CẢM NHẬN TỪ MỘT CHUYẾN ĐI
Nguyễn Văn Sen


Bài bút ký này xin dành riêng tặng VS.Diệp Khôi
và các thành viên trong chuyến du hành một tuần lễ
từ ngày 04/04 11/04/2004 qua một phần lãnh thổ của Autralia,
gồm : VS. Cẩm Bình. VS. Lý Văn Ngôn, 
VS. Hoàng Quốc,VS. Huỳnh Ngọc An,
HLV. Phạm Thành Đạt cùng phu nhân 
Lê Thị Ngọc Mai và con trai Phạm Lê Minh.
Thân tặng toàn thể VS, HLV. Vovinam Việt Võ Đạo
Melbourne, Tiểu bang Victoria, Australia.

Nhận lời mời của Võ Sư Diệp Khôi, Thầy Chưởng Môn và tôi chuẩn bị cuộc hành trình sang thăm Vovinam Úc châu vào cuối tháng ba vừa qua. Đúng như chương trình, khoảng 19 giờ ngày 26, anh Trần Văn Tân, một HLV  Vovinam đánh xe đưa Thầy Chưởng Môn và tôi ra sân bay Tân Sơn Nhất. Tân là con của cố Võ sư Trần Văn Trọng, người cao lớn, vạm vỡ, rất có tấm lòng và là một doanh nhân thành đạt trên thương trường. 

Chiếc xe len lỏi vào dòng người, xe đông đúc trên đường phố Sài Gòn. Ở Sài Gòn đường phố lúc nào cũng nghìn nghịt xe cộ, dập dìu người qua kẻ lại, ngược xuôi như mắc cửi; không khí tất bật, vội vã, ồn ào hòa cùng cái nóng hanh hanh của những ngày cuối xuân đầu hạ, tạo nên cái cảm giác rộn ràng khó tả mà có lẽ chỉ có ở Việt Nam. Cái cảm giác đã làm tôi thao thức, nhớ nhung trong những chuyến đi xa lâu ngày. Lúc này, lòng tôi chỉ rộn lên đôi chút bâng khuâng khi nghỉ đến chuyến đi sắp tới. Cảm giác nôn nao, bồi hồi của chuyến Âu du đầu tiên năm 2001 không còn nữa. Tôi cũng không thể giải thích được tại sao, vì có lẽ đó là cảm giác chung của những người đi xa lần đầu. 

Ra tiễn Thầy tại phi trường có VS. Nguyễn Văn Chiếu, VS. Võ Văn Tuấn và các VS ở Tổ đường (1). Sau khi chụp một vài tấm hình kỷ niệm và những lời từ tạ ân cần, Thầy và tôi vào sân bay làm thủ tục xuất cảnh. Đang tiến gần đến cổng, bổng một tiếng gọi tôi giật ngược, tôi vội quay lại! Thì ra, VS Nguyễn Văn Vang do bị kẹt xe nên đến trể, đang vẩy tay tạm biệt chúng tôi từ khu cách ly bên ngoài. 

21 gi 20, con chim sắt 767 của Hàng Không Việt Nam đưa Thầy và tôi lên trời cao để khởi đầu cuộc hành trình xuyên đại lục. Nhìn chung cung cách phục vụ của HKVN tạm ở mức trung bình và có lẽ còn phải cố gắng nhiều hơn nữa trong cuộc cạnh tranh trên bầu trời. Tôi bổng nhớ đến những nụ cười xinh xắn, tươi vui của các cô tiếp viên Malaysia Airline trong chuyến Âu du lần trước. Phải chi !!!

Sau bửa tối, đèn tắt, ánh sánh dìu dịu đề mọi người chợp mắt. Bên cạnh tôi, Thầy đang ngũ ngon. Đâu đây tiếng loạt xoạt của vài người vươn vai, trở mình cho đở mỏi. Chỉ còn tiếng động cơ đều đều trong đêm vắng. Trên màn hình, phi cơ đang trực chỉ Singapore rôi Indonesia trước khi vào không phận Australia. 

