Người nghèo: Không còn mơ, chỉ cầu an ổn


Chị Huỳnh, bán bánh mì, có chồng lái taxi, than: Ổng được người ta trả mỗi tháng hai triệu. Tuy ổng đưa hết cho tui nhưng tháng nào tui cũng phải “thối” lại cho ổng một triệu. Vậy mà ổng cứ than không đủ để ăn trưa, uống cà phê, hút thuốc. Ổng biểu, trước, ăn cơm bình dân, mười ngàn là đủ bữa trưa nhưng nay muốn đủ no phải trả gần hai chục. Tui kêu ổng ăn bánh mì cho rẻ, hổng dè ổng nạt tôi, biểu tôi muốn ép cho ổng chết sớm! Cũng vì vậy, lóng rày, tui phải dạy từ sớm, nấu cơm rồi bới cho ổng mang theo để ăn trưa”.

Ðể có thể kiếm đủ tiền nuôi ba đứa con ăn học, bây giờ, ngoài bánh mì, chị Huỳnh bán thêm bánh bao, thuốc lá, xăng lẻ... mà “chẳng đâu vào đâu”. Chị Huỳnh chỉ có một mơ ước: “Không bịnh!” Chị bảo: “Lúc này, bịnh là tan nát hết. Tiền đâu mà chạy chữa. Tiền đâu lo cho lũ nhỏ ăn học”.

Sài Gòn hiện có hàng triệu người vợ, người mẹ mà hoàn cảnh, suy nghĩ hệt như chị Huỳnh!

***

Ðã có lúc những cô gái trẻ từ nông thôn tìm về Sài Gòn kiếm sống bằng việc phục vụ trong các quán cà phê mơ được trở thành công nhân, bởi dù sao, đó cũng là một nghề rõ ràng, cuối tuần có thể nghỉ ngơi, thảnh thơi hơn chuyện phục vụ trong các quán cà phê.

Hôm qua, tôi gặp lại Thơm trong quán cà phê. Thơm từng phục vụ tại đây rồi bỏ để đi làm công nhân, cho một công ty may ở Bình Dương. Cũng vì vậy, khi thấy tôi ngỡ ngàng trước việc cô bỏ làm công nhân qua lại nghề cũ, Thơm giải thích liền: “Lương công nhân từ 1.8 triệu đến 2 triệu/tháng (nếu có tăng ca) nhưng lạm phát nên tiền ăn, tiền ở thứ gì cũng lên. Tới mức không dành dụm được đồng nào để gửi về quê giúp gia đình”.

Thơm quay lại quán cũ vì lương tuy chỉ có 1.5 triệu nhưng chủ quán bao ăn, ở và ngoài lương, khách uống cà phê thường bỏ lại tiền lẻ tặng cho thêm mấy cô phục vụ. Thơm tâm sự: “Em không còn mơ gì hết! Chỉ mong dư giả chút ít để mỗi tháng có tiền gửi về quê giúp đỡ gia đình!”

Sài Gòn hiện có hàng triệu thanh niên, thiếu nữ nhập cư mà hoàn cảnh, suy nghĩ hệt như Thơm!

***

Tin giá xăng tiếp tục giảm có lẽ sẽ giúp Long thêm hy vọng. Long kiếm sống bằng việc chạy xe ôm. Từ khi giá xăng lên, những người chạy xe ôm như Long méo mặt bởi khách giảm hẳn. Khách đi xe ôm thường là người nghèo. Ðã nghèo thì không thể không đắn đo khi phải trả thêm vài ba ngàn một lượt đi lại. Xe buýt không tiện nhưng rẻ và điều đó khiến giới chạy xe ôm xính vính.

Long đã từng định bỏ nghề chạy xe ôm để chuyển qua làm thợ xây dựng. Tuy lương thợ hồ từ 120 ngàn đến 150 ngàn/ngày và lương phụ hồ khoảng 70 ngàn đến 80 ngàn đồng/ngày nhưng không dễ kiếm việc. Vật liệu xây dụng lên giá, chính sách “siết chặt tín dụng” để chống lạm phát khiến thị trường bất động sản đóng băng, nhu cầu xây cất giảm đáng kể, do vậy, các chủ thầu tuyển chọn thợ rất kỹ, không phải ai xin cũng nhận. Long than: Tôi chỉ mong an ổn qua ngay nhưng không dễ chút nào”!

Sài Gòn hiện có hàng triệu người mà hoàn cảnh, suy nghĩ hệt như Long!

***

Những người như chị Huỳnh, Thơm, Long... không có gì ngoài sức lao động, nên không màng tới giá “đô”, giá vàng, giá dầu thế giới đang lên hay xuống. Họ cũng chẳng quan tâm đến hội nhập, chủ trương, chính sách quản lý, điều hành nền kinh tế mà chỉ mong cơm ăn đủ no, áo mặc đủ ấm. Tuy nhiên không thể vì thế mà không thèm bận tâm đến việc các chủ trương, chính sách, cung cách quản lý, điều hành vĩ mô sẽ ảnh hưởng như thế nào tới người nghèo.

Người nghèo luôn luôn là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Không ai biết người nghèo ở Sài Gòn có bị tổn thương hay không (?),nếu có thì ở mức độ nào (?).Chỉ biết chắc rằng, rất nhiều người chẳng còn nuôi mơ ước nào cả, họ chỉ cầu mong an ổn.

(trích báo Người Việt on line)