THƯ CHƯỞNG MÔN 21

TINH THẦN VÕ ĐẠO


Các môn đệ thân mến,

Người ta thường nói: Võ học không biên giới, Tinh thần thượng võ không phân biệt quốc tịch.... Như vậy phải chăng võ học là một bộ môn sinh họat đứng ngoài vòng pháp luật quốc gia ? Và tinh thần thượng võ không quốc tịch riêng biệt của một quốc gia ?

Thực ra, võ học cũng như các ngành học khác đểu có xuất phát điểm từ một quốc gia, nhưng sự phát triển không phải chỉ giới hạn trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia đó , mà quảng phát vào cộng đồng nhân loại. Do đó, võ học không những tôn trọng luật pháp quốc gia mà còn tôn trọng cả công pháp quốc tế nữa.

Chân giá trị của võ học chính là tính chất nhân bản, do con người, vì con người và phát triển con người. Khởi thủy, võ học chỉ là một ý niệm của con người muốn tự tồn trước ngoại cảnh và thiên nhiên: Mưa bảo, ác thú... ý niệm tự tồn được kinh nghiệm,sáng kiến và kỹ thuật phối hợp đã biến thành một quan niệm tranh đấu, giành quyền sống. Trước hiểm họa của thiên nhiên và ác thú, con người yếu đuối phải tự khắc phục bằng rèn luyện thân thể cho cường tráng, rồi từ tay không biết sử dụng võ khí hỗ trợ cho mình, từ đồ đá mài, đồ đồng, sang tới đồ sắt. Cuối cùng với óc tổ chức và khả năng học tập đã giúp con người tiến hóa theo trào lưu và hình thành võ học cũng như võ đạo thành một cơ cấu tổ chức rõ rệt trong cộng đồng nhân loại. Do đó, như chúng ta đã thấy võ học được khởi đầu từ ý chí tranh đấu rời rạc của từng cá nhân đã theo sự tiến hóa của nhân loại mà tổ hợp thành môn phái, lấy xuất phát điểm từ dân tộc mà quãng phát vào cộng đồng nhân loại.

Vì vậy tinh thần võ đạo không lấy dân tộc hay quốc gia làm đơn vị hoạt động mà sẵn sàng hoạt động torn bất cứ môi trường sinh hoạt nào. Trong cộng đồng nhân loạ, tinh thần võ đạo sẽ đem lại những lợi ích thiết thực dưới đây:

1. Giúp con người có ý thức và khả năng tự tồn hữu hiệu trong guồng máy sinh hoạt xã hội
2. Giúp những thành phần di chủng và dị tộc hiểu biết nhau nhiều hơn trong sinh hoạt chung
3. Tạo động cơ tinh thần trong mọi dịch vụ hoạt động và điều hành xã hội., với những đức tính tự tin, thượng võ và kỹ luật.
4. Tạo điều kiện hợp tác quốc tế trong sự hiểu biết và sự tương nhượng giữa các quốc gia đề chung sống hòa bình.
Đặc điểm võ đạo, tuy xuất phát từ dân tộc nhưng lại mang thực chất nhân bản và có khuynh hướng phát triển dàn tỏa khắp thế giới. Võ đạo không biên giới, không kỳ thị tôn giáo, giai cấp... Khi nhắc đến sự kỳ thị là đương nhiên chúng ta coi sự kỳ thị đó là xấu và co ýchống lại sự kỳ thị đó để đem lại sự công bằng, quân bình và ổn định xã hội. Với võ đạo, sự đề kháng lại sự kỳ thị đó chính là tinh thần thượng võ.

Cùng với võ học, tinh thần võ đạo đã phát triển vào cộng đồng nhân lọai. Trước khi buôn bán với người Nhật, chúng ta đã có ấn tượng tốt đẹp về tinh thần võ sĩ đạo của họ qua môn Nhu Thuật và Nhu Đạo. Trước khi tiếp xúc với Tây Phương, chúng ta đã hiểu và thích thú với môn quyền Anh do người Pháp du nhập vào Việt Nam. Trước khi thân cận với người Hàn Quốc, chúng ta đã biết giá trị của họ qua những từ ngữ Thái Cực Đạo, Túc Quyền Đạo v.v... Và không nói đâu xa, chính nhờ phim võ hiệp Trung Quốc nhập cảng, lịch sử và xã hội Trung Quốc mới được cả giới trẻ và bình dân biết đến, mến mộ.

Như vậy tinh thần võ đạo, tự nó đã có một hấp lực đặc biệt, và chính nó đã mang lại giá trị cao quí cho con người, cùng làm vinh quang các dân tộc trong cộng đồng nhân loại.



 

..