Người Sài Gòn khóc vì triều cường lịch sử
Cô dâu chú rể buồn hiu vì đám cưới chỉ có nửa lượng khách đến mừng, nhiều người trễ việc, vật dụng trong nhà chìm trong nước... bởi triều cường cao nhất kể từ 50 năm qua ở TP HCM.

17h chủ nhật 7/11, mưa liên tục trút xuống, nước chực chờ lấp ló miệng cống, rồi chỉ vài phút sau, nhiều con hẻm ở Bình Thạnh, Thủ Đức, quận 1, quận 6, quận 8, quận 12, đã ngập trong nước. Đây cũng là thời điểm mà các đám cưới vốn hay tổ chức vào ngày cuối tuần bắt đầu đón khách.

Nước dâng tại con hẻm vừa được nâng cấp một mét ở đường Phạm Thế Hiển, phường 7, quận 8. Ảnh: Thiên Chương.

19h, tại nhà hàng Sao Đêm, quận 10, thay vì hoan hỉ trong ngày cưới, nhiều cô dâu chú rể tỏ rõ tâm trạng lo lắng khi điện thoại từ khách mời gọi đến mỗi lúc một nhiều. Nhiều người xin phép đến muộn, số khác xin lỗi "gửi quà sau" vì nước ngập quá cao không thể đi được.

Đợi mãi đến 20h giờ, tức quá giờ làm lễ gần một tiếng đồng hồ, có đám cưới mời 30 bàn nhưng lượng người đến mừng chưa quá nửa. Vẫn nhạc tân hôn, vẫn cắt bánh cưới nhưng cả cô dâu chú rể, ông bà thông gia lẫn khách đến mừng đều cùng tâm trạng không vui.

Từ Vĩnh Long lên Sài Gòn tổ chức đám cưới cho cậu con trai, lại gặp ngay trận triều cường khiến khách mời lác đác, vợ chồng ông Hội mặt buồn rười rượi cho biết: "Tiền thu được từ khách mời không quan trọng nữa, giờ chỉ mong có khách đủ đầy trong ngày vui của con mà vẫn không thể được".

Tại nhà hàng Hoa Sứ quận Bình Thạnh, nóng lòng vì khách mời vài trăm nhưng 19h30 chỉ có vài người đến, chú rể Hải Phong phải huy động toàn bộ bạn bè dùng xe máy đến từng nhà để đón khách. Tuy nhiên do nước ngập quá cao ở nhiều tuyến đường khiến việc đón khách mời không hiệu quả.

"Đành phải chịu thôi vì ngày cưới đã định, làm sao có thể thay đổi khi thiệp mời đã phát ra", nắm tay an ủi cô dâu, chú rể Hải Phong nói. Cũng theo vợ chồng Phong, hai người đã phải dành dụm để tự tổ chức đám cưới, gặp triều cường thế này chắc sau cưới thì trắng tay.

Một người quản lý hệ thống nhà hàng chuyên cho thuê mặt bằng đãi tiệc cưới, cho biết, mùa cưới cuối năm, mỗi chiều ngày chủ nhật, TP HCM có ít nhất 500 đám cưới đồng tổ chức. "Tình trạng ngập đường do triều cường chắc chắn làm ảnh hưởng đến khách, bởi không ai muốn đến dự tiệc cưới trong tình trạng quần áo ướt sũng, hôi hám", đại diện nhà hàng Nhân Nghĩa, quận 6, nói.

Nhận được tiệc mừng cưới nhưng không thể đi dự, vợ chồng chị Thuận nhà ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Bình Thạnh) cho hay: "Mọi năm, nước chỉ tràn ngoài hẻm, năm nay nước vào tận nhà khiến tủ lạnh, máy giặt và nhiều vật dụng khác do chủ quan để dưới nền nhà đã ngập hết. Trong tình cảnh này, chúng tôi không thể bỏ nhà đi dự tiệc".

Căn nhà ở quận 8 vừa nâng nền một năm nay vẫn bị nước tấn công. Ảnh: Thiên Chương.

Ngoài gia đình chị Thuận, nhiều gia đình khác ở quận Bình Thạnh, Thủ Đức, quận 6, quận 8, quận 9, quận 12 cũng rơi vào thế nội bất xuất ngoại bất nhập bởi nước dâng quá cao.

Nhà ở đường Phạm Thế Hiển, đoạn phường 7, quận 8, sáng nay có tiết dạy đầu giờ, thế nhưng cô giáo Minh đã phải gọi điện nhờ đồng nghiệp dạy thay bởi triều cường ngập cao khiến chị không tài nào dắt được xe ra khỏi nhà.

"Cách đây 2 năm, con hẻm nhà tôi đã được nâng cao hơn một mét. Với chiều cao ấy, cả phố cho rằng cảnh ngập nước sẽ không còn, thế mà nay vẫn bị triều cường dâng cao hơn nửa mét", chị Minh nói.

Cùng chịu cảnh ngập, trên các mạng xã hội, nhiều blogger đã giật status than cảnh ngập úng hoành hành. Nhiều câu than thở kiểu như: "Trời ơi, Sài Gòn trở thành rốn lũ", "Sài Gòn thung lũng", "phố bỗng là dòng sông uốn quanh", được các blogger treo cao trên trang cá nhân.

Kể chuyện là đã kê máy tính trên vị trí cao nhất, đưa lên cao các vật dụng trong nhà rồi bất lực nhìn con nước đen ngòm dâng tận nhà, blogger Raulite, nhà ở quận Bình Thạnh, nhắn trên trang cá nhân: "Cần một chiếc xuồng để đi làm vì nước dâng quá cao". Tình cảnh này lập tức được nhiều người chia sẻ, trong đó không ít bạn của Raulite nhà ở các quận khác cũng cùng cảnh ôm chó cưng leo lên bàn ăn ngồi chờ con nước vơi.

Không chỉ chịu cảnh nước tấn công vào nhà hay xe cộ tắt máy hàng loạt, quần áo ướt mem hôi hám khi đến sở làm, nhiều gia đình còn thiệt hại lớn về tài sản bởi nước tấn công vào nhà. Tưởng nước không thể vào được nhà, cả gia đình anh Hưng ở quận 4 đêm qua ngủ ngon trên lầu. Sáng ra, cả nhà thẫn thờ phát hiện nước cùng bùn đất còn ì oàm trên nền nhà, còn bộ sa lông vừa mua gần 10 triệu đồng đã hỏng vì ngâm nước suốt đêm.

Anh Hào nhà ở quận 8 thì bị cháy chiếc tủ lạnh, hỏng máy ảnh và laptop vì chủ quan để trong ba lô đặt dưới nền nhà.

Chiều 7/11 và sáng 8/11, tình trạng trạng ngập còn khiến các tuyến giao thông như đường Kha Vạn Cân, quốc lộ 13 ở Thủ Đức, quốc lộ 50 (Bình Chánh) bị tắt nghẽn giao thông. Nhiều người không thể đến công sở đúng giờ do kẹt xe.

Theo Đài khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, đỉnh triều hôm 7/11 là 1,58 m, vượt ngưỡng lịch sử cuối năm 2008 (1,54 m). Ngày 8/11 mực nước trên sông Sài Gòn dự báo tiếp tục ở mức đỉnh cao này.

Tình hình triều cường sẽ còn tiếp tục diễn ra từ nay đến Tết Nguyên đán, 2 đợt mỗi tháng, thường rơi vào những ngày giữa và đầu tháng tính theo âm lịch.

Thiên Chương