Hạng Nhất: Bài dự thi Văn - Mùa Xuân 2005.

Giáng Sinh Đầu Tiên
Tùy bút của môn sinh Phúc Hòa 1/31/2005


Nồi ca-ri vừa nấu xong dậy mùi thơm ngào ngạt của ngũ vị hương cộng thêm những phụ liệu không thể thiếu của món ca-ri dê đã làm cho mọi người muốn thưởng thức một cách nhanh chóng. . .  Chúng tôi thêm bánh mì và vài món phụ khác nữa để tăng thêm phần thịnh soạn của buổi tiệc đêm Giáng sinh. Và một thứ không thể thiếu trong buổi tiệc chính là chiếc bánh Buche de Noel tuyệt vời của Hồng Hoa - cô em út có đôi mắt đen tròn long lanh cùng nụ cười luôn tươi sáng trên gương mặt đẹp thánh thiện đã cho tôi một chút gợi nhớ về hương vị thơm ngon của chiếc Buche de Noel của Sàigon năm trước.

Cái lạnh giá của mùa đông bên ngoài không thể chen chân vào nỗi không gian phòng ăn của chúng tôi, bỏi lẽ cái ấm áp của tình thân gia đình quanh quần để chuẩn bị cho buổi dinner đặc biệt này đã bao phủ toàn không gian căn phòng, toàn căn nhà. Ngôi nhà không cần phải mở sưởi nhưng vẫn ấm lạ thường hơn mọi khi. Có lẽ hơi ấm đã tỏa ra từ niềm hân hoan, hạnh phúc trong tâm tư của mỗi chúng tôi?! 

Gia đình chúng tôi có 6 thành viên: ba má nuôi của tôi là hai môn sinh của môn phái Vovinam - Việt Võ Đạo trước năm 75, sau đó định cư tại Mỹ . Họ là những người bạn rất thân cùa Ba Mẹ tôi hồi còn ở Việt Nam. Ba má nuôi có 2 con trai và một cô gái út. Cả ba đều là những môn sinh Vovinam từ nhỏ nên trông họ dẻo dai và tươi trẻ. Thành viên cuối cùng là tôi - đứa con nuôi được nhìn nhận tình cờ và ngẫu nhiên - cho phép tôi tự xưng mình là chàng nghệ sỹ nữa mùa bởi lẽ tôi yêu nghệ thuật, tôi yêu hội họa và ca hát, mặc dù tôi chẳng vẽ giỏi mà cũng chẳng hát hay. Mỗi khi tôi có một cảm xúc bất chợt nào đó tôi liền mang giá vẽ ra tự phát lên những cảm xúc đó qua nét cọ nguệch ngoạt của mình gọi là chút chấm phá, tô điểm chút màu sắc cho cuộc đời thêm xinh tươi vì vốn dĩ cuộc đời này quá phai nhạt. Bên cạnh tính cách nghệ sỹ đó là một hình ảnh trái ngược khi tôi khoát trên mình bộ võ phục màu xanh - một môn sinh Vovinam. Tôi yêu môn võ này từ tấm bé. Khi còn là một cậu bé chỉ 10 tuổi tôi được đi xem một hội diễn ở sân thi đấu Phan Đình Phùng. Lúc đó tôi thấy hầu hết những môn sinh thi đấu và biểu diễn mặc võ phục xanh trông thật oai vệ. Thêm vào đó, tôi thật sự cảm phục các đòn tấn công hay tháo gỡ đối phương. Càng tìm hiểu tôi càng thán phục phương pháp cương nhu phối triển, bàn tay thép được trái tim từ chế ngự đễ không gây hại cho đối phương. Từ đó tôi yêu môn võ thuật này. Tôi nhất định học Vovinam, vì lẽ nó sẽ giúp tôi tăng cường sức khỏe dẽo dai, lại tập cho tôi một đức tính trầm tĩnh, một tâm hồn hướng thiện, một tâm từ bi bác ái. Học Võ để hiểu Đạo như đúng với cái tên gọi của môn phái: Vovinam - Việt Võ Đạo.

