TRÊN ĐỈNH NGŨ HÀNH SƠN
Người Tuổi Phượng


“ Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân.”

Khi Chúa Nguyễn Phúc Ánh tìm đến cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm để xin yết kiến, thì cụ Trạng đã trao cho Chúa Nguyễn câu :
“ Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân.”
Chính câu này đã là khởi nghiệp của giòng họ Nguyễn Gia Long sau này.

Nói đến giòng sử nước Việt, với hơn 4000 ngàn năm liên tục đấu tranh không ngừng nghỉ. Phải nói mảnh giang sơn đất Việt ngày nay đã được tạo dựng bởi xương máu anh hùng tiền nhân mang giòng Võ nghiệp; thế mà có ngươì nói : “ Mỗi người Việt Nam là một nhà thơ.” thì riêng tôi cũng nhận định : Mỗi người Việt Nam đều mang giòng máu Võ Tướng, hay nói khác đi :

VĂN VÕ SONG TOÀN LÀ NGƯỜI VIỆT NAM ?

Ta thử nghe lại những dòng ca dao chân thành mộc mạc của quê ta phát xuất từ đồng nội quê nghèo, thoang thoảng hương cau, hơi cỏ; man mác chạy dài từ Bắc vô Nam, mà khi đọc lên ta đã tận hưởng hay nhìn thấy cả một quê hương trước mặt.

“ Hỡi cô tát nước bên đường sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi ?”
“ Cô kia cắt cỏ một mình, cho anh cắt với chung tình làm đôi….Cô còn cắt nữa hay thôi, cho anh cắt với làm đôi vợ chồng..”
“ Ai đem con sáo sang sông, để cho con sáo sổ lồng bay xa.”
“ Thương em anh cũng muốn vô…Sợ truông nhà Hồ, sợ Phá Tam Giang.”
“ Gió đưa cành trúc sau hè…Anh theo vợ bé bỏ bè con thơ…”

Một tâm hồn thơ, cả một trời thơ…..Thơ trong điệu hò câu hát, thơ chan hòa trong tiếng chày giã gạo đêm trăng, trong chiếc gàu tát nước đêm đen, lan tỏa từ bờ ruộng hòa nhịp cùng tiếng côn trùng bay bổng lên không trung theo tiếng sáo diều buổi trưa hè vắng ngắt, để rồi len lỏi, xoáy trọn vào tiếng võng kẽo kẹt mà từ thuở còn thơ mẹ Việt Nam đã ấp ủ, dạy dỗ : “ Quốc phá gia vong.” Hay “ Quốc gia hưng vong…thất phu hữu trách.”
Khi đất nước lâm nguy, thì một trẻ thơ cũng biết lập thế trận hầu tìm cách cứu nguy dân tộc : Cờ lau tập trận Đinh Bộ Lĩnh…. . “ Phá cường địch, báo hoàng ân.” Trần Quốc Toản….Gái gỉa trai tòng quân cứu nước : Bùi thị Xuân……..
Thơ trên đường gươm mũi kiếm, thơ trong tiếng gió côn loan luyện tập.
“ Vạch giáo non sông đã bấy lâu….Ba quân hùng hổ khí nuốt sao….Công danh nếu để còn vương nợ…..Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu…..Phạm Ngũ Lão một võ tướng dưới thời Trần, nhưng cũng yêu văn thơ, nhưng thơ của ông là thơ đấu tranh dành độc lập cho dân tộc.

Ngũ Hành Sơn là năm quả núi nằm trên dãy Trường Sơn, tọa lạc tại tỉnh Đà nẵng bây giờ. Ngũ Hành là sự vận chuyển theo qui luật tương sinh và tương khắc trong Trời Đất. 
Tương sinh : Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim, Kim sinh Thủy………
Tương Khắc : Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy, Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim….. Và Ngũ Hành Sơn hay Hoành Sơn chính là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ vậy.

Theo nhà phong thủy nổi tiếng Tả Ao của Việt Nam thì Ngũ Hành Sơn là trung tâm điểm, là nơi hội tụ của khí thiêng Trời Đất, nên quanh năm mây trắng bao phủ xung quanh như vương miện của Hoàng Đế, chính ông đã đoan chắc : Một ngày không xa, Việt Nam sẽ là nơi sản sinh ra những tinh hoa của hoàn vũ, Địa Linh Nhân kiệt. 
Ngũ Hành Sơn nằm trên dảy Trường Sơn, là xương sống của Rồng Vàng Á Đông đã hơn một lần xuất hiện tại Thăng Long thành năm nào với vua nhà Lý, rồi sai Thần Kim Qui trao gươm báu cho vua Lê phá tan lũ quân xâm lược nhà Minh.

