Sơ lược về Hàn Mặc Tử


Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh tại Lệ Mỹ (Đồng Hới) ngày 22 tháng 9 năm 1912, tên thánh là Phêrô Phanxicô (Phêrô là tên thánh rửa tội, Phanxicô Xaviê là tên thánh thêm sức).

Tổ tiên vốn gốc họ Phạm, gốc ở Thanh Hoá. Ông cố tên là Phạm Chương liên can về quốc sự, gia đình bị truy nã, nên người con là Phạm Bồi phải trốn vào Thừa Thiên rồi đổi họ Nguyễn theo mẫu tánh, và lập nghiệp tại làng Thanh Tân, quận Phong Điền, cách Huế chừng 30 cây số.

Ông Nguyễn Văn Toản, thân sinh Trí, là trưởng nam của cụ Phạm Bồi. Trí ra đời lúc thân sinh làm chủ sự sở thương chánh Nhật Lệ ở Đồng Hới.
Thân mẫu của Trí là bà Nguyễn Thị Duy con gái cụ Nguyễn Long, một ngự y có danh triều Tự Đức. Bà là một bậc từ mẫu đã hy sinh tận tụy cho đàn con, nhất là Trí. Và Trí đã chịu ảnh hưởng của bà rất nhiều về mặt tính tình. Bà mất năm 1951 tại Gò Bồi, thọ 71 tuổi.
Trí có tất cả năm anh chị em: người anh cả là Nguyễn Bá Nhân hiệu Mộng Châu. Hai người chị là Nguyễn Như Nghĩa, Nguyễn Như Lễ. Hai Người em là Nguyễn Bá Tín, Nguyễn Bá Hiếu.

Trí học tiểu học ở Quãng Ngãi, khi cha chết, mẹ dọn về Qui Nhơn, ở đây Trí tập làm thơ Đường luật lúc rất trẻ lấy bút hiệu là Minh Duệ Thị. Học trường Qui Nhơn đến năm thứ ba, Mẹ Trí gởi Trí ra Huế học tại trường dòng Pellerin, chính đất Thần Kinh non nước hữu tình có truyền thống thơ phú, nơi quy tụ nhiều nhân tài đã ảnh hưởng và mở cánh cửa tư duy trí tuệ tài hoa thúc đẩy Trí trở thành thi nhân. Trí đăng thơ trên báo Phụ Nữ Tân Văn, Sài Gòn với bút hiệu Phong Trần. Thời gian này Đông Dương khủng hoảng kinh tế, gia đình sa sút, không còn điều kiện Trí phải nghỉ học đi làm Sở Đạc Điền một độ, bị đau rồi mất việc. Vào Nam làm báo ít lâu lại trở về Qui Nhơn, kế đó mắc bệnh hủi... vào Nhà thương Quy Hòa và mất tại đó.

Khi vào Sài Gòn làm báo Trí lấy bút hiệu Lệ Thanh (sanh quán Mỹ Lệ, chánh quán Tân Thanh ghép lại). Trí chiếm giải nhất cuộc thi thơ của một câu lạc bộ thơ, bút hiệu Lệ Thanh nổi tiếng từ đó. Trí cộng tác với báo Trong Khuê Phòng, Đông Dương Tuần Báo, Người Mới. Năm 1936 khi chủ trương tờ phụ trương văn chương báo Sài Gòn, Trí mới đổi là Hàn Mạc Tử. Hàn Mạc nghĩa là "Rèm Lạnh". Bạn Trí là Quách Tấn góp ý:
"Tránh kiếp Phong Trần làm khách Hồng Nhan (Lệ Thanh) lại núp sau Rèm Lạnh (Hàn Mạc)... Đã có Rèm Lạnh thì nên có thêm một bóng nguyệt nữa mới thật nên thơ."
Trí đồng ý ngay, cầm bút vạch thêm một vành trăng non trên chữ Mạc, từ đó có bút hiệu Hàn Mặc Tử. Mặc Tử không còn nghĩa "Rèm Lạnh" nữa, mà có nghĩa là "Bút Mực" (Hàn: Bút, Mặc: Mực) hiểu theo nghĩa bóng là "Văn Chương". Như vậy, ba chữ Hàn Mặc Tử có nghĩa là "Khách Văn Chương".

Tập thơ Đường luật mang tên Lệ Thanh Thi Tập gồm gần trăm bài, trong đó có 3 bài Thức Khuya, Chùa Hoang, Gái Ở Chùa được cụ Phan Sào Nam họa vận lại.
Năm 1936 tập thơ Gái Quê xuất bản là một chuyển hướng sang Thơ Mới .
Năm 1937 gom góp khoảng 50 bài thơ làm trên giường bệnh được gọi là Thơ Điên gồm 3 tập :
- Hương Thơm,
- Mật Đắng,
- Máu Cuồng và Hồn Điên
mang chung một nhan đề: Đau Thương để tặng thân mẫu (một số bài nói về trăng, một số nói về cõi hồn, một số thuộc các đề tài khác).
Tiếp đến là Xuân Như Ý (gom góp năm1939), Thượng Thanh Khí (gom góp năm 1940).