Tâm tình mùa Húy Nhật lần 2.

Hịch Sớ VoViNam!

Kính dâng Anh Linh bậc Thầy của Võ Đạo Việt Nam.
Võ Sư Chưởng Môn Lê Sáng.

Than ôi!
Dòng nước chảy về đâu! Bóng thời gian như vó ngựa Câu Tiễn vẫn lướt nhanh qua khung cửa, để lại sau lưng... chút bụi mờ vương mắt cay cay!


Thầy ơi,
Con thường nghe: Kỷ Tín đem mình chết thay, cứu thoát cho Cao Ðế; Do Vu chìa lưng chịu giáo, che chở cho Chiêu Vương; Dự Nhượng nuốt than, báo thù cho chủ; Thân Khoái chặt tay để cứu nạn cho nước. Kính Ðức một chàng tuổi trẻ, thân phò Thái Tông thoát khỏi vòng vây Thái Sung; Cảo Khanh một bầy tôi xa, miệng mắng Lộc Sơn, không theo mưu kế nghịch tặc. Từ xưa các bậc trung thần nghĩa sĩ, bỏ mình vì nước, đời nào chẳng có? Ví thử mấy người đó cứ khư khư theo thói nhi nữ thường tình thì cũng đến chết hoài ở xó cửa, sao có thể lưu danh sử sách cùng trời đất muôn đời bất hủ được?

Thầy ơi,
Con thường nghe: Đạo Võ khai thông nền Sử Việt, từ thuở khai sinh cho đến nay dân tộc ta đâu thiếu kẻ anh hùng! Cho nên, Đạo có tu dưỡng mới nung đúc nên các bậc Thầy tốt. Thầy có phẩm chất mới dẩn dắt được lớp trò sau tiến sâu vào toà lâu đài Võ Đạo. Kỳ vọng chuyện tương lai, Thầy đã gắng sức sửa mình tiếp nối ân thiêng, cúc cung tận tụy rèn luyện lớp môn đệ hậu sinh, thực hiện cuộc Cách Mạng Tâm Thân và đem tình đồng đạo thiêng liêng ra gắn bó, đắp xây môn phái để phục vụ và giúp ích con người.

Thầy đã từng đi theo Sáng Tổ suốt vùng Việt Bắc, đồng lam cộng khổ, ngoài nghĩa Thầy Trò, Thầy còn được Sáng Tổ đối xử như anh em, hy sinh cả cuộc đời cho lý tưởng Thanh Niên Việt Võ Đạo và để lại một sự nghiệp to tát về sau.
Tiếc rằng, trong buổi giao thời Uy danh môn phái tuy được đời biết đến, toàn cầu mến mộ nhưng nội bộ lại manh nha chuyện phân hoá tranh giành. Nhưng phải chăng, đây chỉ là lỗi do „Gia đạo bất nghiêm“?!

Thầy ơi,
Một cá nhân không làm gì cả, dù giỏi đến đâu cũng chỉ làm được một phần công việc, cái chính là phải biết sử dụng năng lực là những người tài năng chung quanh... Chính Thầy cũng nhận ra điều đó và đã ghi lại trong hồi ký... Ngoài ra: Việc nhân-nghĩa cốt ở yên dân, quân điếu phạt chỉ vì khử bạo. Như nước Việt từ trước, vốn xưng văn-hiến đã lâu. Sơn-hà cương-vực đã chia, phong-tục bắc nam cũng khác. Từ Đinh, Lê, Lý, Trần, gây nền độc-lập; cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, hùng-cứ một phương. Dẫu cường nhược có lúc khác nhau, song hào-kiệt đời nào cũng có. (Trích Bình Ngô Đại Cáo.)



Thầy ơi,
Cả một đời hy sinh cho lý tưởng, thiết nghĩ, nếu không ghi nhắc lại thì cũng thiếu xót dường bao. Nhất là các thế hệ đời sau vốn không biết chuyện hoặc không hiểu văn nghĩa, nghe những chuyện ấy nửa tin nửa ngờ. Thôi việc đời trước hẵng tạm không bàn. Nay con lấy chuyện Tống, Nguyên mà nói: Vương Công Kiên là người thế nào? Nguyễn Văn Lập, tỳ tướng của ông lại là người thế nào? Vậy mà đem thành Ðiếu Ngư nhỏ tày cái đấu đương đầu với quân Mông Kha đường đường trăm vạn, khiến cho sinh linh nhà Tống đến nay còn đội ơn sâu! Cốt Ðãi Ngột Lang là người thế nào? Xích Tu Tư tỳ tướng của ông lại là người thế nào? Vậy mà xông vào chốn lam chướng xa xôi muôn dặm đánh quỵ quân Nam Chiếu trong khoảng vài tuần, khiến cho quân trưởng người Thát đến nay còn lưu tiếng tốt!
Huống chi, Thầy ta sinh ra phải thời loạn lạc, lớn lên gặp buổi giao thời, chỉ vì thân mang trọng trách... nào phải tội tình gì... mà phải bị biệt giam 13 năm... trời sầu, đất thảm. Lại phải chung đụng với kẻ Tà Đạo đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn tấc lưỡi cú diều mà lăng nhục môn qui; đem tấm thân đê tiện mà khinh rẻ tổ phụ. Ỷ mệnh của kẻ mạnh mà lấn lướt quyền hành, đặt để, vẽ bày, lạm dụng danh nghĩa, chia bè, kết nhóm, cải sửa nội qui, thay đổi điều lệ... Đúng là cảnh „Thời Suy thì Quỉ lộng“, thật đau đớn cho Thầy biết là nhường bao!
Nhớ khi xưa, học trò không có mặc thì Thầy ta cho áo, không có ăn thì Thầy ta cho cơm. Đai đẳng thấp thì Thầy ta ban cấp, lộc thấp thì Thầy ta tiếp lương. Đi đường xa giữa thời ly loạn thì Thầy ta cấp giấy. Đói no thì cùng nhau chia xẽ, nhàn hạ thì cùng nhau vui cười. So với Công Kiên đãi kẻ tỳ tướng, Ngột Lang đãi người phụ tá, nào có kém gì?