Đêm nay, trên ngọn Ngũ Hành Sơn, một đêm rằm tháng chín…..Ngọn Thu phong xào xạc cây lá. Ánh trăng khuya đã lên quá đỉnh đầu, màn đêm tĩnh mịch, văng vẳng tiếng chim Quốc nghe thảm não bi thương , như khóc than cho thân phận kẻ mất nước ! Rồi đột nhiên người ta nghe tiếng gầm rống của chúa sơn lâm, làm đàn chim chóc giật mình vỗ cánh trong hoảng hốt, khơi động những hạt sương khuya rơi lộp độp…….Dưới ánh trăng trong, người ta phát hiện một con cọp ba chân khổng lồ đang gầm gừ, cố tung ra những cú vồ, cú tát lão luyện để chế ngự, khuất phục một trang anh tuấn, tuổi ngũ tuần……
Chúa sơn lâm, Cọp Ba Mươi sau một lần thất bại mười năm về trước và đã bị chém đứt một chân trái do chính người tráng sĩ này. Vì thế đêm nay như một linh tính, ông Cọp Ba Mươi này quyết một phen sống mái để báo thù cho một phần thân thể đã bị mất , một mối hận thù không thể bỏ qua, mà chính người dũng sĩ can trường đã hơn một lần suýt lấy mạng nó .

Ông Cọp Ba Mươi, người dân miền núi đã gọi như vậy, vì dù chỉ có ba chân, nhưng con cọp này rất tinh khôn và lão luyện. Hơn 10 năm về trước, cọp thường về những bản sóc dưới chân núi để săn mồi, đã giết hại rất nhiều người và thú vật; mặc dù dân làng đã làm những mương rãnh cũng như hàng rào kiên cố để chống ngăn, nhưng đều vô ích… Mỗi lần đến là một thân xác người, hay trâu bò bị hiến thân mang đi….. Thế nên mỗi lúc nghe tiếng rống của cọp là ngưòi dân làng tưởng như chính mình đang là vật tế thần, họ chỉ biết cầu khẩn, khấn vái cho tai qua, nạn khỏi !!! 

Thế rồi, một hôm có chàng thanh niên tuấn tú, vai mang trường kiếm tới hỏi thăm dân làng để lên đỉnh núi Ngũ Hành luận võ…..Dân làng nhìn chàng tỏ dấu ái ngại, họ khuyên chàng nên bỏ ý định điên rồ đó : Vì ngọn Hoàng Liên Sơn là ngọn núi cao nhất của dãy Trường Sơn với hơn 3000 mét, quanh năm mây mù giăng mắc, cây cối rậm rạp, vách đá cheo leo, mà có lẽ từ thuở xa xưa chưa có ai dám nghĩ đến việc thám hiểm, chứ đừng nói đến việc trèo núi luận võ, họa chăng chỉ có loài chim mới có thể vỗ cánh bay lên nổi……Hơn nữa, chúa sơn lâm, ông Cọp Ba Mươi đang làm chủ ngọn Ngũ Hành thì con người nào dám mơ tưởng đến chuyện hão huyền đó.

Sau cả nửa buổi dân làng cố thuyết phục người tráng niên này bỏ ý định, nhưng chàng vẫn một mực muốn lên ngọn Ngũ Hành bí hiểm này. Người ta đành dẫn chàng đến một thủ trưởng, kỳ lão trong làng. Sau một tuần trà, vị kỳ lão cho biết cách đó một tuần cũng có một tráng sĩ hỏi đường lên ngọn núi cao, không biết tung tích người đó là ai, và thân phận hiện nay sống chết thế nào……Vị kỳ lão lấy cây gậy trúc, vẽ ngoằn nghoèo đường lên đỉnh núi, và căn dặn chàng phải hết sức cẩn thận, vì ông Cọp Ba Mươi rất nguy hiểm, có thể nói đã thành tinh….. Vị kỳ lão thủ trưởng kêu gọi dân làng đem thịt heo rừng ra khoản đãi chàng tráng sĩ, và trước lúc lên đường một vài cô gái trong buôn làng tặng chàng những chiếc nanh heo, như một sự may mắn mà ai cũng cầu chúc cho chàng……

Ầm ầm…..Tiếng gãy đổ của một cây tùng lớn vì sự vồ hụt của chúa sơn lâm, khiến thân xác của nó bị va chạm quá mạnh ….Tiếng cát đá văng tung tóe, chàng thanh niên đã búng mình nhảy lên một tảng đá khác, cầm ngang thanh kiếm chuẩn bị đón chờ thế tấn công sắp tới của Cọp Ba Mươi. Thật ra, chàng đang quan sát những thế võ khởi động của chúa sơn lâm, chàng chưa muốn đem những kỹ năng Kiếm Pháp của Võ Việt ra đối đầu.

