà Vovinam, xét riêng về mặt võ thuật, có được một hệ thống kỹ thuật hết sức phong phú, đa dạng và hữu hiệu, nhưng phải chăng, tất cả những yếu tố đó chỉ là các điều kiện cần mà không hề là điều kiện đủ để Vovinam trở thành một môn phái có thể phát triển tốt đẹp như các đại phái võ thuật khác trên thế giới? Nên chăng, nếu đề cập đến việc cập nhật, áp dụng những tiến bộ vươt bực của thế giới về mọi mặt trong thế kỷ 21 như giáo dục, thể thao, tâm lý, y học, khoa học, kỹ thuật v.v... để đổi mới hệ thống tổ chức cũng như phương cách lý luận, nghiên cứu, huấn luyện, kể cả việc đào tạo nhân sự quản trị, quảng cáo, tiếp thị v.v... của môn phái chúng ta. Thử tìm một ví dụ ở lĩnh vực thể thao, điều gì đã làm cho các kỹ lục thế giới trong các kỳ thế vận hội liên tục bị phá vỡ với những tiêu chí - cao hơn, xa hơn, nhanh hơn, mạnh hơn, bền hơn và khéo léo hơn - nếu không phải là việc tận dụng các ưu thế về những nghiên cứu, phát kiến mới trong nhiều lĩnh vực liên quan đến thể thao. Và, xa hơn nữa, yếu tố nào đã làm cho phong trào thế vận ngày càng phát triển rực rỡ, tiếp cận và kết hợp được với toàn thế giới con người nếu không nhờ vào một hệ thống tổ chức, quản trị, tiếp thị đầy hiệu năng như Ủy Ban Olympic thế giới. 

Trong khuôn khổ giới hạn của bài viết này, xin được phép không bàn luận đến vấn đề tài chánh mà chỉ xin thử đề nghị một số ý kiến góp phần bàn về việc phát triển môn phái và canh tân chương trình huấn luyện hiện nay của môn phái vì theo thiển ý, đó là những điều căn bản nhất.

Đầu tiên, chúng ta có thể học hỏi được những kinh nghiệm gì từ lịch sử võ học thế giới cận đại:

1. Tại sao môn phái Thiếu Lâm của Trung Quốc tạo nên các dấu ấn đậm nét, ảnh hưởng sâu rộng về mọi mặt đối với nhiều môn phái khác trên thế giới, thế nhưng lại không phát triển mạnh mẽ bằng những môn phái đó? 

2. Tại sao kể từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 các môn phái như Nhu thuật(jujitsu) tiến tới Nhu Đạo(Judo), Hiệp Khí Đạo(Aikido), Okinawa-Không thủ đạo(Karate) xuất hiện tại Nhật Bản, Thái cực đạo(Taekwondo) xuất hiện tại Đại Hàn đã nhanh chóng phát triển rộng khắp trên thế giới và trở thành những đại phái võ thuật? 

Câu trả lời chắc chắn không đơn giản, nhưng tối thiểu, từ các tài liệu, hình ảnh có được, chúng ta có thể nhìn thấy: cùng với sự canh tân và tiến bộ vượt bực của Nhật Bản, Đại Hàn trong giai đoạn đó, các môn phái võ thuật của họ cũng đã triệt để áp dụng những tiến bộ xã hội để tổ chức và canh tân toàn diện môn phái mình. Họ đã mạnh dạn thử nghiệm, thay đổi chương trình huấn luyện, dụng cụ tập luyện, cả đến võ phục và đặc biệt chú trọng đến việc tuyển chọn và đào tạo nhân sự. Và, phải chăng những thành tựu hôm nay là phần thưởng xứng đáng, tương ứng với những gì họ đã dám nghĩ, dám làm. 

Tiếp đến, sau nhiều năm sinh hoạt với môn phái, từ một góc độ riêng, tôi nhận thấy rằng, có thể vì những điều kiện đặc biệt của lịch sử Việt Nam, chúng ta đã không bắt kịp những nhu cầu của các thế hệ mới với một số thể hiện như sau:

1. Chương trình huấn luyện chưa hoàn toàn hợp lý. Lượng chương trình ở sơ cấp quá nặng dẫn đến tình trạng chạy theo giáo án, không chú trọng đến việc đầu tư thời gian cho phần kỹ thuật căn bản - phần kỹ thuật nền và quan trọng nhất trong võ thuật - Thật ra, nếu môn sinh nắm vững kỹ thuật căn bản thì những biến hóa kỳ diệu sẽ được biểu hiện ngay từ bài quyền nhập môn. Ngược lại, dù bài quyền cao cấp đến đâu cũng sẽ trở nên tầm thường và vô dụng. Kết quả, vì chương trình quá phức tạp và khó khăn nên rất nhiều môn sinh đã phải bỏ cuộc, không kể những trường hợp đặc biệt, ví dụ, có huấn luyện viên giỏi, có điều kiện tập luyện tốt v.v... tiếc thay trường hợp này rất hiếm.