Vào những thập niên 80-90, tôi lớn lên trong thời buổi khó khăn, mơ uớc học võ của tôi đành khép lại cho đến khi tôi gặp ba má nuôi của tôi hiện giờ. Sau nhiều năm xa quê hương, trở về Việt Nam với bao nỗi thương nhớ và khao khát mong tìm lại được những vị Thầy hay những đồng môn trước đây mà ba má nuôi cùa tôi đã có. Cũng chính từ chiếc nôi Vovinam đã tạo một cơ duyên cho tôi khi tôi được nhận làm con nuôi của họ. Chính ba má nuôi khuyến khích tôi thực hiện lại mơ ước của mình. Thế là tôi nhập môn. Tôi hân hoan làm môn sinh Vovinam - Việt Võ Đạo. Hạnh phúc thay, tôi được thụ huấn ngay tại Tổ Đường - cái Nôi đã chắp cánh cho bao thế hệ môn sinh Vovinam rạng danh cả tài lẫn đức, thành công và trở thành những người hữu ích cho môn phái, cho xã hội không những ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Tôi cảm thấy minh được hãnh diện lây khi được là một môn sinh Vovinam. Bên cạnh đó, tôi được hân hạnh là học trò của Võ sư Chánh văn phòng, người Thầy tôi thật sự mến mộ và khâm phục. Tôi lại được diễm phúc diện kiến Võ sư Chưởng môn. Tuy Ông không dạy tôi bất kỳ một đòn thế nào nhưng Ông đã dạy tôi những giáo lý thật chân tình - những bài học về Đạo làm người - điều này không phải ai cũng dễ dàng được ông giáo huấn! Một sự hãnh diện và cảm động mà một môn sinh ốc tiêu như tôi khó thể có được. Tôi học võ không bao lâu thì đành chia tay võ đường, nơi mà cứ ba ngày trong một tuần tôi đều đến để luyện võ. Tôi đi du học. Tôi xin diện kiến Sư Ông đễ chào tạm biệt. Buổi chia tay thật cảm động. Sư ông và Sư phụ đã cho tôi thêm nhiều lời căn dặn quý báu cho tôi thêm tư tin bước vào một thế giới rộng mở hơn nhưng cũng đầy cam go hơn! Những lời dạy bảo, nhắn nhủ ấy đã in sâu trong tâm khảm tôi. Đó là hành trang để tôi mang đến xứ lạ - nơi đó ngôn ngữ khác, cuộc sống khác và những điều mới lạ khác sẽ đến với tôi.

Tôi đặt chân đến nước Mỹ, một cảm giác choáng ngộp đập vào mắt tôi là những con đường rộng thênh thang với những làn xe hơi chạy ào ào, những tòa nhà cao chọc trời hiện lên trước mắt tôi, một vẻ đẹp hiện đại... kiểu Mỹ. Thành phố tôi ở có cái tên gọi rất dễ thương: cao nguyên tình xanh - một Đà Lạt của Mỹ với những rặng thông xanh rì quanh năm cùng với một khí hậu dễ chịu nhất nước Mỹ. Thành phố tuy xa lạ nhưng đã gây cho tôi một cảm tình ngay từ phút ban đầu. Chính điều này khiến tôi không bị homesick nặng. Điều may mắn khác là tôi được sống chung dưới một mái nhà Vovinam đầm ấm của hai cựu môn sinh Vovinam - chính là ba má nuôi tôi đấy.

Thời gian đầu tôi chưa thể thích ừng với mọi thứ còn quá mới mẻ này. Tôi không tránh khỏi nổi nhớ nhà, nhớ tất cả những người thân, bạn bè, nhớ những buổi lên Tổ đường với bộ võ phục ướt đẫm mồ hôi. Tôi nhớ tất cả mọi thứ. Đôi khi tôi ôm bộ võ phục mà thả hồn về những ngày đẹp đẽ đó... Tuy nhiên tôi được sư an ủi và động viện tinh thần rất nhiều của ba má nuôi. Tôi như một con chim non yếu ớt tập vỗ cánh, tập bay, và cả tập hót trong một môi trường mới. Họ cho tôi bầu nhiệt huyết mới để thích nghi với cảnh sống mới- mà ở đó như ngôi nhà thứ hai của tôi, như thoáng thoáng hình ảnh Tổ Đường qua 2 thanh kiếm được trang trọng treo trên vách. Rồi tháng ngày cũng dần dần trôi qua, tôi quen dần với cuộc sống mới và bắt đầu bận rộn với cuộc sống..."Mỹ". Học tập và làm việc đã cuốn tôi theo quỹ đạo của thời gian. Nó không để dành cho tôi sự lãng mãn và những suy nghĩ vẫn vơ như hồi mới qua. Cũng như tôi bắt đầu nếm mùi những hương vị của cuộc đời. Tuy không nhiều nhưng nó cũng giúp tôi vững chãi hơn trong cuộc sống.