Chúa sơn lâm gầm gừ, rùn ba chân thủ bộ, chiếc đuôi ve vẩy như tìm thế phóng, hàm răng nhe ra với bốn chiếc răng nanh nhọn hoắc như bốn lưỡi dao trủy thủ sẵn sàng xé xác đối phương, cặp mắt nhập thần, thôi miên đối thủ…..Soạt….rầm…..rầm….con cọp phóng mình nhảy ngang vào cây tùng bên trái, mượn đà phóng ngược trở lại, giơ bàn tay phải với bốn móng vuốt sắc bén như bốn lưỡi đao quét ngang vào bụng đối phương, nếu chàng dũng sĩ không né kịp thì chắc chắn ruột gan sẽ phơi bày cho tuế nguyệt; chưa hết, thế phạt ngang vừa hụt, nó lanh lẹ dùng cánh tay còn lại làm đà , búng mạnh hai chân sau vào mặt đối phương như thế song long thần chưởng của môn phái Thiếu Lâm, nếu trúng thế này thì mặt chàng dũng sĩ sẽ nát ra như cám…..
Chàng dũng sĩ dùng thế “ lăng ba vi bộ.” nhảy sang một tảng đá khác một cách nhẹ nhàng, rồi từ đó phóng mình lên không, tung ra thế:
“ phong kiếm áp đỉnh .”Nếu ai được mục kích thế này sẽ thấy chàng thi triển khá ngoạn mục : Như một thiên thần từ trên không trung nhảy xuống, hai chân bẹc ra trong tư thế ngồi lên lưng cọp, và hai tay cầm chặt thanh Nhật Nguyệt Kiếm chém chẻ xuống giữa đỉnh đầu Cọp Ba Mươi như lưỡi Tầm Sét của Thiên Lôi, tánh mạng của chúa sơn lâm chắc chắn không thể thoát được với chiêu thức tuyệt luân này… Nhưng…Keng…..Lưỡi kiếm thay vì đi thẳng từ trên xuống chém xẻ đôi cái đầu của Cọp Ba Mươi, thì một vật cứng va chạm mạnh, đánh trợt luỡi kiếm của chàng sang bên trái , nên lưỡi kiếm thay vì chẻ đầu cọp ra làm hai thì chỉ chém đứt tai và một mảng má bên trái của cọp đứt lìa….Chàng dũng sĩ dùng hai chân đạp lên đầu cọp, bung mình nhảy ngược lên cành cây, đảo mắt quan sát xem ai đã thi triển công lực thượng thừa đó ?

Tuyệt hảo….Tuyệt hảo……Xin thí chủ tránh bớt sát sanh… Vừa lúc đó có một ông già râu tóc bạc trắng như tuyết trong bộ võ y màu xanh da trời xuất hiện….Trên miệng còn chúm chím nụ cười : Chiêu thức Phong Kiếm Áp Đỉnh của bạn khá xuất sắc……Chàng dũng sĩ vòng tay nghiêm lễ : Kính chào Sư Thúc, chẳng hay sư thúc vẫn mạnh khỏe ? Con tưởng đêm nay không gặp được sư thúc…..Cọp Ba Mươi nhân dịp hai người đang trò truyện, đã cụp đuôi chạy biến mất vào rừng sâu….

