ÂU CHÂU MÙA TƯỞNG NIỆM


Chương trình du hành qua Âu Châu Chưởng Môn và võ sư Sen đã dự định hơn nửa năm, nhưng tới giờ phút cuối cùng bị trục trặt giấy tờ, từ tòa đại sứ nầy đến tòa đại sứ kia. qua mấy thơ khiếu nại, cuối cùng võ sư Chưởng Môn và võ sư Sen được chấp thuận sang Âu Châu, võ sư Đức báo cho tôi biết trong vòng 10 ngày, Tôi phải thu xếp ngày nghỉ phép, phải thông báo cho 5, 6 người xếp vì tôi làm việc cho nhiều trường và nhiều trung tâm sinh hoạt rồi tôi tìm trên máy vi tính suốt mấy ngày trời, vé đi Âu Châu thật mắc, tôi nhờ chị bạn bán vé máy bay tìm giùm cũng không tìm ra được chỗ trống và giá hạ để đi theo ngày giờ mình muốn, chỉ còn có một tuần, tìm không ra vé, tôi gọi chị bạn để hủy bỏ chuyến đi, chị bạn tôi tìm đã mấy ngày rồi không được hoa hồng cũng tức, chị ngồi tìm thêm một lát nữa tình cờ cuối cùng được một chỗ trống lại rẻ tiền không thể ngờ được, tôi nói với chị Nghĩa và võ sư Đức:

- Đây là ý sáng tổ cho đi Âu Châu đó. 
Chị Nghĩa nói:
- Cẩm Bình đã bỏ nhiều công sức cho môn phái, thì sáng tổ phải hộ trì cho Cẩm Bình!
Cô bán vé nói:
- Chị lúc nào cũng hên; đi Úc, đi Âu Châu, đi Canada mua vé toàn vào giờ chót lại được giá rẻ hơn nhưng người đi trước. 

Tôi đi từ phi trường San Francisco Chuyển tới phi trường Dalas/Texas rồi mới đến phi trường Charles De Gaulle tại Paris. Trên máy bay nhìn xuống cảnh chung quanh, tôi có cảm tưởng như mình đang cởi đại bàng lướt gió tung mây đi tiếu ngạo giang hồ.

Võ Sư Nhàn đã nói:
- Cô đi như chim bay vậy!
Ngồi trên máy bay, lướt trên không trung, nhìn những đám mây trắng cuồn cuộn bay phía dưới, cảm giác thật thoải mái và êm đềm tôi đã ngũ mấy giấc, trải dài 15 tiếng đồng hồ mới tới Paris.

I. PARIS THÀNH PHỐ HOA LỆ:

VS Đức, VS Cẩm Bình, VS Chưởng Môn, VS Sen
Tại phi trường Charles De Gaulle - Paris


Thật là một sự vinh hạnh và cảm động vô cùng khi bước ra khỏi phi trường Charles De Gaulle, tôi thấy võ sư Chưởng Môn, võ sư Nguyễn Văn Sen, võ sư Trang Phước Đức và HLV/CC Châu Minh Nhật đứng chờ ngay cổng. Máy bay đáp đúng giờ nhưng phải chờ đợi thật lâu mới vào được phi trường, loay hoay tìm đường đi lấy hành lý và làm giấy tờ mất thêm nhiều thì giờ, thật là áy náy và cảm thấy mình có tội khi biết được Chưởng Môn chân đau mà phải đứng chờ ngoài cổng hết một tiếng đồng hồ. Tôi biết võ sư Chưởng Môn thương yêu và lo lắng cho tôi nên mới thân hành ra phi trường đứng đón như vậy nên tôi tự nhủ lòng phải luôn ngoan ngoãn nghe lời thầy và hết lòng phụng sự cho môn phái để đền đáp công ơn của Chưởng Môn .

Võ sư Đức đưa tôi về nhà nghỉ ngơi, đến chiều võ sư Hùng Thư và võ sư Nicolas mời Chưởng Môn, võ sư Sen và tôi đi một vòng Paris để xem những cảnh chung quanh thành phố. Paris là một thành phố nổi tiếng của nước Pháp được mệnh danh là thành phố hoa lệ. Hồi 3 năm về trước võ sư Trần Thái Quý dẫn tôi đi giữa đêm khuya trong cơn mưa gió bão bùng, tôi không được thấy nhà cửa rõ ràng ngoại trừ được ngắm tháp Eiffel có nhiều đèn chớp chớp thật đẹp mắt giữa lúc 12 giờ khuya. Chúng tôi mua vé tàu đi dọc theo bờ sông Seine để ngắm những ngôi nhà đồ sộ dọc 2 bên bờ, những nhà nầy cất theo lối xưa nên kiến trúc rất cổ và đẹp mắt. Bắt ngang qua dòng sông là một loạt những cây cầu, mỗi cây cầu đều có một kiểu kiến trúc khác nhau. 

Sau khi rời khỏi du thuyền, võ sư Hùng Thư và võ sư Nicolas dẫn chúng tôi đi dạo phố Paris, tới một tiệm chuyên môn bán bánh kẹp, nào là bánh kẹp với hot dog, bánh với trứng, bánh với thịt nguội, bánh với bơ, bánh với sauce.... ôi thôi! dọn ra toàn là bánh kẹp.

Về tới nhà 11 giờ đêm, võ sư Trang Phước Đức còn thức soạn thảo chương trình ngồi đánh máy từng chữ, từng chữ cho đến 3 giờ khuya Phu nhân võ sư Đức là cô Ngọc Dao, tánh tình thuần hậu, đảm đang, nhiệt tình lo cho môn phái, cô rất giỏi, không cần đi học khóa nào chỉ mua sách về đọc và theo lời chỉ dẫn mà tự sửa chữa nhà cửa, lót gạch nhà tắm, lót sàn gỗ một mình trông thật khéo và đẹp còn đẹp hơn thợ thứ thiệt. Bận rộn lo cho con cái, nhà cửa cơm nước cả ngày, buổi tối còn phải thức đến 2 giờ khuya để may từng sợi đai cho các môn sinh Vovinam. Một tấm lòng rất quí và đáng khen!... 2 con trai của võ sư Đức đều tập võ Vovinam.