Sau khoảng 8 giờ bay, phi cơ đáp xuống phi trường Tullamarin thuộc thành phố Melbourne, tiểu bang Victoria, Australia lúc 9g20 ngày 27/03 (khoảng 5 giờ Việt Nam) (2). Ra đón Thầy Chưởng Môn và tôi có VS. Diệp Khôi và khoảng gần 30 VS, HLV Vovinam VVĐ. Tay bắt mặt mừng, ai nấy đều rạng rở, vui tươi với tình cảm của những người thân lâu ngày gặp lại. Hai nữ môn sinh dâng lên Thầy những đóa hoa tươi thắm thể hiện lòng trân trọng và sự biết ơn. VS. Diệp Khôi và Ban tổ chức sắp xếp để Thầy và tôi nghỉ tại nhà VS Nguyễn Ngọc Ánh trên đường Avondale Heights. Đây là một ngôi biệt thự 5 phòng, với đầy đủ tiện nghi, rất đẹp, nằm dưới một con dốc, xung quanh là những căn nhà với nhiều lối kiến trúc đa dạng tạo nên một quần thể hài hòa, đẹp mắt. Trước năm 1975, VS. Nguyễn Ngọc Ánh là học trò của cố VS. Trịnh Ngọc Minh ngoài Nha Trang; sau sang Úc sinh sống, làm việc và hoạt động Vovinam. Anh là kỹ sư trưởng của một công ty lớn, hiện đang sống và làm việc tại Hoa Kỳ, căn nhà của Anh do người con là Nguyễn Anh Tuấn, vừa là một bác sĩ và cũng là một HLV. của Vovinam Melbourne chăm sóc, do đó, những ngày chúng tôi sống tại đây thật thoải mái và dễ chịu.

Melbourne đang vào mùa thu nên thời tiết rất mát và trong lành; đường phố sạch sẽ, yên tĩnh. Ở Việt Nam Thầy đã có phần khó chịu vì khí hậu nóng bức, sang đây chỉ một vài ngày Thầy khỏe hẳn ra. Vài ngày đầu, VS Diệp Khôi đưa chúng tôi đi thăm một vài lớp võ, cũng như tham quan một số thắng cảnh và việc mua bán, sinh hoạt của cộng đồng người Việt tại đây. Đến đây, hẳn cũng nên dành ra đôi dòng để nói về VS Diệp Khôi, mặc dầu tôi biết Diệp Khôi không bao giờ muốn ai nói về mình, không bao giờ muốn người ta biết những cống hiến của mình ở Vovinam, ở gia đình Phật tử, mà còn ở cả những hoạt động xã hội trong hơn hai mươi năm qua tại Úc.

VS. Diệp Khôi là học trò của Thầy Chưởng Môn Lê Sáng trước năm 1975, cùng thời với các VS. Lê Thanh Liêm, Tô Văn Vượng... Kỷ niệm sau cùng và đáng nhớ nhất của tôi đối với VS Diệp Khôi là buổi chiều ngày 28/05/1975, một ngày sau khi Thầy Chưởng Môn bị tạm giữ, tôi đến Tổng Cục Huấn Luyện (nay là Tổ Đường) để thăm Thầy. Từ bên kia đường, VS Diệp Khôi trong bộ áo tăng già màu nâu, vẫy tay gọi tôi qua, đưa một túi trứng vịt, nói để Thầy hút la coóc cho khỏe rồi vội vã đi ngay. Tay cầm túi trứng vịt, tôi vừa buồn cưới, vừa cảm động trước tấm lòng của một người học trò trong cơn tao loạn của thời cuộc. Từ đó tôi không gặp VS Diệp Khôi nữa, cho mãi đến những năm đầu của thập niên 90.

Nhân chuyến đi này tôi mới biết VS. Diệp Khôi vừa là một võ sư Vovinam, một huynh trưởng của gia đình Phật tử, một người hoạt động xã hội năng nổ, và còn là một MC duyên dáng, linh hoạt .... Sức làm việc và tinh thần dấn thân của VS Diệp Khôi thật đáng khâm phục. Giản dị, nhiệt thành, tận tình với mọi người, hết lòng vì học trò ..., Về một phương diện nào đó, VS Diệp Khôi đã thể hiện được sự hòa nhập giáo lý từ bi của Phật pháp với tinh thần dấn thân nhập thế của Vovinam VVĐ trên con đường hành đạo của mình. Tôi đã nhìn thấy sự thương yêu, quý trọng trong ánh mắt của những người học trò của VS Diệp Khôi khi họ nói về người Thầy của mình. Võ Sư Diệp Khôi xứng đáng được hưởng niềm tin yêu như thế.

