Việc định hướng tương lai sẽ
giúp học sinh phát huy tối đa
khả năng và đạt được thành công
trong cuộc sống.


75,4% học sinh, sinh viên (HS, SV) Việt Nam mong muốn tiếp tục học lên cao và 23,2% mong muốn đi du học như một cách để chuẩn bị cho tương lai. Một số nhà sư phạm cho rằng, những con số này thể hiện thái độ ngại dấn thân vào đời của giới trẻ hiện nay trong khi ảnh hưởng của nhà trường và thầy cô tới giới trẻ còn hạn chế...

Thiếu khả năng hoạch định, ngại dấn thân vào đời

Nhận định trên được rút ra từ kết quả nghiên cứu "Nhận thức và thái độ của HS, SV về định hướng tương lai" do Viện Nghiên cứu giáo dục (ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh) điều tra trên 2.000 HS THPT và SV tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ. Theo đó, 86% HS, SV Việt Nam có nhiều ước mơ đẹp cho tương lai của mình, trong đó hơn 80% cho rằng, có thể thực hiện được những ước mơ và tin rằng tự mình quyết định tương lai đó. Tuy nhiên, các tác giả của đề tài nghiên cứu cũng cho rằng: Phần lớn HS, SV lại thiếu hẳn khả năng hoạch định tương lai, đặc biệt là kỹ năng mềm và thái độ dám dấn thân vào đời. Thay vào đó, 75,4% các em vẫn mong muốn tiếp tục học lên và 23,2% mong muốn đi du học như một cách để chuẩn bị hành trang cho cuộc sống sau này. Số bạn trẻ nghĩ tới việc sẽ đi làm sau khi học xong chỉ là 58%. Thực tế ấy đã ảnh hưởng không ít đến việc phát huy tiềm năng, định hướng nghề nghiệp và thực hiện ước mơ của các em.

Theo TS Nguyễn Kim Dung (Viện Nghiên cứu giáo dục), kết quả các khảo sát cũng cho thấy hầu hết HS, SV Việt Nam vẫn còn mơ hồ về hướng đi và mục tiêu phấn đấu của mình ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Điển hình là các em nhận thức chưa rõ ràng về những yêu cầu mà việc làm đòi hỏi; chỉ biết tập trung vào học các kiến thức chuyên môn, chưa coi trọng các kỹ năng mềm. Hơn 83% HS, SV cho biết, dự định tương lai của mình là học giỏi các môn học tại trường, hơn 90% cho rằng cần học giỏi ngoại ngữ, 86% thấy cần học vi tính, 83% theo dõi phương tiện thông tin đại chúng để trau dồi thông tin.

Chỉ chú trọng kỹ năng?

Theo TS Hồ Thiệu Hùng (Viện Nghiên cứu giáo dục), thực trạng nói trên bắt nguồn từ thực tế, trường học trang bị kiến thức cho học sinh thông qua khoảng 10 môn học và đánh giá năng lực bằng cách duy nhất là điểm số. Và thông thường, giáo viên và xã hội bao giờ cũng đánh giá cao khả năng của những học sinh học giỏi toán, văn. Thầy cô thường tiên đoán các em này có tương lai hơn, thành đạt hơn so với những em không giỏi các môn ấy. Điều này thường khiến giáo viên có sự đánh giá không công bằng với các em giỏi thể dục thể thao, nghệ thuật hay nhanh nhẹn trong ứng xử hoặc có "tài vặt" nào đó.

Trong khi đó, thực tế cho thấy, những học sinh xuất sắc về các môn học được coi trọng ấy thì sau này cũng thành đạt ở các cấp độ khác nhau trong nghiên cứu khoa học, trong giảng dạy. Nhưng đó chỉ là hai hoạt động trong xã hội muôn màu muôn vẻ. Một xã hội văn minh, một đất nước đòi hỏi có nhiều người thành đạt ở các cấp độ khác nhau trong mọi hoạt động, từ sản xuất đến kinh doanh, từ thể thao đến âm nhạc, từ báo chí đến nấu ăn, từ triết học đến quản lý xã hội… "Biết bao lĩnh vực đã có những người thành đạt, thậm chí rất thành đạt, song ta hãy để ý - những người này thời còn trên ghế nhà trường vốn là học sinh không thuộc loại xuất sắc", TS Hồ Thiệu Hùng lưu ý thêm và đặt vấn đề: "Điều này chứng tỏ trường học còn dạy thiếu một cái gì đó, cách đánh giá về trình độ học sinh còn có khiếm khuyết gì đó. Có thể đó là do mải trang bị năng lực mà chúng ta bỏ qua trang bị cho học sinh quyết tâm và cách tìm cơ hội".

Tư vấn của nhà trường : 2% coi là quan trọng

Việc giới trẻ thiếu hụt những kỹ năng mềm cần thiết, theo TS Nguyễn Kim Dung, có liên quan một phần đến thực tế mà các trường rất cần lưu ý: Chỉ có 1% HS, SV được hỏi coi sự tư vấn của nhà trường có ảnh hưởng quan trọng nhất tới hướng đi trong tương lai của mình. Tương tự, 2% cho rằng mình có ảnh hưởng lớn nhất từ các thầy cô giáo. Trước mắt, để trang bị cho HS, SV những kỹ năng mềm, giúp các em tự tin hơn để vững vàng trong cuộc sống, TS Nguyễn Kim Dung cho rằng, các em cần được tham gia nhiều hơn vào các hoạt động xã hội với vai trò cần được nâng lên của các tổ chức đoàn thanh niên, hội SV. Sự có mặt của các chuyên gia tâm lý, tư vấn để giúp HS, SV giải quyết những tình huống khó khăn, tư vấn các kỹ năng nghề nghiệp, định hướng tương lai trong nhà trường đã là một nhu cầu. Về lâu dài, chương trình giảng dạy và học tập hiện nay sẽ phải cải tiến cho phù hợp.

Qua tìm hiểu xem HS, SV nghĩ gì, TS Hồ Thiệu Hùng đưa ra một lời nhắn nhủ với giới trẻ: Tương lai của mình do chính mình quyết định, cơ hội là vô cùng quan trọng để một con người thành công trong cuộc đời nhưng cơ hội không tự nó đến mà người đó phải dám dấn thân đi tìm và có một quá trình rèn luyện tích cực, chuẩn bị lâu dài đó là điều kiện cần để tận dụng thời cơ…