kết quả từ 1 tới 4 trên 4

Threaded View

  1. #4
    Tham gia ngày
    Jul 2008
    Bài gởi
    33
    Thanks
    0
    Thanked 0 Times in 0 Posts

    Default

    DẠY CHẾ THỦ LẤY THỦ LÀM GỐC
    Thuật chủ động tấn công dựa trên nguyên lý “ Chế thủ, lấy thủ làm gốc “ tưởng như hoàn toàn mâu thuẫn nhưng thực ra đó là cách thức “ giữ mình trước khi đánh người “ , “ thủ thế trước khi công “ , “đang công nhớ thủ “ . Vừa đảm bảo được tính an toàn , vừa thu được kết quả mong muốn.

    Nguyên lý trên về tinh thần giống như cách bắt mồi của con trăn đất ; cáo không biết bay mà bắt được chim lớn ; hổ chạy không nhanh bằng hươu nai mà vẫn tóm được hươu nai. Ngạn ngữ có câu: “ Người khôn dấu tài, Kẻ có chí phải dấu ý “ cũng không ngoài cái hàm ý sâu xa muốn răn người anh hùng phải biết dấu kẻ thù cái chí lớn của mình khi thời cơ chưa đến.

    Đấu pháp của người giỏi võ, hiểu võ tất nhiên cũng không ngoài cái ý sâu xa ấy. Việc tạo được tình huốn bất ngờ, dấu được ý đồ và cách thức tấn công vào thời điểm sát nút, làm cho đối phương không kịp đối phó là thượng sách, là nguyên tắc bất di bất dịch của thuật “ trực công “ , “ giả thủ để công “, giả hở để công “... trong phần “ yếu pháp” là những nguyên tắc hợp lý, tinh tế dựa trên tinh thần tâm pháp đó.

    Một lần, vì quá say đòn, tôi tấn công liên tiếp vào phần thượng của người bạn cùng tập, bất chợt anh ấy hạ thấp tấn rồi dùng đòn cước đánh nhẹ vào chân trụ làm tôi lộn nửa vòng. Thầy tôi trông thấy lẳng lặng quay đi không nói gì. Tôi áy náy mất mấy tuần liền mà không hiểu ngầm ý người muốn trách gì ?

    Một lần khác, cũng tập đấu với một người bạn, tôi thoáng thấy đối thủ của mình đứng sai cung cách - thế tấn chênh vênh nên chớp nhanh cướp thời cơ dùng đòn chân tấn công: “ huỵch “ – Tôi ngã lăn kềnh vì bị bạn tôi phản đòn đánh vào chân trụ. Lần này thầy tôi cũng trông thấy tường tận mà cũng không nói gì... Mãi về sau, khi trưởng thành tôi mới hiểu một phần ngầm ý của thầy ” tâm pháp ta không giấu con ! Nhưng muốn hiểu hết phải có giá của nó. Mong ước càng cao thì giá trả càng cao “. Quả là: Được ngồi “ cùng chiếu “ gian truân vô cùng .

    HỌC LẤY TINH, KHÔNG CẦN NHIỀU
    “ Học lấy tinh, không cần nhiều “ là các học cần nắm vững cái cốt lõi, chất lượng với tinh thần “đào lâu, tìm kỹ “ “ chôn chặt, chắc lâu “ chứ không phải hình thức hời hợt khoa trương về số lượng.

    Phép học võ lại càng đòi hỏi phải hiểu và nắm được thấu đáo tinh thần của mỗi thế, mỗi đòn, cho đến khi nhận ra được cái lý đơn giản nhưng hoàn đủ của nó ( có mà không, không mà có ).

    Thầy tôi thường kể: “ Có một người học trò đi tìm thầy luyện võ, gặp được một võ sư tài ba, có nhiều môn công đặc dị. Anh ta nói:

    - Thưa thầy con xin học 3 năm.

    - Không ! Ta không dạy - Người Thầy lạnh lùng trả lời.

    - Thưa Thầy ! con xin học 10 năm.

    - Không !

    - Thưa Thầy ! con xin học 20 năm.

    - Không !

    - Vậy con xin học suốt đời !

