THƯ CHƯỞNG MÔN 19

SỐNG KHỎE


Các môn đệ thân mến,

Người môn sinh VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO phải sống cho ra sống, để xứng đáng được lòng tin yêu của mọi người, để hưởng được hương vị và ý nghĩa của cuộc sống. Muốn vậy, trước hết chúng ta phải yêu cuộc sống, phải chăm lo tu tâm, rèn thể, alm cho mình trở nên con người hữu dụng, thỏa hiệp được với mọi người, cùng với mọi người làm việc, đấu tranh và xây dựng. Chúng ta phải tìm hiểu và suy luận về ý nghĩa cuộc sống và cái giá trị đích thực của con người trong cuộc sống.

Muốn thực hiện mộng: Vá Trời, Lấp Biển, điều kiện tiên quyết là phải: Sống Khỏe. Vì khỏe là biểu tượng đầu tiên của con người yêu đời sống. Khỏe cả thể xác lẫn tinh thần. Có ba nguyên tắc tăng cường sức khỏe thể xác. Đó là:

1. Điều Độ:
Tuổi trẻ khí huyết phương cương, nhiều ham muốn, ước vọng, nhưng muốn xứng đáng là những người môn sinh đã thấm nhuần tinh thần võ đạo, có đầy đủ bản lãnh, chúng ta phải ước thúc, kiềm tỏa được chúng để mà sống điều độ. Phải gìn giữ ngay từ khi sức khỏe còn đầy đủ, khí huyết phương cương, gân cốt vững mạnh, sức chịu đựng còn bền bỉ. Nếu không sống tiết độ, tới khi thân thểâ suy nhược, bệnh tật nẩy sinh, dù chúng ta có đau buồn, hối hận cũng đã muộn, không ai có thể giúp đỡ chúng ta được. Hơn nữa, nếp sống của chúng ta có điều độ, mới hy vọng phát triển được những phần Tốt và trừ bỏ được những phần Xấu trong con người của mình. Thiếu sức khỏe ngay chính thân thể của chúng ta cũng không bảo vệ nổi, còn nói chi tời lẽ phải với công bằng. Sống không tiết độ, chắc chắn tương lai không nằm trong tay chúng ta nữa. Chúng ta chỉ còn là những kẻ sống thừa, bám víu lấy cuộc sống.

2. Chuyên cần luyện tập võ thuật:
Tuổi trẻ tràn đầy sinh lực, nếu không trút nguồn sinh lực đó vào sự chuyên cần luyện tập thì chúng ta sẽ phung phí vào những cuộc ăn chơi sa đọa, đó là lẽ tất nhiên. Phải rèn tập tính tốt để loại bỏ những tật xấu. Ngoài ra, võ thuật chính là tinh hoa cao nhất của việc luyện thể. Đến với võ thuật, chúng ta mới cảm thấy sức khỏe là cần. Sống không tiết độ làm sao chúng ta có thể theo đuổi tập luyện được. Sự chuyên cần luyện tập võ thuật sẽ đuổi ra khỏi chúng ta mọi ý nghĩ hắc ám, mang tới cho chúng ta sức khỏe dồi dào, thân thể tráng kiện, đủ sức đương đầu với mọi gian khổ, hiểm nguy.

3. Bền bỉ chịu đựng mọi thử thách:
Sự luyện tập mỗi ngày một đòi hỏi thêm nhiều cố gắng nhẫn nại. Võ thuật muốn cao thì phải cần tới võ công. Mà do đâu võ công nẩy sinh ra, nếu không nhờ công phu khổ luyện qua nhiều năm tháng ?

Khi vào đời, chúng ta càng cần tời sức bền bỉ chịu đựng. Không phải lúc nào chúng ta cũng giải quyết sự việc bằng võ thuật. Đức tính nhà võ phải luôn luôn khiêm nhường, nhẫn nại, kiên trì. Biết lúc đáng tiến thì uy dũng tiến lên, thấy cần phải lùi thì vui vẻ lùi bước. Có thế chúng ta mới đạt được mức độ hàm dưỡng sinh lực đầy đủ để thắng vượt mọi thử thách, hiểm nghèo trong cuộc sống.

Cũng có 3 nguyên tắc gia tăng sức mạnh tinh thần, đó là: 

1. Biết vui với cảnh ngộ:
Gặp cảnh ngộ nào, dù không được lưạ chọn, chúng ta cũng vui vẻ tiếp nhận. Nhưng tiếp nhận với tinh thần chủ động, quyền biến, tháo vát, biết không sao tránh được thì vui vẻ tiếp nhận để tạo hòa khí thuận lơi cho việc cải hóa, mà vượt thắng cảnh ngộ sau nầy. Chúng ta luôn giữ thái độ không bất mãn và cũng chẳng tự mãn. Cảnh ngộ chỉ được thay đổi khi chúng ta có cuộc sống Thuận Buồm, Xuôi Gió, tâm hồn thơ thới, hân hoan, nghề nghiệp tinh tiến, đức hạnh vẹn toàn.

2. Biết tự lượng sức mình:
Thẳng thắn nhìn đúng tài năng đích thực của mình, chỉ nhận lãnh những gì mà mình gắng sức có thể làm nổi, chứ không ôm đồm những việc quá sức để phải nương tựa, cầu cạnh người mà hỏng việc, mang lụy vào thân, bị người khinh thị coi thường. Biết tự lượng sức mình thì cuộc sống của chúng ta sẽ ung dung thanh thản. Chúng ta trau dồi và phát huy những gì mà chúng ta sẵn có, và đặt mình vào chỗ cao sang riêng biệt. Cái giá trị đích thực của con người không ở chỗ nhận những trọng trách, chiếm được địa vị tôn quí trong xã hội, mà ở chỗ làm tròn được trách vụ khi nhận lãnh; và từ cái địa vị đó, chúng ta đã làm được gì lợi ích cho quốc gia, xã hội.

3. Biết hướng theo lý tưởng:
Đã sống là vó vui, có buồn, có thành công,c ó that bại, có hưởng thụ, có hy sinh. Muốn giữ thăng bằng được tâm hồn khi vui cũng như buồn, khi thành công cũng như thất bại, khi hưởng thụ cũng như hy sinh, chúng ta phải biết hướng theo lý tưởng. Lý tưởng là nguồn lữa thiêng lôi cuốn chúng ta vào cuộc sống tranh đấu và hăng say làm việc. Chúng ta luôn luôn tìm nguồn: Sống Khỏe cả thể xác lẫn tinh thần - của mình trong cuộc sống chung của đồng loại. Đó là chúng ta đã biết hướng theo lý tưởng, biết tạo cho mình nguồn hứng thú vô biên trong cuộc sống. Chúng ta nhìn rõ con đường sẽ đi, phải đi rồi bình thản liên tục dấn bước.

Và cần ghi nhớ câu danh ngôn dưới đây:

Một thân thể không đau, một tinh thần không loạn, đó là chân hạnh phúc của con người. Được bây nhiêu thôi thì được gì nữa cũng là thừa, mà thiếu một trong hai điều ấy, thì có được gì nữa cũng vẫn còn thiếu mãi.



 

..