VOVINAM
Con đường trở về với dân tộc 

Võ Sư Nguyễn Tiến Hoá


Kính thưa cha,

Kính thưa ông chủ tịch, cùng toàn thể quí vị trong hội đồng mục vụ,

Kính thưa toàn thể quí ông bà và anh chị em trong cộng đoàn dân Chúa.

Trước hết, con xin cám ơn Cha chánh xứ, cũng như toàn thể quí vị đã cho phép con được bước lên đây trình bày một vài nỗi niềm tâm sự của một người Kytô hữu Việt Nam, một võ sư thuộc môn phái VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO.

Thưa Cha, thưa toàn thể quí ông bà và anh chị em. Con xin mượn lời của cha Nguyễn Hữu Lễ trong câu : Trước khi làm linh mục, tôi là người Việt Nam trong bài ( Theo Bước Chân Người Linh Mục của ông Trần Trung Đạo). Để xác tín: tất cả chúng ta đang hiện diện trong ngôi thánh đường nhỏ bé này đều là người Việt Nam. Vì thế, ngoài bổn phận thiêng liêng đối với Thiên Chúa, chúng ta còn một bổn phận thứ hai không kém phần quan trọng : Đó là tình yêu quê hương và tổ quốc Việt Nam.

Thưa cha và thưa toàn thể quí ông bà cùng anh chị em.

Chúng ta không thể bắt người con dâu Hoa Kỳ yêu quê hương tổ quốc Việt Nam như chúng ta đã từng yêu lũy tre xanh, cây đa, bụi chuối trong câu: "Ta đi ta nhớ quê nhà, nhớ canh rau muống nhớ cà dằm tôm".

Thật vậy, người ngoại quốc dù có thương chúng ta đến đâu, cũng không thể thấm thía được khi nói : "Đầu tôm nấu với ruột bầu, chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon".

Thưa quí vị, quê hương chúng ta là đấy, tổ quốc Việt Nam chúng ta ở đâu ?

Là người tị nạn, chúng ta có những người đã ra đi từ nhửng ngày cuối tháng Tư năm 75; và sau đó cho đến bây giờ, chúng ta đã phải lìa bỏ quê cha đất tổ, để tìm hai chữ Tự Do bằng nhiều con đường khác nhau : Vượt biên bằng đường bộ, với bao cay đắng, chết chóc khi gặp bọn thổ phỉ; vượt biển bất chấp sóng gió bão bùng, hải tặc hãm hiếp; làm mồi cho cá mập cũng vì hai chữ Tự Do. Bây giờ, chúng ta đang sống trên đất nước Tự Do, như trong bài giảng của Cha Trần Quí Thiện cách đây hai tuần, ngài nhắc nhở chúng ta nhớ lại khi còn lênh đênh ngoài biển khơi, khi còn lạc lõng trong rừng sâu, hoặc khi chúng ta còn kẹt lại Việt Nam, chúng ta đã từng khấn hứa, thề nguyền những gì khi chúng ta đến được bến bờ Tự Do ?

Thưa Cha, thưa toàn thể quí vị, cùng anh chị em. Con là người tị nạn vượt Biển. Con là người đàn ông duy nhất sống sót trong chuyến tàu 75 người, khởi hành ngày16 tháng 11 năm 1981, tại Rạch Sỏi, Rạch Giá. Tàu của con bị hải tặc tấn công ngày 19 tháng 11; sau ba ngày lênh đênh trên biển với sóng bão cấp sáu cấp bẩy. Mặc dù đã phải chiến đấu sống còn, đã tiêu diệt mười lăm tên hải tặc, cướp lại tàu của chúng, nhưng khi vào được bờ biển Mã Lai thì chỉ còn lại một mình. Đến đất nước Hoa Kỳ vào ngày 22 tháng 9 năm 1982, con đã bỏ lại trên biển cả một vợ , 2 con, một người em dâu và người cháu ruột, cùng tất cả những người trên tàu, hầu hết là anh em bà con trơng dòng họ; và con cũng đã bị bệnh tâm thần hết gần tám năm vì chuyến hải hành đầy máu và nước mắt.

