Sức Khỏe - Đời Sống - Võ Thuật

VS. Nguyễn Tiến Hóa


Người viết bài này, nếu không nhờ có công và khí thì giờ này đã đang là người điên trong các bệnh viện, hay là kẻ mất trí ngoài xã hội... Một người đàn ông duy nhất sống sót trong chuyến tàu 75 người vượt biển vào cuối năm 1981.

Từ ngàn xưa, khi mà xã hội loài người chưa có một nền văn minh khoa học như hiện nay. Đời sống xã hội thường ngày, không có luật pháp che chở, nên yếu tố Khỏe, Có Kỹ Thuật, Gan Dạ là ba điểm ăn trùm thiên hạ. Và ba yếu tố đó được bao gồm trong võ thuật. Vậy võ thuật là gì? Võ thuật là kỹ thuật tấn công, tránh né có tính toán trước, hay theo phản xạ tự nhiên do sự tập luyện lâu ngày mà có. Võ thuật gồm có đấm đá, quăng quật, chém xỉa... côn, kiếm, đao, quyền v.v...

Cái thuở xa xưa, lúc đó xã hội loài người còn sống theo định luật: "Mạnh được yếu thua" thì sức khỏe và có võ thuật là những yếu tố để tranh quyền, đoạt vị. Người nghèo tập luyện võ thuật để được khỏe, và có khả năng tự vệ khi bị ức hiếp. Người giàu tập luyện võ thuật để bảo vệ của cải, và dùng võ thuật lấn đất, lấn quyền hầu được giàu hơn... Vì thế không ai bảo ai, không có chính quyền nào cổ võ, không có phim ảnh, sách báo quảng cáo rầm rộ, hay khuyên dạy người ta tập võ; nhưng võ thuật là nhu cầu bức thiết trong đời sống nên người ta đã tự động luyện tập võ thuật như một khí giới cho sự sống còn. Thế nên, võ thuật trong thời điểm này đã được tập luyện, có thể nói hầu như tuyệt đỉnh... Đọc qua lịch sử từ Âu sang Á, ta thấy các đế quốc ngày xưa đã dùng võ thuật và chiến thuật để thôn tính các quốc gia khác, thâu gồm thành quốc gia của mình, và đã gọi cái việc đi chiếm đoạt thiên hạ bằng một danh từ mỹ miều, tốt đẹp là đi mở mang bờ cõi...

Võ thuật tự nó không xấu, không tốt. Tốt xấu là do cách con người xử dụng nó. Tập luyện võ thuật, để có một sức khỏe dẻo dai, có một thân hình cân đối để đẩy lui những bệnh tật thông thường. Tập võ để có một kỹ thuật tấn công hay tự vệ khi cần thiết. Tập võ để bênh vực kẻ cô độc, yếu thế. Tập võ để có khả năng hành hiệp giang hồ, cứu khốn phò nguy. Tập võ để tạo cho mình một kỷ cương trong đời sống, trui rèn nhân cách, làm ngọn đuốc cho những người chung quanh cùng soi chung. Như thế, ta đã đưa võ thuật lên vị thế võ đạo. Võ Đạo là một phần trong văn hóa dân tộc; mà văn hóa dân tộc thì cần thiết cho cuộc sống như khí trời, như dưỡng chất: cơm ăn, nước uống. Vậy Võ Đạo cũng là một trong những triết lý giáo dục Nhân Bản hiện nay.

Ngày nay, nền văn minh khoa học đã đưa con người từ chỗ nhìn xa nhất là một cây số thành một vạn cây số. Khoa học đã chế biến được những võ khí có thể giết cả chục ngàn người trong giây phút. Vì thế, người ta đã nghĩ rằng: võ thuật không còn cần thiết cho đời sống như những thế kỷ trước nữa. Ngày nay, một người yếu đuối nhất cũng có thể hạ một tên khổng lồ bằng cây 38 ly... và gia dĩ còn có một vài võ sư chưa tập luyện tới cao độ đã vội cho rằng: võ thuật ngày nay chỉ còn là công cụ cho các tay tư bản dùng vào thương mại...!!!

Trở lại với lý luận ở trên, ta thấy võ thuật tự nó không xấu, tốt. Và võ thuật không phải chỉ đơn thuần là những kỷ thuật tấn công uy hiếp người khác, hay tự vệ mà thôi. Võ thuật đã được triết lý hóa thành võ đạo như những ngành học thuật khác; nó trở thành một thứ nghệ thuật như: trà đạo, kiếm đạo, tửu đạo, hoa đạo v.v... mà võ đạo là một trong các nét văn hóa của dân tộc. Vậy thì dù trong bất cứ không gian, thời gian nào cũng đều cần cho đời sống con người.

Có người cho rằng: võ thuật chẳng có liên quan gì tới sức khỏe. Muốn có sức khỏe chỉ cần đi tập thể dục, đâu cần phải tập võ thuật!?... Kể ra thì cũng đúng thôi... Nhưng họ có biết đâu rằng: khi tập võ thuật, thì cũng là tập thể dục. Người tập thể dục dù có sức khỏe thật, song ngày nay cho dù có các loại vũ khí, nhưng mấy người được mang vũ khí? Thế thì những lúc bất bình giữa đường họ lấy gì chống đỡ? Ta chưa nói đến cái xã hội văn minh hiện nay, con người sống quay cuồng trong vật chất, trong ích kỷ bon chen. Mặc dù có luật pháp che chở; nhưng những kẻ cuồng tín, những kẻ đang say với men thuốc phiện, họ còn biết sợ luật pháp không? Và khi bị các phần tử này tấn công, ta sẽ kêu cứu với ai? Ta có bao giờ tự hỏi: xứ Mỹ này có một hệ thống luật pháp quy mô là thế. Vậy mà nhà nào cũng phải thủ một vài cây súng trong nhà? Vì họ đã nghĩ: "đền được mạ thì má đã xưng". Và tốt hơn là: "Tiên thủ vi cường". Và một điều khác, ta cứ bỏ qua chuyện bị tấn công bất thình lình, mà ta chỉ biết một điều: người tập võ, khi bất ngờ té nhào, họ đã tự nhào lộn trong phản ứng tự nhiên, còn người tập thể dục không thể có được phản ứng này và sẽ bị gẫy tay, gẫy chân, gẫy cổ. Thế thì việc nào tốt hơn? Võ thuật hay thể dục...?

Vậy thì võ thuật trong thời đại này vẫn còn thiết thực và hữu dụng. Hơn nữa, người tập võ thuật có căn cơ, tập võ thuật đến cao độ thì không phải chỉ biết đánh côn, đánh quyền, múa kiếm. Mà phải biết luyện công, luyện khí. Chính việc luyện công, luyện khí sẽ đẩy lui được các bệnh hiểm nghèo như: ung thư, đau tim, phổi... Người luyện công, luyện khí thường ngày thì các bệnh cao máu, cholesterol, tiểu đường không thể phát tác được... Ngoài ra, việc luyện công, luyện khí, còn giúp con người thoát ra được những ám muội thường tình: Hỷ, Nộ, Ái, Ố v.v... (Như trường hợp người viết bài này, nếu không nhờ có công và khí thì giờ này đã đang là người điên trong các bệnh viện, hay là kẻ mất trí ngoài xã hội... Một người đàn ông duy nhất sống sót trong chuyến tàu 75 người vượt biển vào cuối năm 1981).

Để kết thúc phần lập luận nêu trên. Ta hãy quay ngược dòng thời gian trở về thời Đức Đạt Ma Sư Tổ, tổ sư của môn phái Thiếu Lâm. Đức Đạt Ma Sư Tổ, nguyên là một Đại Đức Phật Giáo người Ân Độ. Ngài vân du qua Trung Hoa cốt để thuyết giảng Phật Pháp. Ngài đã chọn ngọn Thiếu Thất trong dãy núi Thiếu Lâm để tu trì và thâu nhận đệ tử, truyền dạy đạo pháp. Vì ngôi chùa nằm sâu trong rừng núi, các đệ tử của Ngài trong lúc nhập định thì hay bị sơn lam chướng khí làm cho bị bệnh tật thường xuyên. Và thời đó không có thuốc thang như ngày nay. Ngài bèn bắt các đệ tử ngoài việc học Phật pháp, còn tập các môn Công, Khí, các đệ tử của Ngài không còn bệnh tật như xưa, và việc học Phật pháp còn tăng tiến hơn trước rất nhiều.

Một điều khác nữa xảy ra: Vào cái thời xa xưa, việc di chuyển chỉ trông vào đôi chân và nhanh hơn là cưỡi ngựa... Rồi còn phải băng rừng lội suối v.v... Và việc đi thuyết giảng Đạo pháp rất là gay go... Trên đường đi thuyết giảng còn bị cảnh cướp cạn, cảnh tham ô quan lại hống hách hoành hành. Ngoài những điều do nhân sự tạo nên, dọc đường còn có các loài dã thú tấn công các nhà sư để ăn thịt. Để cho việc giảng dạy có kết quả tốt, đức Đạt Ma Sư Tổ còn nghiên cứu và truyền dạy cho các đệ tử của Ngài các kỹ thuật tấn công hay tránh né tài tình: Đó là võ thuật Thiếu Lâm... Dùng võ thuật để bảo vệ và hoằng dương Đạo pháp.

Như thế, Sức Khỏe - Đời Sống - Võ Thuật xem ra như không có liên quan với nhau. Nhưng thực tế lại rất cần thiết và bổ túc cho nhau. Dù vào thời đại xa xưa, hay ngay trong cuộc sống hiện tại.

 

 


 

..