    - Ta nhận con - người Thầy hài lòng trả lời. “

    Hồi ấy , tôi thích thú về tính ngồ ngộ và là lạ của câu chuyện, mãi về sau mới thấy hết thâm ý sâu sắc của người xưa muốn dạy con cháu : phàm muốn học cái gì cũng không nên nóng vội ( giục tốc bất đạt ) mà phải kiên trì say sưa, học tối, học ngày, học quên giờ , quên tháng , đêm nghĩ, ngày suy, không lúc nào ngừng nghĩ và cứ như thế sẽ trở thành một thói quen thường nhật. Mong học gì mà không thành đạt. Cho nên người thầy dạy võ mới không nhận anh học trò nôn nóng, quá mong đạt đến đích vượt qua khả năng của mình.

    Rồi một lần khác Thầy tôi kể:

    “ Có một con rết mỗi bên có hàng trăm chiếc chân, bò liến láu trên mặt đất, chàng giun trông thấy phục quá cúi đầu chào rồi thưa:

    - Anh rết giỏi quá! Chân anh nhiều thế kia, bước thoăn thoắt mà vẫn không vướng nhau.

    Cả đời rết chưa bao giờ nghe ai khen như vậy nên sướng quá. Ừ nhỉ, mỗi bên ta có hàng trăm cái chân mà vẫn điều khiển dễ dàng. Nghĩ vậy rết vênh mặt nói:

    - Nghe đây ! Chú mày có biết tại sao ta đi được không ? Và chẳng cần đợi giun có đồng ý nghe hay không, rết lấy giọng giảng giải:

    - Chân thứ nhất bên phải ta bước lên một bước, thì chân thứ nhất bên trái ta cũng bước lên một bước ... cứ như thế vừa trình bày rết vừa thực hành, lúc đầu thì chẳng sao , nhưng một lúc sau thì rối cả lên – vì chân trước, chân sau, chân bảy , chân tám... anh rết tài ba cứ hết chân này dẫm phải chân kia chồng chéo đến nỗi ngã lăn kềnh. “

    Đấy ! Học máy móc hiểu máy móc là như vậy. Không có cái gì hay bằng tinh giản, con rết bình thường đi được là chính tự nó, hiển nhiên như vậy - khả năng ngấm vào xương thịt cứ thế mà làm. Học võ càng phải có được như thế . Đó là khả năng giữ mình cao nhất nhờ sự giác độ của tay chân theo ý muốn của đầu. Khả năng ấy chính là phản xạ có điều kiện được rèn luyện nhiều lần đã trở thành bản năng tự vệ luôn túc trực.

    Khi học một bài quyền, lúc đầu phải luôn luôn để ý, tự mình chỉnh sửa: thế này dồn tấn chân phải hay chân trái ? thế này tay trên hay tay dưới, co duỗi ra sao ? khi chuyển thì chân này bước cao hay thấp ? bước dài hay ngắn ? ...

    Cứ thế học mãi, tập mãi thì thuộc, không cần suy nghĩ, cứ tuần tự đi từ đầu bài đến cuối bài mà vẫn không sai thức nào. Nhưng trong thực tế, thuộc đến 100 bài kiểu như vậy thì vẫn không ứng dụng được. Ngược lại, nếu luôn suy nghĩ, phân tích thế này thì dùng vào lúc nào? đối phương đánh đòn này thì né ra sao ? Trong từng trường hợp thì đánh đối phương bằng đòn nào ? dùng cái gì ? dùng như thế nào ? dùng vào lúc nào? khoảng cách nào ? được như vậy đem ra cọ sát, tập đi tập lại nhiều lần để có thể thực hiện dễ dàng theo ý muốn của mình là đạt được độ “ tinh “ và “ thần “ của bài quyền.

    Môn phái võ Nhất nam có rất nhiều bài quyền đặc dị như “ Ma quyền “, “ Hoa quyền “, “ Bát quái quyền “... Tất cả đều hàm chứa những đúc kết tinh vi qua xương máu và sức sáng tạo lâu dài của ông cha chúng ta. Mỗi thế đều chứa cái cứng, cái mềm, cái chặt, cái lỏng, cái cao, cái thấp, cái lồi , cái lõm, cái nhám, cái trơn, cái xa, cái gần , cái động, cái tĩnh, cái thực, cái giả... Thiên biến vạn hoá không định, không ổn, thật khó đoán lường, nên học được một thế đã bao hàm nhiều thế, nắm được một đòn đã khắc chế được nhiều đòn.

    Nên “ Học lấy tinh, không cần nhiều” là như vậy.