Sáng sớm thứ Bảy, ngày 29 tháng 5 năm 2004 phái đoàn của võ sư Trần Phước Thiện từ Đức đi xe cả đêm tới nhà để thăm viếng và chào kính Chưởng Môn. 24 năm rồi tôi mới được dịp gặp lại võ sư Thiện, người đã già dặn hơn, nói năng đạo mạo hơn, tình cảm môn phái vẫn luôn nung nấu trái tim của người võ sĩ đạo, cho nên võ sư Thiện đi Đông, đi Tây rồi cũng trở về sinh hoạt với Vovinam. Phu nhân võ sư Thiện là hoàng đai Nguyễn Thị Tỵ một thời vang bóng là người đẹp Tây Đô của 30 năm về trước tại võ đường Tự Đức thành phố Cần Thơ. Hai người đã được một trai, một gái, bé nào cũng đẹp và dễ thương, đã tập võ, cháu trai đánh võ rất khá, tấn pháp vững chắc.

Sau khi phái đoàn võ sư Thiện từ giả, phái đoàn Võ sư Phạm Thành Nam từ Đức Quốc cũng đến chào kính Chưởng Môn, xong tất cả về khách sạn để nghỉ ngơi. Buổi chiều cùng ngày tất cả các phái đoàn tập trung tại hội trường để dự buổi thi đấu võ thuật lần đầu do phong trào tổ chức, và để tập đợt cho chương trình buổi lễ cho ngày hôm sau. Võ sư Quý, Võ sư Hùng Thư và võ sư Nicolas điều khiển đội ngũ chạy theo đội hình biến chuyển rất qui mô và trật tự.

Buổi tối cùng ngày, các võ sư, huấn luyện viên trong phong trào tập trung lại họp để duyệt xét chương trình, bàn thảo từng tiết mục, từng diễn tiến của chương trình buổi lễ, và phân công nhiệm vụ cho từng người một.

II. LỄ GIỔ CỐ VÕ SƯ SÁNG TỔ NGUYỄN LỘC LẦN THỨ 44 TẠI PARIS:


Võ sư Chưởng môn, 2 phó tỉnh trưởng cùng các võ sư, huấn luyện viên, môn sinh Âu Châu trong ngày giỗ tổ lần thứ 44 tại Paris - Pháp.

Các võ sư nghiêm lễ sáng tổ

Các võ sư và hoàng đai của Phong trào Vovinam Việt Võ Đạo Âu Châu

Phong Trào Vovinam Việt Võ Đạo Âu Châu năm nào cũng tổ chức giổ tổ vào cuối tháng 5, tất cả võ sư, huấn luyện viên, môn sinh khắp nơi trong phong trào phải cử người đại diện về tham dự lễ giỗ và dự khóa đặc huấn, thi lên đai.

Đặc biệt giỗ tổ năm nay 2004, ngoài sự có mặt thường trực của các võ sư, huấn luyện viên, môn sinh của phong trào Âu Châu còn có sự tham dự của võ sư Chưởng Môn , võ sư chánh văn phòng tổ đường Nguyễn Văn Sen, võ sư Cẩm Bình đến từ Hoa Kỳ, một số võ sư khác như: VS. Sudo, VS. Albert Guillon, VS Lê Tấn Minh, VS Lục Văn Tân, VS Phạm Thành Nam, võ sư Carlette. Và một số huấn luyện viên và môn sinh đến từ nơi khác như: Võ đường của VSTH Jean Christopher Broc, võ đường của VSTH Fréderic Frah...

Lúc 8 giờ 30 sáng, các môn sinh các nơi đã tề tựu đông đảo, võ sư Quý, võ sư Nicolas và võ sư Hùng Thư đều động và tập đợt đội ngũ thêm một lần nữa. Các huấn luyện viên khác lo sắp xếp lại bàn thờ, ghế ngồi của quan khách, tất cả mọi người cùng nhau làm việc tuần tự và kỷ luật, đâu vào đó rất ngăn nắp và hoàn chỉnh.

Đúng 9 giờ 45 phút sáng, sau lễ chào cờ, võ sư Trang Phước Đức chủ tịch phong trào Vovinam Việt Võ Đạo Âu Châu hướng dẫn phái đoàn gồm: Võ sư Chưởng Môn, phó tỉnh trưởng tỉnh Goussainville cùng các võ sư: Nguyễn Văn Sen, Võ Sư Sudo, Võ sư Cẩm Bình, võ sư Thiện, võ sư Tấn Minh, võ sư Văn Tân. Đi vào hội trường giữa 2 hàng chào danh dự của các hoàng đai của phong trào và giữa 3 hồi chiêng trống ngân vang, như một đội quân đang đứng chào lãnh tụ tối cao của đất nước, các môn sinh trong phong trào đứng nghiêm chỉnh trong tư thế uy nghi, trang trọng và hùng tráng để đón chào một lãnh đạo tối cao của môn phái: võ sư Chưởng Môn LÊ SÁNG. 

Võ sư Chưởng Môn và phái đoàn lên đứng giữa hội trường trước bàn thờ sáng tổ làm lễ chào kính, xong quay lại cho các môn sinh nghiêm lễ. Sau lễ chào, xướng ngôn viên: Võ sư Nguyễn Trung Cang điều khiển chương trình mời võ sư Chưởng Môn, các phái đoàn và quan khách an tọa.