Sau nhờ tập luyện "Nội Công Tâm Pháp" của môn phái VOVINAM con đã lấy lại được tâm trạng quân bình. Nay con đã lập lại gia đình, và có được hai cháu : một trai và một gái . Thật cám ơn Chúa. (Chuyện của con còn khá dài, con xin phép được khất lại, và xin trình bày vào dịp khác)

 Thưa Cha và toàn thể quí vị, hôm nay con đến đây với tư cách một môn đồ của môn phái VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO để trình bày với quí vị, cũng như giới thiệu với quí vị một môn võ Việt Nam mà cha ông chúng ta đã hơn bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước bằng môn võ đó. VOVINAM là một tên mới sau khi vị Sáng Tổ đã học tập, nghiên cứu các môn võ vật, cũng như võ cổ truyền Việt Nam và các môn phái lớn trên thế giới, rồi thái dụng những tinh hoa để hình thành. Lấy triết lý cây tre làm biểu tượng, lấy chủ thuyết Cách Mạng Tâm Thân làm cứu cánh, lấy võ thuật làm phương tiện để hướng dẫn, đào tạo thế hệ trẻ trên con đường phục vụ dân tộc và nhân loại với nghĩa vụ nhân bản : Sống - Để cho người khác sống - Và Sống cho kẻ khác.

Thưa quí vị, VOVINAM là võ Việt Nam, một kho tàng văn hóa đặc thù Việt Nam, mà thảng hoặc chúng ta đã bỏ quên vì nhìn thấy cái Hamberger nó lạ miệng, hấp dẫn hơn Cà khú với canh rau đay ! Nhưng , thưa với quí vị : mỗi một bộ môn trên thế giới đều được hình thành và phát triển theo môi trường sống : Địa lý và nhân văn. Khi con còn theo học môn Nhu Đạo với thầy Thích Tâm Giác, ông là một trong những võ sư có đai đẳng Nhu Đạo cao nhất ở Việt Nam trong những năm 1963, một lần chứng kiến ông vật giao hữu với một võ sư Nhu Đạo Hòa Lan nặng hơn hai trăm ký, và thầy Tâm Giác đã không thể vô đòn được, vì ông võ sư này quá nặng, vả lại ông cũng đủ khôn ngoan để không cho thầy Thích Tâm Giác mượn sức mình để quật ngã mình. Người Đại Hàn với cuộc sống trên tuyết, họ đã phải lợi dụng đôi chân như một sở trường để sinh sống, vì thế môn Túc quyền Đạo (Taewondo) là môn đặc thù của họ. Người Trung Hoa với đất rộng, người nhiều nên môn võ của họ có những nét hoa mỹ. Trong khi cha ông chúng ta hầu hết là những nông dân chất phác, hiền hòa, và chỉ chiến đấu khi bị tấn công. Chiến trường của chúng ta là những bờ ruộng, khe suối, chúng ta là những người có thân hình nhỏ nhoi,nên đòn thế của chúng ta là tốc chiến tốc thắng; không đánh thì thôi, mà đã đánh là phải dành chiến thắng. Võ của chúng ta không để múa cho hoa mỹ, mà để chiến đấu sống còn.

"Ai về xứ Việt mà coi, cô gái xứ Việt đi roi múa quyền". Vâng, đó là câu mà cha ông ta đã từng nói: Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh. Nói lên cái truyền thống dân Việt chúng ta. Một chiếc đòn gánh, dùng để buôn thúng bán bưng, nhưng khi cần sẽ trở thành một môn binh khí lợi hại.

Dòng sữa mẹ Âu Cơ, với đôi vú căng tròn đã nuôi đàn con Việt với bao chiến tích lẫy lừng trong hơn bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước . Lạc Long Quân với bọc trăm trứng đã nói lên đầy đủ ý nghĩa của hai chữ Đồng Bào. Ôi thiêng liêng, cao quí thay!!