Là một trong những người phát triển Vovinam VVĐ ở nước Úc rất sớm, khoảng những năm đầu của thập niên 80, võ đường Kensington ở Melbourne là nơi mà VS. Diệp Khôi đặt nền móng đầu tiên; và cho đến nay Melbourne vẫn là nơi Vovinam phát triển tốt nhất, căn cơ nhất. Chúng tôi đã đến thăm các võ đướng chùa Quang Minh, Richmond, Kensington, Lalo, và Braybrook, St.Alban ... của VS Lý Văn Ngôn. Do hoàn cảnh địa phương nên các võ đường chỉ hoạt động được 1 hoặc 2 ngày trong tuần, với đa số môn sinh là người Việt ở lứa tuổi từ 11 cho đến 18, 20. Đặc biệt là nhiệt tình và tấm lòng của các vị phụ huynh rất đáng trân trọng và cảm phục. Mỗi buổi tập, mỗi kỳ thi lên đai hay lễ lạc đều được sự quan tâm hỗ trợ và chung tay góp sức quý báu. Đó là một trong những động lực duy trì sự phát triển ổn định tại đây, và cũng chính là niềm vui, là phần thưởng tinh thần quý báu cho những Võ Sư, HLV Vovinam VVĐ, những người đã cống hiến công sức trong sứ vụ phát triển môn phái ở một đất nước dư thừa vật chất song hạn hẹp thời gian.

Bên cạnh số môn sinh Lam đai, tôi đã gặp, đàm đạo với khoảng gần 50 em môn sinh Hoàng đai, là lớp hậu bị vững vàng cho Vovinam Melbourne. Đa số các em đang học hoặc đã tốt nghiệp đại học, có đời sống ổn định, nhiệt thành, căn bản võ thuật vững, thông thạo ngôn ngữ, sinh hoạt, tập quán địa phương. Đó chính là những yếu tố thuận lợi để đưa việc giảng dạy Vovinam VVĐ vào cộng đồng người bản xứ. Như vậy, có phải phải mất gần 30 năm để Việt Võ Đạo từng bước chuyển mình sang Nhân Võ Đạo tại đây? Và tôi hoàn toàn tin tưởng vào tiến trình phát triển tốt đẹp của Vovinam Úc Châu trong tương lai.

Cộng đồng người Việt tại Úc khá đông, họ sống đoàn kết và đa số đều thành đạt. Ngoài cộng đồng người Ireland và Italy, những sắc dân đã đến Úc từ lâu, người Việt được coi là một cộng đồng tương đối thành công về kinh tế và quyền lực chính trị trong khoảng hai chục năm trở lại đây. Với đà phát triển như vậy, đôi mươi năm nữa, cộng đồng người Việt sẽ có một ảnh hưởng nhất định trong đời sống kinh tế, xã hội, và chính trị của nước Úc. Tôi đã đi thăm một số khu chợ, khu thương mại của người Việt như khu Footscray, Richmond... nơi mà bạn có thể mua bán, giao dịch bằng tiếng Việt thoải mái, và với những mặt hàng đầy đủ như ở VN. Tiếng rao hàng, tiếng cười nói ồn ào, trộn lẫn với những âm thanh đặc biệt làm ta có cảm tưởng như mình đang sống ở Việt Nam. 

Giá sinh hoạt tại Úc khá rẻ (so với mức thu nhập) và đặc biệt món gì cũng to, cũng quá khổ, từ đồ ăn, thức uống, cây trái, và có lẽ cả con người? Phải chăng nó chịu ảnh hưởng của một đất nước mà diện tích lại mênh mông như một đại lục, khi phải mất bốn giờ bay ta mới vượt qua khỏi? Giá một tô phở nhỏ 5$, trung 6$, lớn 7$, và xe lửa (XL) 8$. Nói là nhỏ song cũng đã lớn hơn tô lớn ở VN. Những ngày đầu, tôi chỉ có thể ăn được tô trung, thời gian sau mới dám mon men đến tô lớn. Thầy ăn uống rất ngon miệng. Nhớ có lần, mấy thầy trò đi ăn kem tại Dairy Bell, nhìn thấy người phục vụ mang ra mấy ly kem khổng lồ đã mất hồn và chỉ có Thầy dùng hết, còn mấy anh em ai cũng đành phải bỏ mứa.

