Hắc Hổ thách đấu Mãnh Hổ



Võ sư Trần Hữu Hoàng

Trần Hữu Hoàng là mẫu người “hành động”, đi đâu cũng gặp “ông đa hệ” này : lúc là giảng viên của trường Cao đẳng điện ảnh - sân khấu TP.HCM, khi là lương y tận tâm và có lúc xách ba lô theo các đoàn phim: vào vai, chỉ đạo võ thuật, cascadeur...
Trần Hữu Hoàng được biết với đủ tên: Hoàng “Action”, Hoàng “Đa hệ”, Hoàng “Hắc hổ”… Từng dạy võ, viết báo, làm lương y, anh còn tham gia đóng phim, chỉ đạo võ thuật, rồi đi làm giám đốc một công ty vệ sĩ…

Hoàng “Hắc hổ” từng nổi tiếng với sự kiện thách đấu các võ sĩ quân đội nước ngoài tại miền Nam trước năm 1975.

Mẫu người hành động

Bạn bè mến anh ở cái tính “nói là làm”, đặc biệt không nói trước vì “nói trước bước không tới”. Nói anh là mẫu người “hành động” cũng không quá. Có thời đi đâu cũng gặp “ông đa hệ” này. Ở trường Cao đẳng điện ảnh - sân khấu TP.HCM anh là giảng viên. Ở phòng thuốc từ thiện của chùa Kỳ Quang (Gò Vấp) trong chiếc blouse trắng, anh trở thành vị lương y tận tâm, điểm tựa của người bệnh nghèo.

Với tư cách chưởng môn phái Hắc hổ Thiết quyền đạo, anh tuyên bố thách đấu với bất cứ võ sĩ nào thuộc quân đội Đại Hàn tham chiến tại VN

Thời dòng phim thương mại bùng nổ, anh xách ba lô theo các đoàn phim, khi vào vai, khi chỉ đạo võ thuật, lúc làm cascadeur. Có lúc gặp anh ở MC Corporation, với cương vị giám đốc “Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng võ thuật”. Dường như ở lĩnh vực nào anh cũng muốp thử sức mình.

Còn nhớ những năm làm trưởng tràng võ đường Hắc Hổ (Gò Vấp), người ta hay gặp anh dẫn học trò đi đánh đài ở sân Tinh Võ. Nổi hứng, Hoàng “Hắc hổ” xách máy ảnh đi… làm báo! Anh móc thẻ khoe, đường đường là phó chủ nhiệm nhật báo Dân Lập, một trong những tờ báo đối lập với chính quyền Sài Gòn.

Năm 1971, nhiều vụ việc binh lính sư đoàn “Mãnh Hổ” Đại Hàn cưỡng hiếp phụ nữ, đánh dân, bỏ chạy khi gây tai nạn giao thông… Qua diễn đàn báo chí, anh quyết liệt đòi hỏi bộ chỉ huy quân đội Đại Hàn tại Việt Nam phải làm rõ trách nhiệm và xin lỗi nhân dân Việt Nam.


Võ sư John Phan và võ sư Liên Hồng Sơn đấu luyện

Lúc đó với tư cách chưởng môn phái Hắc hổ Thiết quyền đạo, anh tuyên bố sẵn sàng thách đấu với bất cứ võ sĩ nào thuộc quân đội Đại Hàn đang tham chiến tại Việt Nam.

Không chỉ báo Dân Lập, trên các trang báo Trắng Đen, Điện Tín, Độc Lập, Công Luận, Đồng nai, Hòa Bình, Thời Đại, Dân Ta… đồng loạt đăng tải quan điểm của Nhật Thế Phong (Trần Hữu Hoàng) và lời thách thức của võ đường Hắc Hổ.

Qua đó, sinh viên đại học Vạn Hạnh xuống đường tấn công binh sĩ, đốt xe quân đội Đại Hàn, dấy lên làn sóng chống “lính củ sâm” trong tầng lớp sinh viên, học sinh Sài Gòn.

Trên tờ báo “Tiếng Vang” số 2315 ra ngày thứ ba (14-9-1971) tác giả Phạm Nguyễn đã đưa tin: “Cuối cùng, đại diện quân đội Đại Hàn đã gặp đại diện sinh viên đại học Vạn Hạnh nhận trách nhiệm và yêu cầu ngừng tấn công binh lính của họ…”. Hoàng “Action” nhớ lại: “Thời đó quân đội Đại Hàn với tư cách là đồng minh của Mỹ, đem qua mấy sư đoàn bộ binh. Sư đoàn Mãnh Hổ khét tiếng hung dữ đóng quân ở Bình Định. Mắc bệnh “kiêu binh”, lính Đại Hàn lộng hành coi người bản xứ không ra gì. Sau ba vụ việc, hiếp dâm, đánh dân, cán người rồi bỏ chạy; sự phẫn nộ của người Việt Nam lên đến đỉnh điểm. Tôi đã chuẩn bị tư thế kéo ba ngàn môn sinh Hắc Hổ ra Bình Định “ứng chiến” với lính Mãnh Hổ. Nói thật, lúc đó mình ham đụng với lính Đại Hàn lắm, để xem võ của nó ra sao. Cũng may là vụ việc được dàn xếp ổn thỏa, nếu không chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra…”.

