Đời nô lệ thế kỷ 21 - Kỳ cuối: Hành trình ước mơ

TT - Tôi được sự giúp đỡ của nhiều nhóm người, nhiều tổ chức, giới truyền thông. Cuốn sách kể lại câu chuyện của tôi Nô lệ - chuyện có thật của đời tôi (Slave - my true story) được xuất bản lần đầu tiên ở Đức vào tháng 9-2002, vượt ngay lên hàng danh sách mười cuốn sách bán chạy nhất trong nhiều tuần lễ.

Và cuối cùng tôi nhận được tờ giấy “cho phép ở lại Vương quốc Anh vô thời hạn”.


Mende Nazer ở London năm 2003

Tôi đi tìm tôi

Tôi nhận được nhiều lời mời đi nói chuyện về những trải nghiệm của mình. Tôi được bà Elaine Pearson, một người trong Tổ chức quốc tế chống chế độ nô lệ, đưa sang Thụy Sĩ, nói chuyện tại Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Liên Hiệp Quốc ở Genève, Thụy Sĩ. Từ đó bà Elaine trở thành một người bạn tốt của tôi. Bà Elaine giúp tôi viết diễn văn để đọc tại ILO - chỉ đơn giản là 20 phút trình bày. Tôi sợ chết khiếp khi đến lượt mình bước lên phía trước trong phòng hội nghị khổng lồ và tham dự với ban thuyết trình, tất cả đều có bảng tên, quanh một cái bàn gỗ bóng loáng.

Hai diễn giả trước tôi đều là người da trắng, nhiều tuổi hơn tôi, mặc comlê chững chạc. Khi nhìn quanh, tôi nhận ra mình là người da đen duy nhất trong cuộc hội thảo và là diễn giả trẻ tuổi nhất. Miệng tôi há ra, cổ khô lại với sự sợ hãi đến nỗi tôi thốt không ra tiếng. Chắc chắn cử tọa trong phòng đều thấy tôi run rẩy. Tôi không biết mình nên bắt đầu từ đâu. Tuy vậy, khi tôi bắt đầu, lời nói cứ tuôn ra và tôi thấy mình nói năng trôi chảy và thành thực. Sau ba năm học, vốn tiếng Anh của tôi còn xa mới được gọi là thông thạo, nhưng tôi có thể diễn đạt cho mọi người hiểu cách nói giản dị của mình. Cuối bài, tôi bị tràn ngập với những câu hỏi, rồi mọi người hoan nghênh tôi và cảm ơn tôi đã kể cho họ nghe câu chuyện của mình.

Sau đó tôi nói chuyện với sinh viên tại các trường đại học và với học sinh tại các trường trung học. Mỗi lần nói chuyện như thế tôi càng hiểu rõ thêm mọi người trên thế giới đều thấy sự tồn tại của chế độ nô lệ trong thời hiện đại là điều khủng khiếp. Hầu hết đều không tin ngày nay vẫn còn tồn tại tình trạng nô lệ nhưng họ đã được nghe câu chuyện của tôi.

Mơ ước lớn nhất của tôi là mong được gặp lại gia đình. Khoảng mười năm rồi tôi không được gặp họ. Đôi khi tôi tự hỏi không biết cha tôi còn nhận ra đứa con gái của mình không - đứa con gái nhỏ bị bắt đi khỏi vùng núi Nuba và bây giờ là một phụ nữ trưởng thành đang sống ở châu Âu. Nhưng dĩ nhiên, quốc gia mà tôi không thể đến được bằng thông hành của Anh chính là Sudan. Có thể sẽ phải mất khoảng năm năm để tôi có được quốc tịch Anh và được cấp hộ chiếu của nước Anh. Và ngay cả lúc đó việc tôi mạo hiểm bất chấp rủi ro trở về Sudan vẫn còn là điều có thể gây tranh cãi. Tôi đã tìm nhiều cách giúp tôi gặp lại cha mẹ nhưng tất cả cách đó đều có những bất trắc riêng.

Nhưng tôi sẽ phải kiên nhẫn. Và kiên nhẫn là đức tính mà tôi đã học được rất nhiều khi trải qua những năm tháng trong cuộc đời nô lệ. Kiên nhẫn rằng tôi sẽ vượt thoát, sẽ được làm chủ đời mình và sẽ được tự do. Sự kiên nhẫn sẽ cho tôi được gặp lại cha mẹ một ngày nào đó. Nhiều người bạn mới của tôi ở London vừa có con cái và tôi cũng mơ ước tìm được người yêu thương để lập gia đình. Với tôi đó sẽ là một cách để tái tạo cảm giác về gia đình, về sự yên ổn mà tôi đã bị cuộc sống nô lệ và lưu vong tước mất.

