Cuộc sống của con người từ nhỏ đến lớn, từ trẻ đến già là một quá trình đấu tranh để sinh tồn. Cuộc đấu tranh được biểu hiện với nhiều tính cách khác nhau: Mãnh liệt, ôn hòa, bao dung, cải hóa... Ðấu tranh cũng có nhiều dạng: Hoà bình, chiến tranh, đấu lý, đấu lực, đấu trí v.v... Mục tiêu và đối thủ cũng đa dạng, từ cụ thể đến trừu tượng, với một người, một nhóm, một tập thể, một chủng tộc - với cái ác, cái xấu, cái tàn bạo, cái hiểm độc - và những cái yếu kém thô thiển của chính bản thân mình nữa.Cũng không phải con người mới biết đấu tranh. Thành ngữ "Ðừng dồn con thú đến chân tường" , "con dun xéo mãi cũng quằn" v.v... đã nói lên bản năng đấu tranh của mọi sinh vật.

Nhưng so với vạn vật, chỉ có con người mới đạt tới cao điểm của đấu tranh. Rất nhiều con vật hùng mạnh hơn con người, nhưng đã bị tiêu diệt như các sinh vật trong các nguyên đại trước (khủng long, thực vật sơ khai...) và ngay cả trong thời đại hiện nay: nếu không có chính sách bảo vệ thỏa đáng, rất nhiều sinh vật quý hiếm có hiểm họa bị tiêu diệt: cá voi, cá mập, cá heo, sử tử, hổ, báo, tế giác, voi, trăn, rắn v.v...

Nhưng để tồn tại, không phải lúc nào con người cũng là "thợ săn" của mọi sinh vật. Trên thực tế, mỗi năm "con người" chúng ta bị hy sinh hàng triệu người, vì đã trở thành "mồi săn" của những sinh vật nhỏ bé hơn nhiều là vi trùng và siêu vi. So sánh như vậy, chúng ta mới thấy nổi bật lên giá trị cao quý của đấu tranh sinh tồn của con người mà các sinh vật khác không có.

Tiến hóa, sử nhân loại đã ghi nhận: không phải chỉ có hùng mạnh mới tồn tại. Các loại khủng long và đương thời là các sinh vật to lớn như cá voi, cá nhà táng, hổ, báo, rắn rết v.v... luôn đứng trước hiểm hoạ tuyệt chủng. Ngược lại, nếu chúng ta cũng chỉ có khả năng đấu tranh như muôn loài, mọi việc chắc khác hẳn. Bài học "cậy mạnh hiếp yếu" của các động vật hung dữ và các đế quốc hùng mạnh bạo tàn một thời như Mông Cổ, Ba Tư, La mã v.v... đã chứng tỏ.

Từ đấu tranh nặng về cơ năng (đô vật) đã chuyển dần sang né tránh tài tình, phản công hữu hiệu (quyền cước), người võ sĩ đã bước sang lĩnh vực võ thuật. Rồi từ võ thuật, con người đã vận dụng thêm về trí lực vào cuộc đấu tranh: Võ đạo xuất hiện. Có thể nói: Võ đạo chính là cao điểm của võ học. Khả năng đấu tranh của con người được biểu hiện bằng võ thuật dưới sự điều động của Trí Lực và Ðức Lực là Võ Ðạo.

