VOVINAM Kiên Giang đang trên đường khởi sắc

Tác giả : ĐOÀN HỮU HẬU

Khi đại diện Võ thuật VOVINAM tỉnh Kiên Giang đến đặt vấn đề xin phép mượn sân bãi Hội Văn nghệ Kiên Giang làm nơi dạy võ thì có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề nên hay không nên.

Cuối cùng thì Ban Thường vụ Hội Văn nghệ Kiên Giang đồng ý cho phép vì các anh cho đó là một trong những bộ môn nghệ thuật. Sau đó 30 môn sinh VOVINAM “lớp vỡ lòng” đã được ra mắt dưới sự huấn luyện của huấn luyện viên Lê Cường cùng với sự hỗ trợ của các võ sư khác.

Sau 3 tháng, qua một “kỳ hạch sách” văn võ, các môn sinh này đều được thăng đai.

Chứng kỳ thi và nghi thức phong đai của lớp võ “vỡ lòng”, tôi không khỏi ngạc nhiên về cách tổ chức qui củ, nghiêm trang, đúng bài bản của các thầy thuộc môn phái VOVINAM.

Là môn đồ của võ phái, mấy mươi năm qua, tôi không có địp để tiếp cận, nay bỗng giật mình nhìn lại và vội vã đi tìm “cội nguồn” của môn phái võ học này.

Trong khuôn khổ có hạn, người viết xin nêu những nét cơ bản của bộ môn võ học này với mục đích để tham khảo.

Tổ sư sáng lập Nguyễn Lộc đặt tên bộ môn võ thuật là Việt võ đạo, đồng thời còn có tên VOVINAM là để cho người nước ngoài dễ đọc, để nhớ, để tự hào về môn Việt Nam. Đồng thời Tổ sư đã có ý “quốc tế hóa” môn võ thuật này với thế giới. “Việt Võ Đạo” ta có thể hiểu đơn giản là cái đạo võ học của người Việt.

Toàn bộ kỹ thuật VOVINAM – Việt Võ Đạo dựa trên nền tản của võ dân tộc, các đòn thế quăng, vật, bẻ khóa rất thích ứng với những tình huống nguy hiểm. Ngoài ra 21 đòn chân tấn công của VOVINAM rất ngoạn mục, độc đáo mang đậm nét dân tộc, không giống bất kỳ loại võ thuật nào trên thế giới.

Nghi thức chào của VOVINAM là bàn tay phải đặt lên trái tim, cúi đầu : biểu tượng cho “bàn tay thép” đặt lên “trái tim từ ái”. Hơn 70 năm qua, “cái chào” này đã trở thành phổ biến trên thế giới. Rõ nét nhất, ta hay xem những cầu thủ bóng đá trên thế giới, khi ra sân, họ chào như thế nào để bước vào trận đấu. Đây là trường hợp ngẫu nhiên hay là điểm tương đồng của cả thế giới ?!....

VOVINAM – Việt Võ Đạo dựa trên chủ thuyết “cách mạng tâm thân”, nhưng không phải là triết học. Chủ thuyết mới giáo dục người Việt, về tâm và thân. Đó không phải là lý thuyết mà là ứng dụng thực tế vào mọi sinh hoạt võ học, với các định lý : tâm thân phối triển, việt ngã, độ tha, thăng hóa cả tâm hồn và thể chất để truyền thông nghị lực mới với các thế hệ môn sinh kế tục, đòi hỏi tính kiên trì để học, hỏi, hiểu và hành.

Từ đó đòi hỏi môn sinh VOVINAM luôn tự thực hiện cuộc “cách mạng tâm thân” để phát triển toàn diện về tâm, trí và thể. Ngoài việc luyện tập đòn thế để thân thể cườn tráng, dẻo dai và khỏe mạnh, môn sinh VOVINAM còn trau đồi một tâm hồn thanh cao, hiến ích, tự tin, can đảm, cao thượng, bất khuất và tính nhân bản theo lời dạy của võ sư Nguyễn Lộc : “Sống cho mình, giúp người khác sống, sống cho mọi người”.

Võ đạo của VOVINAM còn được xem như một nhân cách sống hay một triết lý làm người.

Mười điều tâm niệm của VOVINAM đòi hỏi môn sinh phải là một con người phát triền “toàn diện” :

1. Nguyện đạt tới cao độ của nghệ thuật để phục vụ dân tộc và nhân loại;

2. Nguyện trung kiên phát huy môn phái, xây dựng thế hệ thanh niên dấn thân hiến ích;

3. Ðồng tâm nhất trí, tôn kính người trên, thương mến đồng đạo;

4. Tuyệt đối tôn trọng kỷ luật, nêu cao danh dự võ sĩ;

5. Tôn trọng các võ phái khác, chỉ dùng võ để tự vệ và bênh vực lẽ phải;

6. Chuyên cần học tập, rèn luyện tinh thần, trau dồi đạo hạnh;

7. Sống trong sạch, giản dị, trung thực và cao thượng;

8. Kiện toàn một ý chí đanh thép, nỗ lực tự thân cầu tiến;

9. Sáng suốt nhận định, bền gan tranh đấu, tháo vát hành động;

10. Tự tin, tự thắng, khiêm cung, độ lượng, luôn luôn tự kiểm điểm để tiến bộ.

Mười điều tâm niệm của VOVINAM dựa trên nền tản đạo đức truyền thống thuần túy của con người Việt. Nó bao hàm “nhân, trí, dũng” của đạo “Nho” (đạo làm người). Gần 5 điều Bác Hồ dạy “Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt, khiêm tốn, thật thà, dũng cảm …”

