.

THƯ CHƯỞNG MÔN 12

CÁCH ĐỐI XỬ




CÁC MÔN ĐỆ THÂN MẾN,

Sống trên đời phải có bạn, không ai có thể một mình mà sống nổi. Bạn là yếu tố mật thiết và quan trọng đem lại niềm hưng phấn và gắn liền đời sống chúng ta vào đời sống xã hội. Trong học tập, làm việc chúng ta phải có bạn, vui chơi giải trí cũng phải có bạn. Bạn để chia vui, xẻ buồn, để chung sức gánh vác trách nhiệm, để thúc đẩy nhau tiến bộ, để chung hưởng khi gặt hái thành quả.

Do đó, chúng ta phải quan tâm tìm hiểu để kết giao với những người bạn tốt và tự cảnh giác để tránh những trường hợp lầm người gây tai hại cho sự nghiệp, cho đời sống công và tư của mình. Chúng ta còn phải biết nâng những người có khả năng và phẩm chất, nhưng vị thế xã hội còn thấp kém, chưa được đời biết tới lên làm bạn. Vì chỉ những cộng tác viên được quí trọng đối xử như bạn mới đem hết tâm lực ra làm việc và chung chịu trách nhiệm về những tổn thất do sai sót gây ra.

Cách chung, muốn có bạn tốt, trước hết mình phải cư xử tốt với bạn. Phải thẳng thắn trong lời ăn tiếng nói, phân minh trên quyền lợi.

Trong học tập, phải chăm học và ân cần giúp đỡ bạn, mới kết giao được với bạn tốt để cùng khuyến khích nhau học hành tấn tới.

Trên thương trường phải coi quyền lợi của bạn cộng tác là của chính mình, tuyệt đối giữ tín nhiệm, đã hứa là thực hiện.

Nơi sở làm, xí nghiệp phải hòa hợp, nhường nhịn và nâng đỡ nhau: Không ganh ghét, đố kỵ.

Tóm lại, muốn có bạn tốt trên bất cứ lãnh vực nghề nghiệp hay sinh hoạt xã hội nào, chúng ta cũng phải chân thành trong cách đối xử, không ham lợi, không tranh khôn giành khéo, không tọc mạch những chuyện không đâu. Trái lại, chúng ta phải luôn tôn trọng cá tính của bạn với thái độ bao dung, nhân nhượng, hào hiệp, nâng đỡ.

Riêng về bạn tâm giao, là tình bạn cao đẹp nhất, hiếm có, trong đồi sống không phải ai muốn là có được. Vì tình bạn tâm giao đòi hỏi đôi bên phải thấu hiểu toàn diện về nhau,hiểu rõ về cả tài năng, đức độ, tình cảm lẫn chí hướng, cả ưu lẫn khuyết điểm. Đôi bên phải cùng một nếp sống, một quan niệm xử thế, một ý thức hệ tinh thần, cùng hướng tâm hồn về một lý tưởng, để có thể đồng cam cộng khổ trong gian lao, gầy dựng cho nhau thế đứng trong xã hội, nhường quyền lợi vinh quang cho bạn, coi bạn là chính mình.

Như trên chúng ta đã phân tích, tình bạn có được bền vững hay không là do cách đối xử ân cần và phân minh trên quyền lợi với nhau. Ranh giới giữa bạn với thù rất mong manh. Đương bạn có thể trở thành thù, đương thù, nếu nhân nhượng, khéo hóa giải sẽ biến thành bạn. Tất cả đều do quyền lợi về tinh thần hay vật chất mà thôi.

Ví dụ 1: Tình cha con là thân thiết , nhưng khi người cha sinh tật để ý đến nàng dâu hay cậu con trai để ý đến bà dì ghẻ là đã trở thành kẻ thù của nhau rồi. Nếu cứ âm thầm đối phó với nhau thì mối thâm thù sẽ đưa tới chỗ có thể thanh toán nhau. Đặt trường hợp nếu chúng ta phải giúp người giải quyết, thì sẻ tiến hành ra sao?

Ví dụ 2: Ta với bạn thân đang cộng tác làm ăn, bổng bạn phản bội đi với người ngoài lừa gạt mình. Phải giải quyết ra sao ?

Trường hợp nào cũng vậy. Phải công khai đặt vấn đề cho dứt khoát, xét lại cường độ của thù hận mà nhẹ nhàng giải quyết, rồi nhường nhịn mà hóa giải. Cần nhớ: Chúng ta có thù ghét là thù ghét việc làm sai trái, chứ không thù ghét con người của họ. Do đó, cần thẳng thắn nói ra việc sai trái của họ rồi rộng lượng tha thứ để cảm hóa người. Tuyệt đối không để tâm thù hằn, rồi chống đối, thanh toán nhau. Điều đó làm cho tâm hồn ta u ám, đâu có thể thảnh thơi lo toan chu đáo mọi việc được.

Tóm lại, kẻ thù là người đối nghịch với ta hoặc về tình cảm hay có hành động làm thiệt hại danh dự hay quyền lợi của ta. Tuy nhiên, ta cần xét lại cường độ của thù hận mà nhẹ tay, hoặc tha thứ khi họ đã hối lỗi hoặc thất thế, hay họ là người có nghĩa khí đởm lược.

Cách đối xử với bạn và thù theo quan niệm của VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO 

 


 

..