Võ sư Trang Phước Đức lên khai nến trên bàn thờ để chính thức khai mạc buổi lễ, thêm một hồi chiêng trống ngân vang, đội lân của phong trào Hòa Lan tiến vào hội trường múa khai mạc buổi lễ. Tiếp theo sau là diễn văn khai mạc của Võ sư Hùng Thư trưởng ban tổ chức. Buổi sáng có 3 lễ như sau: 

1. Chương trình lễ tưởng niệm:

- Võ sư Chưởng Môn tiến lên trước bàn thờ dâng lên 3 nén nhang lớn theo sau có võ sư Sen, võ sư Đức, Võ sư Thiện và võ sư Cẩm Bình. Nhạc bản theo dấu một vì sao và ngày tưởng niệm được trỗi lên trong một âm thanh nhẹ nhàng, rung động.

- Tiếp theo là phần dâng hương của các võ sư hồng đai, rồi đến hoàng đai III cấp, hoàng đai Trần Quốc Hùng từng bước nghiêm chỉnh, nhịp nhàng trao nhang cho mọi người rồi thâu nhang về cắm lên bàn thờ. Tất cả môn sinh đều lắng lòng ngưỡng vọng để kính nhớ đến công ơn của sáng tổ đã sáng tạo ra môn phái Vovinam và để lại sự nghiệp phi thường cho dân tộc và nhân loại. Tất cả đồng nghiêm lễ chào kính di ảnh Sáng Tổ. 
- Sau đó Võ sư Cẩm Bình đọc tiểu sử môn phái 
- Kế tiếp Võ sư Chưởng Môn ban huấn từ cho toàn thể môn sinh các cấp.

2. Lễ thăng đẳng cấp khóa 21 phong trào Vovinam Việt Võ Đạo Âu Châu:

- Võ sư Hùng Thư tường trình kết quả kỳ thi thăng đẳng cấp khóa 21
- Võ sư Cẩm Bình đọc bản tuyên dương võ sư Nguyễn Trung Cang và sau đó là phần thắt đai danh dự cho võ sư Nguyễn Trung Cang vinh thăng Chuẩn hồng đai do võ sư Chưởng Môn thắt và trao bằng. Võ sư Nguyễn Trung Cang là một trong nhóm 5 người đầu tiên khai phá và xây dựng phong trào trong 20 năm qua.

Chưởng Môn thắt đai danh dự cho võ sư Trung Cang

- Kế tiếp là những phần thắt đai và trao đai danh dự và phát bằng cho các cấp hoàng đai III cấp, hoàng đai II cấp, hoàng đai I cấp, hoàng đai, lam đai III cấp, lam đai II cấp, lam đai I cấp, lam đai. lần lượt các võ sư Nguyễn Văn Sen, võ sư Trần Phước Thiện, võ sư Cẩm Bình, võ sư Thái Quý, võ sư Hùng Thư, võ sư Nicolas, võ sư Trung Cang lên thắt dai danh dự cho các tân khoa, ông phó tỉnh trưởng tỉnh Goussainville liên tục lên xuống để trao bằng cho các tân khoa.

- Sau đó đại diện từng hàng lên nhận đai về phát lại cho các môn sinh, võ sư Quý điều khiển cho các môn sinh quỳ xuống tháo đai ra, quay 3 vòng tượng trưng cho 3 điều căn bản của đạo sống của người môn sinh Vovinam Việt Võ Đạo, xong mang đai mới vào, thủ khoa sơ đẳng Pirou Vincent ra điều khiển lễ tuyên thệ nhập môn bằng tiếng Pháp.

Lễ thay đai và tuyên thệ nhập môn

Chưởng Môn chấp nhận lời tuyện thệ nhập môn

- Võ sư Chưởng Môn đứng lên tuyên bố chấp nhận lời tuyện thệ nhập môn của các Tân khoa 3 hồi chiêng trống nổi lên để chúc mừng các tân khoa khóa 21 thuộc phong trào Âu Châu, các môn sinh hãnh diện và vui mừng khi được mang đai mới, vì các môn sinh đã bỏ nhiều công sức tập luyện và thi lên đai cực khổ, nhất là phải đi đường xa hàng vạn dậm từ Ý, Đức, Hòa Lan và Thụy Sỉ để đươc thi lên đai.

3. Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập phong trào Vovinam Việt Võ Đạo Âu Châu:

- Tiếp tục chương trình là phần tóm lược quá trình thành lập và phát triển của phong trào trong 20 năm qua do võ sư Trang Phước Đức trình bày.
- Sau đó võ sư Trang Phước Đức giới thiệu từng người đầu tiên khai phá phát triển phong trào gồm có: VS Đức, VS Thiện, VS Trung Cang, VS Thái Quý, võ sư Đức còn giới thiệu thêm VSTH Châu Bảo Lộc cũng có công phát triển phong trào vào thập niên 80 vào thời võ sư Nhàn. Bây giờ phong trào có được thêm 2 võ sư mới là võ sư Hùng Thư và Võ sư Nicolas.
- Sau đó võ sư Chủ tịch Phong Trào có vài lời nhắn nhủ đến toàn thể các môn sinh.
- Cuối cùng là phần phát biểu cảm tưởng của ông phó tỉnh trưởng đại diện cho chính quyền địa phương, ông đã hết lời ca tụng sinh hoạt của phong trào, ông rất vui thích khi thấy một sinh hoạt lành mạnh cho các thanh thiếu niên, và chính ông là người yểm trợ cho phong trào bằng cách cho mượn chổ tập và làm lễ miễn phí không tính tiền. Ông đã ở lại suốt ngày từ sáng cho đến chiều để dự lễ buổi sáng, chấm thi chung kết và xem phần thi đấu và hội diễn buổi chiều. 

Buổi lễ chấm đứt vào lúc 12:30 trưa, võ sư Đức mời tất cả mọi người ra phía sau hội trường để dùng cơm trưa và nghỉ ngơi. Các môn sinh thuộc võ đường của VSTH Fréderic Frah tặng cho Chưởng Môn, võ sư Sen, võ sư Đức và võ sư Cẩm Bình mỗi người một bó hoa thật to, thật đẹp và rất đắc tiền...