- Chẳng hay, đêm khuya khoắt thế này, con lặn lội tìm ta chắc có chuyện khẩn cấp lắm ?
- Dạ thưa Sư Thúc, ngoài Bắc Hà bọn Chúa Trịnh lộng hành, lấn áp vua Lê….Mọi công việc triều chính đều phải khải tấu và ban hành ở dinh Chúa Trịnh….Vua Lê không còn một chút quyền hành gì. Bọn quan quyền dưới phủ chúa Trịnh chẳng còn kiêng nể luật vua, phép nước, muốn đánh đập, giết ai tùy ý. Ngay cả Chúa Nguyễn Phúc Ánh cũng sợ bị Chúa Trịnh ám hại, nên đã nhờ người chị là vợ của Chúa Trịnh xin cho vào phương Nam trấn giữ mà lánh nạn. Trước khi đi, Chúa Nguyễn đã thỉnh ý cụ Trạng Trình và được cụ Trạng viết cho mấy chữ : “ Hoành Sơn nhất đái - Vạn đại dung thân.” Chúa Nguyễn còn đang lập bản doanh ở cách xa đây 30 dặm, Người biết trên ngọn núi Ngũ Hành Sơn có một vị ẩn sĩ, nên phái con lên yết kiến, may lại gặp Sư Thúc ngay trong lúc tử đấu với Cọp Ba Mươi, rất mong Sư Thúc vì chuyện xã tắc An Nam ta, mà ra tay tiếp trợ cho, thì việc lớn chắc thành.
- Bảo Long con, ta đã gĩa từ giang hồ, mai danh ẩn tích để chú tâm luyện Nội Công Tâm Pháp, một bí kíp thượng thừa của bản môn, ta không còn màng đến công danh sự nghiệp thế gian nữa, quyết lưu lại chốn thâm sơn để tiêu dao tiên cảnh, đáng lý ra ta không xuất đầu lộ diện nữa, nhưng thầy con quyết tử với Cọp Ba Mươi, nên ra tay cứu nó cũng là giúp con tránh bớt tội sát giới.
Con về trình lại với Chúa Nguyễn, cụ Trạng đã khuyên dạy như thế là thậm phải. Duy chỉ có một điều : Trước khi ra quân, Chúa Nguyễn cần rèn luyện cho binh sĩ tinh thông võ thuật và binh pháp; ngày nào Chúa Trịnh chưa động binh thì Chúa Nguyễn nên án binh mà luyện quân, tích tụ lương thảo, chiêu hiền đãi sĩ hầu lập kế lâu dài.
- Cám ơn Sư Thúc đã dạy bảo……Trước đây một tuần, sư huynh 
Bảo Quốc cũng đi tìm về Ngũ hành Sơn, không biết hành tung 
anh giờ này ra sao ? Sư Thúc có nghe ngóng gì không ?
- Ta đã gặp Bảo Quốc cách đây vài hôm, khi hắn đang hỗn đấu với 
Dã Nhân và tính lấy mạng Dã Nhân bằng thế Phục Hổ Ngọa Long Côn, ta cũng đã ra tay cứu Dã Nhân như đã cứu Cọp Ba Mươi đêm nay. Hiện Bảo Quốc đang nhập thất tại hang Âm Phủ. Con hãy theo ta về hang, luôn tiện ta muốn chỉ điểm cho con một vài chiêu thức mới trong Nhị Thập Bát Tú, và nhân dịp này con cũng nên nhập thất luyện cho xong Thiên Long Bát Quái Chưởng trước khi trở về giúp Chúa Nguyễn gây dựng nghiệp Bá.

Bảo Trúc( vị Trưởng lão của Môn Phái Việt Võ Đạo) vận khinh công nhảy lên ngọn cây, Bảo Long cũng vận công nhảy theo…..Trong ánh trăng khuya, một gìa một trẻ lướt nhẹ trên ngọn cây như những ánh ma trơi, chẳng mấy chốc cả hai đã về đến hang Âm Phủ, và cùng đáp xuống nhẹ nhàng. 
Bảo Trúc vận kình lực vào cánh tay đẩy tảng đá lấp cửa hang, với lấy ngọn đuốc, bật lửa, hai người nhờ ánh lửa đi xuống hang sâu. Bảo Long đã đếm được 128 bậc, càng xuống sâu đường đi càng trơn trượt ,nếu không nhờ võ công cao cuờng thì khó có thể đi được, không khí dưới trở nên buốt lạnh, Bảo Long phải vận kình khí xuống đan điền để phòng chống hàn khí.

Đường đang đi xuống nhỏ hẹp, thì đột nhiên phía trước mở ra khá rộng, và ánh trăng về sáng lọt vào soi tỏ như ban ngày, thì ra đây là một cái thung lũng rộng, cây cối tốt tươi, thoang thoảng một mùi hoa dạ lan thơm phức, vị sư thúc trưởng lão cầm tay Bảo Long bước qua phía trái chín bước, rồi bước về phía trước chín bước kế tiếp, rồi bước qua phía phải sáu bước nữa thì tới một vách núi, ông gõ lên vách đá ba cái liền, rồi hai cái, tiếp theo là bốn cái thì khối đá truớc mặt di chuyển qua một bên, để lộ một cửa hang động, trong hang khí trong mát lạ thường, ánh sáng dạ quang từ vách đá chiếu tỏa tạo ra một ánh sáng dịu không thua ánh trăng bên ngoài, bất thình lình từ trong bóng tối, có hai con báo nhảy ra nhe nanh chồm lên chắn đường, vị trưởng lão chỉ hắng giọng, tức thì hai con báo ngoan ngoãn lui vào bóng tối mất dạng.
Hai người tiếp tục đi một đỗi nữa thì đến một hang động khác, trong hang chỉ có một chiếc bàn bằng đá, nơi vị trưởng lão dùng làm giường ngủ và luyện công.

