Võ sư Ngô Xuân Bính và phái võ Nhất Nam (Nga) đưa cốt cách Việt ra thế giới


Tiêu biểu cho tinh thần thượng võ của dân tộc, môn phái cổ truyền Nhất Nam đang phát triển mạnh mẽ trên khắp lãnh thổ Liên bang Nga, Belarus, Ukraine, Litva… Với mong muốn truyền bá rộng rãi những bài võ cổ truyền Việt Nam, thể hiện tinh thần bao dung độ lượng của dân tộc, giáo sư Bính, người xuất thân trong một gia phái võ ở thành Vinh (Nghệ An), cùng những sinh môn của mình đang ngày đêm miệt mài tìm hướng mở rộng phạm vi của Nhất Nam ra thế giới.

Tiếng lành đồn xa

Tham dự buổi tổng kết khoá tập huấn ngắn dành cho huấn luyện viên đai 1 (cấp đầu tiên) của môn phái Nhất Nam ở ngoại ô Moscow (Nga) cuối tháng hai vừa qua, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. Tất cả đều là người Nga, Belarus, Ukraine... Người Việt chỉ lác đác một vài gương mặt như võ sư Ngô Xuân Bính, trưởng môn phái, cùng hai môn đệ là Trần Phú Cử và An Văn Chính.



Buổi tổng kết khóa tập huấn của Nhất Nam ở Moscow.

Học viên dự tập huấn đều là những người đang huấn luyện võ Nhất Nam tại địa phương từ nhiều năm nay. Theo một võ sư ở đây, càng ngày, số người tham gia môn võ này càng tăng lên ở các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, đặc biệt là Belarus và Ukraine.

Nhiều người còn vui vẻ chia sẻ rằng, họ quyết tâm truyền bá rộng rãi môn võ cổ truyền Việt Nam này. Anh Igor Gorodilov, người phụ trách một câu lạc bộ ở thủ đô Minsk của Belarus, nói: “Võ Nhất Nam hấp dẫn tôi trước hết là ở khả năng rèn luyện, phát triển sức khoẻ cả thể chất lẫn tinh thần. Tôi tin rằng, Nhất Nam tiếp tục phát triển bởi hiện vẫn có rất nhiều người tìm đến với chúng tôi”.

Một cô gái còn trẻ đến từ Perm (Nga), cho biết: “Ở thành phố chúng tôi, có khoảng 50-60 người ở các độ tuổi khác nhau, đa số là trẻ em, tham gia câu lạc bộ Nhất Nam. Họ đến với câu lạc bộ mỗi ngày, sau giờ học và làm việc”.

Ngay ở vùng phụ cận Moscow cũng có nhiều câu lạc bộ và trung tâm huấn luyện võ Nhất Nam. Anh Sergei, phụ trách một câu lạc bộ của thành phố Chekhov, ngoại ô Moscow, đến với môn võ này từ việc chữa bệnh bằng một phương pháp y học cổ truyền Việt Nam là châm cứu. “Những ai quyết định theo học Nhất Nam đều muốn tìm hiểu nơi khởi nguồn của môn võ này. Những gì từng diễn ra ở Việt Nam như một huyền thoại, lôi cuốn tôi rất mạnh”, anh nói.

Tiếp tục truyền bá tinh thần Việt

Ra đời từ khoảng đầu thế kỷ 12 ở vùng châu Hoan, châu Ái (vùng Thanh - Nghệ), nay Nhất Nam được khôi phục và vươn ra ngoài lãnh thổ Việt Nam. Năm 1990, được Bộ Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) và Tổng cục Thể dục - Thể thao ủy nhiệm, võ sư Ngô Xuân Bính cùng môn đệ Trần Phú Cử sang Belarus tổ chức một số cuộc hội thảo quốc tế về võ cổ truyền Việt Nam. Nhất Nam cũng bắt đầu được giới thiệu ở nước ngoài từ thời điểm đó.

Năm 1995, môn phái này nhanh chóng phát triển ở nhiều tỉnh, thành phố của Nga, rồi lan sang Ukraine và một số quốc gia khác thuộc SNG. Đến nay, có hàng trăm trung tâm, câu lạc bộ võ Nhất Nam đang hoạt động với hàng chục nghìn người tham gia. Đặc biệt tại Nga, Liên đoàn võ Nhất Nam đã ra đời và được chính phủ nước này công nhận. Ông Bình đang tiến hành các thủ tục để Nhất Nam trở thành bộ môn thể thao trong nhà trường phổ thông ở Nga.

Không những thế, thầy trò võ sư Bính còn trở về nước củng cố phong trào võ Nhất Nam. Mới đây, nhân kỷ niệm 25 năm ra mắt môn phái Hà Nội, cuộc hội thảo lớn mang tên “Nhất Nam - võ của người Việt” được tổ chức tại Văn Miếu với sự tham dự của nhiều đoàn võ Nhất Nam trên khắp thế giới.

Theo ông Bính, biểu tượng của Nhất Nam cũng thể hiện rất rõ tinh thần ấy: Một vầng trăng tròn toả sáng như khát vọng hoà bình, bên trong là con gà và con rắn biểu trưng cho cái thiện và cái ác luôn tồn tại trong cuộc sống hằng ngày. Nhưng vượt lên tất cả vẫn là lòng yêu hoà bình, niềm tin chiến thắng và hướng thiện.