Mẹ bốn cháu nhỏ bị bố bạo hành kêu cứu


Với sự hỗ trợ của một người quen, PV có cuộc trò chuyện với chị Nguyễn Thị Nhung, mẹ của bốn cháu nhỏ trong bài báo Bạo hành gia đình ở Bắc Giang, đang làm việc tại thành phố Nicosia (đảo Síp). Xuyên suốt câu chuyện về cuộc đời chị là nỗi đau đớn, tủi nhục và tiếng kêu cứu cháy lòng.


Chị Nhung kể, cuộc hôn nhân của chị với anh Nguyễn Văn Đông bắt đầu từ giữa năm 1991. Chị về làm vợ của Đông theo một sự sắp đặt sẵn của hai bên gia đình. Đến tháng 11 năm đó, chị chịu đựng trận đòn đầu tiên trong cuộc đời chung sống với Đông.

Chị còn nhớ, hôm đó chị trót về nhà mẹ đẻ chơi nhưng không nói trước với Đông, liền bị Đông thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, sau đó vứt hết quần áo, chăn chiếu của chị xuống ao. Và cũng từ đó, những trận đòn đến với chị với tần suất ngày càng dày.


Chị chỉ cảm thấy bình an hơn khi Đông phải đi thực hiện nghĩa vụ quân sự, xa nhà trong 2 năm. Những ngày tháng ấy chẳng được bao lâu, trở về nhà, Đông lại tiếp tục hành hạ mặc dù biết chị đang mang thai đứa con đầu lòng. Năm 1995, chị sinh cháu Loan, năm sau sinh tiếp cháu Trang. Cuộc sống gia đình vất vả cộng với sự hành hạ liên tục của Đông khiến chị gần như kiệt sức

Năm 1998, chị quyết định bỏ đi miền Nam kiếm ăn, mang theo đứa con gái lớn. Được một thời gian ngắn, nghe thấy Đông ở nhà đánh đập cháu Trang tàn nhẫn, chị lại ngược về. Lại một bé gái nữa ra đời. Đông càng tỏ ra khinh bỉ mấy mẹ con chị vì nghĩ chị không thể sinh con trai cho anh ta.

Đến năm 2001, chị sinh được một cháu trai. Tưởng rằng, cuộc sống từ đây sẽ bớt khổ nhưng dường như bản tính hung bạo của Đông càng tăng lên theo thời gian. Và chính Đạt, đứa con trai duy nhất của cả gia đình lại là người bị hành hạ nhiều nhất. Theo chị Nhung, năm Đạt chưa đầy 2 tuổi, bố cháu đã mang cháu ra ao gần đó dìm cho đến khi cháu kiệt sức.

Hành trình trốn chạy

Vừa là người chứng kiến các con bị hành hạ, vừa là nạn nhân, chị Nhung cho biết đã nhiều lần làm đơn lên xã nhờ giải quyết nhưng dường như không ai muốn động chạm đến một người như Đông, chị chỉ biết khóc. Đông lấy chiếc gậy dứ vào mặt chị đe doạ: “Mày mà khóc, tao chọc mù mắt”. Năm 2005, chị quyết định đưa Loan đi vào Đồng Nai đập đá thuê.

Chị Nhung kể tiếp, ở nhà, Đông tiếp tục đánh 3 con với yêu cầu chị phải gửi tiền về hằng tháng để đóng học cho con, nhưng được đồng nào Đông đều nướng sạch vào rượu. Không có tiền đóng học cho con, Đông bắt các con bỏ học đi đánh, bán cá.

Thậm chí, nhiều ngày những đứa trẻ con bị bỏ đói lả bên đống rạ. Quá xót con, chị Nhung lại về tìm cách đưa 3 con đi cùng. Đông biết được, tìm đến đe dọa, hành hung. 5 mẹ con chị lại ngược lên Lâm Đồng, trông trại lợn cho người quen rồi lại ôm nhau vào TPHCM kiếm sống.

Ở đâu cũng chỉ được một thời gian ngắn lại bị Đông phát hiện. Đánh đập, hành hung chán, Đông quay sang ngon ngọt dỗ mẹ con chị quay về. Nghĩ các con phải lưu lạc, không được ăn học hẳn hoi, chị đành nhắm mắt quay về. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, những trận đòn khốc liệt hơn lại tiếp tục với chị.

Đầu năm 2009, chị Nhung quyết định lên làm phụ bếp tại Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang nhưng chỉ được 3 ngày, ông Nguyễn Văn Ngọc, người cùng thôn đã chở 2 con lớn chị lên vì ở nhà bị bố đánh. Trước hoàn cảnh đáng thương của mấy mẹ con, các cô, bác Khoa Dinh dưỡng đã chấp nhận 3 mẹ con ở lại. Nhưng chỉ ngày hôm sau, chị lại thấy ông Ngọc hốt hoảng đến nói: “Nếu không đưa hai cháu Trang và Loan về, Đông sẽ giết tôi mất. Từ đêm qua đến nay, nó đã vác dao đến chửi bới đe dọa ầm ĩ rồi!”.

Cùng đường

Tháng 9-2009, không chịu được cuộc sống chung, chị đâm đơn đề nghị Toà án huyện Yên Dũng xử ly hôn, chị chỉ xin được nuôi 4 đứa con. Toà chấp thuận, chị mang mấy đứa con ở nhờ mấy nhà người quen rồi đi gánh gạch, làm thuê lấy tiền nuôi con. Nhưng Đông vẫn thỉnh thoảng đến nơi ở của mấy mẹ con, lúc thì bắt đứa này, lúc bắt đứa con khác về nhà.

Bản thân chị Đông cũng không tha. Vớ được cái gì đánh được là anh ta đánh, khi thì gậy gộc, đấm đá, nhiều lúc dùng cả dao để đuổi đánh chị. Trên tay chị bây giờ vẫn còn vết dao mà Đông chém chị cách đây chưa lâu.

Cùng quẫn, chị quyết định gửi 2 con lớn cho một người quen ở TP Bắc Giang, 2 đứa nhỏ nhờ chị ruột chăm sóc rồi vay tiền đi nước ngoài lao động với mong ước sẽ sớm có tiền để nuôi dạy các cháu. Nhưng những ngày ở nước ngoài, chị vẫn liên tục nhận được điện thoại của Đông đòi chị gửi tiền về.

Biết chuyện các cháu đang phải trốn tránh người cha, chị cũng chỉ biết khóc: “Mong sao có ai thương các cháu, giúp đỡ gia đình tôi để các cháu không bị bố cháu đánh đập, được sống một cuộc sống bình thường, được đi học để thành người… Đời tôi đã coi như bỏ đi, chỉ lo cho các con tôi sau này!”.

Theo Nguyễn Trường - Đăng Nam
Tiền Phong