Từ quan niệm trực đấu (song đấu, đa đấu) của khuynh hướng "anh hùng cá nhân" được ham mộ một thời, chiến tranh đã nâng võ thuật lên hàng võ học và thâm nhập và binh pháp học với phương pháp tổ chức quy mô. Nhưng khi vận dụng binh pháp học vào chiến tranh, chúng ta lại thấy những hiện tượng nghịch đảo xảy ra : Ðại quân Hoằng Thao thời Nam Hán, đại quân nhà Tống của Quách Quỳ, đại quân Mông Cổ của Thái Hoan; đại quân nhà Minh của Vương Thông, Liễu Thăng; đại quân nhà Thanh của Tôn Sĩ Nghị - lại bị thảm bại trước một đạo quân yếu và ít hơn nhiều về cả quân số và hỏa lực, khí tài; có khi chỉ cần một phần ba, như đạo quân nhà Trần luôn luôn chỉ ở mức 150.000 - 200.000 quân đối phó với 600.000 Mông Cổ; Lê Lợi, Nguyễn Trãi chỉ có 1000.000 - 2000.000 quân đối phó với 300.000 - 400.000 quân của Vương Thông, Liễu Thăng; Nguyễn Huệ chỉ dùng 100.000 quân tiêu diệt 280.000 quân của Tôn Sĩ Nghị.

Chiến tranh đã đem tới những tiêu chuẩn mới cho võ học. Ở đây, chúng ta thấy nổi lên một cao điểm: vận dụng tối đa trí lực, đức lực và tinh thần Dân Tộc vào chiến tranh, vào binh pháp, vào võ học. Như vậy, những yếu tố cơ bản của võ đạo dân tộc đã hình thành: Ðạo đức kết hợp với trí tuệ, với cội nguồn dân tộc. Và như vậy, cội nguồn dân tộc trở thành những căn bản sinh tồn trong cuộc đấu tranh trường kỳ của dân tộc Việt Nam.

Từ những suy luật trên, chúng ta ại mở rộng tầm nhình ra thế giới: Không phải chỉ có dân tộc Việt nam mới đánh lui ngoại xâm trong các cuộc đấu tranh sinh tồn mà nhiều quốc gia khác - và hầu hết mọi quốc gia, dân tộc - đều có khả năng ấy. Nhật Bản đã hai lần đánh lui được quân Mông Cổ.

Tranh đấu sử và võ học của các dân tộc thường có những dị biệt nhưng cũng có những đồng điểm và những điểm trùng lắp lý thú. Ví dụ: cùng một dòng sông Bạch Ðằng, thuyền của Hoàng Thao tiến sang bị Ngô Quyền dùng cọc sắt và mực nước thủy triều lên xuống phá vỡ hải đội quân của Toa Ðô, Ô Mã Nhi cũng bị quân của Trần Quang Khải phá vỡ trong những điều kiện tương tự.

Bài học đấu tranh và khả năng đấu tranh của con người trong cộng đồng nhân loại đều có những điểm tương đồng. Không phải chỉ có dân tộc Việt Nam là biết đấu tranh kiên cường để bảo vệ dân tộc và chủ quyền, mà rất nhiều dân tộc khác cũng làm được như vậy. Không phải chỉ có người phương đông là yêu cái thiện, cái đẹp, cái đúng mà người hương tây cũng vậy. Không phải chỉ có dân Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc biết truyền bá các môn võ của họ ra thế giới mà Việt nam, Thái Lan cũng có khả năng đó. Cũng là con người như nhau, nên ta và người cùng có những khả năng, tập tính và quán tính tương đồng như nhau.

Nhìn nhận con người có những dị biệt và đồng điểm là chúng ta thừa nhận có khả năng học hỏi, truyền thụ và giao lưu văn hóa với nhau về nhiều phương diện. Trên những đồng điểm ấy, chúng ta có thể có nhiều điểm chung hòa hợp với nhau, trong đó có võ học, đồng điểm đặc sắc nhất của thế giới hiện nay là cùng hướng chung về Võ Ðạo. Võ đạo dân tộc có thể xuất phát, khởi động từ một nước ra nhiều nước và ngược lại. Trong giao lưu, tất cả các đối tác có thể tìm hiểu học hỏi lẫn nhau và thái dụng tinh hoa của nhau. Và như vậy, cùng có sự phối triển, mỗi môn võ vẫn có bản sắc riêng của dân tộc mình, nhưng không phải chia, khép kín mà mở cửa đón tiếp nhau để trở thành Nhân Võ Ðạo.