Hôm nay, tao gặp ông thầy D., tao không thèm chào ổng. Ổng thấy tao không chào, ổng bắt lỗi nên tao nói “Dạ! Tại em không thấy thầy” rồi tao chạy mất tiêu.

Đây là một câu chuyện về "lỗi giao tiếp được cô Trần Thị Giao Xuân (Trường ĐH Đồng Tháp) kể trong hội thảo “Giáo dục văn hóa giao tiếp trong nhà trường” tổ chức ngày 10/12 tại TP.HCM.

Những câu chuyện hay kết quả khảo sát được trình bày đều chung cảm nhận: Học sinh nói chuyện khó hiểu, sinh viên khoái nói xấu giảng viên... là những xu hướng đang phát triển hiện nay trong văn hóa giao tiếp trường học.


Trong những câu chuyện của sinh viên, "đề tài giảng viên"
thường được đưa ra để bàn tán. (Ảnh mang tính chất minh họa).

“Phát minh” 3T

Một nam sinh nhắn tin cho bạn gái: A daz nói rùi mừ, seo lại thía? E zận a seo? (Anh đã nói rồi mà, Sao lại thế? Em giận anh sao?). Câu nói dạng này người lớn có đọc cũng tưởng như “mù chữ”, nhưng vẫn được coi là đơn giản. Dù sao nó cũng thuộc loại thuần Việt.

Phụ huynh khi bắt gặp con nhắn tin cho bạn: I nhớ roai, Thanks U, G9! . Với kiểu giao tiếp "3T" (Tây, Tàu, Ta) thì đố họ hiểu được nghĩa trọn câu ấy là Mình nhớ rồi, cám ơn cậu, chúc ngủ ngon.

Thạc sĩ Hoàng Trung Sơn, Trường CĐ Sư phạm Nam Định đã có khảo sát nhỏ về “ngôn ngữ @” và giải mã những ký tự tuổi học trò.

Những từ như: Biết chuyển thành bít, bit; Rồi thành Rùi, Roài, Rui, Roai; Bây giờ thành Bi h, bj; Không thành Ko, 0, K, Kh, Kg; Qu thành W... Chèn vào câu những từ tiếng Anh như If, I, U (You)... Hay giản lượt tin nhắn Kh thành K, Ng thành g. Ví dụ như: Kôg, Ká, Ki, Mag, Trog, Lòg, Nhữg...

Đây được coi là bản quy tắc, quy ước để giáo viên, phụ huynh có thể tham khảo và “dịch” được những câu nói trong quá trình giao tiếp với các em và giữa các em với nhau.

Ông Sơn lo ngại: “Cách dùng này có thể tạo thói quen xấu trong giới trẻ, đặc biệt là tuổi trẻ học đường khi giao tiếp hay viết các văn bản chính thống”.

Không chỉ sử dụng khi nói với thầy cô, ngôn ngữ kiểu này đã len lỏi vào cả những trang vở ghi chép hay trong bài văn của các em. Nhiều thầy cô giáo đã phải dở khóc dở cười không hiểu nổi học trò viết cái gì trong bài văn và viết bằng loại ngôn ngữ gì.

Để “sành điệu” hơn, học trò còn nói chuyện theo kiểu: Thầy đi đâu mà đầu lâu thế không biết?; Lớp mình ơi, cứ thoải con gà mái đê; Lớp trưởng lớp mình xinh như con tinh tinh ấy nhỉ!

Khoái nói xấu giảng viên

Trong khi hiện tượng “ngôn ngữ @” chủ yếu diễn ra ở học sinh thì sinh viên lại chưa bỏ được thói quen nói xấu, và cách dùng câu “sốc” - mà theo cách nhận xét của nhiều giảng viên, "đó là sự xuống cấp về đạo đức trong giao tiếp".

Giảng viên Trần Thị Giao Xuân, Trường ĐH Đồng Tháp kể lại 3 câu chuyện trao đổi giữa sinh viên với nhau mà mình từng chứng kiến như sau:

Câu chuyện 1:

- Bà cô đó xấu lại khó tính, nhưng được cái là dạy hay mày ạ!

- Thì phải có cái bù lại chứ, để xấu quá mà dạy không hay nữa thì dạy làm gì cho mắc công. Chẳng đứa nào thèm nghe, thèm nhìn.

Câu chuyện 2:

- Hôm nay, tao gặp ông thầy D., tao không thèm chào ổng. Ổng thấy tao không chào, ổng bắt lỗi nên tao nói “Dạ! Tại em không thấy thầy” rồi tao chạy mất tiêu.

- Sao mày không trả lời “tại em nghĩ thầy không cần chào em”

Nói xong, hai SV chụm đầu ngồi cười khoái chí.

Câu chuyện 3:

- Hôm nay thầy kêu tao phát biểu, ổng cứ nhìn chằm chằm vào tao, tao ghét ổng nhìn lắm, dê dê sao ấy!

- Thôi đi mẹ, ai biểu mày cứ thích khoe hàng cho ổng nhìn, đáng đời.

Cách xưng hô ổng, bả, và cách nói chuyện thiếu tôn trọng đang rất phổ biến trong sinh viên.

Bà Giao Xuân cũng bộc bạch: Có lúc, thân thiện với sinh viên quá, tôi gọi các em là “mày”: Mày lên nhận tài liệu về phát cho lớp nhanh nhé. “Nói xong, mặt tôi đỏ bừng vì không thể rút lại những lời nói đó. Thật! xấu hổ vô cùng”.

Và đưa ra nhận xét: Hiện nay, có một tình hình mới xuất hiện khác trước kia. Đó là “Thầy chưa ra thầy mà trò cũng không ra trò”. Những hình ảnh tha hóa về đạo đức của một số giáo viên, giảng viên cũng là lý do khiến học trò không có cái nhìn đúng đắn về nghề giáo.

Ấn tượng xấu về giáo viên

Một khảo sát được thực hiện trên 600 em học sinh Trường THPT Chuyên Quảng Bình và nghiên cứu sâu ở 90 em học sinh có biểu hiện chứng rối loạn lo âu thì số học sinh cho rằng mối quan hệ giữa học sinh và thầy cô là tốt chưa đến 70% (với 3 mức đánh giá: rất tốt, tốt và không tốt).


Trao đổi như những người bạn, mối quan hệ thầy trò trở nên thân thiết hơn.

Một trong số 17,78% học sinh cho là mối quan hệ với thầy cô rất tốt lại cho biết: “Em không có gì là khó chịu với thầy cô, em thấy thầy T. dạy hay, vui tính”.

Số em cảm thấy mối quan hệ với thầy cô giáo không tốt chiếm 14,44%. Có cho rằng: “Em không mâu thuẫn với thầy cô giáo nhưng em thấy sợ. Mỗi khi đến học thì em lại sợ".

Những lý do được học sinh khác đưa ra giải thích cho điều này là vì: thầy cô bảo thủ, độc đoán, khó tính, có khi thiên vị, quá nghiêm khắc, không tâm lý, làm việc máy móc, thù vặt, không tôn trọng quan điểm cá nhân, thầy cô cho điểm khắt khe và yêu cầu với học sinh khá cao, thầy cô áp đặt suy nghĩ của mình vào suy nghĩ của học sinh...