2. Chưa có những chương trình đào tạo huấn luyện viên chuyên nghiệp. Bất kỳ dạng huấn luyện nào cũng là một quá trình sư phạm, với lý do này, thiết nghĩ, người huấn luyện viên, ngoài phần võ thuật phải được hổ trợ thêm những kiến thức khác như các phương pháp giãng dạy, tâm lý học v.v.., mà về những phương diện này, hiện nay thế giới đã có những tiến bộ vượt bực. Chúng ta có thể nhìn vào kinh nghiệm của các môn phái võ thuật tại Nhật bản. Trước khi gởi huấn luyện viên sang các quốc gia tây phương, các huấn luyện viên này đã được tham gia các khóa đặc huấn trong một thời gian khá dài(1 hoặc 2 năm) về văn hóa, đường lối giáo dục và tâm lý v.v... của quốc gia mà họ sẽ đến.

3. Chưa tận dụng đúng mức sự ích lợi của dụng cụ tập luyện nên hầu như từ quyền tới vũ khí, dường như phần đông chúng ta chỉ múa và múa nên không thể hiện được sự chính xác và hữu hiệu. Cho đến nay, ngay cả các võ đường trung ương cũng chỉ có những trang bị rất hạn chế, không có những dụng cụ chuyên luyện cho từng hệ thống kỹ thuật riệng, ví dụ, chiến lược của Vovinam là một hệ thống vô cùng đơn giản, dể tập nhưng lại hết sức hữu hiệu, tiếc thay vì thiếu dụng cụ tập luyện thích hợp nên môn sinh đã không phát huy được hết uy lực của hệ thống này, một ví dụ khác, đòn chân là một kỹ thuật đặc thù của môn phái, nhưng cho đến nay chúng ta vẫn sử dụng người làm đối tượng tập luyện, việc này vừa nguy hiểm vừa thiếu tính thực dụng. Thật đơn giản, tại sao chúng không dùng một bao tập được thắt lại ở giữa hay những dụng cụ tương tự. 

4. Thiếu sự chú tâm và nghiên cứu nên hiện nay kỹ thuật giao đấu tự do thật đáng buồn. Cá nhân chúng tôi đã từng trực tiếp chứng kiến những kỳ tranh giải toàn quốc mà ở đó, việc giao đấu tự do chẳng khác nào các trận đánh nhau loạn xạ. Các môn sinh đã hoàn toàn không áp dụng được các kỹ thuật của môn phái. Trong khi đó, tại thành phố Melbourne, Úc Châu, ở những giải vô địch 'Kung Fu' mở rộng hàng năm, chúng tôi đã chính mắt chứng kiến một môn sinh lam đai ở Việt nam(vì muốn thi đấu và tranh giải tự do đã rời khỏi môn phái) chỉ sử dụng ba, bốn đòn chiến lược như số 4, 5, 10 v.v... một cách hiệu quả trong giao đấu và đã thắng các giải vô địch trong nhiều năm liên tiếp

5. Chưa tổ chức được những hội thảo( seminars ) định kỳ để học hỏi và trao đổi những thông tin về mọi mặt.

6. Thiếu sự đầu tư đào tạo nhân tài. Những trường đại học danh tiếng trên thế giới, với mục tiêu thu hút các đối tượng có tiềm năng, họ đã cấp những học bổng và dành nhiều ưu đãi cho những sinh viên ưu tú. Cho đến nay chúng ta chưa thật sự chú trọng đến việc giúp đở, bồi dưỡng những môn sinh năng khiếu. Đây là một việc làm hết sức phí phạm.

Cuối cùng, xin được phép trình bày rằng, đây chỉ là các ý kiến cá nhân và những nhận định chủ quan mang tính xây dựng nên khó tránh khỏi nhiều điều khiếm khuyết. Cá nhân chúng tôi, trong tinh thần chia sẽ và cầu tiến, xin được đón nhận tất cả các đóng góp. Thiển nghĩ, chỉ để đạt được một thành tựu rất nhỏ trong khoa học, con người đã phải bỏ ra biết bao thời gian, tiền tài và sức lực, lại phải trải qua rất nhiều nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng và đổi mới. Việc phát triển môn phái cũng không thể bỏ qua các tiến trình như vậy. Một danh ngôn đã nói 

- Tất cả những thành tựu vĩ đại nhất trên cuộc đời này chỉ cách nhau có một gang tay thôi, đó là khoảng cách giữa hai tai của chúng ta -

Trân trọng