Các phần ăn trưa đã được ban tổ chức đặt sẵn do nhà hàng mang lại gồm có: Chả giò, mì xào, cơm vịt, cơm gà, cơm sườn, cơm chay đủ loại trái cây và nước uống. Các môn sinh sắp hàng lấy phần ăn rồi ngồi xuống ăn rất lịch sự, kỷ luật, và trật tự, ăn xong mỗi người một tay tự động dọn dẹp sạch sẽ không cần sai bảo, đa số các môn sinh trong phong trào đều là người ngoại quốc có một số ít là người Việt Nam, một số môn sinh lớn tuổi, còn lại là những thanh niên hùng tráng khỏe mạnh, tác phong đạo đức rất tốt, luôn tôn trọng kỷ luật, làm việc cực khổ mà không nghe một lời than van.

Sau khi dùng cơm trưa xong, tất cả tập họp lại đội ngũ chỉnh tề để chuẩn bị cho chương thi đấu chung kết, biểu diễn võ thuật cũng như chương trình văn nghệ: ca, múa. Ông Phó tỉnh trưởng, võ sư Cẩm Bình, Võ sư Sudo, võ sư Trần Phước Thiện, võ sư Trung Cang. Được ban tổ chức mời làm giám khảo cho buổi thi chung kết gồm các bộ môn: Thập Tự Quyền Pháp, Long Hổ Quyền pháp, Tự vệ nữ, Tam & Tứ đấu. Đây là lần đầu tiên phong trào Âu Châu cho thi đấu nên chỉ chọn một số bộ môn để tạo phong trào cho vui nhộn mà thôi. Nhưng các em cũng ra sức hết mình thi đấu, đánh đòn rất tốt, tấn pháp vững chải.

Ban giám khảo và các vận động viên thi đấu võ thuật vòng chung kết.

Xen kẽ chương trình là những màn biểu diễn võ thuật như: 
- Mở đầu là phần trình diễn những tấn pháp và những thế chém, đấm, đá cơ bản của môn phái Vovinam Việt Võ Đạo 
- Kế tiếp là đồng diễn bài khai môn quyền do toàn thể môn sinh trong phong trào biểu diễn
- Bài thập tự quyền pháp được các môn sinh đánh theo kiểu vòng tròn rất đẹp mắt.
- Song luyện dao
- Song dao pháp
- Thập thế bát thức Quyền, Nhu khí công quyền
- Trói tay đánh đông
- Liên hoàn đối luyện
- Song luyện số 3
- Và cuối cùng là đòn chân cơ bản của môn phái do khoảng 20 hoàng đai biểu diễn trông thật đẹp mắt và hấp dẫn, các môn sinh trong phong trào đã gây nên một khí thế hào hùng, sôi động qua các màn biểu diễn, khán giả vỗ tay khen ngợi không ngớt.

Các hoàng đai biểu diễn đòn chân 

Đặc biệt trong chương trình xen kẽ còn có các màn hợp ca, những bài ca của môn phái và một vài bài ca bằng tiếng pháp do các môn sinh Việt- Pháp cùng đứng ra ca với sự hòa âm của ban nhạc sống tại đây. Đây là điểm đặc biệt của phong trào Âu Châu đã huấn luyện cho người ngoại quốc học võ Việt, nói tiếng Việt còn ca những bài ca của môn phái bằng tiếng Việt. Các màn múa do các cô thiếu nữ trong hội người Việt tại Paris biểu diễn cũng rất là đẹp mắt và ngoạn mục, đặc biệt có một nhóm nữ môn sinh người Pháp mặc áo đầm để nguyên quần võ xăn lên đứng nhảy múa theo nhạc cổ truyền của người Pháp làm cho không khí sinh động và vui tươi, toàn thể hội trường đều vỗ tay tán thưởng khen ngợi.

Một lần nữa 2 ông tỉnh trưởng lên ngỏ lời khen ngợi ban tổ chức và các môn sinh trong phong trào, võ sư Chưởng Môn và võ sư chánh văn phòng tổ đường cũng ngỏ lời khen tặng tổ chức thành công tốt đẹp và công nhận đây là một tổ chức có qui củ, nề nếp, vững chắc nhất của môn phái tại hải ngoại. Võ sư Chưởng Môn khuyến khích phong trào nên mở rộng thêm tầm hoạt động trong tương lai. 

Phái đoàn Ý (Italian)                                  Phái đoàn Thụy Sĩ 

Võ sư Trang Phước Đức hứa sẽ mở rộng phong trào khi có điều kiện nề nếp vững chải. Chấm dứt chương trình, các môn sinh tề tựu lại chụp hình lưu niệm, đặc biệt mỗi phái đoàn tham dự xin được chụp hình chung với Chưởng Môn. Võ sư Cẩm Bình cũng được các môn sinh các nơi ưu ái mời chụp hình lưu niệm, đặc biệt các môn sinh Hòa Lan và môn sinh Pháp đã ở lại nói chuyện rất lâu sau khi tan lễ và đã xin chữ ký của võ sư Cẩm Bình ký vào đai và cờ để lưu niệm.

Phái đoàn Hòa Lan 

Phái đoàn Pháp 

Phái đoàn Đức 

Các võ sư trong phong trào

Buổi tối sau khi dùng cơm xong, các võ sư và huấn luyện viên họp lại bàn thảo để rút ưu và khuyết điểm để rút kinh nghiệm cho buổi lễ năm tới. Năm nào ban tổ chức cũng bị lỗ, vì số người báo về mà không về đầy đủ nên khách sạn thừa, đồ ăn dư.

Một vấn nạn làm đề tài tranh cãi hằng năm là bất đồng ngôn ngữ, người nói tiếng Pháp, người nói tiếng Đức, người nói tiếng Hòa Lan, người nói tiếng Ý Đại Lợi. Các phái đoàn cần người thông dịch. 