Thời đó, gặp anh, cánh nhà báo hay nói đùa: “Tiếc là không có dịp xem Hắc Hổ đấu với Mãnh Hổ để xem cọp nào thứ thiệt!”.

Truyền nhân hắc hổ thiết quyền đạo

Nói về nguồn gốc môn phái Hắc hổ Thiết quyền đạo, võ sư Trần Hữu Hoàng cho biết:

“Những năm đầu thế kỷ XX, chỉ tính ở vùng Đông Nam Bộ, ông nội mình là võ sư Trần Văn Đầy, một trong số ít danh sư Bình Định - An Thái phát triển dòng võ này ở phương Nam. Nghe danh ông, Thuận Tường, một cao thủ Bắc phái Sơn Đông tìm đến xin thử tài. Hai người đã đấu với nhau liên tiếp ba ngày, mỗi ngày ba hiệp bất phân thắng bại.

Trận “long tranh hổ đấu” này dẫn tới tình bạn thâm giao giữa hai người. Sinh thời, hai ông bạn già như cặp bài trùng, tạo thành danh tiếng “Nhị hổ tướng” đất Sài Gòn- Gia Định”.

Những năm cuối đời, ông thầy võ Sơn Đông dọn đến sống hẳn với thầy Đầy. Mê võ như Thuận Tường sư phụ quả có một không hai. Không màng chuyện vợ con, ông dành cả đời nghiên cứu, luyện công. Thành quả cống hiến cho võ học của ông là “Thiết quyền đạo”.

Nói đến Thiếu Lâm quyền, người ta vẫn nghe “Nam quyền, Bắc cước”. Bắc Thiếu Lâm sở trường đòn dài, cước pháp phóng túng, chủ công. Là môn đồ Bắc Thiếu Lâm, thầy Tường muốn gia tăng tính đa dạng, lợi hại của đòn tay. Thiết quyền đạo phát huy tý lực (sức mạnh đòn tay), thủ pháp mạnh mẽ, nặng tính sát thương. Tuyệt kỹ này làm cho Bắc Thiếu Lâm như rồng thêm cánh, nguy hiểm cả thủ cước pháp.

Võ sư Trần Văn Chánh con trai thầy Đầy từ nhỏ đã thụ đắc công phu quyền An thái lẫn Thiết quyền đạo. Ông Chánh có năm con trai đều được ông truyền thụ võ công từ sớm. Trưởng nam Trần Hữu Hoàng mới 15 tuổi đã là phụ tá đắc lực của cha.

Càng lớn, chàng trai này càng chứng tỏ là niềm hy vọng của ông. Lì đòn , kỹ thuật công thủ toàn diện, anh thường giành phần thắng trong mọi cuộc đối đầu.

Năm 1960, được thân sinh ủy thác, anh phối hợp tinh hoa hai dòng võ Bình Định -An Thái và Thiết quyền đạo, hình thành “Hắc hổ Thiết quyền đạo”.

Năm 1970, Trần Hữu Hoàng được Tổng cục Quyền thuật Việt Nam cấp bằng võ sư. Được phụ thân trao quyền chưởng môn, Hoàng “Action” đã đưa võ đường Hắc Hổ trở thành một trong những trung tâm đào tạo võ sĩ đánh đài chuyên nghiệp. Cả bốn em trai của anh đều là võ sư. Trước 1975, nói đến dòng võ Hắc Hổ hay địa danh Hóc Môn, ai cũng nghe danh “ngũ hổ” của 18 thôn vườn trầu.

Năm 1989, võ sư Trần Hữu Hoàng là thành viên Hội võ cổ truyền TP.HCM. Quá trình cống hiến cho võ học nước nhà của anh được biểu dương với Huy chương “Vì sự nghiệp TDTT” của Ủy ban TDTT Quốc gia.

Hiện nay, ngoài TP.HCM và một số tỉnh thành, Hắc hổ Thiết quyền đạo đã và đang phát triển tại Pháp (võ sư Jean Luis và võ sư Ludovic ), Mỹ (võ sư John Phan).

Thạch Trung Ngọc

(theo Thanh Niên on line)