Kịch thơ: - Kiều Loan


Tác giả Hoàng Cầm

1. Kiều Loan: vở kịch thơ ba hồi và một cảnh mở đầu

Nhân vật

Kiều Loan 28 tuổi, vợ Vũ tướng quân
Ông già 65 tuổi, thầy học cũ của Vũ tướng quân
Hiệu uý 25 tuổi, tùy tướng của Vũ tướng quân
Vũ tướng quân 35 tuổi, chức Chưởng vệ - võ quan thân tín của Gia Long
Hình Thị Lang 55 tuổi, trông nom các việc hình sự trong triều đình Gia Long
Hình tham tri 55 tuổi, trước là mưu sĩ của Tây Sơn, sau ra làm quan cho nhà Nguyễn
Người què 40 tuổi, một tướng nhỏ của Tây Sơn bị Gia Long cầm tù
Ngục quan
Nội quan
Một tốp lính
Những người qua đường
Hai thư sinh
Một lũ trẻ

Kịch xảy ra khoảng tháng chín 1802 sau khi Gia Long lên ngôi ở Huế (Phú Xuân) và triều đình nhà Tây Sơn (Nguyễn Quang Toản) ở Thăng Long đang suy yếu. Sự việc diễn biến tại kinh thành Phú Xuân từ tối hôm trước đến nửa đêm hôm sau.


Bảng phân vai

Trong buổi công diễn lần đầu ở Nhà hát thành phố Hà Nội, sáng chủ nhật cuối cùng tháng 11-1946. Ban kịch Đông Phương thực hiện:
Tuyết Khanh trong vai Kiều Loan ;
Kim Lân trong vai ông già ;
Hoàng Cầm trong vai hiệu úy ;
Nguyễn Thân trong vai vũ tướng quân ;
Trương Đình Thi trong vai hình thị lang ;
Lộng Chương trong vai hình tham tri ;
Trần Hoạt trong vai người què ;
và Ngô Cừ, Chu Xuân Hoan, Tạ Vũ, Nguyễn Can trong các vai khác.
Đạo diễn: Hoàng Tích Linh
với các họa sĩ: Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái, Sĩ Ngọc, Nguyễn Tiến Chung, Hoàng Tích Chù, Nguyễn Đình Hàm.



.....................................

Khúc hát mở đầu

Thời loạn ly ai đẹp mãi bao giờ...

Một buổi chiều mùa thu năm 1802. Một ngã ba đường ngoại châu thành Phú Xuân. Trời đã xế chiều. Xa xa nếp hoàng thành đang chìm trong sương. Bên đường một vài túp lều ủ rũ, vài thân cây khẳng khiu giơ lên nền trời úa đỏ những ngón tay tuyệt vọng. Trống thu không, chuông chùa rền rĩ.
Mở màn: Một tốp hai ba tên lính dẫn một xâu người bị trói đi từ trái sang phải. Đoàn người bị bắt đầu cúi gục, quần áo rách tả tơi, mặt xám ngoét. Những người qua đường lấm lét nhìn đoàn tù rồi cúi mặt, đi nhanh. Bọn trẻ đang chơi đùa nép vào nhau sợ hãi. Tiếng roi bọn lính vụt người nghe vun vút. Hết đoàn tù ấy đến đoàn tù khác dằng dặc... dằng dặc... Trầm trầm lơ lớ tiếng hát của bọn lính bắt người.

Đoạn I

(Tiếng hát bọn lính):

Bắt người trói cả một dây
Ngày mai vùi lấp mười thây một mồ
Vợ con đói rách hãy chờ
Lĩnh tiền vua thưởng đong bồ gạo ngon.
Những đoàn tù đi hết, một lát có tiếng xôn xao:
"A ! Điên !.. điên !" Kiều Loan từ mé trái chạy ra,
xiêm áo xốc xếch, dính nhiều sợi cỏ,
nhiều cánh hoa, nhiều bùn đất. Theo sau nàng,
một đứa trẻ chạy đùa với dải áo bay lất phất.
Kiều Loan quay lại đuổi bắt đứa trẻ.
Nàng túm được nó, cười khanh khách.
Hôm nay mới gặp Tần Thủy Hoàng
Bạo chúa như ông sướng hay khổ ?
Trời sang thu lá đã vàng
Ông khóc hay cười trong nấm mộ ?
Đứa trẻ (sợ hãi cố gỡ ra):
Em không quen biết những người điên
Chị buông ra, em còn về cuối phố.

Kiều Loan:

Tôi đứng chờ thu xanh biếc ngõ
Trăng khuya cúi mặt nhớ phương trời
Còn ông ôm mặt nhớ Tần phi
Ông vỗ gươm vàng đè lên gió
Hát rằng: “Trường thành ta đạp đổ
Rượu ngập Hàm Dương, mắt dị kỳ
Cười rụng đầu người, thuyền xuôi máu đỏ
Bỗng nghiêng mình trắng nõn áo cung phi.
(Nàng bắt chước người chở đò)
Thuyền ơi ! Ta chở giăng đi
Mênh mông biển gió thấy gì nữa đâu
Thuyền ơi ! Ta ghé bến sầu
Khóc không nước mắt hoen mầu thời gian
Thuyền ôi ! Tóc chảy đêm vàng
Giai nhân sóng soải hai hàng chiêm bao
(Rồi khóc nức nở)
Chồng tôi phóng ngựa phương nào
Mà đây vó sắt dẫm vào tuổi thơ

Từ lúc này, bọn trẻ con thập thò sau quán
sau cây nhìn Kiều Loan không dám lại gần,
đôi lúc lại gọi léo nhéo “Cô điên ơi ! áo cô điên đẹp quá !
Hoặc "Lính nhà vua sắp bắt cô điên”.