III. SINH HOẠT NỘI BỘ TRÊN ĐỈNH NÚI THỤY SĨ:


Sáng thứ Hai ngày 31 tháng 5 năm 2004, võ sư Thái Quý đưa Chưởng Môn, võ sư Sen và võ sư Cẩm Bình sang Thụy Sĩ viếng thành phố Basel một thành phố nằm gần biên giới Pháp và Đức, nước Thụy Sĩ không bị ảnh hưởng thế chiến thứ II, nên những kiến trúc xây cất cổ xưa vẫn còn tồn tại, Thụy Sĩ là một nước trung lập không nằm trong liên hiệp Âu Châu mà vẫn giàu mạnh nhờ vào hệ thống ngân hàng đặc biệt và độc lập mà các người giàu có trên thế giới đều gởi tiền tại Thụy Sĩ.

Các thành phố của Âu Châu nhà cửa đều lớn rộng và đồ sộ nhưng đường phố lại chật hẹp nơi nào cũng khó tìm chỗ đậu xe. Chúng tôi ở lại nhà võ sư Quý một đêm để chờ ngày hôm sau các võ sư trong phong trào Âu Châu tụ hội về để cùng nhau lên núi sinh hoạt nội bộ. Chương trình dành ra một tuần lễ cho các võ sư trong phong trào có cơ hội tập luyện và nghỉ mát hàng năm.

Võ sư Quý mướn một căn nhà nghỉ mát nằm trên đỉnh núi thật cao cách thành phố Basel 2 tiếng đồng hồ lái xe, căn nhà nằm bên cạnh dòng suối chảy róc rách ngày đêm, phía trên có thác nước đổ xuống không ngừng, xung quanh là cảnh đồi núi chập chùng bao phủ với những hàng thông xanh ngát tạo nên cảnh đẹp như đào tiên, chúng tôi cảm thấy một sự an bình và hạnh phúc với khung cảnh thiên nhiên nầy, bao buồn phiền, bao khổ cực như tan biến hết chỉ còn lại sự tỉnh lặng của tâm hồn. Trong chúng tôi chỉ có nghĩa thầy trò, tình đồng môn thương yêu thắm thiết, mặc dù đã trải qua 30 năm xa cách rồi mà tình cảm chúng tôi không hề thay đổi, vẩn thương yêu chăm sóc nhau như tự thưở nào. Chúng tôi giờ đã già hơn, hoàn cảnh gia đình mỗi người một khác, ai cũng đã có gia đình và con cái đã lớn, nhưng khi họp mặt lại chúng tôi vẫn sinh hoạt như ngày xưa của một thời Miền Tây Khai Phá, vẫn chọc phá, vẫn nói cười đùa vui vẻ, thoải mái và thân thương như anh chị em ruột thịt, chúng tôi có lỡ lời nói sai điều gì thì các huynh đệ chỉ mắng yêu một tiếng rồi bỏ qua, chớ không như những người khác để ý từng lời, từng câu để rồi bắt lỗi, bắt phải, ghim gút, hạ nhau, chưởi nhau và chống đối nhau. 

Hai ngày đầu, trời đổ cơn mưa phùn rơi lất phất, ngồi trong nhà ngắm cảnh mưa rơi thật tuyệt hảo, cảnh đẹp vô cùng, rất tiếc chúng tôi không phải là nhà thơ cũng không phải là nhà văn nên không  diễn tả cảnh thần tiên nầy được.

Chúng tôi trên dưới 10 người cư ngụ trong căn nhà với sức chứa 100 người, đầy đủ nhà bếp, phòng khách, phòng sinh hoạt, phòng hội họp, phòng tập luyện, phòng chơi bòng bàn, phòng bida với nhiều phòng ngủ trên và dưới lầu. 

Mỗi buổi sáng trong cơn mưa phùn, gió buốt lạnh của miền rừng núi , chúng tôi cùng nhau tập võ suốt 3 tiếng đồng hồ, đây là chương trình tập luyện hằng năm của các võ sư trong phong trào Âu Châu, chúng tôi ôn luyện đòn thế do võ sư Trang Phước Đức hướng dẫn với sự sửa chữa và thống nhất đòn thế của võ sư Sen. Chúng tôi đã ôn tập và sửa chửa thống nhất các bài: Việt Võ Đạo Quyền Pháp, Lão Mai Quyền, Ngọc Trản Quyền, Song luyện số 4, Nhu Khí Công Quyền 1 và 3. Mở đầu tập luyện ai cũng đứng rét lạnh căm, mang giày, mang vớ. nhưng sau khi tập rồi, người nào cũng nóng bức, đổ mồ hôi...

Các võ sư trong phong trào Âu Châu do võ sư Nguyễn Văn Nhàn và kế tiếp là võ sư Trang Phước Đức đào tạo ra nên tất cả mọi người ai cũng giỏi về đủ mọi phương diện:

1. Đánh võ giỏi: Từng đòn thế rất sắc nét và mạnh, tấn pháp vững chắc. 
2. Tác Phong đạo đức: Đứng đắn, lễ phép, lịch sự, hòa nhã.
3. Tinh thần kỷ luật rất cao: Thấy việc cần là tự động làm, không cần sai bảo, tự động sắp xếp mọi việc trật tự, kỷ luật, và nề nếp.

Nấu ăn giỏ cũng rất giỏi: Mọi người từ Việt Nam cho đến ngoại quốc đều là những đầu bếp giỏi, có tài nấu ăn rất ngon và khéo. Trong nhóm gồm nhiều đầu bếp của các nước như: 

- Đầu bếp Hòa Lan: Võ sư Nguyễn Trung Cang
- Đầu bếp Thụy Sĩ: Võ sư Trần Thái Quý
- Đầu bếp Ý: Võ sư Joe 
- Đầu bếp Đức: Võ sư Trần Phước Thiện
- Đầu bếp Việt: HLV/CC Châu Minh Nhật
- Đầu bếp Pháp: Võ sư Nicolas và Võ sư Jilles 
- Đầu Bếp Mỹ: võ sư Cẩm Bình chuyên nấu đồ chay và rau cải được các huynh đệ ăn dậm thêm cho đỡ ngán vì đầu bếp Thụy Sĩ cho ăn toàn là bơ với phô mai.

