Hội Nghị Diên Hồng

(Nhạc kịch một màn, hai cảnh)
Song Thuận & Vũ Mạnh Đôn

Nhân Vật:

1- Vua Trần Nhân Tông
2- Trần Hưng Đạo
3- Trần Thủ Độ (Thái Sư, quan văn)
4- Trần Nhật Hiệu (Thái Úy)
5- Công Chúa Thủy Tiên
6- Trần Quốc Toản
7- Thị vệ
8- Một số quân lính
9- Một số bô lão

Thời gian: Buổi sáng sớm

Nhạc: Hội Nghị Diên Hồng của Lưu Hữu Phước và Việt Tiến do Ban Hưng Ca Nguyệt Ánh trình bày.

Cảnh một: Cảnh Triều đình. Ba hồi chiêng trống, Triều đình họp khẩn cấp. Các quan đại thần đứng chầu hai bên tả hữu trong đại sảnh . Từng hồi chiêng trống thúc dục và tiếng vó ngựa, tiếng quân reo ở xa xa...Khi vua chưa ra, bá quan văn võ họp bàn sôi nổi. Khi vua ra,
bá quan cùng quỳ xuống tung hô.

Cảnh Hai: Điện Diên Hồng. (gống cảnh triều đình, nhưng thêm bảng “Điện Diên Hồng”).

Màn Một - Cảnh Một:
Trần Quốc Toản: - Trần Quốc Toản, xin phúc lệnh chủ tướng!

Trần Hưng Đạo: - Cậu Toản đấy à! Cậu có hay tin tức gì không?

Trần Quốc Toản: - Bẩm chủ tướng. Nghe lệnh truyền Quốc Toản đến đây. Quân phi báo ngậm tăm không một lời tiềt lộ.

Trần Hưng Đạo: - Thoát Hoan được phong làm Trấn Nam Vương, lãnh ấn nguyên nhung, xuất sư khai chiến.

Trần Quốc Toản: - Đạo làm tướng lấy da ngựa bọc thây. Xin chủ tướng hạ lệnh, tôi sẽ mang quân điếu phạt.

Trần Hưng Đạo: - Hay lắm! Năm mươi vạn tinh binh Mông Cổ, cậu định dùng quân số bao nhiêu, để thâu phục trận giặc này?

Trần Quốc Toản: - Bẩm chủ tướng. Nếu vì nước phải hy sinh, theo tôi nghĩ bao nhiêu quân cũng đủ.

Trần Hưng Đạo: - Cậu định thí mạng hay sao mà hùng hùng hổ hổ? Tôi gọi cậu đến là định mượn danh của cậu để làm kế nghi binh.

Trần Quốc Toản: - Mượn danh à?

Trần Hưng Đạo: - Cậu là một tướng trẻ can trường, tôi biết. Nhưng lần này, tôi không muốn cậu đánh giỏi, mà tôi muốn cậu chạy cho thât giỏi.

Trần Quốc Toản: - Bẩm chủ tướng. Chạy? Xưa nay tôi cầm quân chỉ biết tiến chứ không biết lùi.

Trần Hưng Đạo: - Phải! Cậu đích danh là tướng chẳng biết lùi. Nhưng lần này, cậu chạy mới mong lừa được giặc. Tướng Trần Quốc Toản! Tiếp lệnh kỳ!

Trần Quốc Toản: - Xin phúc lệnh chủ tướng

Trần Hưng Đạo: - Nghe cho kỹ! Ngay đêm nay, cậu thống lãnh 2000 xạ thủ, tiến thẳng trận tiền. Khi tới vòng tuyến thứ hai, cách hai mươi dặm, đặt phục binh nơi đó, rồi dẫn 500 khinh binh xung trận, lệnh cho tướng trấn nhậm khi lâm chiến. chia đội ngũ làm hai, biến trận Đằng Xà thành Hổ Dực, mai phục hai bên đường, cứ để quân tiên phong Mông Cổ đi qua, còn cậu ở trung quân, xưng danh hiệu rồi vờ thua trận, dụ địch tiến sâu vào ổ phục binh, càng nhanh càng tốt. Nên nhớ! Không được chọi thẳng, hòng bảo tồn lực lượng.