Thế mà ngày nay ít người nghĩ đến, xem nhẹ tình nghĩa tình Thầy trò, Huynh đệ chỉ vì vị trí, vai trò, thậm chí có kẻ còn ngồi nhìn Sư Môn đang biến chất phân rả mà không biết lo; thân chịu quốc sỉ mà không biết thẹn. Làm theo chỉ thị mà không biết tức; nghe lời dụ dỗ, đường mật mà không biết căm. Có kẻ lấy việc sát phạt làm vui; có kẻ lấy việc đoạt giải làm thích, có kẻ đi chấm thi làm kế sinh nhai, Có kẻ chăm lo địa vị để cung phụng gia đình; có kẻ đem chia chác cho vợ con để thỏa lòng vị kỷ. Có kẻ tính đường sản nghiệp mà quên việc nước; có kẻ ham trò tiêu khiển mà quên mất tác phong. Có kẻ thích rượu ngon; có kẻ mê giọng nhảm... Nếu bất chợt có kẻ bất lương xâm nhập vào nhà cố tình phá hoại Sư Môn thì không biết có còn dám đem chút sức lực thừa ra để cản ngăn hay còn có chút đảm lược nào để mà chống chọi hay không?! Chén rượu ngon không làm chùn tay kẻ ác, chút võ biền tranh giải không đủ để phòng thân. Lúc bấy giờ có hối hận thì cũng đã muộn, đau xót biết chừng nào! Chẳng những Sư Môn lúc đó không còn bổng lộc mà các ngươi cũng bị trắng tay; chẳng những tổ đường bị dẹp mà các ngươi cũng không còn có đất dung thân; chẳng những xã tắc tổ tông bị nhục đến trăm năm sau tiếng nhơ khôn rửa, tên xấu còn lưu, mà gia thanh các ngươi cũng không khỏi mang danh là kẻ bại đồ. Lúc bấy giờ, dẫu các ngươi muốn vui chơi thỏa thích, phỏng có được chăng?
Nay ta bảo thật các ngươi: nên lấy việc đặt mồi lửa dưới đống củi nỏ làm nguy; nên lấy điều kiềng canh nóng mà thổi rau nguội làm sợ. Phải năng rèn, năng luyện, Võ Thuật phải đi đôi với Võ Đạo, Đức Dũng phải đi đôi với Lòng Nhân...Quan Niệm Dụng Võ, Đức Xả Kỉ, Tinh Thần Việt Võ Đạo, Tinh Thần Võ Đạo... phải được đề cao. Phải luyện cả tinh thần lẫn thể xác, ý thức, trách nhiệm để không hổ với lịch sử dân tộc. Phải là những Việt Võ Sĩ sống hiên ngang, chính trực, phóng khoáng, hào hiệp và thượng võ, nhìn thẳng tiến bước, không ngại vấp ngã, khắc phục nhược điểm, hóa giải tị hiềm, dung hòa sai biệt, và nhất là tuyệt đối không kiêu căng tự phụ... Như thế còn có cơ may phục hồi lại được danh dự cho dân tộc, nêu cao chính nghĩa, chính danh cho môn phái. Được vậy, chẳng những Sư Môn mãi mãi vững bền mà bổng lộc các ngươi cũng suốt đời tận hưởng; chẳng những Thầy trò huynh đệ trong ấm ngoài êm, mà vợ con các ngươi cũng trăm tuổi sum vầy; chẳng những Thầy ta được hương khói nghìn thu mà tổ tiên các ngươi cũng được bốn mùa thờ cúng; chẳng những chí trai kiếp này thỏa chí, mà đến các ngươi, trăm đời sau còn để tiếng thơm; chẳng những thụy hiệu môn phái không hề mai một, mà tên họ các ngươi cũng sử sách lưu truyền. Lúc bấy giờ, dẫu các ngươi không muốn vui chơi, phỏng có được không?
Nay ta nhắc lại những bài giảng huấn của Thầy ta về Quan Niệm Hành Xử, Quan Niệm Dụng Võ, Tinh Thần Việt Võ Đạo, Tinh Thần Võ Đạo... . để các ngươi tự sửa mình tu dưỡng. Nếu các ngươi biết chuyên cần học hỏi thì sẽ trở thành những con người hữu dụng cho nhân quần và xã hội, còn nếu không thì cũng chỉ là những phường vá áo túi cơm mà thôi.
Vì sao vậy? Giặc Tà Đạo với ta là kẻ thù không đội trời chung, mà các ngươi cứ điềm nhiên không muốn rửa nhục, không lo trừ hung, lại không làm sáng tỏ môn qui, chẳng khác nào quay mũi giáo mà xin đầu hàng, giơ tay không mà chịu thua giặc. Nếu vậy, rồi đây, sau khi dẹp yên Tà Đạo, để thẹn muôn đời, há còn mặt mũi nào đứng trong cõi trời che đất chở này nữa?

Thầy ơi,
Nay con xin viết bài hịch sớ nầy để mọi người hiểu rõ bụng con!

Bá cáo hà nhĩ,
Hàm sử văn tri.


Hải Ngoại Trời Âu, ngày 29 tháng 09 năm 2012
Môn Sinh Trung Trường