Mỗi ngày các đầu bếp cứ tự động thay phiên nhau nấu những món ăn đặc sản của các nước để Chưởng Môn và các võ sư thưởng thức. Ăn uống xong là tự động dọn dẹp sạch sẽ thật đúng là một team (đội) làm việc thật xuất sắc.

Đậy là một tổ chức hoàn hảo, mà tôi đã đi khắp nơi trên thế giới chưa thấy tổ chức nào nề nếp và vững mạnh bằng tổ chức nầy, trên bảo dưới nghe, không một lời cải lại, mọi người đều làm việc theo quyết định tối hậu của võ sư Trang Phước Đức, khi võ sư Trang Phước Đức nói không thì không ai dám làm và cải lại, khi võ sư Trang Phước Đức gật đầu mọi người mới dám làm. Một sự tôn trọng và phục tùng cấp trên một cách tuyệt đối, hiếm thấy có được ở tổ chức nào. Một điều đáng nói ở đây là các võ sư, huấn luyện viên trong phong trào Âu Châu luôn làm việc trong âm thầm lặng lẽ như những chiến sĩ vô danh, không cần ai biết đến, không khoe khoang, không rần rộ, không giới thiệu cho mọi người biết đến, thế mà lại có rất nhiều người gièm pha, ganh ghét, đố ky, đòi Chưởng Môn phải dẹp tổ chức nầy đi, thậm chí Chưởng Môn và tổ đường cũng tưởng đây là một tổ chức nhỏ nhoi, cổ lỗ sĩ, không tiến bộ. Mặc mọi người nghỉ sao thì nghỉ, Phong trào Âu Châu cứ âm thầm lặng lẽ, từng bước, từng bước vững chắc đi lên. Sau 20 năm hoạt động kể từ lúc võ sư Nhàn thành lập phong trào cho đến nay, tổ chức đã phát triển ra được năm nước: Pháp, Đức, Ý, Thụy Sĩ, Hòa Lan , tổng cộng có được 6 võ sư nồng cốt lãnh đạo phong trào, 15 võ sư trợ huấn, trên 100 huấn luyện viên, tổng cộng toàn thể trên 500 môn sinh, đa số là người ngoại quốc., chỉ có một số ít là người Việt Nam, nhưng người lãnh đạo phong trào là người Việt Nam: Võ sư Trang Phước Đức, tướng núi của vùng Tri Tôn, Châu Đốc.

Mỗi buổi trưa sau khi ăn xong là lái xe đi chơi vòng vòng những thành phố xung quanh Thụy Sĩ như Geneve, Bern. Tối về ngồi nghe Chưởng Môn dạy bảo, hoặc hội họp nội bộ, sinh hoạt, ca hát.

Tại Geneve, chúng tôi có gặp võ sư Hà Chí Thành, huấn luyện Viên Hòa phụ trách lớp võ tại ngân hàng vào mỗi buổi trưa thứ Ba và thứ Năm, lớp võ nầy dành riêng cho các nhân viên của ngân hàng, khoảng 10 môn sinh tập luyện đã được lên lam đai I cấp, trong đó có một cô Việt Nam. Ông giám đốc ngân hàng thân hành ra tiếp đón và đưa chúng tôi đi thăm lớp tập tọa lạc trên lầu. Ngoài lớp tập tại đây, võ sư Thành, HLV Hòa và một HLV khác có nhiều lớp võ rải rác chung quanh Geneve.

Ngày thứ Bảy, một số một sinh trong phong trào Thụy Sĩ do VSTH Võ Tuấn Hùng, VSTH Đặng Thanh Phong của võ đường Neuchatel, Basel hướng dẫn tới thăm và chào kính Chưởng Môn . Các huấn luyện viên và môn sinh Thụy Sĩ đến trong lúc các võ sư đang bận rộn tập luyện võ thuật, sau khi chào hỏi xong các môn sinh nam cũng như nữ không ai sai bảo tự động xuống bếp: Người nướng, người nấu, người chuẩn bị, người rửa chén, người dọn bàn. Trong phút chốc đã có một bữa ăn trưa đồ sộ theo kiểu Tây Phương: Sà lách, Spaghettie, bánh Pie, bánh cheese, Canh gà. tất cả mọi người dùng cơm trưa với Chưởng Môn thật là đầm ấm và thân mật. Sau khi ăn xong mọi người tặng quà cho Chưởng Môn và chụp hình lưu niệm, sau đó tập luyện võ thuật với võ sư Nicolas và võ sư Hùng Thư. Võ sư Nicolas là người Pháp dạy võ Vovinam giải nghĩa đòn bằng tiếng Pháp, nhưng khi hô đòn và đọc tên đòn bằng tiếng Việt, rất sành sỏi. 

IV. BÔNG HỒNG CHO NHỮNG MÔN ĐỒ TRUNG KIỆN CỦA MÔN PHÁI: 

Võ sư Đức, Võ Sư Nhàn, Võ sư Sen, Võ Sư Cẩm Bình

Khoảng 4 giờ chiều cùng ngày, võ sư Nhàn từ bên Đức sang thăm viếng Chưởng Môn và chuyện trò cùng các huynh đệ, võ sư Nhàn giờ rất đô con, vẫn đạo mạo uy nghi như thưở nào võ sư Nhàn suốt cuộc đời hy sinh tận tụy cho môn phái, trước năm 1975 đã khai phá miền Tây - Việt Nam tạo nên phong trào Vovinam đông đảo nhất trong 4 miền. Rồi sau năm 1975 võ sư Nhàn ra hải ngoại, sang Âu Châu cũng đã bỏ công sức, tiền bạc ra để tiếp tục xây dựng phong trào Âu Châu suốt 10 năm trời. 