Trần Quốc Toản: - Như vậy, ý của ngài là... biến trận Hổ Dực để bọc hậu, nhằm triệt đường rút quân của giặc?

Trần Hưng Đạo: - Không phải! Giặc đang trên thế mạnh, rút là rút thế nào? Cậu đứng dậy đi. Khi điều binh thì chính lệnh phải rõ ràng. Cậu phải nhanh chân hòng diệu hổ ly sơn. Trận Hổ Dực chính là đánh vào hậu quân nhằm cướp lương thực. Quân Mông Cổ mất quân lương thì đói khát, lúc ấy tất chúng phải lui binh. Thôi, cậu hãy chuẩn bị lên đường cho sớm.

Trần Quốc Toản: - Xin tuân lệnh chủ tướng!

Thị Vệ: - Bẩm chủ tướng. Có quan Thái Sư xin vào yết kiến.

Trần Hưng Đạo: - Được Mời vào!

Thái Sư Trần Thủ Độ: - Kính chào Đại tướng quân!

Trần Hưng Đạo: - Bổn tướng kính chào Thái sư. Đã lâu không gặp. Hôm nay đây Thái Sư quá bộ. Chắc có điều chi cần chỉ giáo?

Trần Thủ Độ: - Không dám! Thời buổi giặc giã, lão hủ nho không đủ sức trói gà. Nhìn quốc biến, thất phu thêm thẹn mặt, có đâu dám trèo cao so tài cùng võ tướng trước trận tiền! Độ tôi hôm nay đến đây xin cạn tỏ tấm lòng thành.

Trần Hưng Đạo: - Xin ngài thỏa lòng cho! Hà! Không dám, không dám! Xin thái Sư cứ dạy...

Trần Thủ Độ: - Được biết xã tắc trong cơn nguy biến. Phá giặc ngoại xâm, quyền biến ở tay ngài. Độ tôi không ngại tài hèn, xin cùng được ngài chung lưng đấu cật. Nhưng ngại vì văn võ hai đường, và tôi với ngài trước kia cũng có đôi điều hiềm khích.

Trần Hưng Đạo: - Tuấn tôi đây một lòng trung quân ái quốc, lẽ nào lại mang lòng riêng để phụng sự quốc gia? Xin ngài đừng ngại, những tiểu sự trước kia, hôm nay Tuấn tôi xin xóa bỏ..

Trần Thủ Độ: - Ha! ha! ha! Mong rằng được như thế.

Trần Hưng Đạo: - Ha ha ha ha ha! Ngài khá yên tâm. Con nhà tướng, một lời nói ra, vạn sự chẳng quên câu: “Nhất ngôn như phá thạch”!

Trần Thủ Độ: - Triều thần đang thắc mắc về kế sách của ngài. Từ khi Nguyên triều mượn đường gây hấn, ngài không lo đường luyện binh tác chiến, ngược lại phải bắt quân dân tập đàng tháo chạy. Các binh thư từ cổ chí kim không hề nói đến chuyện này. Bổn chức thật không hiểu, ngàn lần không hiểú

Trần Hưng Đạo: - Ha ha ha ! Ngài đã hiểu, hay cố tình không hiểu. Thế địch mạnh, đông
gấp trăm lần quân ta. Không thể chọi thẳng, ta phải lui binh về để bảo tồn lực lượng. Dụng binh pháp, động tịnh đôi đường: Co và duỗi, một công một thủ.

Trần Thủ Độ: - Nhưng rõ ràng ngài đã có ý định bỏ ngỏ kinh đô. Nội thành mất, còn mong gì lấy lại?