Vị trưởng lão gõ xuống bàn ba tiếng, thì có một tiểu đồng bước ra, bưng theo một khay trà nóng, sau đó tiểu đồng dọn ra bữa ăn chỉ vỏn vẹn hai con thỏ nướng và mấy cây rau sà lách, một chùm nho tươi.
Đêm nay cháu tìm đến ta, may có cặp thỏ đãi cháu; ăn xong chúng ta hãy đàm đạo thêm, Bảo Quốc cũng đã luyện công được bảy mươi hai tiếng, để ta cho nó nghỉ và cùng hội luận với chúng ta cho vui.
- Tiểu đồng vào gọi chú Bảo Quốc ra đây.
Chỉ nghe tiếng dạ như từ cõi xa xăm nào đó……Rồi nghe tiếng giày khua động….Bảo Quốc đã hiện diện….Đặt bàn tay lên tim…Nghiêm lễ vị sư thúc , Bảo Long cũng lật đật đứng dậy nghiêm chỉnh nghiêm lễ vị sư huynh. Anh em gặp nhau mừng rỡ khôn xiết.
- Thưa Sư Thúc…..Theo con mắt lão luyện của chú, thì võ lâm giang hồ hiện nay có những ai sáng giá nhất ?
- Đất nước ta từ khi Đức Quốc Tổ Hùng Vương dựng nước, và lấy quốc hiệu là Hồng Bàng, đã trải qua hơn 4000 ngàn năm, và nếu nhìn chung vào lịch sử thế giới, thì chưa có một nước nào có một lịch sử đấu tranh như nhân dân Việt Nam; chính vì điểm đó, người dân Việt Nam, từ lúc còn nằm trong bào thai đã thừa hưởng gia sản Võ Nghiệp : Với mẹ là giòng máu Trưng Vương, Triệu Thị Trinh; cha là Hùng Vương, Hưng Đạo..v…v….Có thể nói người Việt Nam nào cũng có Võ, nhưng thì hoàn cảnh nào đó nên chưa được khai triển mà thôi.
Tuy nhiên, võ công thượng thừa hiện tại nơi Bắc Hà có Sư Ông Chân Như tu luyện trong chùa Trúc Lâm, cây thuyền trượng của người, thế gian khó có người địch lại….Đàng Trong có vị Đạo Sĩ Lê Báo với nội ngoại thần công tới mức thượng thừa, bí kíp thiết bố sam ông đã luyện tới mức đao kiếm chém vào không hề trầy da…..Ngoài ra, võ công cỡ như ta thì nhiều vô số kể…..
- Thưa Sư Thúc võ công như thế nào thì được gọi là cao thủ ?
- Võ công được gọi là cao thủ khi động võ mà như không động : Khi Ý – KHÍ - LỰC cả ba hòa thành MỘT. Người có võ công cao cường không bao giờ động thủ, nhưng bất cứ một kình lực nào đến thì tự động đã được hóa giải. Và người cao thủ không học chiêu thức hay chiêu số của môn phái nào, nhưng khi hóa giải thì cũng bằng những chiêu thức của môn phái đó; thế nên có câu : Vô chiêu thắng hữu chiêu là thế.
- Thưa Sư thúc giải nghĩa lại, hai con chưa hiểu hết ý !
- Tại hai con lúc nào cũng nghĩ đến chiêu thức, bài bản này nọ, nên khó hiểu. Cũng giống như ngưòi học thuộc bài, không có nghĩa là hiểu bài. Thuộc bài nhưng phải hiểu bài và phải biết ứng dụng vào thực tế, khi xử dụng chiêu thức phải có kình lực phát ra. Còn những bài quyền, côn, kiếm ..v..v…tuy đã thuộc, nhưng không phát huy được nội lực, không biết tại sao lại tung quyền, phóng cước, thì có khác chi người bình thường học các vũ điệu; vì thế chữ Vũ và chữ Võ chỉ khác nhau có chữ U và chữ O nhưng ý nghĩa thì khác xa một trời một vực….
- Cám ơn Sư thúc đã chỉ điểm cho tư tưởng lầm lạc của hai con