Võ sư Nhàn và các huynh đệ trong phong trào Âu Châu theo tiếng gọi xiển dương của môn phái, đã ngày đêm làm việc khổ cực gây dựng phong trào bằng những bàn tay trắng, bằng đôi chân đất, đi bộ mòn cả gót giày, đi bằng xe buýt, xe điện để đến những vùng thật xa gây dựng và phát triển phong trào Vovinam Việt Võ Đạo. Họ đã bỏ ra bao thời gian, bao tâm huyết, bao mồ hôi, máu và nước mắt. Họ là những chiến sĩ vô danh làm việc không cần ai biết đến, cứ âm thầm, từng bước chân âm thầm, ra đi xây dựng thế hệ trẻ tương lai cho dân tộc và nhân loại. Điều khổ cực nhất là dạy võ xứ người cho nhưng môn sinh Việt không biết tiếng Việt, các võ sư và huấn luyện viên phải bỏ thêm thì giờ để dạy đọc và viết tiếng Việt 2 tiếng đồng hồ trước khi học võ thuật Vovinam, như võ sư Trần Thái Quý và võ sư Hùng Thư nhờ sinh hoạt Vovinam trong phong trào mà bây giờ đọc và viết được tiếng Việt, nên 2 võ sư nầy rất mang ơn môn phái và đã tự hứa sẽ làm hết sức mình để giúp môn phái phát triển ngày một lớn mạnh hơn lên. 

Sự phát triển của phong trào Vovinam Việt Võ Đạo Âu Châu trong thời gian qua thật là khốn khổ, và thương đau mà có ai biết đến? 

Suốt cuộc đời võ sư Nhàn đã tận tụy hy sinh vì môn phái không màn lợi danh, ăn uống thô sơ đạm bạc, không lo gì cho cá nhân và gia đình cả, đổi lại võ sư Nhàn được những gì? Điều đáng đau buồn trong môn phái là những người trong môn phái không tiếp tay yểm trợ, không biết đến những điều gian khổ này, lại nhẫn tâm mưu hại, nói xấu, báo cáo láo, dèm pha và chống đối để hại cho được võ sư Nhàn. Việc làm nầy trời có dung và đất có tha không? Những người đó có bao giờ cảm thấy lương tâm mình bị cắn rứt không? Đây là một thực trạng đau lòng của môn phái!

Võ sư Nhàn và các môn sinh trong phong trào Âu Châu chủ trương: Luôn giúp người, hưỡng dẫn người trở nên người tốt, có ích cho môn phái, dân tộc; làm việc không trái với lương tâm đạo đức, không hại ai, không mưu mô xảo quyệt, chỉ biết dùng tình thương để đối xử với mọi người, mặc bao tai tiếng thị phi, bao lời gièm pha, chống đối. Thông hiểu lý tưởng của môn phái, tiếp tục sự nghiệp của sáng tổ và Chưởng Môn, phụng sự cho dân tộc và nhân loại, chớ không riêng cho một cá nhân nào vì thế cứ thẳng đường mà đi mặc bao chông gai, bao thử thách, bao người mưu hại. 

Cổ nhân có nói: 
"Người hại không bao giờ chết chỉ có trời hại mới chết mà thôi."

Trong chuyến công du trước của võ sư Chưởng Môn tại Âu Châu đã có nhiều người làm áp lực, đòi võ sư Chưởng Môn dẹp bỏ phong trào Âu Châu, nếu phong trào âu Châu bị dẹp bỏ thì ngày nay làm gì có được những môn sinh cốt cáng, trung thành, có đầy đủ phẩm và lượng cho môn phái? Những môn đồ trung thành với môn phái trong phong trào đả đi, đang đi, và tiếp tục đi, đi lên, tiến tới mãi mãi không ngừng. 

"Có công mài sắt, có ngày nên kim."

Cuối cùng công bằng và lẽ phải, đã về với những môn đồ trung kiên của môn phái. Chưởng Môn đã đến sinh hoạt với phong trào, đã nhìn, đã thấy và đã tin. Chưởng Môn nói:

- Có đến, có nhìn được tận mắt mọi người làm việc, mới thấy được sự thật, mới tin được, từ trước tới giờ cứ nghe người ta nói phong trào như thế nầy, như thế nọ, nên thầy không mấy tin tưởng vào sự hoạt động của phong trào.

Võ sư Sen cũng nói:

- Lúc trước tưởng phong trào chỉ là một hoạt động nhỏ nhoi và cổ hữu.
Nay Chưởng Môn và võ sư Sen đã công nhận sự hoạt động của phong trào và võ sư Trang Phước Đức là đại diện cho các sinh hoạt tại Âu Châu.

Xin ưu ái gởi tặng những đóa hồng tươi thắm cho những môn đồ trung kiên của môn phái trong phong trào Âu Châu. Xin chúc tất cả các võ sư, huấn luyện viên và môn sinh của phong trào Vovinam Việt Võ Đạo Âu Châu: Tâm bền, Trí lặng, Vững niềm tin, thành công trên hành trình sư môn - dân tộc.  

V. SINH HOẠT VỚI VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO PHÁP & PHI CHÂU:

Chiều thứ Hai, ngày 7 tháng 6 năm 2004, võ sư Lê Tấn Minh mời võ sư Chưởng Môn , võ sư Sen, võ sư Đức và tôi đến thăm lớp tập Tại Paris tọa lạc trong tổng cục huấn luyện Judo, võ sư Lê Tấn Minh đã mướn phòng tập trong một trung tâm rộng lớn, đi qua cầu thang máy, vòng qua 5, 6 cánh cửa mới tới được phòng tập, tại đây có khoảng gần 30 môn sinh theo tập, có khoảng 7 hoàng đai. Ngoài lớp võ nầy võ sư Lê Tấn Minh còn có 2 lớp võ khác tại quận 3 và quận 10, Phú tá võ sư Lê Tấn Minh là VSTH Davy cũng đã từng về Việt Nam thụ huấn võ thuật tại tổ đường mà tôi đã gặp vào mùa hè năm 2003.