Ra đời năm 1938, mùa thu năm sau (1939), võ thuật VOVINAM ra mắt biểu diễn tại nhà hát lớn ở Hà Nội dưới sự chỉ đạo của Tổ sư sáng lập Nguyễn Lộc. Các môn sinh võ thuật VOVINAM lần đầu tiên biểu diễn đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của công chúng làm kinh ngạc đám “quan thầy bảo hộ” thời ấy. Một quan chức Pháp đã phải chép miệng than thầm rằng : “Người Việt sử dụng võ thuật này để đánh Pháp thì người Pháp khó giành quyền thống trị ở đất nước này. Đó là những quyền đã được Cụ Nguyễn Lộc đúc kết chọn lọc từ võ thuật cổ truyền dân tộc và tinh võ thuật của các môn phái khác dựa trên cơ sở các định lý và tầm vóc của người Việt, có dáng dấp môn thể thao biểu diễn. Trong công cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, nhiều võ sinh VOVINAM đã tham gia trong Đoàn Vệ quốc quân, góp phần của mình vào việc làm nên chiến thắng của dân tộc ta.

Trải qua biến cố thăng trầm, VOVINAM được giới thể thao thế giới hâm mộ. Hiện VOVINAM đã có mặt trên 40 nước trên thế giới. Người Việt ta đã thành lập Liên đoàn VOVINAM thế giới.

Năm 2007, Bộ Nội vụ đã có quyết định cho phép thành lập Liên đoàn. VOVINAM Việt Nam đã phát triển lớn mạnh và tổ chức được các giải thi đấu trong nước và quốc tế, đạt được những thành tích khả quan. Năm 2011, VOVINAM được chính thức đưa vào thi đấu tại Sea Games. Hiện nay, hầu hết các tỉnh thành đã có thành lập Liên đoàn VOVINAM hoạt động dưới sự lãnh đạo về mặt chuyên môn của Liên đoàn VOVINAM Việt Nam và chịu sự quản lý Nhà nước của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Ở Việt Nam, VOVINAM trở thành quốc võ. Công văn số 4267/BGDĐT-CTHSSV Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chủ trương phát triển môn võ VOVINAM trong nhà trường và dự kiến sẽ đưa môn võ này vào chương trình thi đấu chính thức từ Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ VIII-2012.

Ở Kiên Giang, Võ sư Danh Ky là người đầu tiên truyền thụ võ thuật VOVINAM. Những “hạt giống” ban đầu trong làng võ này hiện đã đạt tới Hồng đai, chuẩn Hồng đai và rất tâm huyết với môn phái. Có thể kể ra như : Trương Thị Ngọc Ánh, Mã Thị Ngọc Liêng, Hà Thế Thạnh, Huỳnh Châu Sang, Nguyễn Huỳnh Dũng, Danh Tư, Nguyễn Thị Y Huệ… Họ đang truyền thụ tinh hoa võ thuật VOVINAM cho lớp đàn em. Một điều đáng ghi nhận là không hiểu do qui định của môn phái hay là vì tâm huyết với võ đạo mà những người này dạy võ, truyền thụ hết mình, nhưng họ không lấy đó làm kế sinh nhai.

Phong trào tập luyện môn võ VOVINAM - Việt võ đạo trong những năm qua được bền vững và phát triển khá mạnh. Ngoài điểm tập luyện trước đây tại Nhà thiếu nhi Kiên Giang, hiện nay, VOVINAM đã có thêm các điểm tập khác như : Khu công viên Văn hóa An Hòa, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú, Trường Cao đẳng - Kinh tế Kỹ thuật Kiên Giang, huyện U Minh Thượng, xã Mỹ Lâm, Đại đội Trinh sát, thị xã Hà Tiên, UBND xã Phi Thông. Tổng số võ sinh tham gia tập luyện thường xuyên trên 700 người. Ngoài ra, VOVINAM đã được giảng dạy ngoại khóa trong bộ môn Thể dục của Trường PTTH Nguyễn Trung Trực.

Nhằm tạo điều kiện cho phong trào luyện tập VOVINAM tỉnh nhà được phát triển và tập hợp được lực lượng môn sinh hoạt động võ thuật đúng theo qui định của Nhà nước phục vụ cho rèn luyện thể chất, tăng cường sức khỏe, nâng cao phẩm chất đạo đức cho người luyện tập để phục vụ cho việc học tập, lao động sản xuất và bảo vệ Tổ quốc. Việc thành lập Liên đoàn VOVINAM tỉnh Kiên Giang là cần thiết để lãnh đạo và phát triển VOVINAM tỉnh nhà theo đúng đường lối chủ trương và pháp luật của Nhà nước.

Lớp võ thuật VOVINAM tại Hội Văn nghệ Kiên Giang thành công ở giai đoạn đầu, đang bước lên “ngạch” mới, đóng góp một phần nhỏ bé cho nền võ học nước nhà.

Tuy nhiên, so với chặng đường hơn 70 mươi năm, thì mức độ phát triển VOVINAM Kiên Giang vẫn còn khá khiêm tốn. Liên đoàn VOVINAM Kiên Giang cần nỗ lực quyết tâm hơn nữa, cần tranh thủ sự ủng hộ của các ngành, các cấp, các mạnh thường quân để phong trào võ học không bị tụt hậu so với cả nước và khu vực.

VOVINAM không chỉ là môn nghệ thuật đơn thuần, mà nó còn là nét văn hóa dân tộc độc đáo. Học võ là cần thiết. Ai muốn mình trở thành võ sư, võ sĩ VOVINAM thì dày công học, luyện. Còn không muốn theo nghiệp võ thì học võ VOVINAM chí ít cũng là bài thể thao nghệ thuật rèn luyện thân thể.

(Trich dẫn từ tạp chí Văn học nghệ thuật Kiên Giang Chiêu Anh Các số 99-10/2011)