Trần Hưng Đạo: - Ờ...Ngài nên biết! Sở trường của quân Nguyên giỏi về trường chiến. Nó giỏi dùng cung nỏ với trường mâu. Kỵ mã tải binh, ngày xuôi vạn lý...thiện chiến đồng bằng, ta không thể đảm đương.

Trần Thủ Độ: - Chính vì vậy ngài định dùng rừng sâu làm cứ địa, dùng đoản binh đối phó với quân Nguyên?.

Trần Hưng Đạo: - Vâng, ngài nói rất phải.

Trần Thủ Độ: - Nhưng rút quân là mất đất. mất thành! Bỏ thì dễ, nhưng vạn nan chiếm lại.

Trần Hưng Đạo: - Ngài tin tôi đi. Thành dù mất, vài tháng sau ta lấy lại. Năm mươi vạn quân Nguyên, ta phá vỡ chỉ vài ngày. Giặc ngơ ngáo, sức cùn vì lực cạn

Trần Thủ Độ: - Sao lại thế được?

Trần Hưng Đạo: - Thưa Thái Sư, ngài cũng biết: Đất nước Nam ta có hai mùa mưa nắng. Mùa mưa thời ôn dịch hoành hành. Chẳng phải dân Nam thì đừng hòng sống được với tà phong chướng khí!

Trần Thủ Độ: - Hà hà hà! Như vậy thì quân ta tạm lánh một thời gian. Phá hủy quân lương không cho giặc cướp vùng. Chờ trận mưa đầu ta phá giặc tan hoang. Chiến dịch này...ha ha ha! Theo tôi hãy đặt là kế “Đồng không nhà trống”. A! ở đây ta có căn cứ rừng sâu là địa lợi, trận mưa sát Thát làm kế thiên thời. Còn yếu tố nhân hoà ta tin tưởng lòng dân quân quyết chiến.

Thị vệ: - Thánh Thuợng giá lâm!

Các quan: - Thánh thượng vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế!

Vua Trần Nhân Tông: - Trẫm miễn lễ. Các khanh hãy bình thân!

Các quan: - Tạ ơn Chúa thượng.

Vua Trần Nhân Tông: - Ta được biết Thoát Hoan đã mang quân vượt qua biên ải. Sự việc này ta thấp thỏm không yên. Quyết một phen suôi ngược viếng trận tiền. Hoà hay chiến các khanh khá bề phân tỏ.

Trần Nhật Hiệu: - Muôn tâu. Quân Nguyên Mông đã đánh các nơi trên thế giới. Diệt Tống, chiếm trọn Trung Nguyên. Ta là nước cỏn con , đối với Tống triều còn thần phục. Lấy sức đâu mà đương cự với Nguyên Triều?

Vua Trần Nhân Tông: - Quân Nguyên quả là rất mạnh. Ta không phải là đối thủ của chúng. Vậy phải làm sao? Hòa thời nghi ngại. Chiến thời nan giải.

Trần Nhạt Hiệu: Muôn tâu. Thoát Hoan, chỉ mượn đường nước ta để đánh Chiêm Thành.
Chúng cần đất trú quân...thì cho chúng mượn! Chúng cần lương thực thì ta xuất kho cho
chúng. Nào có tổn hại gì đâu mà phải lấy trứng chọi đá. Theo hạ thần, nên hòa, để tránh
được chiến tranh, khiến sinh linh đồ thán!

Trần Thủ Độ: - Ông nói thế là không phải! Quân Nguyên thiếu gì đường đi đánh Chiêm Thành... hà tất phải mượn đường nước Nam? Tâu Bệ Hạ, hễ trộm vào nhà thì mất của, giặc vào lãnh thổ thì mất nước.

