CÁCH ĐỐI XỬ CỦA CON NGƯỜI

 

Tô Hồng Ngọc –Vovinam quận 10.

 

Con người khi vừa sinh ra đời, còn nằm trong nôi hay chập chững biết đi thì vẫn chỉ là những đứa trẻ ngây thơ,chưa phân biệt được điều gì là đúng, cái nào là xấu... Và cho đến khi trưởng thành, nhận thức phát triển từ môi trường nuôi dưỡng..., ranh giới giữa thiện và ác đôi khi chỉ là một lằn ranh bé nhỏ. Nếu không biết giữ mình, bạn sẽ bị cuốn vào vòng xoáy cuộc đời, làm bạn mất thăng bằng, lạc mất phương hướng và cả lý tưởng sống cao đẹp...

 

Nét đẹp phẩm hạnh của con người bao gồm: lòng tốt, nhân ái, vị tha.v.v. Khi nói về "lòng tốt", bạn hay nhớ đến những hành động hảo tâm..., bạn góp chút ít tiền vào các hiệp hội từ thiện và nghĩ như thế đã đủ. Thực tế, lòng tốt không phải là sự ban ơn, có những ví dụ rất điển hình mà hằng ngày bạn vẫn thường gặp trong cuộc sống nhưng vô tình bạn thản nhiên bỏ qua (không cố tình bỏ quên). Đấy là những hình ảnh : người bị nạn trên đường, những đứa trẻ ăn xin, bụi đời... Đã có bao người qua đường ái ngại nhưng lại lẩn tránh, xua đuổi vì một lý do đơn giản : họ sợ...dính bẩn. Có ai biết rằng nếu như lột bỏ lớp áo bết bẩn đất cát kia sẽ là những gương mặt khôi ngô, tuấn tú và điều quan trọng là những con người ấy sống rất tình cảm, thắm đượm tình người được nuôi dưỡng từ cuộc sống nghèo khó, đói rách.

 

Thế đấy, trên Thế giới thì lan tràn nạn phân biệt chủng tộc, kỳ thị tôn giáo. Còn trong cùng một nước, cùng một sắc áo, màu da thì như thế nào? Dường như ngoại hình chiếm lĩnh nhân cách trong thước đo đánh giá con người, và xã hội phân chia theo các tầng lớp, phân biệt giàu nghèo. Thử hỏi xem họ sẽ được gì ngoài bề ngoài sáng sủa, sạch sẽ nhưng thiếu tình người? Những nhân vật trong giới "thượng lưu" thường ngấm ngầm đấu đá lẫn nhau, họ cho rằng "thương trường là chiến trường", "mạnh được yếu thua", "nhẫn tâm sát hại nhau để sinh tồn"; tự hủy hoại mình bằng lối sống vị kỷ, tự phụ, tàn nhẫn...

Theo Makiguchi : "Không làm điều tốt thì có hệ quả tương tự như làm điều xấu", hành vi này tưởng chừng như vô hại nhưng đấy chính là hành vi thiếu nhân tính. Và điều đó gần như là một căn bệnh khó chữa, như một loại virus lây lan, vươn xa đến cả hai bờ đại dương, đến nỗi Ikeda phải thốt lên rằng : "Có vẻ như hiện nay người ta quá đê tiện với nhau. Ngay cả những người cùng trang lứa với tôi, tôi thấy phần lớn họ không quan tâm đến sự an vui của những người khác". Ikeda nói không sai, nhưng không phải do bản chất con người, bởi vì tuổi thơ vốn tính bản thiện, chúng bị vấy bẩn khi ta bắt đầu nhận thức mà chính trong trường lớp, nơi giáo dục con người lại luôn xảy ra những bất công, nhiều giáo viên (người truyền đạt văn hóa) không có tư cách đạo đức. Ví dụ như mẫu chuyện sau :

 