Thấm thoát mà đã gần một năm tôi đặt chân đến Mỹ, thú vị nhất là tôi được hưởng cái lạnh giá và tuyết trắng bao phủ khắp nơi. Trên mái hiên nhà, trên bãi cỏ xanh mướt bị bao phủ một lớp tuyết trằng dày cợm, trên ngọn cây hay trên những bậc tam cấp của lối vào nhà... Nhiều người sẽ cho rằng tôi điên khi thích sự lạnh giá và sự khó khăn khi đi lai bởi tuyết gây ra. Nhưng hãy thông cảm cho một người Việt sống quanh năm với cái nóng bức của Sài Gòn và chưa bao giờ được nhìn thấy tuyết rơi. Một sự lãng mãn cần thiết lại trở về đúng lúc chăng? Tôi thèm được như thế! Ở nước Mỹ này vào gần cuối năm là hàng loạt những ngày lễ như Halloween, Thanksgiving, rồi tới Giáng Sinh, Tết. Tôi thích Giáng Sinh nhất vì ngày này mọi người sẽ nhận được quà! - tôi nghe kễ như thế , nên sự háo hức của tôi tăng lên gấp bội. Tôi mong ngày đó đến nhanh nhanh để thưởng thức món ăn đặc biệt, bánh Buche de Noel, mỡ những gói quà lớn nhỏ và đặt biệt sẽ nhận được quà của ông già Noel đựng trong chiếc vớ đỏ thật to, được treo cạnh bên lò sưởi. Nỗi háo hức không thua gì một đứa trẻ mong chờ quà, tôi thật sự trẽ lại. Tôi đang sống lại quảng đời sinh viên...

Hôm nay ngồi ghi lại những cãm xúc khi mở quà trong đêm Noel đầu tiên tại Mỹ, tôi vẫn nghe bồi hồi trong niềm hạnh phúc. Tôi nhận thật nhiều quà của người thân trong gia đình ba má nuôi, quà, điên thư từ Việt nam gỡi sang. Trên tất cã giá trị vật chất của những món quà Giáng sinh là tấm lòng, là tình người, tình môn phái. Tôi vụng về hội nhập vào gia đình Vovinam của ba má nuôi nhưng lại đón nhận tình thương cũa mọi người trong gia đình. Gia đình chúng tôi là 3 thế hệ Vovinam luân lưu: thế hệ của thập niên 60, thập niên 90 và sau cùng là tôi, người môn sinh của thiên niên kỹ mới 2004. Mùa Xuân sắp về trên quê hương Việt Nam và thành phố thân quen của người sinh viên xa xứ, tôi xin dâng lời cầu nguyện cho sự phát huy Môn Phái Vovinam - Việt Võ Đạo ngày càng tõa rộng khắp nơi.


 

Hạng Nhì: Dự thi Văn – Mùa Xuân 2005

TRUYỀN THỐNG TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO
CỦA NHỮNG VÕ SINH VOVINAM

La Trọng Nhân.


Vovinam có một nền lịch sử lâu dài, trong quá trình phát triễn, để đưa nền võ học Việt Nam tiến cao thêm, có những người đã đi khắp nơi truyền bá nền võ học Việt Nam, đó là những người Thầy, người Cô đã bỏ những năm tháng dài lâu để dạy những người võ sinh, Thầy Cô đã khuyên bảo chúng ta, đã dạy dỗ chúng ta yêu mến nền võ học của nước mình, trong một trái tim từ ái. Thầy Sáng Tổ Nguyễn Lộc đã bỏ hết cuộc đời mình để sáng lập ra môn phái Vovinam truyền từ đời này qua đời khác qua những thế hệ hậu học từ võ sư chưởng môn Lê Sáng đến các võ sư cao cấp…. để giờ đây hầu hết khắp thế giới đều biết đến… để làm được như thế đã có nhiều người bỏ bao công lao, tiền bạc, xương máu ra để đào tạo cho những thế hệ măng non của Vovinam. Do đó chúng ta phải hiểu truyền thống “Tôn Sư Trọng Đạo” phải kính trọng những người đã hy sinh bản thân mình, để phát triễn môn phái, đã tạo ra hàng trăm võ sinh hàng trăm huấn luyện viên Vovinam.

“TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO” ! từ “Tôn Sư” là như thế nào? Nó nói lên sự kính trọng, tình yêu thương, sự quí mến thầy, Cô. Theo quan niệm của người xưa ở đất Việt Nam cho dù là thầy dạy võ chúng ta, một khi thầy già yếu phải chăm lo cho Thầy, khi thầy mất phải cúng giỗ. Thầy Sáng Tổ Nguyễn Lộc đã sáng lập ra môn phái Vovinam Việt Võ Đạo, đã đào tạo nên những võ sinh của môn phái Vovinam đầu tiên từ đó đã truyền bá đi khắp nơi, do đó chúng ta phải kính trọng và nhớ ơn thầy bằng cách hằng năm chúng ta làm lễ tưởng niệm để ghi nhớ công ơn của Thầy.

Vì sao phải: Trọng Đạo? đó là một câu hỏi không khó đối với những người học võ. Muốn học đạo thì phải trọng đạo. Có trọng đạo rồi mới học được đạo, mở mang được tâm hồn, trí tuệ. Có Trọng Đạo, con người võ sinh Vovinam mới trở nên tốt đẹp, giúp ích cho xã hội, đất nước ngày càng thịnh vượng. Trọng Đạo thì phải Tôn Sư. Đó là lòng biết ơn phải có đối với những người có công sáng lập nên Vovinam.

Ngày xưa ông cha ta rất qúi trọng việc học văn hơn võ, nhưng một con người muốn toàn vẹn thì phải “Văn Võ Song Toàn”. Muốn học võ thành tài là phải hiểu được từ “Đạo” đó là một kiến thức đạo lý của người võ sinh đối với môn phái. đối với huấn luyện viên, sáng Tổ, “Trọng Đạo” bây giờ là phải chăm học, nắm vững kiến thức học võ đồng thời tu dưỡng đạo đức để phục vụ cho môn phái. Không câu nệ đến mức thầy bảo sau chỉ biết nghe vậy nhưng phải biết vâng lời dạy dỗ, tôn trọng thầy ở trong võ đường cũng như ngoài võ đường, biết ơn thầy và cách đền ơn tốt nhất là trở thành người có tài có đức.

Truyền thống qúi báo càng đặc biệt đề cao lúc nầy vì người môn sinh bây giờ chỉ coi việc học võ như là phương tiện rèn thân luyện thể. Những văn minh cơ khí, những lợi ích vật chất làm xói mòn đạo đức của nhiều người, khiến cho môn sinh ngày càng có những thái độ sai trái, bất kính đối với Thầy Cô gây những cảnh đau buồn trong môn phái.

Sự sa sút của Tôn Sư Trọng Đạo chỉ là một sự khủng hoảng tức thời. Truyền thống đó sẽ được khôi phục nếu có tác động tích cực thúc đẩy sự phát triễn của môn phái. Các môn sinh được giảng dạy kỷ hơn về tinh thần võ đạo, vế tác phong đạo đức của người môn sinh. Mỗi võ sinh chúng ta cần phải thông thuộc, hiểu và thực hành, mọi người phải đóng góp tích cực trong việc phát triễn để khôi phục truyền thống Tôn Sư Trọng Đạo.



Hạng Ba: Dự thi Văn – mùa Xuân 2005.

MÔN SINH VOVINAM
Ngô Hoàng Ân



Vovinam môn phái võ đạo,
Ngày rồi tháng đã dưới trăng luyện kiếm.
Vượt rừng sâu,lên đồi cao,
Vung quyền cước để giúp dân trừ gian,
Dù lên rừng hay xuống biển,
Với bàn tay thép, với trái tim từ ái,
Người môn sinh Vovinam
Xoa dịu vết thương đau cho mọi người.
Vovinam hiếu trung thành tín,
Dầu lìa thân ,hình hài tan, không từ nan.
Vovinam tràn không gian
Tô đậm trang sử mới cho Việt Nam./.

