KẾT LUẬN

Lê Văn Duyệt là người cương trực và trung thành, nhiều lần đã can ngăn vua, làm trái ý vua... Nhưng vì ông là khai quốc công thần thời Gia Long và đã được vua trao cho “Thượng phương kiếm”, được gọi là “cố mạng lương thần” là bề tôi lương thiện được vua tin cậy trao phó trách nhiệm phò tân quân (Minh Mạng); ngoài ra, công lao dẹp giặc, an dân, mở mang đất nước giàu có, cường thịnh nhất là vùng Đồng Nai-Cửu Long (tức Gia Định, Nam Kỳ Lục Tỉnh)... nên dù không vừa lòng, Minh Mạng cũng phải đối xử với ông cho đúng với công lao của ông khi ông còn sống. Nhưng sau khi ông qua đời (1832), những người có trách nhiệm tại Gia Định như Bạch Xuân Nguyên, Nguyễn Chương Đạt... đã đối xử bất công với đàn em của ông, khiến xảy ra vụ Lê Văn Khôi nổi loạn chiếm thành Gia Định năm 1833. Lúc đó, Lê Văn Duyệt tuy đã chết cũng bị đem ra xét xử và bị buộc vào tội “phản nghịch” như Lê Văn Khôi. Các quan muốn làm đẹp lòng vua, hùa nhau buộc tội Lê Văn Duyệt với những lời lẽ có vẻ cường điệu, vu khống như “Lê Văn Duyệt đã gọi mồ mả cha mẹ mình là “lăng”, khi nói với người khác thì xưng là “cô”, giải thích chức Tổng Trấn như là một Phó Vương... là mang tội phạm thượng, phản nghịch, bất trung... phải bị chém đầu!” (Lăng chỉ mồ mả của bậc đế vương; Mộ chỉ mồ mả của bề tôi; Cô gia hay Trẫm là tiếng vua tự xưng). Cũng như dư luận đã gán cho Lê Văn Duyệt là người “lạm dụng quyền thế” đã dùng “Thượng phương kiếm” chém đầu Huỳnh Công Lý trước, rồi mới làm tờ trình về tội trạng gởi lên vua sau... Qua những tài liệu trích dẫn trên đây, chúng ta thấy Lê Văn Duyệt là người thi hành pháp luật rất nghiêm minh, làm đúng nguyên tắc, thủ tụng tố tụng của tòa án và theo đúng truyền thống xét xử của triều đình. Lòng trung nghĩa của ông đã cảm động đến thần thánh, đến mọi người và việc vua Minh Mạng xét xử bất công đối với một anh hùng đã chết như ông, đã khiến cho chính con của Minh Mạng là Thiệu Trị (1841, khi mới lên ngôi) đã ra lệnh đại xá cho Lê Văn Duyệt và cháu của Minh Mạng là Tự Đức (1848, khi mới lên ngôi) đã phục chức cho Lê Văn Duyệt... Cuối cùng, chính nhân dân trong vùng Sài Gòn-Gia Định đã bỏ tiền ra trùng tu lăng mộ Tả Quân Lê Văn Duyệt và thường xuyên đến cúng vái cầu khẩn tại khu lăng mộ của ông cho đến bây giờ. Điều đó, chứng minh rằng Tả Quân Lê Văn Duyệt thật xứng đáng là một người anh hùng có công với dân với nước. Những chuyện “bên lề” về vụ án Huỳnh Công Lý cố ý làm cho dư luận hiểu sai lạc về Tả Quân Lê Văn Duyệt... đều không có bằng chứng xác đáng, không đúng sự thật.