TRIẾT HỌC CƯƠNG NHU PHỐI TRIỂN QUA HUYỀN THOẠI PHÙ ĐỔNG THIÊN VƯƠNG
Vs Nguyễn Văn Sen
Lược truyện: Đời Hùng Vương thứ 6, nước Ân ở phía Bắc chỉ lăm le sang cướp lấy Văn Lang (Việt Nam), nhà vua rất lấy làm lo lắng. Triều thần có người tâu rằng: “Tổ tiên ta đã từng truyền dạy cho con cháu phải biết đoàn kết trên dưới một lòng, phải nghiêm chỉnh khí giới, tinh luyện binh bị mà giữ nước; lại phải chiêu hiền đãi sĩ, tìm người kỳ tài trong thiên hạ, kẻ nào phá được giặc thì phong tước ấp, truyền hưởng lâu dài. Nếu có người tài giỏi thì có thể dẹp được giặc vậy”. Vua nghe theo lời bàn đó. Ba năm sau quả nhiên chúa nhà Ân đích thân cầm quân sang xâm lấn phương Nam.
Bấy giờ ở làng Phù Đổng, bộ Võ Ninh (tỉnh Bắc Ninh ngày nay), có một người đàn bà tuổi đã ngoài 60, cách đó ít năm, một hôm ra đồng trông thấy một vết chân người rất to lớn, bà lấy làm lạ bèn ướm thử chân mình vào. Từ đó bà mang thai, sinh ra một người con trai, đặt tên là Gióng, và hơn ba tuổi rồi mà Gióng vẫn không biết lẫy, không biết nói.
Đến ngày sứ giả của vua Hùng đi qua làng rao tìm người tài giỏi đánh giặc, thì Gióng bổng lên tiếng bảo mẹ đi mời sứ giả. Bà mẹ ngạc nhiên nhưng rồi cũng nghe lời con đi mời sứ giả của nhà vua đến. Đứa bé ngồi dậy bảo sứ giả rằng: “mau về tâu Vua rèn một ngựa sắt, một thanh kiếm sắt, một roi sắt và một nón sắt, ta sẽ cỡi ngựa đội nón ra đánh giặc, giặc tất phải kinh bạt, Vua còn lo gì nữa?” Sứ giả mừng rỡ về tâu Vua. Vua vừa kinh ngạc, vừa mừng, nói rằng: ”Ta không còn lo nữa”. Song quần thần tâu: “Một đứa con nít thì làm sao mà dẹp giặc lớn được?” Nhà vua nổi giận nói: “Kinh nghiệm của tổ tiên không phải là sai, các quan chớ nghi ngờ gì nữa, mau đi tìm sắt luyện thành ngựa, kiếm, roi và nón”.
Sứ giả đến báo cho Gióng biết. Người mẹ sợ hãi cho rằng tai hoạ đã đến. Gióng cả cười bảo mẹ: “Mẹ hãy lo nhiều cơm cho con ăn, việc đánh giặc mẹ chớ lo”.
Người con lớn lên rất nhanh, ăn uống tốn rất nhiều, người mẹ cung cấp không đủ. Hàng xóm sửa soạn đồ ăn, thức uống rất nhiều mà cậu bé vẫn không no bụng. Vải lụa, gấm vóc rất nhiều mà mặc vẫn không kín thân, phải đi lấy thêm hoa lau buộc vào cho kín người.
Kịp đến lúc giặc Ân tới chân núi Trâu Sơn ở Võ Ninh, người con vươn vai đứng dậy to lớn dị thường, rồi đội nón, cưỡi ngựa sắt, cầm kiếm ra trận. Ngựa chồm lên hí dài một tiếng phi như bay, nháy mắt tới trước quân tướng nhà vua. Gióng vỗ kiếm đi trước, quan quân theo sau, tiến về phía giặc. Quân giặc lớp bị ngựa sắt phun ra lửa thiêu chết, lớp bị gươm của Gióng chém chết ngổn ngang. Đang lúc hăng say đánh giặc gươm của Gióng bị gãy ngang, Gióng bèn nhổ luôn bụi tre ở bên đường mà quăng, mà quật vào đầu giặc. Ân vương chết tại trận tiền.
