Tưng bừng hội diễn lân và võ thuật Xuân Tân Mão
(10/02/2011)


Hòa cùng không khí cả nước nô nức đón Xuân, vui Tết tại Quảng trường Bạch Đằng (thành phố Sóc Trăng), trong 2 ngày 01 và 02/02 (nhằm 29 và 30 Tết) cũng nhộn nhịp, sôi nổi tiếng trống, chập chã thúc giục bởi hội diễn lân và võ thuật Xuân Tân Mão năm 2011. Hội diễn do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Sóc Trăng tổ chức hàng năm nhằm phục vụ bà con gần xa đến xem, cổ vũ và tô thêm nét sinh hoạt văn hóa.

Hòa mình trong một không gian rộng bao quanh bởi lượng người đông đúc qua lại, chúng tôi vừa được xem những tiết mục văn nghệ, những động tác uyển chuyển của các diễn viên, võ sinh thể hiện qua bài trống khai hội, hay lân chúc xuân; những tiết mục múa rồng cuốn gió (lượn gió), cùng nghệ thuật tạo hình đặc sắc của Đoàn lân - sư - rồng thành phố Sóc Trăng; biểu diễn thư pháp (CLB Thư pháp thành phố Sóc Trăng); đồng diễn dưỡng sinh với bài quạt, bài gậy do các cụ ông, cụ bà đến từ các CLB dưỡng sinh thành phố Sóc Trăng, Mỹ Xuyên; khiêu vũ (CLB khiêu vũ Thanh niên); lân múa trên mai hoa thung của các đội lân Gia Lâm (Kế Sách), Phường 8 (thành phố Sóc Trăng); múa hiện đại, nhảy hiphop các diễn viên đến từ Trung tâm Văn hóa - Thể thao thành phố Sóc Trăng… đã tạo nên một không khí ngày Tết thật nhộn nhịp và sôi động.
Đặc biệt, múa lân sư rồng là một trong những tiết mục sôi nổi nhất, nghệ thuật đặc sắc của các nước châu Á và cũng là một sinh hoạt truyền thống không thể thiếu trong những ngày lễ, tết, khai trương, khánh thành... Bởi theo quan niệm của người Hoa, 3 con vật lân - sư - rồng là biểu tượng của sự thông minh, tài trí, sức mạnh, mang đến may mắn, tài lộc cho mọi người. Hơn thế nữa, ngày nay, múa lân sư rồng không chỉ là một môn nghệ thuật dân gian mà còn trở thành một môn thể thao mang tính nghệ thuật cao, đòi hỏi người múa phải có sức bền, sự đoàn kết, các kỹ năng, kỹ xảo phải được tập luyện thường xuyên và mang tính đồng đội cao. Sau khi biểu diễn tiết mục lân chúc Xuân, vũ viên Huỳnh Tân Lợi (CLB lân sư rồng Trung tâm VH-TT thành phố Sóc Trăng) phấn khởi cho biết: “Để biểu diễn phục vụ khán giả, chúng em đã tập luyện liên tục trong mấy tháng qua. Mặc dù ban ngày phải đi làm thợ hồ, nhưng đêm về vẫn tập luyện để phục vụ bà con vui Tết, đón Xuân”. Hấp dẫn không kém là các trận chung kết đầy kích tính ở các hạng cân nằm trong chương trình thi đấu giải các môn võ thuật (vovinam, võ cổ truyền).
Anh Danh Hoàng, ở Phú Tân (Châu Thành) chia vui: “Mấy năm rồi tôi nghe nói ở thành phố Sóc Trăng có tổ chức hội diễn lân và võ thuật, nhưng chưa có điều kiện đến xem. Năm nay, vừa trúng mùa lúa, bán được giá, gia đình tôi mới sắm được chiếc xe honda, nên tranh thủ chở vợ con đi xem các hoạt động văn hóa - văn nghệ - thể thao trong dịp Tết. Tôi thấy biểu diễn khá hấp dẫn, nhất là động tác lân múa trên mai hoa thung”. Còn các thanh niên lại tỏ ra thích thú với các môn phái võ. “Đến hẹn lại lên, năm nào cũng vậy, cứ đến tối 29 và 30 Tết, tôi đều đến xem các trận đấu chung kết đối kháng giữa các võ sĩ đầy kịch tính” - anh Lâm Thanh Vũ đến từ Phường 7 (thành phố Sóc Trăng) vui vẻ cho biết.
Hội diễn lân và võ thuật năm nay đã quy tụ quy tụ 155 võ sĩ (31 nữ) của 9 đơn vị huyện, thành phố trong tỉnh tham gia thi đấu các nội dung quyền (song luyện, đối luyện, đa luyện ở 2 môn phái: võ cổ truyền và vovinam) và đối kháng ở 16 hạng cân 39 kg, 42 kg, 45 kg, 48 kg, 51 kg, 54 kg, 57 kg và 60 kg đối với nam; từ 39 kg - 54 kg đối với nữ. Nhận định về giải đấu, võ sư Hà Thanh Bình - cán bộ chuyên môn Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh cho biết: “Năm nay tuy số lượng võ sinh ít hơn, nhưng các em đến từ các huyện, thành có phong trào tập luyện môn võ thuật có tinh thần thi đấu rất nhiệt tình và quyết liệt, nhất là các trận chung kết”.