THƯ CHƯỞNG MÔN


Đạo Đức - Nhân Nghĩa là một khoa học làm người. Muốn được làm người đúng nghĩa tất cả chúng ta phải học. Vì nó tạo được một lương tâm chính trực, một nghị lực hướng vào điều thiện, một lý tưởng phục vụ nhân quần. Nó trau dồi cho chúng ta những cảm tưởng tồt đẹp, những ý nghĩ lành mạnh, những thói quen luôn quan tâm đến mọi người, đến công ích. Tâm hồn cũng giống như thể xác,cần lương thực để nuôi sống, và nhân nghĩa là lương thực để nuôi sống tâm hồn.

Để cuộc sống có ý nghĩa và hạnh phúc, chúng ta phải sống với nhân nghĩa. Muốn vậy, phải kiện toàn tâm thân để trở thành người hữu dụng, sống với người, sống cho người và vì người.

Tiền tài vật chất nếu biết sử dụng đúng chổ đúng lúc cũng có thể đi đôi với phúc đức, tạio nên nhân nghĩa. Người sống có chiều sâu, biết nhìn xa trông rộng sẽ dung tiền để cứu đời, giúp người cơ nhỡ, sử dụng vào những việc công ích, tạo công ăn việc làm cho nhiều người với tấm lòng vị tha, đôn hậu, vô tư. Cuộc sống của họ sẽ vô cùng ý vị và hạnh phúc. Họ sống ung dung, thanh thản, an lạc với niềm tin yêu vô tận, bất biến của kiếp sống làm người.

SÔNG KHÔNG NGUỒN THÌ CẠN NƯỚC,
CÂY BỨC GỐC THÌ HÉO KHÔ.


Người thiếu đạo đức nhân nghĩa, thì dù tài giỏi đến mấy cũng không ai tâm phục, không hướng dẫn được ai cả.
Người ở cương vị lãnh đạo chỉ huy, trước hết phải có đạo đức nhân nghĩa, sống với mọi người phải có tình có nghĩa, luôn hướng theo điều thiện, làm những việc lành, minh chính công bằng. Người lãnh đạo chỉ huy có đạo đức nhân nghĩa như khối nam châm có sức thu hút và thúc đẩy mọi người nêu cao đại nghĩa vượt qua ghềnh thác đạt tới đỉnh vinh quang.

Đạo đức nhân nghĩa khởi từ tự phát đến tự giác:

  • ĐẠO ĐỨC NHÂN NGHĨA TỰ PHÁT: Hình thành từ nhu cầu giữ mối quan hệ hợp lý giữa con người với con người trong cuộc sống gia đình, tập thể và cộng đồng xã hội.

  • ĐẠI ĐỨC NHÂN GHĨA TỰ GIÁC: Qua sự phán xét và đánh giá của mọi người về Tính nết, Tư cách, Hành động, và Lối sống là Tốt hay Xấu, Đúng hay Sai, dẫn tới thái độ Khen hay Chê, Khinh hay Trọng mà hình thành chuẩn mực của đạo đức nhân nghĩa.

Được củng cố bằng sức mạnh của những tấm gương, của thói quen, của phong tục, của dư luận xã hội, của việc giáo dục trong gia đình và trong tập thể, đạo đức nhân nghĩa đã trở thành chuẩn mực tự giác, người lãnh đạo chỉ huy phải có bổn phận tuân thủ nghiêm cẩn mới chu toàn được trách vụ.

Là một môn phái võ đạo, Vovinam Việt Võ Đạo thực hiện lý tưởng đào tạo những con người toàn diện, những con người được kiện toàn về cả 3 phần Tâm – Trí - Thể. Đó là những con người liên tục thực hiện cuộc Cách Mạng Tâm Thân, nêu gương tốt cảm hoá mọi người, phục vụ đắc lực nhân quần xã hội. Hành trình đó đòi hỏi người môn sinh Vovinam Việt Võ Đạo phải:

  1. Có ý thức về nhân tính, làm chủ được mọi hành vi của mình, sống hữu ích, có nghĩa vụ với xã hội, với đất nước; đền đáp công ơn cha mẹ và đất nước đã sinh tạo ra những điều kiện cho mình được sống.

  2. Có ý thức về tình người với lòng vị tha - thương người như thể thương thân – tùy mức độ, sẳn sàng cứu giúp người khi lâm hoạn nạn. Phải tự thân làm ra tiền để sống, nhưng không vì tiền mà chà đạp lên đạo lý, lương tâm, tình nghĩa.

  3. Có tấm lòng nghĩa hiệp, ý thức đấu tranh với những bất công, và những thói hư tập xấu của chính bản thân, không dối trá, không nhẫn tâm độc ác. Phải luôn lấy việc giữ gìn đạo đức nhân nghĩa làm gốc: - Học làm người cho đúng nghĩa con người. Biết hy sinh dấn thân vĩ nghĩa, biết: - chết vinh hơn sống nhục!

  4. Sự tu dưỡng về đạo đức nhân nghĩa bản thân là hoàn toàn tự giác, chỉ có lương tâm mình mới có thể phán xét mình một cách minh chính, trung thực. Phải thường xuyên tự kiểm tra để đánh giá cho chính xác. Nếu thấy có sai sót, lỗi lầm phải quyết tâm sửa đổi ngay. Lỗi lầm có thể che dấu được một số người nhưng không thể che dấu được tất cả mọi người; có thể che dấu được một thời gian nhưng không thể che dấu được mãi mãi. Dưới ánh áng mặt trời, mọi Thật, Giả đều lộ nguyên hình. đừng để lương tâm phải ân hận và tự hủy những công trình đã dầy công xây dựng!

Đó là chỉ hướng đạo đức nhân nghĩa mà người môn sinh Vovinam Việt Võ Đạo phải tuân hành trong đời sống, để làm tròn nghĩa vụ đối với đời.

Võ Sư Chưởng Môn Lê Sáng