Hoàng Ân



Đoạn thơ trên đã nói lên sự kiên cường bất khuất của các môn sinh Vovinam, Các môn sinh Vovinam biết đoàn kết , xiết tay nhau xông pha vượt qua bao gian khổ, nhọc nhằn, dù có thất bại cũng không sờn chí, nản long. Luôn bước đi hiên ngang giữa trời, vượt lên đỉnh cao, lòng luôn vui tươi, sống giúp đở cho người và quyết đem tinh hoa võ đạo hiến dâng cho đời, phát huy môn phái ,chung tay góp phần cho Vovinam vững chắc đến ngày hôm nay.
"Ngày rồi tháng đã dưới trăng luyện kiếm" câu thơ nầy đã thể hiện cho chúng ta thấy sự siêng năng rèn luyện ngày và đêm của các môn sinh các võ sĩ không muốn nghỉ ngơi chỉ mong sao mau chóng thành tài để giúp cho môn phái thêm phần sức lực giữ vững niềm tin.Các võ sinh không những luyện tài mà còn rèn đức,biết sống vì mọi người được thể hiện qua các câu thơ trên :

"Vượt rừng sâu,lên đồi cao,
Vung quyền cước để giúp dân trừ gian 
Dù lên rừng, hay xuống biển
Với bàn tay thép,với trái tim từ ái
Người môn sinh Vovinam
Xoa dịu vết thương đau cho mọi người."

Cho dù phải vượt rừng ,lên đồi cao rồi xuống biển có khó khăn thế nào đi nữa thì những võ sĩ dũng cảm này không ngần ngại vẫn vươn lên vung quyền cước giúp dân trừ gian ác bạo tàn để xoa dịu vết thương đau cho mọi người, với những tính cách của những võ sĩ Vovinam đó, là nhờ có Thầy Sáng Tổ Vovinam dìu dắt giảng dạy vừa luyện võ cho chúng ta mà Thầy còn dạy cho cách làm người Thầy muốn tất cả các môn sinh của Thầy phải có đủ những đức tính đó để làm sao xứng đáng là con nhà võ. Phải biết sống vì mọi người ,chứ dừng cứ mãi lo cho mình,mà quên tất cả những người xung quanh,với sự dìu dắt đó của Thầy các môn sinh Vovinam quyết tâm rèn đúc luyện tài để không phụ lòng mong đợi của Thầy,họ luôn kề vai, sát cánh đoàn kết nhau cùng Thầy tiếp tục phát huy môn phái.Ngoài những phẩm chất tốt đẹp sống biết giúp người mà các môn sinh Vovinam còn có một tinh thần dũng mãnh, gan dạ,dù phải vào dầu sôi lửa bỏng mà họ vẫn cứ ung dung tự tại không sợ hiểm nguy, biết hy sinh tất cả cho mọi người.

Bốn câu thơ cuối cho thấy ngoài những yếu tố đó mà họ còn "hiếu"đối với Thầy Cô,Cha Me,"trung" với môn phái nói riêng và "hiếu" với dân "trung" với nước nói chung,của các môn sinh .Với sự trung thành, dũng cảm, đoàn kết không ngại chông gai các môn sinh Vovinam đã giúp Thầy Sáng Tổ chúng ta đưa môn phái làm nên lịch sử của phong trào võ thuật Việt Nam,dốc hết sức mình giúp Thầy cùng môn phái mãi lưu truyền thế gian.
_Bài thơ nầy đã cho thấy tất cả môn sinh Vovinam có được một người Thầy Sáng Tổ cao cả lập ra môn phái để cho chúng ta có đất dụng võ vừa rèn đức vừa luyện tài,cùng nhau góp thêm những phần sức lực tiếp tục xây dựng môn Phái ngày càng vững chắc hơn,làm sao cho môn phái Vovinam được sáng ngời bốn phương. 

Người ơi xin nhớ mãi: "Vovinam tràn không gian, vượt thời gian, Vovinam... Vovinam... Vo...Vi...Nam....

HOÀNG ÂN