    HIỂU CẦN NHIỀU, NHƯNG LUYỆN ÍT
    Các võ sư thường nói:” Tuổi con người có giới hạn, sức con người có mức độ... Nếu biết chắc chắn sẽ sống được 300 tuổi thì mới nên luyện hết các môn công”. Nói như vậy không có nghĩa là bi quan chán nản, mà các võ sư đều muốn nhấn mạnh cái thâm ý của người có chí là nên biết lượng sức mình, dồn khả năng vào một hướng đúng như cái trí của người leo núi. Việc tham khảo , tìm hiểu , tổng kết bằng kinh nghiệm là rất cần thiết, nhưng tham lam, ham muốn quá độ thì cũng không thành, “ thái quá bất cập “ là như vậy.

    “ Có một người học trò say mê luyện võ, không thầy nào anh không hỏi, không môn công nào là anh không tập qua, sau mấy chục năm không ngại sớm khuya khổ luyện anh cảm thấy mình đã nắm hết võ công trong thiên hạ nên quyết chí đi chu du tìm người tài để thử sức.

    Một lần anh lang thang trong rừng thì trông thấy một ông già mải mê dùng tay quyền đánh liên tục vào gốc cây, lúc nhanh , lúc chậm, lúc mạnh , lúc nhẹ hàng giờ liền mà không tỏ ra mệt mỏi, chán nản.

    Thấy lạ và đơn điệu, anh ta tiến gần rồi hỏi:

    - Thưa ông, ông tập kiểu gì mà kỳ vậy ?

    Ông già không ngừng tập, không ngẩng đầu, cất giọng thư thái nói:

    - Cháu ạ , ta đang luyện công.

    Mừng như bắt được vàng, người trẻ tuổi xán đến gần hơn và nói to:

    - Ông ngừng tay thử với cháu một vài đường quyền được chứ ?

    - Được thôi , ta không ưa nói nhiều.

    Thế là người trẻ tuổi và ông già đừng thế đấu quyền. Ông già đứng thẳng chắc như cây cổ thụ, người trẻ tuổi chập chờn vờn múa các thế quyền ngoạn mục.

    - Ta đánh đây !

    Nhanh và mạnh như sấm chớp, nắm tay ông già đã thoi đúng ngực làm người trẻ tuổi ngã lăn kềnh.

    Bàng hoàng chàng trai lồm cồm bò dậy, không hiểu ông già đánh thế gì mà nhanh vậy. Chưa kịp hỏi, lại bị ông giáng tiếp một thoi quyền nữa vào đầu, nhưng lần này thì nhẹ hơn.

    Đánh xong, ông già từ tốn quay trở lại gốc cây lẳng lặng tập như trước coi như không có chuyện gì sảy ra, đến đây người trẻ tuổi như bừng tỉnh, chỉnh đốn lại quần áo lễ phép thưa:

    - Thưa ông ! cháu chỉ xin hỏi một điều.

    - Cứ hỏi ! – Ông già trả lời

    - Thưa ông ! Vừa rồi ông đã dùng môn công gì đánh cháu ?

    Ông già cười độ lượng rồi nói :

    - Chẳng có môn công gì ! Lão tập mãi thì nhanh, đánh mãi thì mạnh, nhanh đánh trúng người, mạnh đánh ngã người.

    Chân lý luôn đơn giản, kế gần. Người đạt được là có khả năng biến cái phức tạp của người khác thành cái đơn giản, biến cái đơn giản tưởng như không có của người khác thành cái phức tạp. Phép dùng võ phải nghiên cứu tỉ mỉ cái hay, cái dở của tất cả các môn công. Nhưng thực luyện chỉ nên chọn vài môn phù hợp, đi hết gốc ngọn của nó, tìm ra cái tinh diệu của nó, khắc cương , khắc nhu mới thực sự thành công.

    Chàng trai trẻ ham nhiều, cầu rộng nhưng không nhận ra được cái lý kế gần, còn ông già là người chịu ngẫm tìm ra được gốc của vấn đề. Kẻ khéo tay thì nên luyện tay, kẻ mạnh chân thì nên luyện chân, thể cao hay thấp, chất linh hoạt hay chậm chắc đều tự tìm thấy để không mắc phải sai lầm, tự mình lại muốn vượt qua cái bóng cua chính mình.

    Trong thực tế, khi gặp một đối thủ mạnh: phép “ Hoá giải “ trên tinh thần “ Hiểu nhiều nhưng luyện ít “được trình bày ở phần “ yếu pháp “ sẽ cho phép người đương đầu dễ dàng tạo được quan hệ quân bình , thấy đối phương biến chiêu lạ mà không ngại, dùng môn công đặc dị mà không gờm, trầm tĩnh nhận đoán để có một phương sách đối phó thích hợp trong từng hoàn cảnh. Lấy cái tinh của mình để đối phó, lấy cái khéo của mình để đương đầu, không cứng nhắc mà cũng không liều lĩnh.



