Người mẹ khốn khó


Người mẹ khốn khổ Mai Thị Sáu -Ảnh: D.T.H.

TT - Dù đã 80 tuổi bà vẫn ngày ngày lặn lội kiếm gạo về nuôi đứa con bệnh tai biến đang nằm liệt giường. Trong thâm tâm, bà chỉ lo sợ một điều: lỡ không may bà ngã xuống thì không biết ai lo cho con.


Cuộc đời của bà là một chuỗi ngày khổ nhọc mưu sinh, và cũng là chuỗi ngày túc trực bên giường bệnh lo cho người chồng và ba đứa con bệnh tật, ròng rã suốt hơn 30 năm qua.

“Chỉ sợ tui ngã bệnh”

Đó là bà Mai Thị Sáu (ở khu vực 3, phường Ngã Bảy, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang). Căn nhà nhỏ của bà ở cặp mé sông Xẻo Vong. Trong gian buồng ẩm thấp tối tù mù, bà còng lưng ngồi quạt cho con. Nằm dài bên cạnh bà là anh Đặng Văn Hùng, người con thứ sáu của bà, nay đã 43 tuổi, gầy nhom chỉ còn da bọc xương.

Thỉnh thoảng anh trở mình rên khe khẽ, đưa tay run rẩy cố thò xuống lưng. Bà mẹ già lẩy bẩy đỡ lấy lưng con, xoa nhè nhẹ. Bà giải thích rằng dưới lưng anh có một mụt nhọt mưng mủ, ngứa ngáy rất khó chịu nên bà phải ngồi đó gãi lưng cho con. Khi anh thiu thiu ngủ, bà rón rén xuống giường lấy mấy bộ đồ dơ của anh ra sông giặt. “Đồ dơ” của người con gồm máu mủ, chất tiêu, tiểu vì anh nằm một chỗ trên giường. “Ngày nào bà cũng lau chùi, rửa ráy, dọn dẹp cho ảnh. Con cái chưa chắc ai lo cho cha mẹ được như vậy” - chị Mỹ Hương, hàng xóm, cho biết.

Bà già nên phải ra nhà thờ xin gạo về ăn. Rồi bà vô mấy chùa gần đó xin cơm về nuôi con. “Già rồi không còn bán vé số được nữa, tui đành phải đi xin - bà nói trong nước mắt - May ai cũng thương tình nên cho. Có gạo ăn là may phước lắm rồi. Chỉ sợ tui bị bệnh ngã xuống, không ai đi xin lo cho thằng nhỏ”. Số gạo ít ỏi đem về, bà phân ra nhiều bữa ăn trong dài ngày. Bà nấu cơm thật nhão, như cháo đặc: “để thằng nhỏ dễ nuốt mà cũng lâu hết gạo”. Hồi tuần rồi những nhà hảo tâm góp cho bà được 1,4 triệu đồng, bà mừng lắm, dùng tiền đó mua thuốc “pi” (kháng sinh) xức cho con đỡ ngứa.

Trò chuyện cùng chúng tôi, bà không nói về quãng đời cơ cực của mình mà chỉ lo lắng “thuốc gần hết rồi, không biết lấy gì xức cho thằng nhỏ”. Rồi bà lại vào trong nhà, thò tay xuống lưng anh nhè nhẹ gãi.

Chị Mỹ Hương chép miệng: “Người ta nói cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng thiệt y chang”.

Phận đời khổ ải


Bà Sáu bên người con liệt giường -Ảnh: D.T.H.


Năm 1996, lúc 31 tuổi, trong lúc đẩy xe bán bánh mì anh Hùng bị té, từ đó liệt một bên người. Ra viện, nhà nghèo, anh một tay chống nạng, một chân cà nhắc đi bán vé số. Tới tháng 6-2008, trong một lần đi bán anh vấp phải mô đất bị té lần nữa rồi liệt luôn. Vậy là từ đấy bà mẹ 80 tuổi lại bắt đầu nuôi con trai 43 tuổi như thời mới đẻ: tắm táp, rửa ráy, cho ăn cơm, uống nước...

Cuộc đời của bà là những chuỗi ngày cơ cực. Hồi mới có chồng trước năm 1975, bà tảo tần mua bán khắp đường phố Cầu Muối, Cầu Ông Lãnh ở Sài Gòn. Chồng bà làm cu li trong sân bay Tân Sơn Nhất, hai người lần lượt sinh bảy người con, rồi cả nhà lăn lóc sinh sống bên vệ đường.

Sau ngày giải phóng, ông bà đùm túm về quê ở Phụng Hiệp này (nay là thị xã Ngã Bảy), mua được miếng đất cặp mé sông cất căn nhà nhỏ xíu ở tới nay. Rồi bà nấu khoai, nướng bánh, đổ bánh chuối đem ra chợ bán. Ông (Đặng Văn Bảy) đi bán vé số, các con lớn phụ giúp cha mẹ, đứa bán bánh mì, đứa làm mướn cũng sống được qua ngày.

Nhưng rồi tai họa ập tới với bà từ năm 1982. Đứa con thứ năm của bà là Đặng Văn Giàu bỗng mắc bệnh trĩ, suốt ngày tiêu ra máu. Bà vay mượn tiền bạc khắp nơi chữa bệnh cho con. Nhưng sức nghèo lực kiệt, bà chỉ còn cách ngồi nhìn đứa con trai 23 tuổi lịm dần cho đến chết.

Mười năm sau, tai họa lại đến với bà lần nữa: ông Bảy đi bán vé số bị té, cứng đơ nửa người, nằm viện ba tháng. Về nhà, bà lại chăm sóc ông từng muỗng cơm, miếng nước. Vừa chăm ông, bà vừa đổ bánh đi bán, cứ vừa bán xong buổi chợ là bà lại tới phụ dọn các sạp thịt, hàng cá để xin thịt vụn, cá thừa cho bữa cơm có chất tươi. Ít khi bà ngủ trước 12 giờ đêm và luôn thức từ 4 giờ sáng.

Đang lúc ông chưa khỏi bệnh thì người con thứ hai của bà là anh Đặng Văn Sĩ phát bệnh điên. Lúc đó Sĩ 38 tuổi, có vợ ở riêng, hai vợ chồng bán xe hủ tiếu ở trong chợ Phụng Hiệp. Anh trúng số độc đắc 14 tấm, không biết vợ chồng ra sao mà vợ lãnh hết tiền rồi đi biền biệt. Anh phát điên từ đó.

Năm 1999, ông mất sau một thời gian nằm bệnh. Bà đi xin Hội Chữ thập đỏ cho cái hòm từ thiện chôn cất ông. Xong xuôi, bà ra bờ sông sau nhà, tính chuyện kết thúc bể khổ đời mình. Vừa lúc nghe tiếng rên khe khẽ của người con đang lên cơn, bà quay lại. Bà không đành lòng bỏ mặc con bơ vơ trên cõi đời khốn khổ. Vậy là bà ở lại, tiếp tục số phận khổ ải của mình.

80 tuổi, bà giờ một nách hai con, một người liệt giường và một người điên loạn. Dẫu bà có muốn hay không thì đường đời phía trước chẳng còn bao nhiêu. Bà canh cánh lo: mình với con mình chưa biết đèn nào tắt trước...

DƯƠNG THẾ HÙNG
(theo Tuổi trẻ on line)