GIÁ TRỊ NHÂN SINH CỦA VOVINAM VIỆT VÕ ÐẠO


Vovinam Việt Võ đạo là một môn phái võ học, được đúc kết và ra đời vào năm 1938 tại Hà Nội do cố võ sư Nguyễn Lộc (1912 - 1960) sáng lập. Sau đó trải qua thời gian phát triển và quảng bá. Cùng với các môn đệ tâm huyết, đường lối mới được tô bồi, vun đắp và hình thành nên một môn phái võ đạo khác với các môn phái võ đã có lúc bấy giờ trên khắp thế giới.

Ngoài một nền tảng võ học được thừa hưởng của dân tộc, đó là võ vật và võ cổ truyền Việt Nam, Vovinam Việt Võ Ðạo đã tổng hợp chọn lọc, thái dụng tất cả những kỹ thuật các môn võ đã có trên thế giới để hình thành riêng cho mình một bản sắc riêng, vừa mang bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Việt nói riêng và của văn hóa phương Ðông nói chung.

Giá trị văn hóa truyền thống có ý nghĩa tích cực nhất, mang tính hiện đại hóa có nghĩa là tự nó đã có giá trị nhân sinh.

Khác với một số người có quan niệm rằng, võ học hoàn toàn biệt lập với văn hóa. Nhưng như chúng ta đã nhận thấy điều nầy hoàn toàn ngược lại, võ học không những là một bộ môn văn hoá, góp phần không nhỏ vào việc xây dựng, bảo vệ và phát triển đời sống xã hội, mà ngay trong bản thể của võ học đã mang rất nhiều đặc tính văn hoá.

Nói đến văn hóa là nói đến sự kết tinh của những sáng tạo, những giá trị cao đẹp của đời sống một dân tộc, một xã hội được hun đúc qua các thế hệ biến thành giá trị truyền thống bền vững và là động lực phát triển của con người, của dân tộc của xã hội loài người. Văn hóa tự bản thân nó phải được quan niệm như một quá trình nuôi dưỡng các giá trị.

Nói đến giá trị văn hóa truyền thống là nói đến những phức hợp về tư tưởng, tình cảm, những tập quán, thói quen, những phong tục, lối sống, cách ứng xử...mang tính tích cực, nghĩa là tiêu biểu cho cái đúng, cái đẹp, cái hay, cái tốt, có khả năng thôi thúc con người, xã hội, nổ lực vươn tới cái Chân - Thiện - Mỹ.

Cũng như văn hóa, mục đích của võ học là phục vụ cho con người, nó khai thác, phát huy và nuôi dưỡng những khát vọng, những điều tốt đẹp nơi con người.

Vovinam Việt Võ Ðạo là một sản phẩm của xã hội, được hình thành do nhu cầu cuộc sống. Vì vậy đối tượng nghiên cứu vủa Vovinam Việt võ đạo tối hậu vẫn là con người.

Vovinam Việt Võ Ðạo là một di sản văn hóa quý báu của dân tộc Việt, tiêu biểu cho một nền văn hóa truyền thống của dân tộc, đó là: Về võ thuật, Vovinam Việt Võ Ðạo chủ trương con người phải mạnh cả về thể chất lẫn tâm thân nên chuyên chú rèn luyện cho người môn sinh có được một thân thể khoẻ mạnh, sức chịu đựng dẻo dai, nhanh nhẹn, tháo vát, đáp ứng được mọi khía cạnh nhu cầu của cuộc sống, nhất là có đủ khả năng tự vệ hữu hiệu, góp phần trong cuộc đấu tranh bảo vệ xóm làng, đất nước theo truyền thống của dân tộc.

Về võ đạo, Vovinam Việt Võ Ðạo chú tâm giáo dục cho người môn sinh có một tinh thần yêu nước, yêu dân tộc, biết nêu cao tính đoàn kết, biết quý trong truyền thống gia đình, truyền thống tôn sư trọng đạo, yêu trẻ, kính già, biết vị tha, bao dung, hiếu học, luôn có tinh thần cầu tiến, biết ứng xử linh hoạt, thích nghi nhanh và dễ dàng hội nhập để tồn tại và phát triển.

Trong chiều hướng phát triển của xã hội loài người, Vovinam Việt Võ Ðạo cũng luôn vận động, hội nhập, tổng hòa các nền văn hóa trên thế giới để phát triển.

Trong quá trình giao tiếp tất yếu sẽ có tiếp thụ nào đó của một nền văn hóa khác tiến bộ hơn, nhưng sự tiếp thụ nầy không bị lệ thuộc, đánh mất mình mà chỉ để làm giàu thêm nền văn hóa của dân tộc mình.

Tính dân tộc của mỗi nền văn hóa được biểu hiện như một chỉnh thế các yếu tố cấu kết với nhau thông qua các hoạt động giao tiếp, mỗi nền văn hóa đều có cốt cách dân tộc, tính đặc thù riêng, sự phụ thuộc lẫn nhau, sự chọn lọc tổng hòa giữa các nền văn hóa khác nhau trong thời đại hiện nay là một điều tất yếu, song sự phụ thuộc, sự chọn lọc, tổng hòa này phải xuất phát từ giá trị một nền văn hóa truyền thống dân tộc đã được khẳng định.

Cũng vì vậy võ học Vovinam Việt Võ Ðạo vừa mang tính nghệ thuật đỉnh cao của các xu thế hiện đại trên thế giới, lại vừa mang tính đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Việt.

Võ học Vovinam Việt Võ Ðạo không chỉ là phương tiện để rèn luyện thể chất, để tự vệ mà còn là một hoạt động thể thao để biểu diễn thi đấu trong giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trên thế giới, đồng thời cũng để giáo dục đạo đức, giáo dục con người sống có nếp sống văn minh, lành mạnh và cũng là phương tiện luyện tập để chữa bệnh, kéo dài tuổi thọ.

Ðó chính là giá trị nhân sinh mạng tính tích cực nhất của Vovinam Việt Võ Ðạo, chính nhờ những tính chất ấy mà Vovinam Việt Võ Ðạo đã được phổ biến sâu rộng trên thế giới. Chính điều nầy là sự bảo trọng và đưa dân tộc mình sát cánh.

Võ Sư Nguyễn Quý
Thân tặng võ sư Huỳnh Hữu Quý - Vương quốc Bỉ