THƯ CHƯỞNG MÔN - 17

TÂM LÝ MỪNG - GIẬN


Các môn đệ thân mến,

Con người ai cũng có lúc mừng lúc giận lúc vui lúc buồn. Tuy nhiên, người môn sinh VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO phải phá vỡ cái khuôn sáo thông thường, không bị điên đảo quay cuồng theo Thất Tình: Mừng, Giận, Vui, Buồn, Yêu, Ghét, Sợ, không nô lệ cho những tình cảm, cảm xúc của mình. Có thế chúng ta mới mong chế ngự và điều khiển được chúng để biểu lộ đúng chỗ, đúng lúc còn tạo thêm uy thế cho chúng ta nữa. Vậy, vấn đề mà chúng ta cần bàn tới là tìm hiểu tính cách lợi hại của sự mừng, giận.

Như chúng ta đã nhận định giá trị thực sự của con người không do nơi chức vị tiền tài, tuổi tác, mà do nơi tài năng, đạo đức và tinh thần làm việc vì công ích của con người. Với con người đầy đủ tư cách, bản lãnh chỉ nhìn qua nét mặt, khí sắc của họ, chúng ta cũng đã quyết đoán được chân giá trị của họ rồi. Bậc thánh nhân sở dĩ được mọi người tôn sùng, kính trọng cũng chỉ ở khí cách lúc nào cũng ung dung, nhân hậu, thuận với lẽ trời và hợp lòng người. Luôn luôn chế ngự và điều hòa được mọi cảm quan, không bao giờ hệ lụy vì vạn vật. Mừng những việc đáng mừng, giận những gì đáng giận. Mỗi cảm xúc, lời nói và hành động đều biết đặt đúng chổ và đúng lúc.

Đồi với một võ sư, một huấn luyện viên mang trọng trách lãnh đạo phong trào tại một địa phương, vấn đề mừng giận càng trở nên quan thiết. Mừng, giận đúng việc, đúng lúc sẽ gặt hái được nhiều thành công trong việc giao tế và quản trị. Vì sự mừng giận đúng chỗ đúng lúc không những là một phương pháp để trao dồi phẩm hạnh mà còn là một kỹ thuật có tác dụng tâm lý rất cao, tạo một ảnh hưởng sâu rộng và mãnh liệt trong lòng các học viên.

Mừng, giận phản ảnh rất trung thực nếp sống, tính tình và tư cách của mỗi người. Những hạng dũng phu khi tức giận thì lồng lộn như một ác thú, hung hăng tàn bạo. Ngược lại, những bậc chân nhân đại dũng khi tức giận người không hay, khi mừng vui người không biết, luôn luôn giữ thái độ điềm tỉnh vô tư, vô vị. Không vì sự thất lễ của người mà thất lễ lại với người, lúc nào cũng cư xử hòa nhã, điềm đạm cảm hóa người. Thái độ đó được người xưa ca tụng:

Chỗ mà người xưa gọi là hào kiệt ắt phải có khí tiết hơn người. Nhưng nhân tình có chỗ không thể nhịn được. Vậy, kẻ thất phu gặp nhục tuốt gươm đứng dậy, vươn mình xô đánh, cái đó chưa đủ là đúng. Bậc đại dũng trong thiên hạ,thình lình gặp những việc phi thường không kinh, vô cớ gặp những điều ngang trái cũng không giận. Đó là nhờ chỗ hoài bão của họ rất lớn, và chỗ lập chí của họ rất cao xa vậy...

Vì thế, muốn có một tinh thần đại dũng để hướng dẫn và cảm hóa mọi người, trước hết chúng ta phải biết chế ngự mọi cảm xúc của mình. Chế ngự ở đây không có nghĩa là chúng ta ép nén chúng, mà là để điều khiển chúng phát hiện cho hợp thời, đúng chỗ - Quá Giận Mất Khôn - . Cho nên hai cảm quan mừng và giận chúng ta cần phải huấn luyện trước tiên. Thói thường, được thì mừng, bị chê thì giận. Nếu chúng ta không thoát được tâm lý thông thường này thì làm sao có đủ tư cách hướng dẫn người khác theo nếp sống võ đạo của môn phái mình? Một phẩm hạnh phải có, cần có; một tinh thần võ đao mà chúng ta vẩn thường rèn đúc giáo luyện:

Thắng không kêu, bại không nản

Chỉ với tinh thần trên củng đủ nói lên cái phong độ hào hùng cao thượng của người môn sinh VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO chân chính. Do đó, chúng ta phải đặt sự huấn luyện mừng, giận lên hàng đầu mọi công phu tu dưỡng, khổ luyện. Phải huấn luyện sao để mỗi khi mừng hay giận, chúng ta đều biểu lộ được cái khí cách hiên ngang mã thượng,thần sắc uy nghi, điềm đạm và cách xử sự vẫn hồn hậu, tinh thế, hợp với thiên ý, nhân tình.

Từ xưa các nhà quân sự và chính trị đã khéo tận dụng sự mừng giận để tranh đoạt quyền lực tâm lý. Một vị tướng khéo bày tỏ cảm xúc của mình trước ba quân, sẽ được ba quân liều chết xông trận. Một chính trị gia khéo bày tỏ sự mừng giận của mình ắt sẽ được mọi người trong đoàn thể tuân phục. Một ông thầy biết mừng, giận đúng lúc thì sẽ được sự kính mến của học trò. Một người lãnh đạo hay quản trị viên khéo bày tỏ cảm xúc của mình trước thuộc viên thì sẽ được sự nhiệt liệt hưởng ứng của cả tập thể. Ngược lại, từ kết quả sẽ tạo ra: quân yếm, tướng loạn, nghịch đồ, phong trào suy sụp, đoàn viên xa lãnh tụ.

Đến đây có một vấn đề chúng ta phải lưu ý nữa là: Sự mừng, giận chẳng những phải đặt đúng chỗ đúng lúc mà còn phải có lý do chính đáng. Việc đáng mừng phải mừng, điều đáng giận phải giận và biết tùy theo tâm lý đa số của mọi người. Tuyệt đối không được mừng giận theo tư dục và tư kỷ.

Tâm lý mừng giận của con người lãnh đạo cũng thế, nếu biết đặt đúng chỗ đúng lúc thì sẽ trở thành một kỹ thuật tác dụng tâm lý rất cao, nhưng nếu đặt sai thì hậu quả tai hại, không lường trước được. Ngoài ra, còn một điều quan trọng phải lưu ý nữa là, khi mừng chớ nên tha kẻ có tội và khi giận cũng không phạt bừa những người vô tội. Làm sao cho mỗi cái nhếch mép, mỗi sự cau mày của chúng ta lúc nào cũng gây được sự cảm phục của mọi người thì công việc lãnh đạo và quản trị của chúng ta chắc chắn sẽ đi tới thành công.



 

..