Tật nghiến răng


Tật nghiến răng (Bruxism) là hiện tượng khi bạn thường xuyên nghiến chặt hàm răng, có thể phát ra tiếng ken két hoặc không, trong khi ngủ hoặc trong những trường hợp bạn cảm thấy lo âu căng thẳng. Triệu chứng có thể nhẹ và thường xuyên nhưng cũng thỉnh thoảng nặng lên. Thường xảy ra khi mới bắt đầu ngủ làm ảnh hưởng đến những người xung quanh. Đa số nghiến răng phát ra tiếng kêu lớn mà bình thường lúc thức hay lúc thư giãn họ không thể tạo ra được như vậy; một số nghiến răng nhưng không phát ra âm thanh.

Hiện tượng nghiến răng thường xuyên như vậy có thể không làm ảnh hưởng gì đến sức khỏe của bạn. Tuy nhiên khoảng 5-10% trường hợp người bệnh nghiến răng mạnh đến mức có thể làm gãy răng, nhức đầu, đau mặt, rối loạn cơ và khớp thái dương hàm, gây khó khăn cho việc nhai hay nói chuyện,…

Tật nghiến răng là dạng rối loạn giấc ngủ thường gặp đứng hàng thứ 3 sau nói mớ và ngáy. Người ta tin rằng những người bị tật nghiến răng lúc ngủ có nguy cơ ngáy và ngưng thở lúc ngủ cao hơn bình thường.

Triệu chứng

*
Nghiến hoặc cắn chặt răng (có thể gây ra tiếng ken két) trong lúc ngủ hoặc lúc lo âu căng thẳng hay stress.
*
Mặt tiếp xúc của răng bị bào mòn, phẳng dẹt hoặc bị nứt vỡ.
*
Men răng bị mòn, để lộ phần bên trong.
*
Tăng nhạy cảm răng.
*
Co, căng và đau cơ hàm.
*
Rối loạn khớp thái dương hàm (cử động khó hoặc phát tiếng kêu).
*
Có thể gây đau tai do co thắt mạnh cơ hàm (không phải do bệnh của tai).
*
Đau vùng mặt mạn tính.
*
Đau đầu âm ỉ mỗi sáng thức dậy.
*
Có thể có vết thương mô mặt trong má (bị cắn vô thức khi ngủ).
*
Phụ nữ thường mắc bệnh này nhiều hơn nam giới.

Nguyên nhân và yếu tố thuận lợi

Đa số là nguyên nhân tâm sinh lý hay giải phẫu học:

*
Khớp cắn (giữa răng hàm trên và hàm dưới) bị lệch.
*
Lo âu, căng thẳng hay bị stress.
*
Kích động hay xúc cảm quá mức.
*
Thường xảy ra trên type người có tính cách mạnh, hiếu động và không cân bằng.
*
Đôi khi là biến chứng của một thương tổn nặng ở não (như bệnh thần kinh cơ có ảnh hưởng mặt); cũng có thể do tác dụng phụ của một số thuốc thần kinh (như thuốc chống trầm cảm),…

Tật nghiến răng xảy ra ở trẻ con thường liên quan đến sự tăng trưởng và phát triển của chúng: răng phát triển không đều, đau tai, mọc răng,…Tuy khoảng thời gian nghiến răng ở trẻ thường không lâu dài nhưng có thể làm ảnh hưởng vĩnh viễn đến sự phát triển của răng. Hầu hết trẻ bị tật này ở độ 3-10 tuổi, hơn một nửa hết tự nhiên lúc khoảng 13 tuổi.

Các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng bị nghiến răng như:

*
Bất thường khớp cắn.
*
Stress, kích động, xúc cảm mạnh,…
*
Típ người hay hiếu động.
*
Chất gây kích thích như cà phê, thuốc lá có thể làm tăng thêm tật nghiến răng có sẵn.

Biến chứng

Một số biến chứng có thể xảy ra như:

*
Tổn thương răng và hàm.
*
Làm phát triển hoặc làm xấu thêm những tình trạng rối loạn khớp thái dương hàm có sẵn.
*
Làm ảnh hưởng đến những người xung quanh, nhất là về đêm.

Điều trị

Mục tiêu là ngăn ngừa tổn thương vùng răng miệng và giảm đau các cơ nhai và cơ vùng mặt. Tùy theo nguyên nhân:

Nếu bạn bị stress: điều trị chủ yếu bằng tâm lý liệu pháp và thư giãn (thể dục, thiền tâm,…). Có thể sử dụng thuốc gây giãn cơ để tạm thời giảm co thắt cơ hàm.

Nếu có những vấn đề về răng: bạn cần khám bệnh ở một bác sĩ răng hàm mặt, có thể sẽ phải làm chỉnh hình răng để bạn có khớp cắn tốt hơn, hoặc bác sĩ sẽ giúp bạn những dụng cụ có thể bảo vệ răng của bạn tránh tổn thương trong trường hợp nghiến răng quá nặng.

Do bệnh lý thần kinh cơ hay tổn thương não: rất khó điều trị . Chủ yếu là dùng các biện pháp bảo vệ răng và khớp cắn.

Do thuốc: một số thuốc chống trầm cảm có thể gây tác dụng phụ nghiến răng nhiều. Có thể ngưng thuốc hoặc dùng thêm thuốc khác để giảm tác dụng phụ này (như nhóm gabapentin) tùy theo chỉ định của bác sĩ của bạn.