Thoại Ngọc Hầu trong lòng người dân đất Bắc

Trần Văn Chi



Thời nhà Nguyễn có lệ lấy tên của công thần phong ghép chung với tước như trường hợp Lê Văn Duyệt được phong Duyệt Quận Hầu, Lương Phước Tường được phong Tường Quang Hầu, Nguyễn Văn Tuyên được phong là Tuyên Trung Hầu, Nguyễn Văn Thoại được phong Thoại Ngọc Hầu...

Hằng năm cứ vào độ đầu Xuân, người Việt Nam lũ lượt kéo nhau về Châu Ðốc gọi là “Ði vía Bà Chúa Xứ núi Sam” đồng thời viếng đền thờ Thoại Ngọc Hầu.

Ðền thờ Thoại Ngọc Hầu nay được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia nhưng vì quá chú trọng lễ hội “Bà Chúa Xứ” làm cho nhiều người mình không thấy hết đặc tài và công lao của Thoại Ngọc Hầu mở đất Phương Nam!

Tại Sài Gòn, con đường Nguyễn Văn Thoại, bên cạnh trường đua Phú Thọ, chạy từ đường Trần Quốc Toản cũ lên nhà thương Vì Dân, đã bị xóa tên!

Trên đất Bắc xa xôi, có ngôi chùa tên Phổ Quang Âm Tự trong ngõ 29 phố Cửa Bắc thờ Thoại Ngọc Hầu từ khi ông qua đời năm 1829.

***

Khi lên ngôi, Gia Long coi “Ðịa thế Châu Ðốc, Hà Tiên không kém Bắc Thành.” Vua đặt tên Châu Ðốc là “Châu Ðốc Tân Cương”, đặt quan Quản Ðạo, đến năm 1815 dạy cho quan Trấn Thủ Vĩnh Thanh (Vĩnh Long) là Lưu Phước Tường đem 3000 dân binh đến lập đồn Châu Ðốc để giữ an cho Hà Tiên.

Hai năm sau, vào Tháng Mười Một, 1817, Gia Long lịnh cho Nguyễn Văn Thoại đào con kinh nối từ Long Xuyên đi Rạch Giá đổ ra biển bên Vịnh Xiêm La. Ông Nguyễn Văn Thoại dùng trên 1500 “dân xâu” là người Việt và người Thổ, đào bằng tay, hơn một tháng mới xong. Con kinh nối 2 con đường nước có sẵn ở đầu Long Xuyên với đầu kia là Rạch Giá chảy ra vịnh Xiêm La dài gần 40 cây số.

Ðào xong, Gia Long đặt tên là kinh Thoại Hà, dân gian gọi là kinh Núi Sập, vì kinh chảy qua núi Sập.

Người Tàu, Miên và Việt được gọi về, vỗ về, đối xử công bằng... nên càng ngày càng đông. Bốn năm sau “dựng miếu thần nơi chơn núi, chạm đá làm bia ghi to hai chữ Thoại Sơn, cùng kể rõ nguyên lai tên núi, ngõ hầu lưu lại đời đời không mất”. Văn bia do đốc học thành Gia Ðịnh nghĩ thảo.

Mùa Ðông năm Kỷ Mão (năm 1819), Gia Long ban sắc dụ dạy quan Trấn Thủ Vĩnh Thanh là Nguyễn Văn Thoại đào kinh con kinh khác nối thông từ Châu Ðốc đến Hà Tiên, dụ rằng: “...Việc nhà nước và cách phòng giữ bờ cõi quan hệ rất lớn. Bọn ngươi tuy khó nhọc một lần mà lợi ích cho muôn đời về sau, phải bảo nhau biết, chớ nên sợ nhọc” (Quốc triều chánh biên).

Kinh dài 98,300 mét, đào bằng tay mất 5 năm (Tháng Chạp, 1819 đến Tháng Năm, 1824 đời Minh Mạng), huy động đến 80 ngàn lượt dân xâu. Vua đặt tên kinh là Vĩnh Tế Hà, tên núi Sam là Vĩnh Tế Sơn (Vĩnh Tế là danh xưng của nhứt phẩm phu nhơn của Nguyễn Văn Thoại, có tên là Châu Thị Tế) và cho dựng bia ghi công Nguyễn Văn Thoại tại chân núi Sam.

Nguyễn Văn Thoại (1762-1829) vị tướng có tài ngoại giao, chánh trị cả về kinh tế. Ông nguyên tên Nguyễn Văn Thụy, người Nam đọc là Thoại, nguyên quán Quảng Nam, lưu lạc vào Nam từ nhỏ và theo phò Nguyễn Ánh lúc 16 tuổi, lập nhiều công lao nên được phong tước Thoại Ngọc Hầu.

Ông từ là Cai Cơ, rồi Thượng Ðạo Ðại tướng quân lo thâu nạp quân thiểu số ở thượng du biên giới Việt-Xiêm, có công đánh chiếm thành Nghệ An, mở dường Bắc tiến, thống nhứt sơn hà.