Giặc tan, Gióng phi ngựa lên Sóc Sơn, cởi bỏ quần áo để lại, rồi cả người ngựa bay về trời. Mãi nhiều đời về sau, các ao hồ ở trong vùng từ Kim Anh, Đa Phúc cho đến Sóc Sơn đều hai cái chạy song song, tương truyền đó là dấu vết chân ngựa sắt của Thánh Gióng để lại. Khu rừng giặc bị ngựa sắt phun lửa thiêu đốt ngày nay còn mang tên là làng Cháy (theo Lĩnh Nam trích quái)
Tác phẩm “Phù Đổng Thiên Vương” do Hoạ sĩ Nguyễn Đình Đăng, hiện sống và làm việc tại Nhật Bản.

Tính Triết Học Trong Câu Chuyện Qua câu truyện kể trên, ta thấy triết học Cuơng Nhu phối triển được trình bày một cách uyên bác, sâu kín hơn so với truyện Lạc Long Quân và Âu Cơ.
Trong truyện Lạc Long Quân, thuyết Âm-Dương (Âm Dương tương sinh – tương khắc) đã được nêu đích danh, sau đó, mới trình bày đến đạo ứng xử. Hay nói một cách khác, tổ tiên người Việt coi Âm – Dương là phần vũ trụ quan, còn phần ứng xử, điều hợp là do tri thức của con người, tức là nhân sinh quan vậy.
Câu truyện Lạc Long Quân là câu truyện mở đầu cho một dòng lịch sử, đồng thời cũng là phần đầu của một học thuyết. Vì vậy, ta không lấy làm lạ khi các cụm từ âm dương đã được định hình, rồi sau đó toàn truyện biện minh cách phối triển bằng phương pháp cuốn chiếu (hay nhất quán), nghĩa là mọi sự, mọi việc trong toàn truyện đều được lý giải theo tiền đề.
Như trên đã nói, truyện Thánh Gióng được trình bày sâu kín hơn, nhưng toàn truyện vẫn giữ theo thể cách cuốn chiếu. Lúc ở dạng này, lúc ở dạng khác, đòi hỏi người đọc phải có chiều sâu suy luận, có một tâm tưởng đặc thù Á Đông để hiểu được tư tưởng Á Đông.
Trở lại câu truyện Thánh Gióng, có khi nào ta đặt một vấn đề rất bình thường trong câu truyện như việc “một bàn chân ướm thử một bàn chân?”. Đúng ra cả câu là bàn chân của một bà già (vì tuổi thọ trong thời điểm lúc đó như vậy là quá già, thất thập cổ lai hy), ướm thử bàn chân của mình vào một bàn chân to lớn dị thường rồi thụ thai.
Ở đây, chúng ta thử nhìn qua một số các câu truyện thần thoại của các dân tộc trên thế giới. Việc một người phụ nữ (thông thường là các cô gái trẻ đẹp) được thánh tích, hay do ăn một loại trái cây, uống một hớp nước thần, hoăc có khi cô gái đi lại với thần linh mà sinh ra các bậc kỳ tài. Đó là việc bình thường, không mang được một ý nghĩa nhân bản. Đặc biệt, trong truyện Thánh Gióng, người đàn bà đây lại là một bà già, nghèo khổ (vì bà lo cho con ăn không đủ nên phải cậy nhờ vào làng xóm lúc Gióng chuẩn bị xuất chinh). Bà chỉ ướm thử bàn chân nhỏ xíu, gầy guộc của mình vào một bàn chân to lớn (không hề nói là bàn chân thần thánh), mà sinh ra con. Như vậy, ta phải hiểu như thế nào?
