CHẤP - PHÁ CHẤP

Võ sư Nguyễn Anh Dũng




Bốn nhu cầu cơ bản của con người về sinh hoạt đời thường là ăn, mặc, ở, đi lại. Sống chung với cộng đồng mà thiếu một trong bốn yếu tố nêu trên quả thật là  khốn khổ!

Nhiệm vụ của người trưởng thành là làm việc. Ai cũng phấn đấu làm việc để mưu cầu cuộc sống cho mình và gia đình với tiêu chí: được ăn ngon, mặc đẹp, nhà lầu, xe hơi và các điều kiện vật chất khác nhiều vô kể, đầy rẫy trong xã hội văn minh.

Con người làm ra vật chất xã hội, ngược lại con người cũng bị vật chất xã hội cám dỗ, lôi cuốn, đến nỗi đánh mất cả chính mình. Có mâu thuẫn không khi Người tạo ra Việc lại bị Việc cuốn hút Người phục vụ cho việc, đôi khi đến mức động lọan mất đi bản ngả.

Dường như trong bất kỳ quốc gia nào cũng đều có sự phân cấp con người theo thứ tự thấp cao: - Thật nghèo - Nghèo - Trung - Khá - Giàu - Thật giàu - Giàu nhất. Sự phân cấp không văn bản nhưng được mặc nhiên thừa nhận, thế rồi ai cũng muốn vươn lên theo khuôn khổ đó.

Có kẻ mù quáng, thiếu lương tri, vươn lên bằng cách triệt phá, dập đạp lên người, cuối cùng lại bị loại ra khỏi cộng đồng. Có người phấn đấu bằng con đường lương thiện, nhưng không may lâm vào nghịch cảnh, bị chựng lại hoặc tụt hậu, họ cảm thấy khổ sở bất hạnh xiết bao.

Nói chung sự sướng và khổ trong đời sống có muôn ngàn kiểu, nhưng ai là người không Chấp sẽ cảm thấy bình thản truớc nghịch cảnh, cũng như không quá vui mừng trước vinh quang thắng lợi.

Có những trường hợp bạn bè khuyên nhau, đại loại: Thôi , mày đừng cố chấp  như thế có nghĩa là ta mong muốn người kia phá vỡ một quan điểm đang bị đóng khung để dung hòa với tha nhân, mặc dù về phía chủ thể không có gì sai.

Thực ra giữa đúng và sai không có ranh giới rõ rệt, nó được nhận xét theo mỗi góc nhìn . Ở phía này thấy tốt, phía khác thấy xấu, chệch qua một góc khác nữa có khi trở nên quá tồi tệ. Thế ta phải dùng loại khuôn vàng thước ngọc nào để lượng giá chính xác giữa đúng và sai. Phải chăng người ta cũng biết lợi dụng sự nhập nhằng - Đúng - Sai - để chụp mũ, bôi bẩn, hầu triệt hạ đối phương ? Loạn lạc sinh ra từ chỗ ấy !

Chấp cái đúng, đôi khi người ta cũng chấp cái sai, bởi cái sai đó xuất phát từ chính mình hoặc từ các mối quan hệ thiết thân của mình. Lúc ấy họ có đầy đủ các lý lẽ đúng để lý giải cho cái sai. Thế thì lương tâm có đóng vai phán tòa được không?

Nếu có - sự cắn rứt lương tâm có chai sạn theo thời gian không? Nếu không - chừng nào lương tâm mới lên tiếng ? Tòa án lương tâm sẽ tuyên án như thế nào ? Càng nhiều câu hỏi càng lắm rối rấm, càng khiến ta chấp nhiều hơn. Chấp nhiều, khổ nhiều, tâm ta dao động nhiều, gây mất ngủ, óc não kém sáng suốt; ấy chính là đầu mối của bệnh tật. Vậy tại sao ta không phá chấp. Phá chấp để tâm hồn thanh tịnh, quan điểm thông thoáng, xả kỷ, bao dung.

Tổ sư môn phái Vovinam, ông Nguyễn Lộc đã nêu tư tưởng thông thoáng ấy như sau:

Ta đã cạn nước mắt, mất tiếng cười vì cuộc đời. Nhưng ta đã quay về với linh hồn trắng trong nhân hậu của người thực người. Nhưng ta đã vượt khởi lên trên những tối tâm tội lỗi của người chẳng Người. Bao đớn đau tan hồn nát xác mà người đã gieo ở ta, ta đã gặt hái những bông hoa cao đẹp nhất ở sự thương yêu và tha thứ vô bờ.

Học giả Bùi Kỷ cũng thể hiện tinh thần phá chấp qua đoạn văn: 

Giàu sang không phải là sướng,
Nghèo hèn không phải là khổ.
Thất bại không phải là nhục,
Thắng lợi không phải là vinh.
Cốt tự xét mình, tự hỏi mình:
Trong không điều gì hổ thẹn.
Ngoài không điều gì sai lầm.
Miệng nói theo đạo đức nhơn nghĩa.
Hàm dưỡng lấy tinh thần,
Luyện tập nên nhân cách,
Cho bản lĩnh ngày một thêm bền,
Thao thủ ngày một thêm vững.
Bao giờ đến được bậc:
Phú quí bất năng dâm,
Bần tiện bất năng di,
Uy vũ bất năng khuất.

Thì cái công tu dưỡng mới hoàn toàn. Đến được bậc ấy thì tự nhiên trong lòng sảng khoái thung dung, ở vào cảnh nào cũng vui thích.

Sướng - Khổ - Nhục - Vinh, do ngoại cảnh tác động tùy theo sự cảm thụ mà có ảnh hưởng khác nhau vào tâm hồn người. Bối rối, lo âu, nóng giận, cuồng loạn hoặc trầm tĩnh tự tin, sáng suốt chọn giải pháp để vượt thoát khỏi nghịch cảnh, đó là bản lĩnh của từng cá thể. Hiệu quả cao, thấp do công phu tu tập, hàm dưỡng dày hay mỏng, nhận thức nông sâu, do quan điểm đóng khung nhiều hay ít.

Biết phá chấp để vượt lên trên những - Hơn - thua - Thành - Bại để hồn lâng lâng sảng khoái để tận hưởng trọn vẹn những ngọt bùi, mặn nhạt, đắng cay của tạo hóa, của lòng người mang đến. Tranh chấp cho lắm để làm gì bởi phút lâm chung ai cũng giũ sạch bàn tay KHÔNG. Hãy để cho cái không ấy được thanh thản.

 


 

..