Tôi cũng đã tham quan một số thắng cảnh tại Melbourne và hai điểm gây cho tôi nhiều ấn tượng hơn cả là ngọn đồi Sovereign Hill của vùng Ballarat, nơi đào vàng hàng trăm năm qua của Úc, nơi được mệnh danh là mỏ vàng của thế giới với trử lượng 14 ounce/30cm2 . Vé vào cửa khá đắt 29$/người, xem được hai nơi: Gold Museum và khu vực phục chế lại cuộc sống, sinh hoạt của những người đào đãi vàng khi xưa. Trong Gold Museum trưng bày toàn bộ vật dụng, trang bị, áo quần, giày dép... của những người khai thác vàng, đặc biệt của những di dân người Trung Quốc đã đến đây từ rất sớm. Từ vàng sa khoáng, vàng cám, vàng miếng đến những thỏi vàng nguyên chất nặng từ vài chục đến hàng trăm kg được trưng bày trong tủ kính như để minh hoạ trử lượng vàng dồi dào của vùng đất này. Một phòng chiếu phim 3D (ba chiều) trình chiếu bộ phim thể hiện nét sinh hoạt, làm việc, mua bán, trao đổi của những người đào đãi vàng trước đây. Một cửa hàng quà lưu niệm gồm những trang sức được sản xuất từ vàng ở đây với kiểu dáng hết sức tinh xảo.

Ra khỏi Gold Museum khoảng 100m, đối diện bên kia là khu vực đào đãi vàng khi xưa, nay được gìn giữ và phục chế lại cho khách tham quan. Bước vào khu vực này, ta có cảm giác như đang ở thế kỷ thứ 19 của phương Tây, nơi chỉ từng thấy qua phim ảnh. Từ con đường đất với các kỵ sỹ quần jean, áo chẻn, nón rộng vành đang thả nước kiệu trên những con ngựa tây cao to, đến các tiệm ăn, quán rượu, lò rèn, hàng bách hóa, tiệm đồ gỗ, bưu điện, v.v..., tất cả đều toát lên vẽ cũ kỹ, thô sơ của hàng trăm năm trước. Khuất bên trong là khu vực đào vàng với một hệ thống dây chuyền. Đất, đá đào từ bên dưới hầm được đưa lên nơi nghiền thành những viên nhỏ rồi phân loại, xay xát, cuối cùng đưa vào lò nấu. Phương thức nấu vàng thủ công của thời đó được một người thợ trình bày trước hàng trăm khách tham quan với một phong cách chuyên nghiệp và sinh động. Thỏi vàng thành phẩm, theo lời người thợ, trị giá gần 54.000 Úc kim (khoảng hơn 600 triệu tiền VN). Lần theo lối ra là dòng suối mà nơi đó chúng ta có thể ngồi đãi vàng với những cái ray, thùng, thau, xẻng để sẳn. Không biết đã có ai may mắn tìm được chút nào thứ kim loại quý báu đó chưa? Song tôi thấy gần cả trăm con người (chủ yếu là học sinh và giới trẻ) mồ hôi nhễ nhại đang ngồi hì hục, xúc, lắc, ray không ngừng. Tôi cũng lấy một cái ray, ngồi xuống để thử thời vận. Biết đâu!!! Song sau 15 phút nỗ lực, tôi đành đứng dậy từ bỏ giấc mơ của mình. Có lẽ chỉ có chủ nhân khu đồi là kẻ thắng cuộc, khi biết khai thác di sản này thành con gà đẻ trứng vàng trong công nghiệp du lịch hiện đại. 

n tượng thứ hai là khu Hanging Rock cách trung tâm Melbourne khoảng 30km. Đường đến Hanging Rock chạy quanh co, uốn lượn qua những con đèo, với những tàng cây hai bên đường xanh màu lá dưới bóng chiều tà, trông nên nên thơ và yên bình. Đây chỉ là một đoạn đường bình thường như bao con đường khác và không có một bảng hiệu chỉ dẫn nào giới thiệu hiện tượng lạ thường của nó, chỉ có người trước biết rồi mách lại cho người sau. Đoạn đường dốc khoảng 100m, song nếu bạn đậu xe dưới dốc, tắt máy, để xe ở chế độ bình thường (normal), xe của bạn sẽ từ từ chạy ngược lên trên dốc, gần tới đỉnh dốc sẽ dừng lại và giữ nguyên tại đó. Thử lại vài lần cũng thế! Xe càng lớn tốc độ càng nhanh. Điều này hoàn toàn trái ngược với nguyên tắc vật lý hiện đại và không ai giải thích được, mặc dầu đã khá nhiều các nhà khoa học đến đây nghiên cứu, tìm hiểu. Tôi cũng không hiểu tại sao người Úc không khai thác hiện tượng kỳ lạ này cho ngành du lịch của họ?

(còn tiếp)



 

..