    HỌC LÕI KHÔNG HỌC VÕ, HỌC VỎ ĐỂ CHỨA LÕI
    Người xưa thường nói:” Cái gốc là trốc cái ngọn “ , “ tốt gỗ hơn tốt nước sơn “ là cũng bao hàm cái ý sâu xa của việc học, việc đánh giá... Phải được đến cái căn bản của vấn đề. Người luyện võ hơn ai hết phải lĩnh hội được cái ngầm ý ấy. Hơn nữa trong đấu pháp, nguyên lý của thuật công thủ không cho phép để mắc phải một sai lầm dù nhỏ. Sự thắng thua nhiều khi chỉ sảy ra trong tích tắc.

    Tôi nhớ mãi câu chuyện Thầy tôi kể:

    “ Có một người thợ học làm đồ gốm, anh ta tin vào vẻ đẹp tạo dáng ở các bình của mình làm ra và ra sức vẽ hoa văn trang trí, thậm trí cả lớp men dưới đáy bình cũng được quét kỹ lưỡng. Nhưng than ôi ! khi nung, do xương gốm không được luyện kỹ nên lò nóng làm tất cả các bình đều vỡ tung ra hết. Người luyện võ nếu chỉ lo chau chuốt vẻ đẹp, múa qua sàng lại thì cũng không thể tránh khỏi những thất bại như người nung gốm trên, hoặc ở câu chuyện về người gánh nước , suốt ngày mải mê đổ nước vào thúng chứa, nhưng anh ta tích mãi mà vẫn không đầy chỉ bởi vì thùng to nhưng nhưng thủng đáy”.

    Tâm pháp “ Học lõi không học vỏ, học vỏ để chứa lõi “ cũng chính là khuyên người luyện võ phải để tâm ngẫm nghĩ nắm bắt cái cốt lõi, giác nhận ở đầu nhưng phải chú trọng phần tay, phần chân.

    Khi bị đối phương tấn công, người đối công phát giác được vùng sơ hở của đối phương và có ý đồ phản đòn hợp lý. Nhưng khi thực hiện tay chân anh ta không làm đúng sự chỉ đạo của đầu . Nên ý đồ có hay đến đâu cũng hoàn toàn thất bại. “ Học lõi không học vỏ , học vỏ để chứa lõi “ còn bao hàm thêm ý : muốn đập đầy phải lo nguồn nước, nước đầy thì đập tràn, khi biết khơi dòng đúng chỗ thì nước tràn thành thác. Sức mạnh của người giỏi võ là biết hướng cái “ lõi ” lớn của mình cho đúng chỗ, như thác chảy đá trôi.

    Ở phần giữa cuốn sách, khi trình bày các bài tập bổ trợ và tổng hợp, tôi mong rằng người tập phải chú ý đến tính biến ứng và tinh tế của từng đòn thế, từng thức, tập kỹ , đúng tinh thần, đánh ra đúng phương vị, nắm, vận dụng không máy móc thì mới mong có cơ sở để luyện thành công các môn công sẽ được trình bày ở các cuốn sách sau.


    GIÁC ĐẦU THÀNH TAY, THÀNH CHÂN
    Ngày xưa , phép luyện võ đâu chỉ là mạnh tay, mạnh chân mà chỉ là một trong những cách thức để luyện chí tu đạo, người anh hùng tài ba là người có trí dũng, văn võ song toàn, tính thông minh, thao lược cùng với bản lĩnh vững vàng quyết đoán.

    “ Giác đầu thành tay, thành chân “ là nguyên lý yêu cầu người luyện võ phải dùng trí não để nhận đoán, phân tích, quan sát, chỉ đạo mọi hoạt động tập luyện và ứng biến của tay chân, sao cho mọi tâm ý đều hướng vào một mục đích thiết thực, được xét đoán, cân nhắc kỹ lưỡng vì những mục đích lâu dài, lớn lao cho cả cuộc đời. Thầy tôi kể:

    “ Có một nhà truyền đạo dạy rất nhiều học trò. Trong số đó có một người tưởng như mình đã học đủ hết đạo của thầy, nên xin phép đi tìm một ân sư khác để tu nghiệp. Sau 15 năm anh đã trở về và gặp lại người thày dạy cũ của mình rồi nói:

    - Thưa ân sư , ngày nay con đã luyện thêm được thuật khinh công mới.