Bàn chân của người đàn bà già cả yếu đuối, nghèo khổ này có phải chăng là hình ảnh thực tế của một kẻ nhu nhược và là đặc tính của Âm tố?
Còn bàn chân to lớn kia có phải là biểu tượng của một ý chí vượt thoát, một ước mơ cao cả, vĩ đại? Ở đây không phải là bằng một ước mơ viễn vông, không tưởng mà bằng vào chính bước chân quả cảm của mình để xây dựng một tương lai, một tương lai tốt đẹp bằng chính bước chân khẳng khiu yếu đuối song đầy nghị lực cộng với lý trí sáng suốt của mình? Có phải đó chính là đặc tính của Dương tố?
Bàn chân to lớn của ngày mai ấp ủ trong bàn chân nhỏ bé của thực tế hôm nay, người đàn bà già cả này hẳn phải thừa hiểu rằng, bản thân bà không thể tự lực trực tiếp làm nên được một kỳ công. Lý trí đã hướng dẫn, cộng với sự phối triển thiên nhiên đã cho bà một cậu con trai (ta có thể hiểu đứa con này của bà là con nuôi, hoặc có thể hiểu rằng đứa con này chỉ là hư cấu cho một tư tưởng vĩ đại đã tác động đến cả một dân tộc). Có phải đây là đặc trưng của sự phối triển?
Bây giờ ta xét đến cậu bé Gióng. Gióng là một cậu bé ba tuổi, và cậu lại càng bé hơn nhiều so với những trẻ cùng tuổi. Nói theo thời đại cậu thuộc loại chậm phát triển, vì đã ba tuổi mà vẫn chưa biết lẫy, biết nói, biết cười. Còn nói theo ý nghĩa thần thoại, cậu thuộc loại khác đời. Bởi vì trong cậu hàm chứa một con người có cơ thể vĩ đại mà sau này chỉ cần vươn vai cậu đã có thể cao lớn không ngờ.
So sánh với sự mô tả về mẹ cậu, tuy ở hai dạng khác nhau, nhưng cùng chung cách diễn tả: đó là lối tương phản. Cái Âm thì tuyệt đối nhu nhuyễn, nhỏ bé, yếu ớt nhưng lại hàm chứa cả một đại thể tuyệt đối cứng rắn, vững vàng, to lớn. Âm không tách lìa khỏi Dương. Dương không xa rời khỏi Âm, để rồi kết quả ra sao nếu không có sự vận dụng của lý trí?
Trong truyện, người mẹ đã dùng lý trí để cả tin vào con mình mà dâng lời cầu tiến lên vua Hùng (mặc dầu yếu tính của người đàn bà trong mẹ cậu vẫn còn run sợ phần nào trước sự ưng thuận của vua Hùng). Và nếu không có sự vận dụng lý trí của vua Hùng có dám khẳng định cậu sẽ thắng được giặc Ân? Ở đây hẳn ta đã thấy được cái ý nghĩa đích thực của tổ tiên người Việt: “Có phải cậu bé Gióng chính là biểu hiện của cậu bé Việt Nam bé nhỏ đang trầm tĩnh suy tư tìm phương cách cứu nước và giữ nước trước người khổng lồ phương Bắc luôn luôn lăm le thôn tính phương Nam?”
Cái bé bỏng của cậu là một nhược điểm, song trong nhược có cường. Điều cốt yếu là tìm được cái cường trong cái nhược để từ đó rèn luyện, nung nấu nó, chờ thời cơ thuận tiện đem ra ứng xử. Hay ta có thể hiểu ở một hình thái khác hơn. Ta vẫn biết rằng các câu truyện cổ tích Việt Nam trong cái phi lý đều hàm chứa một sự hữu lý. Câu truyện cậu bé con chỉ mới ba tuổi đầu mà đã xin ra đánh giặc dữ đã là một điều phi lý. Lại thêm một điều phi lý nữa khi cả vua, quan triều đình đều chấp thuận. Vậy thì cái hữu lý nằm ở đâu?
