Đặc trưng kỹ thuật của Vovinam - Việt Võ Đạo


Dựa trên nền tảng võ và vật dân tộc, đồng thời nghiên cứu tinh hoa của các môn võ khác trên thế giới để dung nạp, thái dụng và hóa giải, nhất là cải tiến nền tảng kỹ thuật của mình theo nguyên lý Cương - Nhu phối triển, thế nên hệ thống kỹ thuật của Vovinam - Việt võ đạo (VVN) khá phong phú, nhưng vẫn có một số nét đặc trưng.

Đặc trưng nổi bật nhất là tính thực dụng. Thay vì phải mất một thời gian luyện tấn, tập đi quyền rồi mới học phân thế, võ sinh VVN được HLV hướng dẫn ngay các thế khóa gỡ (khi bị nắm tóc, nắm áo, nắm tay, bóp cổ, ôm ngang...), phản đòn căn bản (khi bị đấm, đá, đạp...) song song với những kỹ thuật gạt, đấm, đá, chém, té ngã... ngay từ các buổi tập đầu tiên. Tính thực dụng này nhằm giúp võ sinh có thể tự vệ hữu hiệu được ngay, vì võ sinh không chỉ tập trung thời gian cho luyện võ.

Đặc trưng tiếp theo là tính liên hoàn. Một đòn thế VVN tung ra luôn luôn phải có tối thiểu từ 2 - 3 động tác. Thí dụ: muốn chống đòn đấm thẳng tay phải (trình độ 1) của đối phương, võ sinh sẽ bước chân trái sang bên trái cùng lúc dùng tay phải gạt tay đấm đối phương để tránh né; sau đó phản công bằng cách dùng tay trái chém vào mắt hay mặt và kết thúc bằng cú đấm thấp tay phải vào bụng đối phương; hoặc thế chiến lược (liên hoàn tấn công) số 1 bao gồm cú chém úp bàn tay vào mắt hoặc mặt, bồi thêm cú đấm thấp tay phải vào bụng và tiến chân phải lên, dùng chỏ phải đánh vào thái dương của đối phương. Nói chung, có thể đó là vài động tác liên hoàn bằng tay (chém, xỉa, đấm, bật, chỏ...), hay bằng chân (đá, đạp, quét, cài, móc...), hoặc đòn tay đi kèm với đòn chân (chém quét, triệt ngã...). Lối ra đòn này nhằm chiếm thế thượng phong khi tự vệ và chiến đấu, phù hợp với thể tạng gọn gàng và nhanh nhẹn của người Việt Nam, đồng thời cũng là biện pháp dự phòng trường hợp 1 - 2 động tác ban đầu đánh chưa trúng đích.

Hệ thống kỹ thuật VVN còn tuân thủ nguyên lý Cương - Nhu phối triển. Lúc bị tấn công, võ sinh thường né tránh (nhu), rồi mới phản công (cương). Song song đó, VVN cũng có nhiều kỹ thuật tấn công nhưng vẫn đảm bảo nguyên lý này. Chẳng hạn, khi tung một cú đá tấn công hoặc phản công (cương) vào thân thể đối thủ, võ sinh phải dùng tay che mặt và bảo vệ hạ bộ để thủ (nhu). Ngay trong phương pháp luyện tập té ngã (không nguy hiểm, không đau), võ sinh phải lên gân và co tròn thân người lại (cương), sau đó lăn tròn thân người lúc ngã xuống (nhu) để hóa giải lực tấn công của đối phương và sức rơi của trọng lượng cơ thể. Nhờ vậy, võ sinh VVN tập luyện đòn thế và té ngã trên sàn gạch bình thường như trên thảm.

Như các môn võ khác, kỹ thuật VVN cũng vận dụng các nguyên lý khoa học như: lực ly tâm (các thế xoay người, gạt, đỡ, đấm đá, đánh chỏ... theo hình vòng cung hoặc vòng tròn); lực đòn bẩy (các thế bẻ, khóa, gài, móc, chặn...), lực xoáy (các thế đấm thẳng...), lực co gấp và sức bật (các đòn quăng, quật, vật, nhảy...).., nhằm giúp võ sinh ít hao tốn sức lực khi thi triển đòn thế mà vẫn đạt hiệu quả cao.

Đặc biệt, các đòn chém quét, chém triệt, chỏ triệt (lực tay và chân đánh cùng lúc nhưng nghịch chiều), triệt ngã (lực tay và lực chân đánh cùng lúc và cùng chiều) cùng các thế quặp cổ (bất ngờ tung ra khi đối phương bất cẩn, lảo đảo…) trong hệ thống đòn chân cơ bản được sử dụng để đánh ngã đối phương cũng là một đặc trưng kỹ thuật quan trọng của VVN.

Một điểm đáng chú ý khác là các bài đơn luyện (quyền tay không, quyền có binh khí), song luyện (2 võ sinh thực hiện liên tục một số đòn thế theo quy ước), đa luyện (3-4 võ sinh thực hiện liên tục một số đòn thế theo quy ước) chính là sự kết nối hợp lý các khóa gỡ, các thế phản đòn căn bản... để tạo điều kiện thuận lợi cho võ sinh ôn luyện. Đây là nguyên tắc “một phát triển thành ba. trong hệ thống kỹ thuật của bộ môn.

Hơn một thập kỷ qua, VVN lại có thêm một số bài Nhu khí công quyền dành cho tất cả võ sinh và một số bài liên hoàn đối luyện dành cho người có tuổi bao gồm những động tác nhẹ nhàng và không té ngã.

Được bổ sung liên tục trong gần 40 năm qua, hệ thống đòn thế, bài bản tay không và cả vũ khí (dao, kiếm, côn, búa, mã tấu, tay thước, đao, đại đao...) của VVN đảm bảo những đặc trưng cơ bản ban đầu, cũng như vừa mang tính truyền thống Việt Nam và vừa mang tính hiện đại.

Diệu Quỳnh