Người Nhật sau khi thái dụng những tinh hoa văn hóa, cũng như võ thuật của Trung Hoa đã tạo nên tinh thần Võ Sĩ Đạo ( Sumurai) . Đặc biệt trong kỳ thế chiến thứ II, mặc dù bị thua, nhưng cả thế giới cho đến ngày nay vẫn còn xưng tụng và kiêng nể cái tinh thần võ sĩ đạo đã vì nước quên mình, khi nghe Thiên Hoàng phải ký giấy đầu hàng binh sĩ Nhật đã dùng gươm mổ bụng, để chứng minh sự trung thành với Tổ Quốc. Và khi nói đến Nhật Bản, người ta còn được biết đến nhiều thứ khác : Trà Đạo, Kiếm Đạo như một thứ văn hóa đặc thù hiếm có trên thế giới.

Chúng ta có khi nào tự hỏi: Nước Nhật đất hẹp người đông, mà ngày nay họ là nước giàu có vào bậc nhất thế giới? Đó là tinh thần Võ Sĩ Đạo: Làm việc,và sống bằng tinh thần Võ Sĩ Đạo.

Việt Nam quê hương ta thì sao ? vào khoảng năm 43 tây lịch, trên thế giới có người đàn bà nào dám đứng lên vì hai chữ thù nhà, nợ nước như hai bà Trưng Trắc và Trưng Nhị chưa ?

Napoleon đại đế của nước Pháp mà thế giới nể phục có tạo được những chiến tích oai hùng như Quang Trung nước Việt , từ ngày ra quân đến khi nhắm mắt lìa trần, với trăm trận trăm thắng; cả vua quan nước Tàu đều kiêng nể, phải gọi để gả con gái cho.

Đức Trần Hưng Đạo đã ba lần chiến thắng quân Mông Cổ, khi họ đã làm chủ hầu hết châu Á và Châu Âu. Vậy họ đã nhờ ở đâu ? võ khí nào, tinh thần nào, võ thuật nào?

Đó là tinh thần VIỆT VÕ ĐẠO, cái tinh thần một bọc trăm trứng; cái tinh thần Cương Nhu phối triển của Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ.

Đó chính là triết lý Âm Dương trong biểu tượng Cây Tre, mà sự tích Phù Đổng Thiên Vương đã nói đến.

Thưa quí vị, cơm áo là chuyện bức thiết để chúng ta phải luôn lo toan, đôi khi làm chúng ta đến bù đầu nhức óc. Nhưng thiếu sức khỏe, khi bệnh hoạn; nhất là khi tiếng còi hụ của xe Ambulance trước cửa sẽ bắt buộc chúng ta phải ngưng hết mọi công việc, từ giã cả những gì thân yêu, trân quí nhất để vào bệnh viện ! Hơn nữa, con em chúng ta cần có một khối óc minh mẫn trong một thân thể cường tráng để có có thể trở thành những bác sĩ, kỹ sư trong tương lai. Sức khỏe sẽ là những nụ cười nhân ái cống hiến cho cuộc đời mai hậu. Quê hương, tổ quốc Việt Nam dấu yêu của chúng ta sẽ phải cần những khối óc minh mẫn trong đoàn hậu duệ thanh niên cường tráng để đắp xây một nước Việt Nam giàu mạnh và phú cường.

Thưa quí cha, quí vị trong hội đồng mục vụ, cùng quí ông bà, anh chị em. Nếu nói ra thì còn rất nhiều, và rất nhiều những chứng tích anh hùng của dân tộc Việt chúng ta. Vì thời gian có hạn. Con xin được ghi lại một vài câu biểu ngữ trong thời gian môn phái VIỆT VÕ ĐẠO được hình thành vào những năm 1938, lúc người Pháp còn đô hộ nước ta :

VOVINAM còn, nước VIỆT còn........

Học võ VOVINAM là yêu Tổ Quốc..........

Người VIỆT học võ VIỆT......

HỌC VÕ VIỆT ĐỂ TỰ TÚC TỰ CƯỜNG ........

VIỆT NAM MUÔN NĂM......VOVINAM BẤT DIỆT.....

 


 

..