THƯ CHƯỞNG MÔN 18

LẼ SỐNG


Các môn đệ thân mến!

Với tâm hồn nhiệt thành quả cảm,thân thể đanh thép, vững chắc, sức lực mạnh mẻ, dẻo dai, có đầy đủ khả năng tự vệ và tấn công khi cần tới, nếu không có lẽ sống làm mục tiêu hướng dẫn, người môn sinh VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO chúng ta khó có thể hòa mình với mọi người, thích ứng được với hoàn cảnh. Có lẽ sống, chúng ta mới có được một nhân sinh quan đúng đắn, rõ rệt. Chúng ta mới có lối sống, nếp sống và cách nhìn mình, nhìn người, nhìn việc. Chúng ta nhận lấy những kinh nghiệm từ xã hội bên ngoài, rồi chúng ta trả lại bằng cách cư xử, đối đãi của chúng ta, rồi cứ thế mãi liên miên bất tận, mà tạo ra định lý trước cuộc sống.

Lẽ sống đòi hỏi chúng ta một nhân sinh quan đúng đắn rõ rệt, được biểu thị bằng bốn danh từ đơn, giản dị:

THẦN, THÂN , LUÂN, CẦN.

1. Thần, tức giá trị tinh thần:

Tinh thần là phần tinh anh của tư tưởng làm cho tâm hồn chúng ta phong phú, khoáng đạt, biết trọng danh dự hơn mạng sống. Không bao giờ để cho tình, tiền, quyền thế lung lạc, khuất phục. Chúng ta luôn luôn làm chủ được tình cảm, cảm xúc cùng ước vọng của mình và biết khai thác khả năng tiềm tàng trong con người của mình ứng dụng vào đời sống.

2. Thân, tức gía trị thân thể:

Giá trị sức mạnh thân thể đối với chúng ta có một ý nghĩa cao hơn hết là điều kiện tiên quyết để dành thắng lợi và thành công trong đời sống. Sức mạnh của thân thể còn có một giá trị đặc biệt nữa là bảo đảm cho tâm hồn thư thái, hàm dư ỡng chí khí, nghị lực dời dào. Không có một tâm hồn lành mạnh trong một cơ thể suy nhược. Do vậy, chúng ta phải ăn, ngủ điều độ và chuyên cần luyện tập.

3. Luân, tức giá trị luân lý:

Là một cá nhân của gia đình, là một phần tử trong xã hội, chúng ta có bổn phận tô bồi thêm cho gia đình, xã hội mỗi ngày một tốt đẹp hơn, nhân loại được nhân ái hơn, quốc gia được hưng thịnh hơn, và con người có tinh thần võ đạo hơn. Từ xưa, các nhà luân lý học cùng các vị tu sĩ, cao tăng của các tôn giáo, có bao giờ ngưng cầu nguyện và không nghĩ tới những biện pháp cải hóa xã hội, cảm hóa con người. Nhân loại luôn ghi ơn công lao mà các vị ấy đã bỏ ra để chinh phục tội lỗi, vun trồng cho những sự tốt, sự thiện trong phần hồn con người được phát triển hoàn toàn. Là những con người bình thường chúng ta có bổn phận và trách nhiệm về việc làm của mình đối với mọi người xung quanh. Và như vậy chúng ta đã nêu bật giá trị luân lý của người môn sinh VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO.

4. Cần, tức giá trị cần lao: 

Lịch sử và những điều tai nghe, mắt thấy xung quanh chúng ta đã chứng tỏ: Những kẻ không đổ mồ hôi, chỉ nhờ ở thủ đoạn , gian kế mà gặt hái thành công, thì thành công đó cũng không sao tồn tại lâu bền. Triều đại nào không mất nhiều công lao khai sáng, cũng chỉ oanh liệt được trong một thời gian ngắn ngủi. Trong cuộc sống không có sự thành công nào mà không không phải trả giá. Ngay trong lạc cảnh Địa Đàng mà ông Adam và bà Eva sống ở đó vẫn phải chứng tỏ giá trị cần lao của mình. Đó là sứ mạng: Trồng cây và giữ vườn.

Giá trị cần lao đối với người môn sinh VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO chúng ta còn quan trọng hơn nữa, vì nó chứng tỏ mức yêu võ thuật, và sự cố gắng chuyên cần khổ luyện để đạt tới mức thượng thừa. Do đó, mới có câu: Văn ôn, Võ luyện.

Tóm lại, dù cuộc sống có muôn màu ngàn vẽ, nhưng người môn sinh VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO chúng ta chỉ có thể thành công và được người mến torng, khi chúng ta biết suy nghĩ biết nhìn mình, nhìn người, nhìn việc để biết cách đối đãi trước cuộc sống. Tất cả những điều đó đòi hỏi ở chúng ta một cách nhân sinh quan đúng đắn, rõ rệt và thích hợp, tức chúng ta phải có lẽ sống làm mục tiêu hướng dẫn cho mọi suy nghĩ, mọi hành động ở đời.



 

..