Nhật Bản gây ấn tượng đêm khai hội pháo hoa Đà Nẵng


Sau phần trình diễn mở màn của đội Bồ Đào Nha, hàng chục nghìn khán giả hai bên bờ sông Hàn đã được dịp mãn nhãn với phần thi của đội pháo hoa đến từ xứ sở hoa Anh đào.

Cuộc thi bắn pháo hoa Quốc tế 2010 khai mạc tối 27/3 tại sông Hàn (Đà Nẵng), với sự tham gia của Bồ Đào Nha, Nhật Bản, Mỹ, Pháp và chủ nhà Việt Nam.

Trái với dự đoán của Ban tổ chức, trong đêm đầu tiên cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế lần thứ 3 dường như không thu hút đông khán giả hơn 2 năm trước. Mặc dù trước giờ khai cuộc 4 tiếng, nhiều người dân đã vội vã lên cầu Quay sông Hàn trải nilon chiếm chỗ nhưng vào thời điểm pháo được bắn lên, hai bên bờ sông Hàn không đông nghẹt như mọi năm.

Nhiều người dự đoán do thời tiết tại Đà Nẵng bỗng đột ngột chuyển gió mạnh và rất lạnh nên khán giả có phần ít hơn đôi chút. Tuy nhiên, tại trung tâm sân khấu là một khán đài lắp ghép, 25.000 khán giả vẫn mặc áo rét háo hức ngồi đón xem ngay từ 19h tối.

Đội Bồ Đào Nha mở màn đêm hội pháo hoa. Ảnh: Hoàng Hà.

Đúng 20h30, đội pháo hoa đến từ Bồ Đào Nha mở màn đêm nghệ thuật. Với nét đặc biệt và mới lạ với vở "Rồng và lửa - Nơi truyền thuyết khai sinh", màn biểu diễn đã đưa người xem trở về thời điểm khi truyền thuyết về rồng và tiên bao trùm cả đất trời trong khoảng 30 phút. Các hiệu ứng tĩnh như thác nước hay pháo sáng tạo ra được điểm nhấn trong những thời điểm quan trọng.

Theo kịch bản, mỗi quả pháo, mỗi màu sắc kết hợp là một hình tượng Rồng khai sinh trên những ngọn núi và dòng sông. Tuy vậy, màn ra mắt của Bồ Đào Nha không thực sự gây ấn tượng với người xem khi pháo bắn rất rời rạc và tỏa nhiều khói mù.

Và màn trình diễn gây ấn tượng hơn cả trong đêm thuộc về đội Nhật Bản. Từng đoạt nhiều giải trong các cuộc thi lớn Quốc tế, đội pháo hoa xứ sở mặt trời mọc đã mang đến cuộc thi loại tốt nhất, có phong cách vừa hiện đại vừa truyền thống. Các chàng trai, cô gái Tamaya Kitahara mang đến bài biểu diễn miêu tả bầu trời đêm sông Hàn dựa trên nền nhạc và ánh sáng lung linh từ pháo hoa.

Màn pháo hoa của Nhật Bản còn mang dấu ấn của loài hoa anh đào nổi tiếng thế giới. Nhiều hình ảnh hấp dẫn như rồng bay, rồng đẻ trứng bằng pháo hiệu ứng hình tròn, tạo hình ảnh núi ngũ hành (Hỏa, Thủy, Mộc, Kim, Thổ) bằng pháo hiệu ứng ngôi sao theo 5 kiểu khác nhau… Thêm vào đó là những hình ảnh cảng biển sôi động, sự hòa quyện với âm nhạc vang lên trên sông và đường bay của pháo làm nên nét nổi bật riêng cho màn trình diễn của Nhật Bản.

Màn trình diễn của đội Nhật Bản. Ảnh: Hoàng Hà.

Không hề kém cạnh người láng giềng châu Á, đội chủ nhà Việt Nam kết thúc ngày đầu lễ hội với vở "Huyền thoại sông Hàn" qua các phần trình diễn: "Nơi Rồng về khai hoa", "Sông Hàn thanh xuân", "Sông Hàn nỗi đau chiến tranh", "Sông Hàn dậy sóng" và "Sông Hàn tình yêu và khát vọng".

Nội dung chính của vở miêu tả rồng vàng uy nghi, rực rỡ, nàng tiên với nhan sắc tuyệt trần bên dòng sông hiền hoà, mênh mang, xanh biếc. Nơi niềm vui của con người khi tìm được vùng đất mới sau nhiều tang tóc, đau thương, nhưng trong sâu thẳm của dòng sông Hàn và người Đà Nẵng vẫn tồn tại một tình yêu thuỷ chung, một niềm tin bất diệt vào ngày mai.

Nhiều màn pháo bắn lên đẹp mắt, hơn hẳn đội pháo đến từ châu Âu, đội chủ nhà Đà Nẵng (đại diện cho Việt Nam) xứng đáng nhận hàng loạt những pha trầm trồ, reo hò của hàng chục nghìn khán giả tại trung tâm thành phố.

Màn trình diễn của đội chủ nhà đã nhận được sự ủng hộ của hàng nghìn khán giả. Ảnh: Hoàng Hà.

Ở đoạn cuối của các phần trình diễn, đội chủ nhà còn cho tái hiện hình ảnh cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại. Tiếng súng, tiếng mìn, tiếng hô xung phong vang dậy, lửa cháy ngút trời, dòng sông dậy sóng… Khí thế tiến công thần tốc và quyết liệt. Pha biểu diễn khá ngoạn mục được kết hợp với nền nhạc tự biên của một số nhạc sĩ nổi tiếng khiến các khán giả nhà rạng rỡ, tràn ngập niềm vui.

Tối 28/3, Mỹ và Pháp sẽ tham gia dự thi tại đêm bế mạc và trao giải.

Trước đó vào năm 2008, Đà Nẵng tổ chức festival pháo hoa Quốc tế với sự tham dự của 4 đội Malaysia, Canada, HongKong, Việt Nam. Tại giải này, Canada đã xuất sắc giành giải nhất, trong khi đội của nước chủ nhà về thứ tư. Cuộc thi lần hai (2009), đội Trung Quốc vượt qua các đối thủ sừng sỏ khác gồm Tây Ban Nha, Australia, Philippines và Việt Nam để đoạt ngôi vô địch.

Bài và ảnh : Hoàng Hà