Nhớ Mùa tưởng niệm lần thứ 50


VS. Chưởng Môn thắt đai danh dự cho Tân Khoa Dương Minh Tân.

Ngày sinh và ngày qua đời của Sáng tổ Nguyễn Lộc nằm trong 10 ngày đầu tháng tư âm lịch. Đó là những ngày mà đất trời đã mang đến và sau đó mang đi một bậc thầy võ học. Như nhiều năm trước đây, vào khoảng thời gian này, bằng tấm lòng tri ân sâu sắc, tất cả môn sinh Vovinam đều hướng về bậc thầy đã khai sáng ra môn phái, và năm nay đã là Mùa tưởng niệm lần thứ 51.

1. Kể từ khi Sáng tổ qua đời, theo phong tục Việt Nam, vào dịp giỗ tết, các môn đệ đều đến viếng mộ và thăm gia đình ông. Thời tôi bắt đầu học Vovinam (1964), tài liệu, sách vở về Vovinam chưa nhiều nên sự hiểu biết về bậc thầy đã sáng tạo ra môn phái còn khá lờ mờ. Nếu tôi nhớ không lầm, năm 1965, lần đầu tiên, chúng tôi được võ sư trưởng Lê Sáng hướng dẫn đi viếng mộ Sáng tổ Nguyễn Lộc tại nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi (nay là công viên Lê Văn Tám) ở Q.1 (Sài Gòn).
Từ đường Phan Thanh Giản (nay là đường Điện Biên Phủ) đi vào, mộ của Sáng tổ nằm phía bên trái. Lúc đó, người Pháp mới trao trả lại nghĩa trang này nên chung quanh mộ Sáng tổ còn trống vắng. Bốn mươi sáu năm đã trôi qua, nhưng những ấn tượng và cảm xúc khi lần đầu tiên được thắp hương và nghiêm lễ trước mộ phần Sáng tổ vẫn còn đọng lại trong lòng tôi… Sau này, phía trước mộ phần có đặt thêm tượng chân dung Sáng tổ trên cột tròn, cao gần 2m do điêu khắc gia Mai Lân thực hiện. Hành lễ xong, anh em chúng tôi cùng nhau đạp xe đi thăm gia đình Sáng tổ ở khu cầu Bình Lợi.
Đất đai của gia đình Sáng tổ rất rộng. Năm 1971, Lễ tưởng niệm Sáng tổ lần thứ 11 được tổ chức bằng hình thức Trại tưởng niệm tại đây. Trên tinh thần góp giỗ, nhiều đoàn Vovinam ở các tỉnh, thành đã về tham dự với nhiều hình thức sinh hoạt phong phú và vui tươi. “Năm đó, anh Hoàng Minh Cường (Phạm Văn Sinh), Dương Minh Nhơn, Võ Văn Tuấn, Lưu Thăng và tôi được thăng Chuẩn hồng đai nên tôi nhớ rất rõ sự việc này. Năm sau (1972), tôi dẫn quân ở Long Xuyên về dự Lễ tưởng niệm tại Hoa Lư”, võ sư Nguyễn Tôn Khoa hồi tưởng.
Năm 1983, do nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi bị giải tỏa, thi hài Sáng tổ buộc phải cải táng. Võ sư Trần Huy Phong - người nhận nhiệm vụ cải táng - đã hỏa thiêu hài cốt Sáng tổ, di cốt được mang về đặt tại số 31 Sư Vạn Hạnh, Q.10. Và từ đó, địa điểm này trở thành Tổ đường cho đến nay.

2. Lễ tưởng niệm Sáng tổ lần thứ 50 được tổ chức vào sáng ngày 16-5-2010 (3-4 Canh Dần) tại CLB Lam Sơn (Q. Bình Tân, TPHCM) do võ sư Võ Văn Tuấn thành lập cách nay vài năm. Thời điểm đó, Chưởng môn Lê Sáng đang nằm điều trị tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Tuy 3 ngày mới đến phiên trực chăm sóc Thầy một lần, nhưng tôi đã tình nguyện đến trực để anh em lo tổ chức và dự Lễ tưởng niệm. Dù không thể có mặt, nhưng lòng Thầy vẫn hướng về buổi lễ và tôi có cảm tưởng như Thầy vẫn theo dõi sát sao chương trình hành lễ qua việc xem đồng hồ đeo tay nhiều lần… Khoảng gần 10 giờ, Thầy xem đồng hồ lần nữa rồi cười nói: “Vì không có thăng đai nên giờ này chắc lễ đã xong!”.
Từ năm 1965 đến năm 1974, năm nào Thầy cũng tổ chức một kỳ thi thăng đai và khuyến khích các học trò viết bài về Vovinam trong Mùa tưởng niệm để trình lên Sáng tổ thành quả của các môn đệ Thầy. Những năm sau này, Thầy vẫn nhắc nhở các võ sư có trách nhiệm giữ gìn truyền thống mang ý nghĩa tốt đẹp đó. Trước Lễ tưởng niệm lần thứ 50, hai bài: “Hy vọng vào tương lai” và Dấu ấn người kế nghiệp” của 2 môn sinh cao đẳng ghi lại một số thành quả chủ yếu của môn phái đã đăng trên báo Thanh Niên thể thao&giải trí số ra ngày 11-5-2010. Vài hôm sau, tôi nghe võ sư Nguyễn Tôn Khoa nói lại: “Hôm báo phát hành, tôi đã đọc cho Thầy nghe cả 2 bài, Thầy vui lắm…”. Tuy nhiên, dù Tổ đường và Liên đoàn Vovinam Việt Nam đều quyết tâm thực hiện mong muốn tổ chức thi thăng cấp Hồng đai, nhưng không biết vì lý do bất khả kháng nào mà không có Lễ thăng đai trong năm Thầy nằm viện nên niềm vui của Chưởng môn chắc cũng không trọn vẹn…
Năm nay, Mùa tưởng niệm lại về. Lễ tưởng niệm và Lễ thăng đai mà Chưởng môn quan tâm đều được thực hiện trang trọng… nhưng Thầy đã đi xa...

Đêm 08-5-2011
(6-4 Tân Mão)
Bài và ảnh: Nguyễn Hồng Tâm