Ngoài tính chất triết học như trên đã nói, chúng ta có thể quả quyết rằng tổ tiên người Việt đã sử dụng phương pháp tương phản để khích lệ tinh thần yêu nước của toàn dân. Kìa! một đứa trẻ ba tuổi mà đã biết xả thân trừ giặc dữ để cứu nước, an dân thì những người trai trẻ khoẻ mạnh, và những người được hưởng nhiều đặc quyền, đặc lợi há chỉ biết vinh thân phì gia, chỉ biết cúi luồn cho qua cơn bão táp đang cuồng nộ ập đến trên quê hương sao?
Sau nữa, ta cũng nên khảo qua về cây tre trong câu truyện, đồng thời cũng là biểu tượng cho triết học Cương Nhu phối triển của Vovinam - Việt Võ Đạo. Nhắc lại, trong câu truyện: ”Khi đang chém giặc thây nằm ngỗn ngang, thì cây kiếm của Gióng bị gãy làm đôi; tiện bụi tre bên đường, Gióng nhổ luôn cả bụi vừa quăng, vừa quật giết giặc cho đến khi giặc Ân hoàn toàn tan rã”.
Câu truyện ở đây lại đặt cho ta một nghi vấn. Tại sao không kết thúc bằng lưỡi gươm của Gióng, mà lại phải cho gãy gươm để phải nhổ bụi tre làm vũ khí? Cũng có thể chỉ là để minh chứng cho câu truyện trở thành hiện thực qua các bụi tre tồn tại nhiều đời mọc rải rác khắp vùng Sóc Sơn – Võ Ninh.
Nhưng cũng có thể là đặt để một biểu tượng cho một nhân sinh quan. Ai cũng biết tre, trúc là biều tượng cho người quân tử của Nho giáo. Tre, trúc vốn là một loài cây rỗng ruột, thẳng đứng dầu mọc ở vị trí bất thuận lợi nào. Ruột thẳng và trong trắng như lòng người quân tử. Tre, trúc không chịu ngả nghiêng, không thể uốn nắn cho cong, chẳng khác gì người quân tử không chịu dời đổi ý chí, đạo đức trước mọi nghịch cảnh hay cám dỗ của cuộc đời.
Hơn nữa, Gióng đã chọn một vật thể bao hàm cả tính chất cương, nhu là cây tre làm binh khí. Thân tre thẳng và cao mà không bị gãy là nhờ thớ tre dẻo và thân tre mềm dễ uốn lượn theo chiều gió. Gốc và rễ tre cứng bám chắc, chằng chịt vào đất mà không sợ tróc đổ. Và không như hầu hết các loại cây chỉ đứng riêng rẽ một mình, tre luôn tự tạo thành bụi, gốc liền gốc, rễ đan rễ, tuy chen chúc nhưng không hề giành giật đất
sống, cũng như nắng trời để tàn hại nhau.
Quê hương của tre là Việt Nam. Việt Nam nuôi dưỡng và sử dụng tre trong muôn mặt của đời sống. Ăn cơm bằng hạt tre, thổi cơm bằng ống tre, đun nấu bằng lá tre, gốc tre, ở nhà tre, nằm giường tre, đi guốc tre, thậm chí tiêu khiển, giải trí cũng bằng tre (ống tiêu, ống sáo, đàn, diều …) và cuối cùng là giữ nước cũng bằng tre (cung, nỏ, tên, chông, bẫy, gậy, gộc...).
Vì những ý nghĩa trên, Vovinam - Việt Võ Đạo ngoài phần khai thác nền triết học từ thời cổ đại của người Việt, đồng thời cũng lấy cây tre làm biểu tượng Cương Nhu phối triển như ý hướng của tổ tiên đã chọn lựa và đặt để trong truyền thuyết Phù Đổng Thiên Vương.


Võ Sư Nguyễn Văn Sen