1. Trong giờ văn, cô giáo trích giảng đoạn "Mã Giám Sinh mua Kiều". Cô phân tích những đức tính xấu xa, bỉ ổi, vô liêm sĩ, không có tính người của nhân vật Mã Giám Sinh. Bỗng "bốp". Viên phấn trắng phóng đến giữa trán một nữ sinh vỡ đôi. Phía trên bục giảng, cô giáo ném ánh nhìn nảy lửa xuống đám học trò đang ngơ ngác. Có tiếng lao xao "thằng M nói chuyện riêng trong giờ học bị cô phát hiện. Cô ném nó nhưng lại trật sang cái H." H, cô bạn nữ sinh nãy giờ đang chăm chú chép bài, ngước cặp mắt lo sợ nhìn cô, hai giọt lệ lăn dài trên má. Cô nhíu mày : "Khóc cái gì, chẳng lẽ có một viên phấn mà đau đến thế à?"

2. Giờ chủ nhiệm :

- Tại sao em đánh bạn?

- Thưa thầy, vì bạn A nói xấu bố mẹ em ạ.

- Thế A đã nói những gì?

- Bạn ấy nói "bố mẹ mày làm lao công nên dơ dáy, hôi hám, là đồ bẩn thỉu" ạ.

- Dù là như vậy thì em cũng không được phép đánh bạn.

- Thưa thầy em biết ạ, nhưng thưa thầy, bạn A đánh em trước. Vậy tại sao thầy chỉ xử phạt một mình em?

- Em không cần thắc mắc điều đó, tôi tự biết phân xử. Lần này tôi cảnh cáo, nếu lần sau em còn tái phạm tôi sẽ đuổi học.

 

Bạn nghĩ ra được lý do vì sao thầy giáo lại có cách đối xử phân biệt như vậy đối với hai học trò không?

Chỉ vì bạn A có bố mẹ là hiệu trưởng, chính khách hay một nhân vật quan trọng nào đó có quyền thế. Những chuyện như thế này không còn là hiếm nữa mà đó là chuyện hằng ngày, đến nỗi một đứa trẻ chưa kịp học chữ đã biết cách "đối nhân xử thế" ấy.

 

Nhiều bạn trẻ sau khi va chạm với những khó khăn, thử thách đã vội chùng lòng, tự mỗi người sợ bị tổn thương mà khép lòng lại, lòng từ ái cũng vì vậy mà dần mất đi, bên cạnh đó xuất hiện những đức tính xấu : kỳ thị, vị kỷ, kiêu ngạo, tàn nhẫn...

Có hoan nghênh không khi nhiều người cho rằng họ đang "sống vì người khác". Những mẫu chuyện dưới đây là chân dung tự họa cuả vài bạn trẻ điển hình.

 

1. Người mẹ nói với con:

- Ăn nhiều vào con, dạo này mẹ trông con xanh lắm. Ăn mới có sức khỏe mà học.

- Thôi đi mẹ ơi! Con còn mong gầy đi mà không được. Ra đường thì người ta bảo là"cối xay", đến lớp bọn bạn chúng gọi là"cái lu di động", ngượng chết đi được.

 

2. Nó đi chơi với đám bạn sinh viên, ngang qua một bà bán xôi, bà ngước lên :

- Ơ kìa, con...

- Bà nhầm rồi, tui...tui không phải...

Có tiếng tụi bạn đang réo gọi, nó vội vàng bỏ đi. Người mẹ chợt hiểu.

 

3. ..v.v..

 

Kết : Sống như thế nào là tốt ? Câu hỏi này tự bản thân mỗi người hãy trả lời, bởi nếu như bạn trả lời được ắt bạn phải làm được. Hãy trở thành một người công dân tốt, đừng để mai này hối hận thì đã muộn.

Riêng bản thân mình, là một môn sinh Vovinam, mãi mãi tâm niệm lời huấn dạy của Sáng Tổ ""Sống, Giúp Người Khác Sống và Sống Cho Người Khác".