    - Mừng cho con, nhưng thuật ấy là thuật gì ?

    - Thưa ân sư, con có thể lướt trên mặt nước mà chẳng cần một vật dụng nào khác.

    - Trời ơi ! Cái mà con mất 15 năm khổ luyện thì ta và các bạn con không cần đến một ngày, một giây cũng làm được.

    - Thưa ân sư, con không tin !

    Thế là cả thầy lẫn trò cùng đến một con sông rộng, nhà truyền đạo gọi một lái đò cho mình và các đồ đệ qua sông rồi nói :

    - Các con thấy không ? Biển học mênh mông, học hằng nghìn năm chưa chắc đã hết... Vậy các con bạ cái gì cũng học thì Đạo trời thử hỏi mấy vạn năm mới học qua “.

    Ở một truyện khác:

    “ Có một nhà nho nổi tiếng viết chữ phóng tác vừa đẹp khuôn thước, vừa bay thoát, vừa sắc nét, vừa xuất thần. Một hôm có một người chơi chữ xin gặp và biếu 100 tấm lục hồng điều, với nhã ý xin nhà nho viết cho một chữ. Nhận lời, nhà nho nọ sai học trò chuẩn bị bút nghiên , với ngầm ý phô trương tài năng của mình trước mặt một người sành chơi chữ và hàng chục học trò xem thầy phóng tác. Nhà nho vung tay hạ bút, nhưng hỡi ôi ! Vì quá cố tình biểu diễn nên nét bút ban đầu của ông cứng ngắc. Không hài lòng nhà nho phóng tay viết tiếp lên 2-3 khuôn lụa khác... Nhưng càng viết , càng vội , càng bối rối trước hàng chục con mắt từ chỗ hào hứng, tò mò, chuyển dần sang ngỡ ngàng... Nhà nho hoảng hốt, tâm trí rối loạn nên viết thêm vài chục bức nữa mà vẫn không thành công.

    Người sành chơi chữ và số học trò lẳng lặng bỏ ra ngoài phòng. Chỉ để lại một mình nhà nho và ngổn ngang các bức lụa điều nằm chỏng chơ.

    Nhờ sự yên tĩnh , và không còn ai quấy rầy, nhà nho hồi tâm và nhận ra sai lầm của mình, ông khoan thai viết lên tấm lụa cuối cùng còn lại duy nhất chữ : “ Đại cát “ và đó cũng là nét chữ xuất “ thần “ nhất, đẹp nhất trong cả cuộc đời tập viết và sáng tạo của ông.

    Nhà nho trên, lúc đầu viết không thành công là do tâm ông không ổn, lòng nôn nóng khoa trương, làm mắt mờ, trí đục... Nhưng về sau, ông quên cái “ tôi “ của mình – “ ta “ và “ nó “ hoà với nhau, nên việc làm mới thành đạt, cái chí của người hành việc có được hay không là nhờ ở cái “ tâm “ , nhờ ở “đầu “ là vậy .”

    Môn phái càng hệ thống và có qui mô, càng đòi hỏi người muốn luyện thành công, ngoài những tố chất về cơ bắp nhất định thì điều quan trọng hơn là phải có sự cảm đoán nhạy bén, bộ nhớ chắc chắn và thông minh sắc sảo. Nhất nam là phái võ có qui mô như thế ! Nên mọi thế , mọi đòn đều bao hàm cả công lẫn thủ với sự tinh giản nhưng lắt léo một cách hợp lý của chiêu thức . Môn phái yêu cầu người tập phải có một khả năng nhạy cảm chính xác, suy nghĩ để thấu triệt tinh thần biến hoá của đòn miếng.

    Một cái lắc mông, một cái vẩy tay nếu hiểu và đánh đúng điểm , đúng lúc sẽ có tác dụng lớn vô cùng. Nhưng ngược lại, nếu dùng sai chỗ sẽ nhận được ngay những hậu quả tai hại do các đòn đánh của đối phương tiếp chạm.

    Môn phái võ Nhất nam không lấy việc học đòn thế làm gốc, không máy móc đặt ra các bài tập có tính chất đòn miếng để tập suốt đời, mà học đòn miếng chỉ là phương tiện buổi đầu chuẩn bị cho phần biến ứng sử dụng trong những hoàn cảnh cụ thể .