Tôi vẫn cảm thấy còn nhiều điều phải làm để tôi thật sự hiểu cuộc hành trình từ nô lệ đến tự do cuối cùng sẽ đưa mình tới đâu. Còn rất nhiều câu hỏi. Tôi muốn gì ở cuộc đời? Tôi đang đi học tiếng Anh như bất cứ em học sinh nào, nhưng tôi không có gia đình, không có nơi nào cho tôi cảm thấy được sự ấm cúng của nhà mình. Tôi có còn là một cô gái Nuba nữa không? Hay tôi là một tác giả có sách bán chạy? Tôi là một nô lệ đào thoát được tưởng thưởng? Tôi là người Sudan hay là người Anh?...

Tôi chắc chắn mình sẽ tìm được những lời giải đáp. Tôi đang sung sướng thấy thời gian là của mình, thấy mình đang học hành và cải thiện bản thân để trở nên một cô gái thông minh như những năm đầu tiên đi học trong miền núi Nuba. Tôi sung sướng khi mình có thể cầu nguyện với Thượng đế, làm theo con tim mình và làm quen với những người bạn mới trên khắp thế giới. Tôi sung sướng nghĩ rằng một ngày nào đó tôi có thể trở thành một y tá để chăm sóc nhiều người. Tôi sung sướng nghĩ một ngày nào đó tôi gặp được người đàn ông mơ ước của mình, sẽ có con cái, rồi có một túp nhà nhỏ an lành và êm ấm ở đâu đó...

Ghi chú của Damien Lewis

Mende Nazer đào thoát vào một ngày mùa hạ, 11-9-2000, trên đường phố nhiều cây xanh ngoại ô phía bắc London. Tôi hay biết về hoàn cảnh của cô vài hôm trước đó. Một người bạn Nuba gọi điện thoại hỏi tôi có thể giúp cứu thoát cô ấy không. Anh cần có một nhà báo người Anh chứng kiến cuộc giải cứu để sự việc “được ghi vào hồ sơ”. Tôi tham dự từ lúc đó.

Hôm nay, ba năm sau ngày đó, Mende Nazer là một phụ nữ trẻ trung, hoạt bát, rất thông minh với độ tuổi ngoài hai mươi - người Nuba không giữ hồ sơ về ngày tháng năm sinh - đang đặt nhiều hi vọng vào tương lai. Nhưng lần đầu tiên tôi gặp cô ấy vào ngày cô được giải cứu, đó là một người lọm khọm, tê liệt và run rẩy.

Câu chuyện của Mende không làm tôi kinh hoàng lắm; là một nhà báo, tôi đã nhiều lần đến Sudan để tường thuật nhiều, rất nhiều câu chuyện khiếp đảm về tình trạng nô lệ và những sự lăng nhục khác. Tôi ngạc nhiên nhiều hơn với độ sâu sắc của chi tiết sự việc được Mende nhớ lại, nhất là những giai đoạn khi Mende còn thơ ấu.

Phần lớn điều chúng tôi viết ra Mende chưa hề kể với ai trước đó. Trước đó cô chưa hề nói đến những điều khủng khiếp mà cô đã chịu đựng. Trước khi đào thoát cô không có ai để chia sẻ. Có nhiều đau xót và nước mắt khi chúng tôi viết đến những phần khó khăn. Nhưng như chính Mende nhận thấy, có lẽ nói ra hết những điều này là bước đầu trên con đường tiến đến việc chữa lành tất cả thương tổn và khổ đau của cô.

Điều 4 trong Tuyên ngôn chung về quyền con người của Liên Hiệp Quốc như sau: “Không một ai phải bị làm nô lệ hoặc phải hoạt động khổ sai; sự chiếm hữu và buôn bán nô lệ dưới mọi hình thức phải bị nghiêm cấm.” Hơn 50 năm sau khi Liên Hiệp Quốc chấp nhận và thi hành bản tuyên ngôn này vào năm 1948, câu chuyện của Mende cho thấy việc buôn bán nô lệ vẫn còn phát triển “thịnh vượng” ở đây đó.

Mende nói cô phải nói ra vì còn có nhiều phụ nữ, nhiều cô bé và cậu bé đang bị buộc phải làm nô lệ đây đó. Cô biết đích danh vài người trong số đó - Asha, Katuna, Nanu - và họ vẫn là bạn của cô. “Tôi muốn tất cả những người khác còn đang làm nô lệ hoặc chịu khốn khó đều được trả tự do - Mende nói - Làm sao tôi có thể thật sự cảm thấy tự do khi tôi biết tất cả họ vẫn còn bị bắt làm nô lệ”.

MENDE NAZER - DAMIEN LEWIS
(THIẾU KHANH dịch)