Năm 1802 cùng Tổng Trấn Nguyễn Văn Thành trị yên đất Bắc, với chức vụ Chưởng Cơ coi binh nhung Bắc Thành, rồi Trấn Thủ Lạng Sơn cho đến 1808.

Trở về Nam làm Trấn Thủ Ðịnh Tường, Trấn Thủ Vĩnh Thanh, Khâm Sai Thống Chế Án Thủ Châu Ðốc kiêm quản Hà Tiên trấn biên vu.

Nguyễn Văn Thoại bảy lần sang Xiêm, hai lần sang Lào, 11 năm làm bảo hộ Cao Miên với chức Thổng Chế Bảo Hộ Miên. Với đặc tài ngoại giao ông được người Miên gọi là Bảo Hộ Thoại.

Nguyễn Văn Thoại còn được biết như là người có công khẩn hoang mở đất phương Nam: Khi làm Trấn Thủ Vĩnh Thanh, ông cho khẩn hoang thành lập Cù Lao Dài: “thuộc hạ lưu sông Long Hồ, có châu vi khoảng ba mươi dặm. Trên cù lao này ruộng vườn tươi tốt, đường làng sạch sẽ nổi tiếng là một nơi cư dân đông đúc, đời sống no đủ.”

Cùng với việc lập làng, ông còn cho xây miếu thờ thần, chùa thờ Phật để an dân, và lập bia ghi lại công việc đào kinh, nay còn lại ở núi Sập.

Từ núi Sam Nguyễn Văn Thoại cho đắp hai con đường đi Châu Ðốc làm đường giao thông vừa ngăn nước.

Từ thành Gia Ðịnh, năm 1813, ông thiết kế ba con dường đẫn đến biên giới Miên và cứ bốn ngàn trượng có một binh trạm với 50 lính canh. Có thể đó là hai con đường Châu Ðốc-Nam Vang và Tây Ninh-Nam Vang ngày nay.

Chuyện chùa am Phổ Quang ở Hà Nội, được kể rằng: lúc bà chánh thê Châu Thị Tế theo chồng ra Bắc, ban đầu cho lập am để tự tu hành, sau thấy dân địa phương và Hà Nội ngưỡng mộ nên bà huy động mọi người dựng lên ngôi chùa và dân gian gọi là “chùa am” tên là Phổ Quang.

Ðược tin Thoại Ngọc Hầu mất ở phương Nam bấy giờ còn xa lạ với Hà thành, nhưng người dân ở đây cho lập linh vị Thoại Ngọc Hầu thờ trong Phổ Quang Am Tự.

Cho thấy tấm lòng của người dân đất Bắc đối với Nguyễn Văn Thoại là dường nào? Di tích Chùa Am Phổ Quang còn lại đến nay với bia ghi lịch sử chùa và lịch sử Thoại Ngọc Hầu. Một bia năm 1829 đời Minh Mạng và một năm 1908 đời Duy Tân.

Nguyễn Văn Thoại mất vào Tháng Mười, 1829, được Minh Mạng truy tặng hàm Ðô Ðốc Thoại Ngọc Hầu. Bia Vĩnh Tế Sơn có ghi: “Thần thụ mệnh vua, siêng năng kính cẩn,nhóm dân lập ấp, tùy xem địa thế... Vỗ về dân sự, mở mang thôn ấp, khai khẩn ruộng vườn, tuy trong muôn phần chưa thỏa mãn được một, nhưng đem nay mà sánh xưa thì đã khác lạ lắm.” (theo Nguyễn Văn Hầu, nữa tháng trong miền Thất Sơn).

Còn hai người nữa là Chưởng Cơ Nguyễn Văn Tuyên và Ðiều Bát Nguyễn Văn Tồn cũng đã góp sức cùng Nguyễn Văn Thoai trong công trình Vĩnh Tế, nhưng ít được nhắc tới và công luận không được biết!

- Nguyễn Văn Tuyên tên thật là Phạm Văn Tuyên (1763-1831), nguyên quán Thừa Thiên vào lánh cư tại Gia Ðịnh sau về tỉnh An Giang nên Sách Ðại Nam nhất thống chí liệt tên ông vào mục “An Giang nhân vật”.

Ông theo Nguyễn Ánh khi 25 tuổi, giỏi võ và có tài điều binh, sau nhiều năm xông pha trận địa, giữ nhiều chức vụ: Thần sách quân hỗ oai vệ Ùúy, Chấn võ quân nhất bảo vệ úy, đến năm 1802 được phong Khăm sai Chưởng Cơ, năm 1816 thăng Thống chế. Năm 1822 làm Trấn Thủ Biên Hòa rồi Trấn Thủ Ðịnh Tường, Trấn Thủ Vĩnh Thanh (Vĩnh Long). Do lập nhiều công trận nên được ban quốc tính đổi họ thành Nguyễn Văn Tuyên.

