THƯ CHƯỞNG MÔN 10
Nếp sống cũa Việt Võ Ðạo Sinh


Các môn đệ thân mến,

Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, mọi nền văn hoá đang pha trộn, ảnh hưởng, lấn át, đồng hóa lẫn nhau. Do vậy, việc duy trì bản sắc dân tộc để tồn tại, và sự chọn lọc, thâu thái tinh hoá các nền văn hoá khác để phát triển là việc làm cần thiết. Hòa nhập sinh hoạt cộng đồng quốc tế chỉ thưc hiện khi nó trở thành ý thức, được thể hiện qua hành động hàng ngày của mọi người trong một quốc gia, một cộng đồng. 

Mục tiêu chính của VOVINAM VIỆT VÕ ÐẠO là xây dựng nhân cách con người mà nếp sống, tình cảm gia đình lại là cái nôi nuôi dưỡng, hình thành tính cách của một con người. Vì thế, các môn sinh VOVINAM VIỆT VÕ ÐẠO ngoài việc duy trì phổ cập những giá trị tinh thần của truyền thống phương Ðông qua nếp sống, phong cách Việt Nam, còn phải biết tìm hiểu cái hay, cái đẹp trong nếp sống gia đình phương Tậy. Ðó chính là một khía cạnh của tinh thần tổng hợp, dung hoà mọi nền sinh hoạt văn hóa khác hầu duy trì, củng cố, phát triển nếp sinh hoạt văn hóa dân tộc. Nếp sống, tình cảm gia đình là đơn vị đầu tiên của sinh hoạt văn hóa cần được khai quang để mọi người trong cộng đồng thông cảm và gần gủi nhau hơn.

Nếp sống dân chủ cùng tinh thần tự lập và tinh thần trách nhiệm của người phương Tây rất đáng được người môn sinh VOVINAMVIỆT VÕ ÐẠO nghiên cứu học hỏi để bổ túc, hoàn chỉnh cho nếp sống gia đình vốn có của mình.

Nếp sống gia đình mà môn phái đã hướng dẫn cho người môn sinh là nếp sống được phối kết giữa tinh thần phương đông và Việt Nam. Gia đình của người phương Ðông nói chung, Việt Nam nói riêng, rất hệ trọng, vì truyền thống tổ chức xã hội của phương đông là gia đình chứ không là cá nhân như xã hội phương Tây. Với Việt Nam, nó còn là nguồn sức mạnh trong lịch sử giữ nước và dựng nước. Và cũng chính là nơi hình thành nhân cách với nhiều giá trị qúi báu, truyền từ lưu tôn từ đời này sang đời khác.

Gia đình của người phương đông thông thường sống chung với nhau trong một tổ ấm gồm ba thế hệ: Ông bà, cha mẹ, con cái. Ðôi khi có những đại gia đình chung sống gồm năm thế hệ: ngũ đại đồng đường. Do đó, tình nghĩa vô cùng đằm thắm, chứa chan thương mến, bao dung. Cha mẹ sinh con cái không những chăm sóc từ lúc ấu thơ đến khi trưởng thành cho ăn học thành tài, còn lo dựng vợ gả chồng, gây dựng sự nghiệp cho con cái nên người có vị thế trong xả hội. Ðến khi về già trở thành ông bà, lại chăm sóc cho các cháu thay cho cha mẹ chúm

Ðối lại, con cái phải có bổn phận, không những phụng dưỡng cha mẹ lúc về già mà còn phải làm sao để cha mẹ được vinh hiển về những việc làm của mình đối với xã hội. Nhờ đó không khí gia đình của người phương đông rất ấm cúng, cung cách sống mỗi ngày một thêm hoàn thiện. Người trên luôn rộng lượng bao dung đối với người dưới với mục đích giáo dục cảm hóa, để ăn ở ngay lành và làm việc thiện. Người dưới phải hết lòng chiều ý tuân theo sự chỉ dạy của người trên. Khi có sự lầm lạc thì người dưới phải khéo léo trình bày một cách tế nhị, trên dưới tương thông nhất trí xây dựng vững chắc nền móng gia đình.

Tóm lại, người môn sinh VOVINAM VIỆT VÕ ÐẠO là những con người thực tế, thiết tha với sự tiến bộ, chúng ta cần duy trì và bảo vệ những điểm tốt đẹp của nếp sống tình cảm truyền thống phương Ðông, nhưng mạnh dạn tiếp thu, học hỏi phương Tây về nếp sống dân chủ cùng tinh thần tự lập và tinh thần trách nhiệm.

Ðể việc sắp xếp gia đình được xuôi thuận như ý, người môn sinh VOVINAM VIỆT VÕ ÐẠO phải thường xuyên và liên tục rèn luyện thân thể, tài năng, hàm dưỡng ý chí, mở mang kiến thức, trau dồi đức hạnh. Có thế chúng ta mới đủ uy tín đặt mối tương quan đãi ngộ trong gia đình với nhau một cách thông tình đạt lý. Gia đình có ổn định và thăng tiến, chúng ta mới thảnh thơi và có điều kiện danh thì giờ cho sinh hoạt võ đường, thực hiện lý tưởng của môn phái: giúp tiến, hiến ích cho nhân quần xã hội.

 

 


 

..