Trần Hưng Đạo: - Muôn tâu Chúa Thượng. Lời Thái Sư chí phải. Lực lượng thủy quân Nguyên triều hùng mạnh, đâu cần gì phải mượn đất đánh Chiêm Thành. Đây chẳng qua là kế, một đá chọi hai chim. Chiêm Thành mất, đất nước Nam cũng chẳng trông mong đòi lại!

Công Chúa Thủy Tiên: - Muôn tâu. Hoàng Huynh. Thần muội nghe nói trên rừng có một loài chim không biết làm tổ. Chỉ biết đi cướp tổ. Khi chúng đến cướp thì ăn hết trứng, hòng tiêu diệt nòi giống của loài chim khác. Đẻ nhờ! Lừa loài chim khác ấp trứng thay mình. Vì vậy mới có tiếng là “tu hú đẻ nhờ”! Quân Mông Cổ xưa nay là giống dân du mục, chiếm đất! chiếm thành, mang bản chất thực dân. Xưa không biết giữ gìn, Nam tống phải diệt vong. Nay ta tin lời chúng, cho mượn đường thì mất nước. Thần muội có một đạo nữ binh, cung kiếm đường đường, thề tử chiến, quyết chống ngoại xâm dưới trướng Đại vương Trần Hưng Đạo!

Vua Trần Nhân Tông: - Ha ha ha. Hoàng muội thật chẳng hổ công. “Giặc đến nhà, đàn bà phải đánh”. Trưng, Triệu xưa kia chẳng kém đấng mày râu. Chiến trận xa xưa vì quật khởi lập công đầu. Nay thịnh trị, ta chẳng đành trông máu đổ. Chiến thì ngại lương dân tang tóc! Hòa còn đâu độc lập ấm no.

Trần Thủ Độ: - Muôn tâu Bệ Hạ. Hòa hoãn với giặc tức là đầu hàng chúng. Trăm dân dẫu có tránh được cảnh chiến tranh. Nhưng sống dưới ách nô lệ, sẽ phải chịu đau khổ gấp trăm ngàn lần. Chưa kể Lăng Miếu bị giặc giày xéo. Ta sẽ đắc tội với Tiền nhân, đã mấy ngàn năm giữ nước. Đầu thần còn trên cổ, xin bệ hạ đừng lo.

Trần Hưng Đạo: - Muôn tâu, Bệ Hạ thương dân như con đỏ, đấy là cái phúc của muôn dân.
Động lòng trời, trời chẳng phụ.thánh nhân. Nam quốc lập sơn hà Nam đế trị. Bệ hạ hãy yên tâm. Quả cân tuy nhỏ, nhưng đúng thế, cũng nhấc bổng được ngàn cân. Chỉ cần quân dân đoàn kết một lòng. Trận giặc này, hạ thần xin lấy đầu làm quân lệnh. Binh tướng phương Nam. Khí thế đằng đằng... Anh hùng tử, chứ khí hùng nào tử? Nếu bệ hạ muốn hàng giặc thì xin chém đầu thần trước đã.!

Vua Trần Nhân Tông: - Ý Thái Sư và Hưng Đạo Vương đã quyết như thế, ta không lo gì về mặt binh tướng nữa. Cuộc chiến này rất quan trọng. Về lực lượng ta kém địch rất xa. Chỉ còn mặt tinh thần. Nếu chúng ta biết đoàn kết: Quân và dân trong ngoài một ý. Vua tôi trên dưới một lòng. Ý dân là ý trời. Vậy các khanh hãy lo triệu tập tất cả các bô lão khắp nơi, về hội tại Điện Diên Hồng để trẫm hỏi ý kiến: nên hoà hay nên chiến?

Các quan: - Tuân chỉ!

Thị vệ: - Thánh thượng hồi trào...

Màn Hai - Cảnh Hai

(Nhạc Hội Nghị Diên Hồng của Lưu Hữu Phước & Việt Tiến, do ban Hưng Ca Nguyệt Ánh trình bày, với điệu múa sáng tác của đạo diễn Vũ Mạnh Đôn)

Màn hạ