Lúc Thống Chế Nguyễn Văn Tuyên phụ trách cai quản biền binh thành Gia Ðịnh thì Tổng Trấn Lê Văn Duyệt được triệu về kinh nên ông được Gia Long cử lên thay thế.

Năm 1830 sau khi Nguyễn Văn Thoại lâm trọng bịnh mất, Nguyễn Văn Tuyên được sắc phong Bảo Hộ Cao Miện Quốc Ấn, kiêm trấn thủ Châu Ðốc đồn kiêm Hà Tiên trấn vụ thay cho Nguyễn Văn Thoại. Nên còn có tên là Bảo Hộ Tuyên.

Nguyễn Văn Tuyên mất năm 1831 thọ 68 tuổi được truy tặng Tuyên Ðức Hầu và được an táng tại An Giang, để lai một vợ và 4 con. Phần mộ ông nằm tại quê nhà làng Mỹ An tỉnh An Giang nay thuộc tỉnh Ðồng Tháp.

Ngày 15 Tháng Năm, 1971, do phần mộ nằm gần bờ sông bị lỡ nên gia đình dời đến nơi cạnh đền thờ, thuộc ấp Thái Bình Ninh gần đó. Tất cả kiến trúc lăng mộ được trùng tu khang trang nhưng giữ được nét cổ kính.

Ðến nay gia phả, sắc phjong, chiếu chỉ, công văn có dấu triện vua được gia đình bảo giữ. (Theo Nguyễn Hữu Nghiệp, Xưa và Nay Tháng Ba, 1997).

Mỗi năm vào ngày giỗ Tuyên Ðức Hầu Nguyễn Văn Tuyên, ngày 27,28 Tháng Năm Âm Lịch, dân chúng địa phương cùng nhiều du khách phương xa đến thấp nhang tưởng nhớ đến công nghiệp ông.

- Nguyễn Văn Tồn là thủ lãnh người Miên tên là Duồng theo chúa Nguyễn thuở ban đầu, lập nhiều công được lấy tên Việt. Năm 1781 theo phò Nguyễn Ánh sang Vọng Các. Khi Gia Long lên ngôi Tồn được cử theo đai binh sang bảo hộ Miên. Nguyễn Văn Tồn sau về nước tích cực huy động người Miên làm dân xâu phụ lực cùng Nguyễn Văn Thoại và Nguyễn Văn Tuyên đào kinh Vĩnh Tế. Khi Tồn mất, con là Nguyễn Văn Vị được tiếp tục trọng dụng, có lần ra Huế bái kiên vua.

***

Về thăm Châu Ðốc, ghé qua lăng mộ Thoại Ngọc Hầu ở Núi Sam, với hàng chục ngôi mộ cái cao cái thấp, bia lớn bia nhỏ khiến du khách phải ngậm ngùi.

Những ngôi mộ bằng đá ong, dẫu rêu phong, bia chữ không còn rõ nhưng vẫn cho ta thấy có sự khác biệt tôn ti, cấp bực của những con người nằm dưới huyệt.

Ngôi mộ lớn nhứt có bia ký là của Bảo Hộ Thoại, bên canh là mộ bà chánh thê Châu Thị Tế và bà vợ thứ Trương Thị Miệt. Mấy chục mộ còn lại là của gia nhân, thân tín luôn bên ông như thuở còn oanh liệt!

Tường bao, sân rộng có nhiều bực cùng với cảnh hoang trầm mặc như buồn cho thân phận Nguyễn Văn Thoại nào có khác thân phận Lê Văn Duyệt, Lê Chất, Nguyễn Văn Thành!

Bởi sau khi Nguyễn Văn Thoại mất rồi, có một người làm việc ở Tào Hình, tên Võ Du tố cáo rằng lúc sanh thời Thoại đã “nhiễu dân”. Năm 1832 Minh Mạng có sắc chiếu giáng Nguyễn Văn Thoại xuống hàng ngũ phẩm, tước quyền tập ấm của con và tài sản bị tịch bôi phát cho dân Miên!

Sau tuy vụ án được xét lại có ghi “lời tố cáo của Võ Du thất thiệt”, Du bị cách chức và bị đày đi Cam Lộ.

Nhưng Thoại Ngọc Hầu cũng đã bị làm nhục rồi!

“Giang Nam còn phủ kìa ai nhớ?

Mãn quốc đầu gành mấy đoạn đau!”

(Phan Bội Châu )

Thoại Ngọc Hầu, danh tướng có đặc tài quân sự, mưu lược, giỏi ngoại giao và kinh tế cả đời lo mở đất Phương Nam, tên tuổi Ông phải được ghi lại trong lịch với sự trân trọng.

“Non Sam muốn hỏi người xưa, Mây nước chạnh đau lòng hậu bối.

Thành trúc qua thăm dấu cũ, cỏ cây còn nhớ khách cao hiền.”

(Ðông Hồ )