Người qua đường:

Cô đi đâu mà điên dại ngẩn ngơ. Cô nhớ ai ? Kìa sao cô lại khóc ?

Kiều loan:

Tôi nhớ chàng, đôi mắt trong như ngọc
Đã chìm sâu bùn lạnh đất kinh đô
Độ ấy mùa xuân ghen mái tóc
Chồng tôi say đổ nắng trai tơ
Mái gianh nghiêng rót tình phong nhụy
Hoa khép hương vàng, gọi chẳng thưa
Luyện kiếm vườn mai, chim khúc khích
Cười đôi lứa trẻ quá làm thơ
Vội vàng dăng áo che nhan sắc Nét bướm vàng tươi nắng tỏa mờ.
Người qua đường (thở dài):
Thời buổi này, những người tươi trẻ nhất
lại thành điên...

Kiều Loan:

Tôi điên tự ngày xưa Nhưng má phấn đã dám so xoan héo
Thời loạn ly, ai đẹp mãi bao giờ
Vó câu vẳng động trong mơ
Tỉnh ra đã nát mình tơ nõn nà
Đố ai rỡ được mái nhà
Cho đàn chim sẻ bớt tha buồn về.
Một đứa trẻ (vỗ tay):
Thật là hay ! Cô hát lại cháu nghe
Rồi cháu đưa vào kia mà ngủ trọ
Kẻo nữa tối, vua cấm đèn cấm lửa
Cấm dân gian đi lại ở kinh thành.

Kiều loan (cười):

Vua cấm đèn thì chị thức thâu canh
Đôi mắt sáng soi tìm trong sáu viện
Linh hồn chị sẽ bay vào bệ kiến
Nở thành hoa trắng muốt giữa sân rồng
Thương bà công chúa nằm không
Đợi một tấm chồng đập nát lầu son
Dựng hai gò má cô đơn
Thành hai trái núi mưa hờn năm canh
Người qua đường:
Vua có lệnh bắt những người hát nhảm
Đầu sẽ bêu sương gió nếp hoàng thành.

Kiều Loan (ngơ ngác):
Vua ở đâu ? - Tôi chỉ ngủ một mình
Nằm mê thấy vua nhà ai bỏ vợ
Cưới ngay được một bông hoa bé nhỏ
Một đêm trăng hoa đẹp nở người tiên
Vội vàng hoàng đế phát điên
Xé tan người ngọc, cười nghiêng bệ rồng.

Người qua đường:
Bao nhiêu người đã vào nằm ngục tối
Cô im đi, lính phòng thành sắp tới.

Kiều loan (lườm, bĩu môi):
"Cô im đi" ! Này khúc hát quê hương
Tôi hát lên đâu phải để buồn thương
Nhưng chính thực để chồng tôi đỡ khổ.
(Tôi hát rằng)
Những đêm trời đất quay cuồng gió
Ta trút y thường, cởi giấc mê
Trèo tít ngọn cau van với gió
Xin đưa thân gái đến Hà Khê
Nơi ấy chia tay chồng bỏ vợ
Hàng cau ngóng mãi bóng ai về
Có con mèo trắng ôm thân mốc
Thảm thiết gào giăng xé gió khuya.

Người qua đường:

Cuối phương tây, hoàng hôn càng tê tái
Tôi càng nghe càng ghê lạnh tình thương
Đất vua chúa, buồn vui không được nói
Cô về đi, đừng cười khóc bên đường.

Kiều Loan:

Hỡi con dế đêm trường năn nỉ
Người yêu ta ngủ kỹ nơi đâu
Về đây lượm mãi tiếng sầu
Sao ngươi nín lặng bên lầu rêu phong ?
(Đổi giọng)
Mất chồng đố lại lấy chồng
Ông vua chưa vợ áo rồng rộng thênh.
Một đứa trẻ (đến gần Kiều Loan, níu áo):
Cô điên ơi, cho cháu một bông hoa
Và cho cháu cả cái vòng gỗ quý.

Kiều Loan (vui vẻ tháo vòng tay trao đứa trẻ):
Chị không tiếc - Nhưng này em trông chị
có đẹp không ?

Đứa trẻ:
Chị đẹp như bà tiên
Đẹp thế này, ai xui chị thành điên ?

Kiều Loan (cười):

À, chị điên ! từ khi trời bỏ đất
Đây, cho em chiếc vòng này quý nhất
Gỗ hạnh hương hồng nhạt nổi mây đen
Vòng này là vật đính duyên
Mười năm thắt chặt ưu phiền trên tay.
(Chiều ngả dần. Những người qua đường bỏ về)

Đứa trẻ:
Trời đã chiều mà chị vẫn đứng đây
Chị về đâu ?

Kiều Loan:

Chị sẽ nằm trên cỏ
Ngủ một giấc đến ngày mai sáng tỏ
Thì chị đi lên núi lại lên rừng
Chị buồn chị hát vang lừng
Cỏ cây sa lệ núi rừng ngẩn ngơ ...

(Bọn trẻ bỏ đi nốt)