Hai võ sư người Phi Châu tại 2 nước: 
- Côte Divoire: Tên Djanilo Kouami Ali vte
- Burkina Faso: Tên là Ouedraogo Antonin G. Appolinaire 
Nghe tin Chưởng Môn sang Âu Châu, và cho gặp mặt liền tức tốc mua vé máy bay về Paris để gặp Chưởng Môn . Võ sư Lê Tấn Minh và 2 võ sư người Phi Châu nầy do võ sư Nguyễn Ngọc Mỹ đào tạo tại Phi Châu, nay võ sư Nguyễn Ngọc Mỹ về Paris, tất cả những sinh hoạt tại Phi Châu trao lại cho võ sư Lê Tấn Minh trông coi. Võ sư Nguyễn Ngọc Mỹ rời nước đã quá lâu nên không rành tiếng Việt lắm, võ sư Lê Tấn Minh là người Pháp-Việt nên tiếng Việt cũng không thông suốt, nhưng cả 2 đều có tinh thần hướng Việt, nên mới gia nhập chuyển đổi các lớp võ sang môn phái Vovinam vào năm 1990. 
Hai võ sư Phi Châu tập võ vào năm 1982 với võ sư Nguyễn Ngọc Mỹ, sau khi chuyển đổi sang hệ thống Vovinam mang Chuẩn Hồng Đai và Hoàng đai III cấp.

Võ sư Djaniklo có 10 địa điểm tập tại nước Côte Divoire có khoảng từ 250 đến 300 môn sinh, võ sư Antonin G. Appolinaire có 11 địa điểm tập có khoảng 400 môn sinh, Tháng trước khi tổng thống củ còn tại vị, môn sinh cả ngàn người vì chính tổng thống là môn sinh Vovinam và 2 người con cũng tập Vovinam, nên Vovinam trong nước đó được phát triển rất mạnh mẽ.

Sau khi thăm viếng lớp tập, võ sư Minh và các võ sư, huấn luyện viên mời phái đoàn Chưởng Môn đi ăn tối trong một nhà hàng Pháp tại Paris. Lái xe từ lúc 6:30 tối đến 8 giờ mới đến Paris, giờ đi làm về xe đông nghẹt, tới nơi Võ sư Đức đi tìm chỗ để đậu xe cả một tiếng đồng hồ, ăn theo kiểu Pháp thật cầu kỳ và mất nhiều thời gian, một buổi ăn mất 4 giờ đồng hồ mới xong, mới đầu là khai vị rượu, Olive, rồi tới ăn sà lách, trái cây, mới tới món ăn chánh là thịt, bánh mì, rồi ăn bánh hoặc kem rồi màn cuối cùng là café. Tan tiệc là 12 giờ đêm, 2 võ sư Phi Châu ái mộ Chưởng Môn chụp hình lưu niệm, quay phim và tặng quà cho Chưởng Môn và mời một ngày đẹp trời nào đó Chưởng Môn sẽ sang thăm viếng Phi Châu. Các võ sư Phi châu nầy nói tiếng Pháp nên tôi đã cho địa chỉ website của phong trào Âu Châu cho 2 võ sư nầy tìm hiểu thêm về môn phái Vovinam, hy vọng có thể kết chặt làm việc chung trong tương lai.

VI. TỪ GIÃ PARIS:

Tình cảm thân thương và nồng hậu của các huynh đệ trong phong trào đối xử với tôi trong 10 ngày qua thật là thân thiết như anh chị em ruột thịt, Hoàng đai Nguyễn Thị Tỵ xa cách đã lâu, nay gặp lại tình cảm vẫn dạt dào như thưở nào, cứ quấn quít một bên để chăm sót cho tôi, ngồi nhìn nhau để nghe lòng bâng khuâng và hối tiếc vì đã không được ở cạnh nhau để cùng nhau hoạt động trên bước đường xiển đạo. Phu nhân võ sư Thái Quý là cô Susan và phu nhân võ sư Phước Đức là cô Ngọc Giao, 2 người không tập võ mà cũng rất nhiệt tình, dùng tình cảm nồng hậu đối xử với tôi, lo lắng cho tôi lăng xăng làm cho tôi cảm động vô cùng, nhất là các môn sinh Hòa Lan và Pháp đã theo xin chữ ký của tôi để lưu niệm, tôi sẽ nhớ mãi những giây phút đó không bao giờ quên.

Sáng thứ Ba ngày 8 tháng 6 năm 2003, tôi từ giã Paris lên đường trở về Mỹ Quốc, còn Chưởng Môn và võ sư Sen ở lại thêm 2 tuần nữa để đi Na Uy, Hòa Lan, và Marseille. Một lần nữa võ sư Chưởng Môn thân hành đưa tiễn tôi ra tận phi trường Charles De Gaulle cùng với võ sư Sen, võ sư Đức và HLV/CC Châu Minh Nhật. 

Sau khi làm xong thủ tục vé máy bay, tôi nghiêm lễ và chia tay với Chưởng Môn , võ sư Sen, võ sư Đức và Huynh Nhật. Cuộc chia tay đầy cảm động nói không ra lời.

- Gặp nhau đây rồi chia tay, ngày dài như đã vụt qua trong phút giây, niềm hăng say còn chưa phai, đường trường sông núi hẹn mai ta xum vầy. 

Từ giã Paris thành phố hoa lệ, xin hẹn với quý thầy và các huynh đệ một ngày đẹp trời khác chúng ta sẽ được gặp lại nhau.

Nghiêm lễ
BÀN TAY THÉP ĐẶT TRÊN TRÁI TIM TỪ ÁI!
Võ sư CẨM BÌNH.



 

..