    Trong quan hệ trực đấu, môn phái lấy cái khéo để chống cái mạnh, lấy cái tinh để chống cái nhiều... là thủ thuật dựa trên nguyên lý: cái động bao giờ cũng biến, cái tĩnh bao giờ cũng ỳ. Đấu động khó, đánh ỳ dễ, với tinh thần đó môn phái không lấy việc gạt đỡ làm gốc mà lấy việc trả đòn , đánh trụ, đánh gờ hông... làm gốc. Thủ thuật này đòi hỏi một khả năng sử lý, đoán nhận cao, không thông minh , linh hoạt thì sẽ khó mà tiếp thụ một cách hoàn chỉnh.

    CẦN CHÍ HƠN LÝ Ở ĐẦU
    Môn phái võ Nhất nam đặc biệt coi trọng phần trí tuệ: sự nghiền ngẫm, phân tích và lý giải một cách hợp lý , có cơ sở - dựa trên hàng loạt những kiến thức chuyên ngành khác, như: tâm ( tâm lý học ), thể ( giải phẫu học ) ... và đòi hỏi người theo học phải tận tâm nghiên cứu, luôn luôn suy ngẫm mới mong thành đạt. Ngược lại, phái võ Nhất nam cũng không tán thành việc ỷ lại vào thông minh nhưng lười biếng, học hình thức, lý luận suông - kiểu “ thùng rỗng kêu to “ .

    Tâm pháp “ cần chí hơn lý ở đầu “ là đề cao sự cần cù chịu khó: “ năng nhặt chặt bị “, ý chí sắt đá quyết làm quyết được, “ có công mài sắt có ngày nên kim “ của người luyện võ. Ngay từ hồi còn nhỏ khi kể chuyện “ Thỏ và rùa chạy thi “ thầy tôi đã nói để cho tôi hiểu sự cần mẫn đã thắng sự chủ quan, khinh định là như thế nào ?

    “ Có một người đánh đàn đang ba hoa trước tất cả đám học trò về tài đánh đàn của mình, thấy một người bán dầu đi qua nét mặt thản nhiên, không để ý đến tài năng của mình, nghĩ bị xem thường, người đánh đàn bước đến chặn đường rồi cao giọng hỏi:

    - Lão có tài cán gì mà cười ta ?

    - Không, tôi là người bán dầu , chả có tài cán gì hơn người, ngoài khả năng rót dầu không sánh ra ngoài - Người bán dầu điềm tĩnh trả lời.

    - Ha ... ha ! - Người đánh đàn và cả đám học trò cười vang.

    - Lão thử rót ta xem sao ? Thế cũng gọi là tài.

    Người bán dầu lẳng lặng lấy trong túi của mình một đồng xu có đục lỗ ở giữa bé tí, phủi thật sạch bụi, rồi đặt lên miệng một cái hũ cổ cao, đoạn giơ cao cả chiếc bình vừa lớn, vừa đầy dầu , từ từ rót qua chiếc lỗ của đồng xu suốt mấy khắc đồng hồ, cho đến khi chiếc hũ đầy dầu mà cũng không rớt ra một giọt nào “.

    Đấy , sự chuyên cần – yêu say công việc của mình, đã làm cho người bán dầu có một khả năng mà khó có một người nào khác làm được.

    Lớn lên , tôi càng thấm thía tinh thần:” Nước rỏ lu đầy, kiến tha lâu đầy tổ “ .

    Trong hệ thống bài tập gồm các môn cơ bản, mặc dù đơn giản, đơn điệu luyện tập dễ bị nhàm chán, thậm chí nếu không bị gò ép bắt tập cũng không muốn tập. Nhưng muốn đi xa, người luyện võ đều không thể không có chiếc chân đế vững chắc này. Chân đế càng vững , mặt đế càng rộng thì việc đặt tháp, chôn chặt có gì vững bằng, đó là cái lý hiển nhiên: “Đế rộng thì tháp mới cao”.

    Ở phần “ ngoại công “ và “ thân pháp “ , “ bộ pháp ” người học võ nếu bỏ qua hoặc luyện tập không kỹ thì chắc chắn không mong gì thu được kết quả.

    Cho nên phương pháp dạy võ và luyện võ của môn phái đều dựa trên tinh thần tâm pháp.
    thay đổi nội dung bởi: phong_chau, 09-05-2008 lúc 02:36 AM
    Lực bất đả quyền
    Quyền bất đả công
    Luyện vũ bất luyện công
    Ðáo lão nhất trường không.

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

     

Quuyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts