THƯ CHƯỞNG MÔN 22

THÁI ĐỘ SỐNG


Các môn đệ thân mến,

Để hội nhập vào đời, mỗi người chúng ta phải có một thái độ sống. Thái độ sống của mỗi người có thể bắt nguồn từ hoàn cảnh sống, nhưng đồng thời, thái độ sống cũng có thể tạo ra hoàn cảnh sống. Bởi vì con người có thể là một sản phẩm của hoàn cảnh, nhưng hoàn cảnh cũng có thể là một sản phẩm do con người tác tạo.

Thời Thế Tạo Anh Hùng và Anh Hùng Tạo Thời Thế cũng nằm trong định luật nầy. Hai Bà Trưng là anh hùng do thời thế tạo ra qua sự tham tàn của Tô Định với dân chúng và sự bạo sát chồng bà Trưng Trắc là ông Thi Sách. Quang Trung Nguyễn Huệ là anh hùng tạo ra thời thế: Xuất thân từ nông dân áo vải, không ruộng đất, không thế lực, không gia nhân, sống trong một hoàn cảnh xã hội đầy chia rẽ, đầy bất công, tham những, thối nát. Ông đã nhận chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh trước khi có một thái độ quyết định vượt lên khắc phục, chế ngự, cải biến nó.

Trước những gương sống đó, chúng ta đã học hỏi được những gì? Và thái độ sống của chúng ta ra sao ?

Trước hết, chúng ta khởi hành từ uyên nguyên của thái độ sống: Ra đời chúng ta bắt đầu SỐNG. Cuộc sống mở ra: chúng ta vùng vẩy, đua ganh, vươn tới.

Hoàn cảnh sống tượng hình trước mắt: Mỗi người chúng ta đương nhiên trở thành một hạt giống, gieo trên miếng đất Hoàn Cảnh. Hoàn cảnh có thể nuôi sống hay giết chết tương lai con người là vậy đó: Chúng ta lần lượt được nuôi dưỡng, trưởng thành trong một hoàn cảnh nào đó. Nếu hoàn cảnh tốt: Hạt giống đâm chồi, nảy hột, tăng trưởng. Nếu hoàn cảnh xấu: Hạt giống thui chột dần.

Hoàn cảnh sống đó chính là gia đình và xã hội. Chúng ta thường nói Tình Nhà, Nợ Nước hay Tình Quê Hương, Đất Nước chính là để xác nhận mối tương quan giữa con người với hoàn cảnh. Mối tình tự ấy chính là tinh thần trách nhiệm trước cuộc sống, là vị sống, là nền tảng cho thái độ sống của chúng ta.

Ra đời, lớn lên, học thành tài, làm việc mưu sinh, lấy vợ, sinh con, gìa ốm, chết: Đó là cuộc sống của phường Giá Áo Túi Cơm.

Ra đời được gia đình và xã hội vun đấp, xây dựng rồi rũ trách nhiệm, bỏ tất cả đó là thái độ sống của những kẻ VongTtình, Bội Nghĩa.

Ngược lại, chúng ta được gia đình và xã hội dưỡng trưởng, thừa nhận mối tương quan đó, chúng ta có bổn phận phải hết lòng vun đấp, xây dựng, bồi bổ, đền đáp lại gia đình, xã hội: Đó là thái độ sống tốt đẹp, xứng đáng mà môn phái đã truyền dạy cho chúng ta.

Từ gia đình, xã hội mà ra, chúng ta chấp nhận nó với tất cả những ưu điểm và nhược điểm. Nếu nó tốt sẵn, chúng ta sẽ làm nó tốt thêm. Nếu nó xấu, chúng ta sẽ đổi xấu thành tốt, bằng chính công trình và nghị lực của chúng ta.

Muốn biết rõ phẩm cách của một người nào, hãy cho hắn một số tiền thật lớn để hắn tiêu xài việc gì, hoặc tước hết tiền của hắn coi hắn xử sự ra sao ?
Giàu sang, nghèo khổ là hai mặt sống biểu hiện phẩm chất của con người một cách rõ ràng nhất. Vinh hiển và thất thế cũng ở trường hợp tương tự. Đời Trần có một Trần Di Ái theo Mông Cổ, cũng có một Trần Bình Trọng khẳng khái tuyên cáo thái độ sống: TA THÀ LÀM QUỈ NƯỚC NAM CÒN HƠN LÀM VƯƠNG ĐẤT BẮC Bên cạnh những anh hùng hào kiệt đương thời.
Nêu những tấm gương trong sử Việt để chúng ta tự khảo nghiệm thái độ sống cho tất cả chúng ta: Hoặc nói cách khác, trước vinh hiển và thất thế, thái độ sống của người môn sinh VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO chúng ta ra sao ?

Trường hợp nào cũng phải bình tỉnh, thản nhiên, khẳng khái và quả cảm; không sợ sệt lùi bước, không suy hơn tính thiệt, không mưu mô dối gạt. Trước đại nghĩa, rất quí trọng mạng sống và bảo vệ sự sống, nhưng sẵn sàng hy sinh vì đại gnhĩa. Nhất là, phải luôn luôn khiêm nhường với tinh thần quên mình, không ham danh, chuộng lợi.

Đúc kết lại thái độ sống của con người VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO chúng ta là: Chấp nhận hoàn cảnh với thái độ không tự ti, không tự tôn, phục vụ gia đình và xas hội với tinh thần quả cảm, phóng khoáng của người môn sinh có lý tưởng và giữ gìn đạo hạnh.

Đo đó, người Môn Sinh VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO chúng ta phải có:
1. Nếp sống thanh đạm, cao nhã và hào hiệp:
Không là tu sĩ phải giữ giới luật, nhưng không xa hoa, phóng túng, nhất là không để cho tiền tài, danh lợi, nữ sắc quyến rũ, nhận chìm.
2. Tinh thần trách nhiệm:
Tích cực đóng góp công sức vào việc xây dựng, đem lại lợi ích thiết thực cho mọi người, cải biến hoàn cảnh xấu, yếu thành mạnh để vinh danh cho gia đình, Tổ Quốc.
3. Tinh thần phóng khoáng, lạc quan, tin tưởng:
Vui với việc giúp tiến hiến ích, lấy nó làm nguồn sống chứ không quan tâm đến thành bại, hơn thua.
4. Hội nhập nhưng không đồng hóa:
Tinh hoa bốn phương đưa lại phải chiết lọc lấy cái hay, loại bỏ cái dở.
5. Thái dụng và phối triển:
Đất lành, đá tảng, núi rừng của ta còn đó. Tiếp nhận các tư trào nhưng phải lấy những cái hay của mình làm căn bản để bảo vệ. Nước biển cuốn vào, nước sông dâng lên, không có đê điều ngăn giữ sẽ thành thủy nạn. Gió biển cuốn vào không có đá tảng và những rặng phi lao kiềm chế sẽ thành đại họa. Nhưng ngược lại, chúng gta có thể khai thác sức gió, sức nước vào bao chương trình ích nước lợi dân như dẫn thủy nhập điền, thủy điện, v.v. Phải khai thác tất cả những gì đã tiếp nhận được, hòa hợp vào những cái mình đã có, vốn có để làm giàu cho mình, tân tiến hơn lên. Đó chính là thái độ sống đúng đắn, chúng ta cần quan tâm, trau dồi, xây dựng.



 

..